Tướng Tôn Thất Đính của chính quyền Sài Gòn cũ: Kẻ hoạt đầu
Tôn Thất Đính, cũng như nhiều viên tướng khác của chế độ Sài Gòn, đã tiến thân bằng con đường phục vụ những lực lượng ngoại bang để rồi cuối cùng, sau tháng 4/1975, phải sống nốt những ngày tàn nơi quê người đất khách với thân phận lưu vong. Bản chất hoạt đầu, lừa thầy phản bạn, ngay cả khi đã phải sống trong cảnh ly hương thất cơ lỡ vận, Tôn Thất Đính vẫn không thôi trò khuếch khoác về quá khứ của mình và chính vì thế, luôn bị chính những đồng minh cũ lật tẩy những trò tiền hậu bất nhất.
Tôn Thất Đính sinh ngày 20/11/1926 tại Huế nhưng lớn lên ở xứ hoa Đà Lạt. Có lẽ cũng đã rất mê truyện của nhà văn phản động nhưng quả thực cũng có nhiều phần mơ mộng Duyên Anh nên trong những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, khi còn là thượng nghị sĩ kiêm chủ tờ Công luận ở Sài Gòn, Tôn Thất Đính đã cho công bố trên ấn phẩm của mình những đoạn hồi ký nặng mùi ba hoa chích choè về cái thuở ấu thơ trên "thành phố buồn" mà trong đó, cậu bé Đính hiện lên như một "tiểu tử" hiếu động, tinh nghịch, hay quậy phá, kéo bè kết đảng tập làm Mã Chiếm Sơn…
Dư luận lúc đó đều cho rằng Tôn Thất Đính bịa chuyện hoa hoè hoa sói vì trong đời thực, mọi suy nghĩ và hành vi của ông ta thường rất đỗi tầm thường và thực dụng, không lấy đâu ra được một li một lai lãng mạn. Và cũng phải nói rằng, chính nhờ cái tính thực dụng đến trắng cạnh đó mà qua bao nhiêu biến thiên của hai nền cộng hòa đệ nhất và đệ nhị ở Sài Gòn trước năm 1975, Tôn Thất Đính đều đã thoát hiểm…
Khi vừa lớn lên, Tôn Thất Đính đã xin vào làm một chân ông cò ở Đà Lạt, rồi để có thêm tiền sinh nhai một cách an toàn, cuối những năm 50 của thế kỷ trước, đã đăng vào Việt binh đoàn, làm công việc văn phòng, mang hàm binh nhì! Xảo hoạt, tận dụng hết cỡ cái họ Tôn Thất của mình, Đính dù không phải tham gia chiến trận vẫn được thăng tiến ầm ầm. Tới năm 1951, Tôn Thất Đính đã là tiểu đoàn trưởng và sau đó hai năm, đã chỉ huy Liên đoàn 32 chiến thuật… Tôn Thất Đính từng tốt nghiệp Trường Thiết giáp Saumur của Pháp. Trong tiếng Pháp, "saumur" còn có nghĩa là nước mắm và những người từng học ở Trường Saumur ra hay bị gọi sau lưng là "dân nước mắm" vì đã tự sáng chế ra lối chào xòe năm đầu ngón tay, như bàn tay ếch (không kẹp sát lại theo đúng quân kỷ, quân phong), lập dị, cho khác bàn dân thiên hạ… Tiếng là học về thiết giáp nhưng thực ra, chưa bao giờ Tôn Thất Đính phải áp dụng những kiến thức quân sự của mình vào thực tế.
Sau khi Ngô Đình Diệm về Sài Gòn để làm Thủ tướng trong chính phủ Bảo Đại rồi trở thành Tổng thống của cái gọi là nền đệ nhất cộng hòa, ông quan cao cấp cũ của triều Nguyễn rất thích vỗ về những viên sĩ quan có vẻ ít nhiều dây dưa với hoàng tộc. Tôn Thất Đính là một trong những viên sĩ quan như thế và được Ngô Đình Diệm phong lên cấp trung tá (sau này, khi viết hồi ký, Tôn Thất Đính đã giả vờ nhớ sai là ông ta được lên cấp đại tá ngay nhưng trò nói dối này đã bị chính những đồng nghiệp cũ của ông ta vạch trần).
