Valentina Serova, nàng thơ của “Đợi anh về”: Hồng nhan một kiếp

Thứ Ba, 27/05/2014, 10:40
Nữ diễn viên lẫy lừng một thuở của màn ảnh Xôviết, Valentina Serova, cũng từng là người vợ, nàng thơ gợi cảm hứng cho Konstantin Simonov viết lên khúc tuyệt tình ca “Đợi anh về” nổi tiếng thế giới. Cuộc đời mỹ nhân đã bắt đầu lộng lẫy và rực rỡ, nhưng lại kết thúc đầy bi thảm...

Valentina sinh năm 1917 trong một gia đình nghệ sĩ. Mẹ của mỹ nhân, bà Claudia Polovikova, cũng từng là một nữ diễn viên nổi tiếng có nhan sắc chim sa cá lặn. Thật dị thường nhưng sự thật là hai mẹ con lại không mấy hợp nhau, thậm chí còn có ác cảm với nhau nữa... Người con gái luôn viết từ “mẹ” trong ngoặc kép. Còn người mẹ thì đã không chỉ một lần kiện con gái ra tòa  và không những thế, còn công khai ghen tị với Valentina. Lớn lên trong hoàn cảnh đó nên cô con gái đã sớm muốn thoát khỏi “địa ngục gia đình” và khi mới 14 tuổi, đã khai tăng thêm hai tuổi để thi vào trường trung cấp sân khấu. Và chỉ một năm sau đó đã có cơ hội lên sàn diễn.

Năm 17 tuổi, Valentina đã tham gia đóng phim Chàng trai nghiêm khắc. Đó chỉ là một vai nhỏ thôi nhưng được diễn xuất rất tuyệt vời. Và tất cả đều hiểu rằng, một ngôi sao mới đã xuất hiện. Năm Valentina 19 tuổi, cô đã lọt vào mắt xanh của phi công nổi tiếng, anh hùng từ cuộc chiến tranh Tây Ban Nha, Anatoli Serov.  Hai người lần đầu gặp nhau trong một dạ hội. Đại tá độc thân Anatoli Serov mang tới một đĩa hát thời thượng khi đó, với những khúc tango mới xuất hiện. Anh mời cô khiêu vũ. Anh nhảy rất tuyệt, còn cô cứ ngượng ngùng nhìn xuống sàn nhà. Rồi khi ngước mắt lên nhìn anh, cô hiểu ngay là mình đã bị “đốn ngã”. Một tuần sau, hai người làm đám cưới... Valentina đã mang họ Serova từ đó. Một lần đến cuối đời, dù đã phải trải qua nhiều vận hạn...

Đã có nhiều giai thoại về tình yêu mà người phi công dành cho cô vợ mỹ nhân. Khi phi đội do Anatoli chỉ huy bay giữa không trung, anh lái phi cơ lượn thành chữ “Valia” (cách gọi âu yếm, thân mật cái tên  Valentina) và “anh yêu”, còn các phi công đồng đội của anh thì thả hoa xuống ngôi nhà mà Valentina đang ở... Khi vợ đi du diễn ở Leningrad (nay là Saint Peterburg), người chồng tiễn vợ lên tàu hỏa ở Moskva rồi tới phi trường bay xuống “kinh đô phương Bắc” để sáng hôm sau lại đón vợ ở ga tàu Leningrad với một bó hoa thực to...  Nhiều lần, anh còn rời khỏi cuộc tập bay để về gặp vợ trong vài ba phút rồi lại lên đường làm nhiệm vụ.

Konstantin Simonov và Valentina Serova khi còn hương nồng lửa đượm...

Cặp vợ chồng danh giá đã được cấp một căn hộ năm phòng lộng lẫy ở ngay trung tâm thủ đô Moskva. Rồi Serov được phong danh hiệu Anh hùng Liên bang Xôviết. Còn người vợ tham gia phim Cô gái cá tính rất được khán giả đón nhận. Nhiều người hâm mộ mỹ nhân... Gia đình tràn trề hạnh phúc...

Thế nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang. Ngày 11/5/1939, đúng dịp kỷ niệm ngày cưới, Anatoli Serov bất ngờ tử nạn trong một vụ thử máy bay mới. Anh đã được mai táng trên Quảng trường Đỏ ở Moskva trong nghi lễ trang trọng. Đích thân lãnh tụ Stalin đã có mặt trong lễ tang.

Bốn tháng sau đó, Valentina Serova sinh hạ đứa con đầu lòng của họ và đặt tên con cũng là Anatoli để tưởng nhớ người chồng quá cố...

