Tùng Dương: Kẻ có “thuật giả kim”

Thứ Ba, 24/01/2017, 17:59
Có hàng ngàn bài báo viết về Tùng Dương. Mọi thông tin xung quanh một người nổi tiếng có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng, sau một vài từ ở bàn phím...

Tùng Dương nói: "Em cảm thấy mình chỉ hát thực sự hay khi có những biến động của đời sống". Tôi hiểu ẩn ý của Dương, không phải nhắc về vài con sóng trên bề mặt biển cả. Dương muốn nói về sự chuyển động. 

Rằng, phải lăn đi như hòn sỏi. Phải chảy đi như dòng sông. Phải "biến động" mỗi ngày. Phải  luôn "mang thai" một điều gì đó, hoặc là phải tan biến đi để tượng hình cái mới. Nếu không như vậy, cuộc sống chỉ là tồn tại. Nghệ thuật cũng không còn là tiếng nói sống động từ bên trong, nó chỉ là cái vỏ vô hồn bên ngoài. Nó không làm nên người nghệ sĩ.

Đúng một thập kỷ tôi mới lại viết một cảm nhận gì đó về Tùng Dương. Thảng hoặc chị em vẫn gặp nhau trong vài cuộc họp báo, khi mà Dương là một nhân vật của sự kiện. Những câu chuyện cũng chỉ ngắn bằng nửa bài hát. Nó không đầu không cuối và gần như chỉ là một mảng rất nhỏ làm nên Tùng Dương. 

Tôi nhớ hơn 10 năm trước, khi Dương vừa mới vào nghề, đang tham dự cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội, tôi đã đề nghị viết bài về Dương. Lúc đó Dương hãy còn là một ẩn số. Những gì bộc lộ trên sân khấu của một cuộc thi ở thủ đô mới chỉ là dữ liệu để đoán định, về con đường đi của một nghệ sĩ trẻ. Dương quái, và dị. Từ đầu tóc đến trang phục. 

Chẳng dễ mà "vào mắt" các khán giả lớn tuổi, và ngay cả khán giả trẻ tuổi thời điểm đó. Thói quen nghe và xem ở ta từ lâu vốn đóng đinh vào một vài khuôn mẫu. Nhưng nếu bỏ rơi sự nhìn theo kiểu tò mò và soi mói, có thể nhìn ra từ lúc đó, một Tùng Dương rất "khó lường" của âm nhạc. 

Xem và nghe Dương kỹ hơn, có thể ước đoán, có thể chờ đợi, có thể nhìn thấy ở Dương khả năng biến ảo. Một kẻ rồi sẽ đi trong vương quốc của mình và có thuật giả kim. Mọi thứ trong tay Dương đều có thể chuyển hóa thành vàng.

Có một sự thay đổi rất lớn trong hình ảnh Tùng Dương, sau hơn một thập kỷ. Tùng Dương của hôm nay lịch lãm, đằm lắng hơn. Khi Tùng Dương ôm trên tay đứa con trai bé bỏng vừa tròn 1 tuổi khoe với công chúng, khán giả cảm nhận đời sống của Dương là một sự viên mãn, một sự đầy tràn năng lượng của tình yêu và dâng hiến.

Tình cờ sau live show của Tùng Dương có tên gọi "Giao thoa", tôi nghe hai khán giả lớn tuổi nói chuyện trong lúc ra về. Họ nói, cậu ca sĩ này còn trẻ mà hát trải nghiệm quá. Lại khen, cậu ấy bớt "điên" rồi, biết kiềm chế rồi, nên nghe cứ vào tai như không. 

Có một điều tôi không đồng ý ở đây, là tôi không nghĩ Tùng Dương bớt điên hơn xưa. Dương chưa bao giờ bớt điên, thậm chí còn điên hơn mỗi ngày. Chỉ có điều, cái điên buổi đầu của Dương là cái điên bản ngã. Một sự chứng tỏ cái tôi nghệ sĩ của Dương. Cái điên hôm nay là cái điên đã được nhận biết, nó lặn sâu vào bản thể người nghệ sĩ, bùng nổ phía trên trong, và vì vậy, sự thể hiện bên ngoài của nó trở nên dịu dàng hơn, lan tỏa hơn. 