Rất biết hóng gió, năm 1957 ở Huế, Tôn Thất Đính còn khôn ngoan nhận làm con nuôi của Ngô Đình Cẩn và tìm mọi cách để anh em Diệm - Nhu tin vô điều kiện vào sự trung thành của mình đối với họ, mặc dù trước năm 1954, ông ta từng nằm trong đảng Con ó do tướng Nguyễn Văn Hinh, một nhân vật thân Pháp và rất không muốn Ngô Đình Diệm tranh chỗ, lập ra. Hoạn lộ của Tôn Thất Đính cũng thêm phần thăng hoa nhờ biết như kỳ nhông đổi màu.
Một viên sĩ quan của quân đội Sài Gòn từng có dịp tiếp xúc với Tôn Thất Đính ở giai đoạn sau năm 1954, nhớ lại, Trung tá Tôn Thất Đính thuở đó thường có phong cách ứng xử rất "ngang tàng, hách xì đằng lắm, ưa dùng gậy chỉ huy đập thuộc cấp". Mỗi khi Tôn Thất Đính xuống xe, đi bộ trên các đường phố ở địa bàn mà ông ta phụ trách, "là thể nào cũng có một đoàn cận vệ đi giật lùi ngay phía trước ông. Dăm sáu binh sỹ này được tuyển lựa. Cao, to, vận chiến phục rằn ri (áo đuôi khỉ) của lính dù, lăm lăm tiểu liên Thompson đã được tháo báng gỗ, mặt mày bặm trợn, sát khí đằng đằng. Chả khác chi cảnh tướng phường chèo…".
Một trong những tính xấu cố hữu của Tôn Thất Đính là luôn luôn tự bôi vẽ và nâng mình lên bằng cách hạ thấp những cộng sự và những người tiền nhiệm. Sau này, khi đã lưu vong, xuất bản cuốn hồi ký thực ít hư nhiều "20 năm binh nghiệp", Tôn Thất Đính mỗi khi kể về chuyện mình được đề cử vào một chức vụ mới nào là y như rằng lại không ngớt chê bai, nhục mạ người cũ, toàn là lũ bất tài vô tướng, làm hư bột hư đường, xôi hỏng bỏng không, để đến nỗi giờ đây tới thay thế, ông ta phải quá ư vất vả, hao tâm tổn trí, để sửa chữa những lỗi lầm cũ, trước khi áp đặt những phương án "kỳ diệu mới" của ông ta.
Năm 1956, Tôn Thất Đính giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 2 bộ binh ở Quảng Ngãi và năm 1957, được điều về làm Tư lệnh Sư đoàn 1 bộ binh. Trong giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1961, Tôn Thất Đính trở thành Tư lệnh Quân đoàn 1. Rồi với quân hàm thiếu tướng, ông ta được cử làm Tư lệnh Quân khu IV thay cho tướng Chín. Chân ướt chân ráo về, Tôn Thất Đính đã tìm đủ mọi cách để bôi xấu người tiền nhiệm. Một nhân chứng nhớ lại: Tôn Thất Đính đã sử dụng ngay các cơ cấu điều tra, để hoàn thành cấp tốc một hồ sơ về các hành vi bê bối, hủ hóa của cặp vợ chồng tướng cũ, vừa bị hạ bệ.
Theo một báo cáo đã được các cơ quan chuyên môn thiết lập rất công phu, với đầy đủ nhân chứng, thì ông Chín đã sách nhiễu tình dục vú em. Còn bà Chín thì tằng tịu với tay tài xế… Cũng trong cuốn hồi ký đã dẫn, Tôn Thất Đính đã tìm mọi phương thức "vạch lá tìm sâu, bới bèo ra bọ", để hạ tướng Chín. Và không chỉ thế, Tôn Thất Đính còn cố bới móc đời tư của người tiền nhiệm, bằng những báo cáo gửi theo đường dây nội bộ của đảng Cần Lao do Ngô Đình Nhu lập ra...
