Trong cuộc chạy đua vào nhà trắng ở Mỹ:

Ứng cử viên Đảng Cộng hòa John Mccain

Thứ Tư, 19/03/2008, 11:00
Cuộc vận động tranh cử vào ghế Tổng thống Mỹ vẫn đang trong giai đoạn ẩn chứa nhiều ẩn số. Tuy nhiên, có thể nói chắc một điều, về phía đảng Cộng hòa, người có khả năng lớn nhất để trở thành ứng cử viên cao tuổi hơn cả chính là thượng nghị sĩ John McCain, một cựu binh trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Đây là một chính trị gia có cách hành xử không phải lúc nào cũng bình thường nhưng do thời vận của nước Mỹ, lại đang được những cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa tín nhiệm nhất sau khi vượt lên trên tất cả những tay đua cứng cựa khác. Nếu đắc cử, ông McCain (năm nay 72 tuổi) sẽ trở thành  người cao niên nhất khi bắt đầu bước vào Nhà Trắng.

Người đàn ông bướng bỉnh

Thượng nghị sĩ John McCain sinh ngày 29/8/1936 tại căn cứ hải quân Mỹ Coco Solo ở khu vực kênh đào Panama trong một gia đình quân nhân nòi. Theo truyền thống, tất cả con trai trong dòng họ McCain đều có tên là John. Ông nội từng là Đô đốc bốn sao, tác giả của ý tưởng thành lập những nhóm hàng không mẫu hạm và từng là Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ.

Vị đô đốc này từng có mặt trong lễ Nhật hoàng ký đầu hàng quân Đồng minh năm 1945 và đã qua đời sau sự kiện đó ba ngày. Cha của thượng nghị sĩ McCain là lính tàu ngầm, cũng lên được chức Đô đốc và cũng từng là Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương…

Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé John đã tỏ ra có bầu máu nóng. Những lần thường xuyên luân chuyển trường học (cậu bé phải học ở 20 trường khác nhau) cũng như những chuyến đi dài ngày của người cha đã không giúp được cho ông con có được một học vấn phổ thông ổn định.

Bù lại, John lại rất giỏi đấm boxing. Hay gây gổ nên John không được bạn bè ưa lắm. Cho tới khi trở thành học viên của Học viện Hải quân ở Annapolis dưới sức ép của gia đình, tính tình của McCain vẫn không mấy thay đổi. Chàng trai "con nhà" này rất bướng bỉnh, thường xuyên lời qua tiếng lại với cả cấp trên, yêu đương nhăng nhít, ham rượu và vì thế hay bị kỷ luật ở những mức độ khác nhau.

Việc học tập thì chưa bao giờ là mối quan tâm chính của học viên McCain nên điểm mà chàng trai nhận được thường không cao, dẫu John cũng thích thú với môn lịch sử, văn học Anh và lý thuyết quản lý… Cuối khóa học, học viên McCain chỉ được xếp thứ 5 từ dưới lên về thành tích học tập.

Tuy nhiên, khi McCain ngồi vào buồng lái máy bay ném bom của Hải quân A-1 Skyraider thì tất cả đều hiểu ra: đó mới là việc hợp với người đàn ông hung hăng này. Có lần, phi công McCain đã bay táo tợn đến mức làm đứt cả đường dây điện cao thế ở Tây Ban Nha.

Năm 1962, McCain từng trải qua cuộc khủng hoảng ở vịnh Caribbe khi phục vụ trên hàng không mẫu hạm Enterprise. Năm 1967, phi công Mccain đã hút chết khi hàng không mẫu hạm Forrestal bị cháy (từ tàu sân bay này, các phi công Mỹ đã cất cánh để lái máy bay ném bom miền Bắc Việt Nam). Sau vụ này, hàng không mẫu hạm Forrestal phải vào xưởng đại tu, còn McCain được chuyển sang hàng không mẫu hạm Oriscany.