Bằng cách đó, Tùng Dương mở rộng đối tượng khán giả của mình. Mọi thế hệ có thể nghe Dương theo cách của họ mà không bị ngộp, không chênh phô, không khó khăn, thách đố. Nó đúng với chữ "Giao thoa" mà Dương đã đặt tên cho live show vừa rồi của mình.

Tôi cho rằng, khi đã nhận biết về bản thân mình, về công việc của mình, người nghệ sĩ trở nên tỉnh táo hơn bao giờ hết. Đừng vội hiểu, tỉnh táo thì giết chết nghệ thuật. Cần nhớ rằng, cái tỉnh táo đã qua nhận biết nó khác với cái tỉnh táo bản năng của một kẻ đếm tiền. Nó cũng không hề mâu thuẫn với điên. Nói khác đi, nó chính là sự điên đã được kiểm soát một cách tự nhiên, không cố ý. Nó là sự điên đã trở nên siêu việt. 

Chẳng hạn khi Dương nói điều này: "Em thấy rất nhiều nghệ sĩ ở ta đều chết vì bản năng. Họ làm nghệ thuật theo bản năng và chẳng khi nào vượt lên trên cái bản năng đó. Cho nên họ thường rất hay lúc đầu, rồi họ đuối dần, rồi họ mất tích"... thì đó là một sự tỉnh táo đã qua nhận biết. Bởi nhận biết đó, mà người nghệ sĩ sẽ ở trên hành trình đúng, ý thức cá nhân của họ sẽ trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết.

Soi chiếu vào đời sống, Tùng Dương thấy thương các bạn trẻ thế hệ sau mình. Họ được hưởng những sự tiện lợi của công nghệ. Và họ nghĩ rằng công nghệ có thể giúp họ viết một cái tên chữ hoa trong âm nhạc. 

Thực ra họ chỉ vay mượn, ăn cắp và thường xuyên để các bầu sô lợi dụng. Không có ý thức cá nhân để làm nghề, nhất là trong nghệ thuật, thì dù cho năng động đến đâu, nhiều nhất họ cũng chỉ trở thành một cỗ máy vô hồn. Họ không bao giờ có thể trở thành nghệ sĩ đúng nghĩa. Vì nghệ sĩ phải là tiếng nói cá nhân, phải sống động, đặc biệt và phải mang tính duy nhất.

Tùng Dương bảo, em đi nhiều, đọc nhiều, nghe nhiều và cố gắng không để mình lạc hậu trong tư duy nghệ thuật. Nghệ thuật là sáng tạo, là cái đẹp, nó phải luôn hướng lên trên. Và càng hướng lên trên, em nhận ra những thứ giả sẽ cần phải được loại bỏ. 

Người nghệ sĩ có thể giả điên trên sân khấu, nhưng khán giả sẽ nhìn thấy. Người nghệ sĩ có thể đánh bóng mình trên sân khấu, nhưng khán giả sẽ nhìn thấy. Mọi công nghệ trợ giúp cũng sẽ bị lột trần trong mắt khán giả. 

Trong khán giả có thượng đế. Chỉ có nghệ sĩ mù quáng là không tự nhìn thấy. Cho nên, càng hướng lên trên hay hướng vào bên trong, em càng thấy sự chân thật vẫn là hay nhất, vẫn nhận được nhiều thù lao nhất, đó chính là sự trân quý của khán giả.

Khán giả không ít lần ngạc nhiên khi Dương có thể hát hay nhiều thể loại âm nhạc. Một bài hát vào tay một kẻ có thuật giả kim như Dương, nó sẽ có một phẩm chất mới trong số phận của chính nó. Nó sẽ được phát hiện lại, được sinh ra một lần nữa. 

Ví như hiện tượng "Chiếc khăn Piêu". Nhiều thế hệ đã nghe quen tai một bài hát cũ, và nó đã là một tượng đài được khắc tên nhiều tên tuổi trước đó. Nhưng Dương vẫn điềm đạm viết tên mình vào, như một biểu tượng của thế hệ mới trước di sản của người đi trước.

Tùng Dương không ngại những bài hát vốn được xem là dành cho ca sĩ nữ. Khi Dương hát "Ru con mùa đông", tôi nhìn thấy cả tình yêu của người cha và người mẹ dành cho con trong đó. 