Thời gian Tôn Thất Đính làm Tư lệnh Quân khu IV cũng là giai đoạn mà ông ta tỏ ra rất mực cúc cung tận tụy với triều đại nhà Ngô. Khi Ngô Đình Diệm cùng bầu đoàn anh em thuộc hạ lên Pleiku, đi thăm khu dinh điền, gặp hôm trời mưa, đường trơn, Ngô Đình Diệm đã thay giày bốt để dễ đi lại hơn nhưng riêng Ngô Đình Luyện, em trai Tổng thống, vẫn đi giày thường. Thấy vậy, Thiếu tướng Tư lệnh Quân khu Tôn Thất Đính đã vội vã ra lệnh lấy giày vải nhà binh cho ông Luyện thay. Khi giày được mang đến, đích thân Thiếu tướng Đính quỳ xuống cởi giày cho ông Luyện trước sự ngạc nhiên của tất cả sĩ quan và đoàn tùy tùng của Ngô Đình Diệm…
Sau sự việc này, họ Ngô lại càng tin tưởng thêm vào sự trung thành nhất mực của Tôn Thất Đính. Tới năm 1962, Tôn Thất Đính là Tư lệnh Quân đoàn III kiêm Tổng trấn Đô thành Sài Gòn, có trong tay 2.500 lính dù, 1.500 lính thủy quân lục chiến, 700 quân cảnh. Ngoài ra, ông ta còn có liên hệ với Sư đoàn 5 bộ binh… Chính Tôn Thất Đính trên cương vị của mình đã đề nghị Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn phân tán được 4 đại đội biệt kích dù đi các nơi, trước khi có cuộc đảo chính ngày 1/11/1963. Vì thế, khi đảo chính bùng nổ, lực lượng được coi là đặc biệt của chính quyền Ngô Đình Diệm coi như sạch bách, không còn một sức mạnh tác chiến nào dự trữ tại Sài Gòn…
Mặc dù rất được trọng đãi, nhưng lòng tham vô đáy, lại rất háo danh lợi, cho rằng mình có công lớn giúp dập triều đại nhà Ngô nên Tôn Thất Đính tới đầu những năm 60, rất muốn được đeo lon trung tướng. Tuy nhiên, Ngô Đình Diệm không đồng ý vì cho rằng, Tôn Thất Đính đeo lon thiếu tướng đã là được trọng đãi quá rồi. Chính vì thế nên Tôn Thất Đính đã mang lòng phản trắc và vào hùa với nhóm các tướng tá cao cấp của quân đội Sài Gòn tiến hành đảo chính ngày 1/11/1963. Sự phản bội của Tôn Thất Đính đã là một gáo nước sôi đổ lên đầu triều đại nhà Ngô (cho đến phút cuối cùng trước khi bị hạ thủ, anh em Diệm - Nhu vẫn không tin là một cận thần được hưởng nhiều ân huệ như Tôn Thất Đính lại trở mặt làm phản). Ngay cả các viên sĩ quan CIA lúc đó cũng công nhận rằng, nếu không lôi kéo được tướng Đính thì nhóm đảo chính rất khó bề thành công.
Không phải ngẫu nhiên mà trưởng phòng CIA ở Sài Gòn, John Richardson đã khuyến cáo nhóm tướng lĩnh chóp bu trong phe đảo chính rằng, phải cố gắng thuyết phục cho được Tôn Thất Đính tham gia. Tướng Trần Văn Đôn, thành phần cốt cán trong phe đảo chính, biết rõ nỗi ấm ức của Tôn Thất Đính trong chuyện không được Ngô Đình Diệm cho lên sao, đã khéo léo dùng những lời xúc xiểm để Tôn Thất Đính đi theo nhóm đảo chính.