Là nữ diễn viên nổi tiếng, Valentina thường xuyên được mời tham dự các buổi tiệc ở cấp chính phủ. Chỗ của chị là ở cạnh lãnh tụ Stalin. Và cạnh người vợ góa của phi công huyền thoại Valeri Chkalov... Chị đổi căn hộ năm phòng sang trọng lấy một căn hộ hai phòng. Đơn giản là chị không thể tiếp tục sống ở nơi mà chị đã có được hạnh phúc vô bờ bến với người chồng anh hùng. Để nguôi ngoai thương nhớ và đau đớn, Valentina đã vùi đầu vào công việc. Chị nhận nhiều vai diễn trong nhà hát cũng như trên màn ảnh...

Và rồi trong đời chị đã xuất hiện một gương mặt mới, nhà văn quân đội trẻ trung và đầy tiềm năng Konstantin Simonov. Lần đầu tiên anh nhìn thấy chị là ở trong vở diễn Gia đình Zykov. Và ngay lập tức người đàn ông đã có vợ và một con trai này cảm thấy mình không thể nào sống thiếu được “mỹ nhân định mệnh”, cũng giống như trước kia anh phi công Serov đã cảm thấy. Simonov bắt đầu tới xem tất cả những vở kịch có sự tham gia của Valentina, ngồi ngay ở hàng ghế đầu cho tới hết buổi diễn với một bó hoa to trên tay và xem như muốn nuốt chửng người đẹp. Thậm chí Simonov còn tranh thủ viết vội được một kịch bản với vai chính dành riêng cho chị... Và anh làm rất nhiều thơ tặng chị. Thậm chí còn chấp nhận li dị người vợ đầu đang bế đứa con trai bé bỏng trên tay để gây dựng hạnh phúc mới.

Thế nhưng, một mặt không chối từ những thịnh tình mà Simonov dành cho mình, nhưng Valentina vẫn cảm thấy trong lòng bàng quan thế nào ấy khi nghĩ về người đang mê đắm mình. Tuy nhiên, nước chảy đá mòn. Rồi Simonov cũng nhận được mẩu giấy: “Gọi điện cho tôi. Serova”... Và thế là bắt đầu cuộc tình mà cả nước đều nín thở quan sát. Simonov là một người đàn ông phong độ mã thượng, trí thức, thông minh, đàng hoàng, một tác giả rất được lãnh tụ Stalin ưa chuộng, một nhà thơ có nhiều công chúng hâm mộ... Nhưng anh cũng bắt buộc phải hiểu rằng, Valentina không hẳn đã mê anh... Chị có thể trao cho anh tận cùng thể xác nhưng trong tâm hồn vẫn luôn tồn tại một khoảng trống vắng...

Trong tình huống trớ trêu đó, Simonov cứ nghĩ rằng, chỉ cần tình yêu của riêng anh thôi cũng đủ cho cả hai người. Chính ở giai đoạn đó, anh đã viết được những bài thơ trữ tình xuất sắc nhất, tất cả đều tặng cho Valentina. Khi cuộc chiến tranh Vệ quốc bùng nổ tháng 6/1941, mùa đông năm đó, Simonov trong nỗi nhớ thương và đau đáu về người đàn bà tuyệt vời và trắc trở nhất của đời mình, đã viết được khúc tuyệt tình ca bất hủ Đợi anh về. Một năm sau nữa, Simonov hoàn thành tập sách Cùng em và thiếu em gồm toàn những bài thơ đề “Tặng Valentina Serova”.

Từ chiến trường, Simonov liên tục viết thơ và thư gửi về hậu phương cho Valentina. Gần như là hàng ngày. Trong thư, có lần anh viết: “Chúng ta có thể mang cho nhau thật nhiều hạnh phúc khi chúng ta ôm ghì lấy nhau, khi chúng ta ở bên nhau, khi em là của anh... Chao ôi, anh nhớ em biết chừng nào và anh phải xót xa và vui sướng đến đâu khi nhớ tới thân thể em... Anh muốn ghì em trong tay và ve vuốt đến đau nhói, đến hạnh phúc, đến tận cùng... Em là điều mong ước nhất của anh, điều cần thiết nhất của anh, tới buốt cả hàm răng... Anh luôn mang trong túi lá thư của em, nó làm anh xúc động và bực bội vì bây giờ anh đang bất lực không thể vội vã và thô bạo như vẫn thường thế, trở về từ xa ôm lấy em vào lòng tới nghẹt thở, đầy hạnh phúc và thèm khát, và làm với em mọi điều mà anh muốn...”.

