Tự tình về những con rối “made in Phan Thanh Liêm”

Chủ Nhật, 02/04/2017, 09:57
Gương mặt anh sáng bừng khi kể về chuyến lưu diễn sắp tới của mình tại Loong Beach, California.

Lần đầu tiên, sân khấu rối nước thu nhỏ của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm sẽ đặt chân lên đất Mỹ từ ngày 19 đến 27-3-2017.

Đây là chuyến lưu diễn theo lời mời của World Wood Day Foundation (WWDF - Tổ chức Ngày Gỗ thế giới) nhân sự kiện Ngày Gỗ nghệ thuật thế giới 2017. Dù đôi mắt thâm quầng vì nhiều đêm mất ngủ để chuẩn bị, nhưng niềm đam mê của anh với nghệ thuật múa rối nước, một nghề cha truyền con nối mấy đời của gia đình anh dường như đã ngấm vào từng tế bào của người nghệ sĩ đã nguyện một đời yêu những con rối...

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm nổi tiếng trong làng rối nước không chỉ với việc "cha truyền con nối" bởi anh sinh ra trong một dòng họ có bảy đời làm nghề rối nước. (Anh là con trai nghệ nhân Phan Văn Ngải - một nghệ nhân nổi tiếng ở làng rối nước Nam Chấn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Ðịnh), tác giả của thủy đình lưu động đang được hầu hết các nhà hát, các phường rối nước sử dụng hiện nay (đã được cấp giấy chứng nhận bản quyền vào năm 1989) và là "cha đẻ" của chú Tễu đang được trưng bày tại Bảo tàng Louvre (Pháp).

Phan Thanh Liêm bắt đầu mày mò thiết kế sân khấu rối nước thu nhỏ từ những năm 90. Đến năm 2000, sân khấu rối nước mini "made in Phan Thanh Liêm" ra đời và đến năm 2001 ra mắt khán giả lần đầu tiên. Sân khấu "mini" này vẫn giữ nguyên được những những yếu tố cơ bản của sân khấu rối nước truyền thống, nhưng gọn nhẹ, cơ động hơn nhiều: toàn bộ thủy đình và bể nước chỉ rộng hơn 1m2, chứa khoảng 2/3 mét khối nước, con rối cao nhất cũng chỉ 20 phân và chỉ cần một người biểu diễn.

Nghệ sĩ múa rối nước Phan Thanh Liêm nổi tiếng bởi dám từ bỏ Nhà hát múa rối Trung ương, một nơi gắn bó với anh từ thuở đầu cha ông anh đã lập nghiệp để tự tìm cho mình một "con đường sáng". Sinh sống ở Hà Nội, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã tìm mọi cách để gắn bó với con rối, để có thể duy trì nghề diễn bằng cách sáng tạo ra loại hình độc diễn rối nước.

Cũng bởi vậy, anh đã mang cả sân khấu rối nước về nhà mình, ngôi nhà 30m² lọt thỏm trong lòng những con ngõ ngoằn ngoèo ở Ngõ Chợ Khâm Thiên. Từ tầng 1 đến tầng 4 của ngôi nhà, ở đâu cũng bày la liệt những con rối và những thứ liên quan đến nghề múa rối. Tầng 1 là xưởng làm rối và "tạp phí lù" những thứ bảng biểu của những chuyến biểu diễn. Tầng 2 của ngôi nhà là không gian giới thiệu về lịch sử làm nghề rối của gia đình anh. Tầng 3 là nơi nghệ sĩ dành cho không gian chế tác quân rối. 

Còn ở tầng 4, được anh bố trí một thủy đình mini để trình diễn màn múa rối nước. Ở đó có sân khấu múa rối dành cho hơn hai chục khán giả thưởng thức. Bể nước nhỏ hình bán nguyệt được quây bằng tôn, mái đình đỏ, nổi trên mặt nước là những mảng bèo, có thêm cây đa và khóm tre vàng. Phan Thanh Liêm cho biết, anh muốn giới thiệu cả lịch sử và những nét văn hóa đặc trưng của người Việt với bạn bè quốc tế như "Cây đa, bến nước, sân đình" hay "tre vàng Thánh Gióng"...