Cho tới tháng 10/1967, McCain đã tham gia chiến tranh đánh phá miền Bắc nước ta và tới ngày 26/10 năm đó, đã bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Những ngày tháng ở "Hilton Hà Nội" đã khiến McCain phải hiểu ra nhiều vấn đề; về sau, ông viết: "Ai cũng có giới hạn và tôi đã đạt tới giới hạn của mình". Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, McCain được trở về Mỹ. Và rời khỏi quân ngũ...

Cũng ở thời điểm đó, McCain ly dị người vợ đầu Carol Shepp, một người mẫu xuất thân từ Pelsyvania. Về sau, người chồng cũ nhận về mình mọi trách nhiệm vì sự tan vỡ của cuộc hôn nhân đó. McCain cho rằng, lúc đó ông đã ích kỷ và chưa đủ trưởng thành. Tuy chia tay nhưng ông vẫn nhận thanh toán cho vợ cũ mọi chi phí y tế (năm 1969, khi McCain bị bắt làm tù binh, vợ ông ta đã gặp tai nạn xe hơi nặng).

Người vợ sau của McCain là cựu hoa hậu bang Arizona, Cindy Lou Henesley, trẻ hơn ông 18 tuổi, người thừa kế gia sản  nhiều triệu USD của một vua bia. Hai người gặp nhau năm 1979 tại một bữa tiệc của giới quân sự ở Honolulu. Lửa tình đã cháy trước khi McCain kịp hoàn thành thủ tục ly dị vợ đầu tiên (vì chuyện này mà về sau, không ít đối thủ chính trị của McCain thỉnh thoảng lại "xát muối" vào vết thương lòng của ông).

Lấy vợ mới rồi, với sự trợ giúp của họ hàng bên vợ, McCain bắt đầu tích cực hoạt động chính trị. Năm 1981, McCain được bầu vào hạ viện, còn từ năm 1986, là thượng nghị sĩ từ bang Arizona. Giờ đây tại bang Arizona, ảnh hưởng của thượng nghị sĩ McCain bao trùm lên tất cả.

Mỗi lần tái tranh cử là một lần ông được thêm tỉ lệ phiếu bầu… Của đáng tội, ở những năm 80, McCain cũng đã một lần suýt bị thân bại danh liệt khi trở thành một trong 5 nghị sĩ bị điều tra về một vụ lobby bất hợp pháp quyền lợi của một cá mập tài chính. May thay, mọi sự đều kết thúc ổn thỏa, còn McCain lại mặc nhiên trở thành một chiến sĩ chống lobby tích cực (?!) năm 2002, McCain ủng hộ đạo luật về hạn chế ủng hộ tài chính cho các đảng từ phía doanh nghiệp.

Ba năm sau, McCain khởi xướng vụ điều tra chống lại chuyên gia lobby Jeck Abramoff khiến người này phải vào tù, còn một số nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa phải về vườn. Không ít đảng viên Cộng hòa từ đó không thích ông McCain vì chuyện này: đến "người nhà" cũng không khoan nhượng!

Đời tư của ông McCain cũng không dễ dàng. Vợ ông có một thời gian đau ốm và trở nên nghiện thuốc giảm đau. Tuy nhiên, hai người đã sát cánh bên nhau vượt qua khủng hoảng…

Thất bại không phải là phương án

Trong cuộc đời dài lâu và nhiều biến cố của mình, thượng nghị sĩ McCain  từng không chỉ một lần như bị dìm xuống đáy. Năm 2000, ông từng bị phơi áo trước đương kim Tổng thống Mỹ George Bush trong những nỗ lực trở thành ứng cử viên Tổng thống duy nhất của đảng Cộng hòa.

Và chỉ tám chín tháng trước thôi, đã có thời điểm tưởng như cuộc vận động tranh cử mới của ông cũng tới hồi kết thúc - ngân quỹ cạn kiệt, hơn một trăm nhân viên trong bộ máy giúp việc ra đi không buồn nói lời chào hỏi và chỉ số tín nhiệm trong dân chúng, xét theo các cuộc thăm dò dư luận, không ngừng suy giảm.