Nó có sự mềm mại của cỏ hoa và có màu nâu sậm của bóng núi. Dương đã xóa nhòa câu chuyện giới tính của bài hát. Dương cho ta thấy, khi bài hát vang lên, nó chỉ là bài hát. Không có sự nỗ lực nào trong đó để bài hát trở nên nữ tính hay nam tính. Nó là dành cho cuộc đời, bởi vốn dĩ tình yêu đã luôn cao hơn mọi sự phân biệt. 

Giống như khán giả khi nhập vào một bài hát, họ không được yêu cầu phải nhớ ra giới tính của mình. Họ ở trong một không gian không cần định lượng hay quy ước. Họ ở ngoài đường biên.

Phải nói rằng, rất ít nghệ sĩ có quyền năng mang khán giả đến những vùng cảm nhận như vậy, và Tùng Dương ở trong số đó. Dương khai phá mọi bài hát, mọi thể loại, như là cách để khai phá các khả năng của mình, các chiều kích khác nhau trong tâm hồn mình. Dương đa dạng, phong phú, biến ảo. Dương nhạy cảm với cái mới và cả cái cũ. Dương luôn luôn ở trong một tổng thể hoàn hảo, khó phân tích, tách rời. 

Dương đặc biệt đến nỗi, không thể lấy một yếu tố riêng biệt để đánh giá. Đối với tôi, trong âm nhạc, Dương không là già không là trẻ. Dương không là nam tính hay nữ tính, dù cho Dương mặc bộ vest lịch lãm hay khoác chiếc áo choàng đỏ rực như đám lửa trên sân khấu.

Dương không là pop hay rock hay jazz. Dương không hồn nhiên hay già dặn. Dương không là quá khứ hay tương lai hay hiện tại. Dương không là một trong số đó và có thể là tất cả số đó. Một sự trải rộng biên độ hiếm hoi trong âm nhạc. Một đặc biệt với tất cả sự khiêm tốn của từ ngữ. Dương là nghệ thuật mà không cần tính từ ngợi ca nằm kèm ở đó.

Một thập kỷ làm nghề đã qua của Tùng Dương cũng là một thập kỷ tranh tối tranh sáng của nhạc Việt. Sự lên ngôi của nhạc thị trường, đi kèm với nó là sự thắng thế của những cái giả, những cái ngụy âm nhạc. 

Theo đuổi cái thật bao giờ cũng đau đớn hơn, khổ hạnh hơn, "trày da tróc vảy" hơn. Và như một tất yếu, không có tài năng lớn, người ta không bao giờ đủ dũng cảm để đi theo những giá trị thật, những giá trị vững bền. Những người bất tài muốn trở thành ai đó trong nghệ thuật, họ sẽ phải xếp hàng để chờ mọi trợ giúp từ bên ngoài. Đó có thể là công nghệ, là truyền thông, là thần may mắn, là đánh tráo. 

Còn tài năng lớn thì nhận biết rằng họ không sinh ra để chờ. Nhiệm vụ của họ là mở ra con đường của riêng họ mà không ai có thể giúp. Vì họ chỉ có một mình. Vì họ phải đi trong cô độc. Đám đông không bao giờ ở cạnh những tài năng lớn, những người đã trở nên nhận biết. Mọi sự ồn ào đều phải được bỏ lại phía dưới, đằng sau.

Có hàng ngàn bài báo viết về Tùng Dương. Mọi thông tin xung quanh một người nổi tiếng có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng, sau một vài từ ở bàn phím. Dương bảo, em không nhớ được số lượng bài báo đó, và em cũng không biết nói chính xác về mình. Ngôn ngữ thấy thế nào cũng chưa chạm tới.

Tùng Dương đừng ngại, ngôn từ chẳng bao giờ chạm tới điều mà mỗi chúng ta định nói. Nó chỉ gần nhất có thể thôi. Nhưng âm nhạc thì cao hơn ngôn từ, và có khả năng chạm vào tâm hồn người nghe mạnh hơn ngôn từ. Khi một người ca sĩ  thực sự đứng trên sân khấu để hát, là lúc họ biến vào trong bài hát. Những tri ngộ của họ với khán giả là trực tiếp, đấy là siêu ngôn từ.

Bình Nguyên Trang
.
.