Năm 1943 xuất hiện phim Đợi anh về do chính Simonov viết kịch bản và Valentina Serova trong vai nữ chính. Đó là bộ phim về lòng chung thủy, về tình yêu vượt mọi thử thách chiến tranh. Tuy nhiên, trong đời thực, mọi sự lại không hề như thế. Và hình tượng điện ảnh mà Valentina thể hiện hoàn toàn khác với tâm tính thật của mỹ nhân. Chị đã rất muốn yêu Simonov nhưng đã không thể thực lòng làm như thế. Rồi một tình yêu lớn, đích thực, đã đến với đời chị như tia chớp. Chị đã yêu như chưa bao giờ được yêu ai cả. Lúc đó vẫn đang thời chiến. Chị được mời tới biểu diễn ở một quân y viện ngay tại Moskva, nơi dành riêng cho các cấp chỉ huy và dành riêng cho một bệnh binh duy nhất. Chị bước vào buồng bệnh và nhìn thấy một người đàn ông gầy rộc nhưng rất nam tính với đôi mắt xanh nhìn như xuyên thấu tim người. Chị đã hát, đọc thơ rồi trò chuyện với vị khán giả đặc biệt đó rất lâu.

Đấy chính là vị Nguyên soái tương lai Konstantin Rokossovsky. Valentina đã lao đầu vào cuộc tình mới như một thiếu nữ mới lớn. Chị đã thú nhận với Simonov mọi sự. Và sẵn sàng bỏ nhà văn, bỏ biểu diễn để đi theo tiếng gọi ái tình mới. Thiên hạ đồn rằng, tướng quân Rokossovsky cũng đã rất thích Valentina nhưng khác với nữ nghệ sĩ, ông không hề đánh mất sự tỉnh táo. Lúc đó ông đang có vợ và một cô con gái... Cuộc tình mới ngay từ đầu đã lâm vào bế tắc. Simonov yêu Valentina đến mức sẵn sàng tha thứ cho chị mọi sự “say nắng”... Chính vì thế nên tới năm 1943, lần đầu tiên trong suốt mối quan hệ gần gũi khá dài giữa hai người, Valentina Serova đồng ý  nhận lời cầu hôn của Simonov, có điều, khác với thông lệ, chị không đổi họ theo người chồng mới mà vẫn giữ nguyên họ của người chồng đầu... Tuy nhiên, trong quan hệ giữa hai người vẫn luôn tồn tại một khoảng cách kỳ lạ.

Nữ diễn viên Rimma Markova nhớ lại: “Một lần chúng tôi đến chơi nhà Simonov và Serova. Thang máy chật nên Simonov phải đi cầu thang bộ. Tới bất cứ tầng nào, anh ấy đều lại gần thang máy và cầu khẩn: “Valia, em hãy nói là yêu anh đi!”. Nhưng Serova luôn luôn từ chối: “Không - bao - giờ!” Cứ thế qua mọi tầng... Khi vào căn hộ rộng mênh mông của họ, Serova đã đá tung giày một cách đầy ấn tượng và nằm ngay xuống đi-văng. Và Simonov đã lấy giấy ăn thấm nước lạnh rồi dịu dàng đặt lên gương mặt của chị. Và bắt đầu đọc thơ...”.

Valentina Serova đã trở thành vợ của nhà thơ số một quốc gia, một quan chức Hội Nhà văn nên cuộc sống càng ngày càng xuất hiện nhiều điều phú quý. Thế nhưng, mọi hào nhoáng vinh hoa đều không xóa nổi trong lòng nữ nghệ sĩ tình yêu từng dành cho danh tướng Rokossovsky... Và điều này dần dà trở thành nguyên do khiến cuộc hôn nhân lẽ ra là mẫu mực giữa chị với nhà văn trở nên trục trặc... Ngay cả cô con gái Masha sinh ra ngày 11/5/1950 cũng không cứu vãn nổi tình thế. Valentina lâm vào cảnh nghiện rượu. Công việc biểu diễn của chị vì thế cũng xuống dốc... Rốt cuộc, chính Simonov cũng cảm thấy không thể tiếp tục mang trên vai cây thánh giá tình yêu đã trở thành gánh nặng.

Năm 1956, Simonov bỏ Valentin Serova để đi với một người phụ nữ khác, Larisa Zhagova. Đó là con gái một vị tướng, vợ góa của một người bạn chiến trường, nhà thơ Semen Gudzenko... Trong tất cả những lần tái bản thơ từ đó, Simonov đã xóa hết những lời đề tặng Valentina Serova, chỉ để nguyên trong bài Đợi anh về dòng viết tắt “Tặng V.S”...  Và từ đó, ông cũng thôi không viết thơ tình nữa...

Valentina Serova qua đời ngày 11/12/1975 ở tuổi 58, trong cảnh bần hàn và nghiện ngập. Simonov khi đó đang đi nghỉ ở Kislovodsk nên không về đưa tiễn người vợ cũ tới nơi an nghỉ cuối cùng. Nhà văn chỉ gửi về một bó hồng đỏ 58 bông...

Bốn năm sau, Simonov cũng từ biệt cõi trần. Trước khi mất không lâu, ông gọi cô con gái Masha tới và mang theo những lá thư mà ông từng viết gửi mẹ cô trước kia. Và ông đã đốt hết những lá thư đó...

Huyền Anh
.
.