Thế nhưng, tới mùa xuân năm 2008 này, gió đã đổi chiều. Và McCain đang kiêu hãnh nói với những người ủng hộ mình rằng, ngay cả trong những tình huống tưởng như tuyệt vọng nhất, ông không bao giờ tuyệt vọng. Khẩu hiệu của cuộc vận động tranh cử của McCain là: "Thất bại không phải là phương án!".

Thượng nghị sĩ McCain được đánh giá như một  chính khách ăn sóng nói gió, trong lúc những đồng nghiệp khác luôn nhớ câu phải uốn lưỡi bảy lần trước khi đưa ra những tuyên bố động trời. Ông rất bạo mồm ngay cả trong lúc phải đề cập tới những chuyện quốc gia đại sự và vì thế, được liệt vào đội ngũ các chính khách diều hâu.

Ông không ngại tranh luận thẳng thắn với các nhà báo, dẫu rằng khi mới bước vào chính trường, trong cơn nóng giận từng gọi cánh phóng viên là những người nói dối chuyên nghiệp. McCain cũng không ngại tung ra những lời nói đùa mà ai đó sẽ cảm thấy là khiếm nhã, thí dụ như: "Tại sao Chelsea Clinton (con gái cựu Tổng thống Bill Clinton và thượng nghĩ sĩ, ứng cử viên Tổng thống Hillary Clinton - TG) trông hãi hùng thế? Đó là vì cha cô bé là Janeth Rino (nguyên Bộ trưởng Tư pháp trong nội các của ông Bill Clinton - TG)"…

Tất nhiên, sau những cú lỡ lời ấy là những vụ ầm ĩ và McCain phải lên tiếng xin lỗi công khai. Và thường là được tha lỗi vì đối với không ít người, McCain là một thượng nghị sĩ "ruột để ngoài da", không hay giữ trong bụng lâu bất cứ điều gì sai quấy (?!) McCain biết cách tỏ ra hữu hảo với các đối thủ chính trị khi cần thiết.

Đối thủ tiềm tàng của McCain trong cuộc bầu cử tháng 11 tới là bà Hillary Clinton trong chuyến thăm Estonia của các ông bà nghị Hoa Kỳ đã đua tài với ông McCain trong việc uống… vodka. Về sau, ông McCain tiết lộ rằng, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ quốc là một địch thủ ngang tầm với ông!

Để định nghĩa nội hàm của những người như ông McCain trong ngôn ngữ ở Mỹ có từ Maverick. Từ này xuất phát từ tên họ của một trại chủ sống ở nửa cuối thế kỷ XIX là Samuel Maverick, khác với các hàng xóm thời ấy, không bao giờ đóng dấu lên những con bê non.

Theo cách hiểu hiện đại, đó là người nổi loạn, nặng cá tính, không mấy tuân thủ các quy định phổ biến. Cho tới tuổi "cổ lai hy" rồi nhưng ông McCain vẫn là người tư duy một cách quyết liệt, mang nặng định kiến. Theo tạp chí Nga Itogi, ông không hiểu những đối tác (đối thủ?) như nước Nga và có lẽ sẽ không định hiểu. McCain luôn muốn mở rộng NATO sang phía đông châu Âu càng nhanh càng tốt… Có nhiều nhà quan sát lo ngại rằng, nếu ông McCain đắc cử, quan hệ Đông - Tây sẽ trở nên căng thẳng hơn.

Tuy nhiên, trong chính trị điều bất biến duy nhất là quy luật mọi thứ đều biến đổi. Thông thường, các ứng cử viên thuộc đảng Cộng hòa thường có quan điểm cứng rắn đối với Moskva nhưng khi lên cầm quyền rồi, họ cũng phải lựa thời thế mà hành động sao cho cơm lành canh ngọt.

Có thể ông McCain sẽ thay đổi quan điểm về nước Nga theo một hướng nào đó nếu đúng như những tin đồn, tháng tư này, ông sẽ cùng Tổng thống Bush hội kiến với Tổng thống sắp hết nhiệm kỳ Vladimir Putin và Tổng thống mới đắc cử Dmritri Medvedev tại Nga trong cuộc gặp cấp cao Nga-NATO…

Phong Trần
.
.