Sau khi anh em Diệm - Nhu bị sát hại và phe quân sự lên nắm quyền ở Sài Gòn, Tôn Thất Đính đã giữ chức Phó chủ tịch cái gọi là Hội đồng Quân nhân cách mạng. Tuần lễ đầu của tháng 11/1963 đã mang lại cảm giác ngất ngây cho Tôn Thất Đính cũng như Trần Văn Đôn. Có lần hai viên tướng này ra dạo chơi quảng trường Lam Sơn đã được những kẻ hâm mộ quá khích công kênh lên như những người hùng của cuộc đảo chính 1/11/1963. Tuy nhiên, chỉ ba tháng sau, cốt khỉ lại hoàn cốt khỉ. Ngày 1/2/1964, do mâu thuẫn quyền lợi, tướng Nguyễn Khánh từ Pleiku đã lén về Sài Gòn tiến hành trót lọt cái gọi là "cuộc chỉnh lý" và Tôn Thất Đính cùng một số viên tướng bị coi là "trung lập" khác bị loại khỏi cuộc chơi lớn. Tôn Thất Đính bị đưa lên biệt giam tại Pleiku trong một thời gian.
Trong suốt cuốn hồi ký "20 năm binh nghiệp" xuất bản trong cảnh lưu vong sau này, Tôn Thất Đính vẫn rất cay cú, oán hận Nguyễn Khánh về chuyện đó, nhưng đúng như một nhân chứng đã viết, sao ông ta không chịu khó phân tích, để thấy là, nếu Nguyễn Khánh không thực hiện cuộc chỉnh lý ngày 1/2/1964 thì thể nào cũng có một viên tướng khác làm, cũng do lệnh của các "thái thú" Mỹ như Cabot Lodge hoặc Maxwell Taylor như họ đã từng ra lệnh để lật đổ triều đại nhà Ngô? Cũng giống như là vào những ngày cuối tháng 10/1963, Tôn Thất Đính và Trần Văn Đôn đã nhận lệnh của điệp viên CIA Conein để làm đảo chính triều đình nhà Ngô vậy! Đã làm phận tay sai thì phải chịu "rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn"!
Tuy nhiên, là một kẻ hoạt đầu vào hàng cao thủ, sau này Tôn Thất Đính vẫn tìm đủ mọi cách để năm 1966, trở thành Tổng cục trưởng Quân huấn kiêm nhiệm Tổng thanh tra Quân lực, dù đó là những chức vụ chẳng có mấy quyền lực. Năm 1966, ông ta còn được giữ chức Tư lệnh Vùng I Chiến thuật khi có những sự cố liên quan đến phong trào đấu tranh của phật tử. Và trong giai đoạn 1967-1968, Tôn Thất Đính vẫn cạy cục để được đắc cử Thượng nghị sĩ trong Liên danh Hoa Sen rồi làm Chủ tịch ủy ban Quốc phòng Thượng nghị viện Sài Gòn. Thậm chí trong giai đoạn từ năm 1970 tới năm 1972, Tôn Thất Đính còn là Trưởng Khối Xã hội Dân chủ (?!) Thực khôi hài!.
Cà cuống chết đến đít còn cay, khi làm chủ bút tờ Công Luận, Tôn Thất Đính vẫn giữ cây gậy chỉ huy (bâton de commandement) từ thời còn làm tướng. Có bữa quá nóng giận, mất khôn, ông ta đã dùng cây gậy đó gõ lên đầu anh quản lý, không ngờ bị anh ta giằng được gậy đánh lại… Hết thiêng!
Sau tháng 4/1975, Tôn Thất Đính phải rơi vào cảnh sống tỵ nạn nơi đất khách quê người. Nghe nói, trong những ngày di tản, khi tới đảo Guam, lúc nào Tôn Thất Đính cũng đóng kịch, giả vờ điên khùng, ngớ ngẩn, để gợi lòng thương xót và luôn luôn lo sợ các thuộc cấp cũ nổi khùng lên thượng cẳng chân cẳng tay cho bõ tức. Thế nhưng, khi đã ngồi ấm chỗ ở Mỹ, Tôn Thất Đính lại vẫn nổi máu háo danh lợi cũ, không chịu ngồi yên ăn năn hối lỗi vì những tội ác trong quá khứ mà vẫn để cho mình bị dụ vào những chức vụ hữu danh vô thực để tham gia các hoạt động dã tràng chống lại tổ quốc cũ