Buổi biểu diễn bắt đầu bằng tiếng gà gáy, ếch nhái kêu..., rồi chú Tễu từ sau cánh gà đi ra sân khấu giáo trò. Những tích trò rối nước như: Cưỡi trâu thổi sáo, Múa rồng, Tứ linh, Cày cấy... xuất hiện sống động ngay trong căn gác nhỏ. Anh chia sẻ: "Những nội dung mà tôi chọn lựa không chỉ đơn thuần mang hơi thở truyền thống mà đã có sự cải tiến, thời sự hóa hơn rất nhiều. 

Ví như Chú Tễu kể chuyện Biển Đông, Trò bảo vệ môi trường, Môtô bay... vừa có tính giải trí cao lại vừa có tính giáo dục không nhỏ. Khác với các loại hình nghệ thuật khác có lời thoại và âm nhạc như chèo, cải lương,... thì rối nước có cái khó là phải truyền tải những thông điệp qua vật vô tri vô giác.

Do vậy, tôi phải sàng lọc và xây dựng những nội dung vừa sôi động, ít lời thoại, và sử dụng ngôn ngữ hành động là chủ yếu giúp cho cả người lớn, trẻ em hay những người khác ngôn ngữ đều có thể hiểu được ý nghĩa vở diễn".

Mỗi khi có khách đặt hàng xem biểu diễn, Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm cùng vợ anh xoay trở từ công tác chuẩn bị, cho đến biểu diễn, rồi giới thiệu các tích trò đến khán giả. Nhìn anh cặm cụi với tất cả các con rối, các vật dụng cho buổi biểu diễn, có lẽ bất cứ ai cũng cảm nhận được lòng yêu nghề và đam mê nghề múa rối của anh.

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã chia sẻ: "Như bạn biết đấy, thường thì một phường rối nước thông thường cần đến hàng chục người cho mỗi buổi diễn, vì mỗi người thường chỉ có thể điều khiển một vài quân rối. Tuy nhiên, khi không có tòa thủy đình, cũng không thể duy trì được một phường rối nước với hàng chục người, mình đã tìm cách biến sân khấu rối nước thành sân khấu độc diễn để có thể sống được với nghề. 

Tất cả những con rối ở đây đều do tôi đục đẽo bằng tay, để phù hợp với sân khấu thủy đình mini của nhà mình. Bởi vì sân khấu nhỏ nên tôi phải tạo ra những quân rối chỉ nhỏ bằng nửa quân rối thông thường. Sau đó thì trong hàng chục tích trò truyền thống, tôi cũng lựa chọn những tiết mục phù hợp khả năng biểu diễn của một đến hai người. 

Tôi cũng đã cải tiến con rối với đế bằng cao su thay cho đế gỗ truyền thống, vừa lâu hỏng, vừa nhẹ. Vì thế tôi có thể dễ dàng điều khiển một lúc 2 con rối, thậm chí cả đội hình múa gồm 8 cô tiên. 

Khách của tôi chủ yếu là khách du lịch và những nhóm người việt là các lớp học của các cháu thiếu nhi muốn tìm hiểu về nghệ thuật múa rối, muốn chạm tay vào con rối, thậm chí tự điều khiển các con rối theo cách của riêng mình. 

Sự liên hợp trong việc tìm hiểu các công đoạn từ làm con rối thế nào, điều khiển con rối ra sao, tìm hiểu đời sống nghệ sĩ... sẽ là những trải nghiệm giúp khán giả thêm yêu rối nước. 

Bản thân tôi đã có những đoàn khách nước ngoài không chỉ được xem, được tận tay sờ vào rối mà còn được tìm hiểu về cuộc sống của gia đình nghệ sĩ, cùng vào bếp và thưởng thức đồ ăn Việt. Nhờ vậy, họ không chỉ có kiến thức mà còn hiểu thêm về múa rối truyền thống mà lại tìm hiểu được những nét đặc sắc khác của đất nước Việt Nam".

Tuy nhiên, bên cạnh niềm thích thú, đam mê và sáng tạo thì nghệ sĩ Phan Thanh Liêm, trong chặng đường tự tìm cho mình một con đường đi riêng cho rối nước, cũng gặp không ít những khó khăn, vất vả. 

Anh chia sẻ: Căn nhà riêng của vợ chồng anh và 2 cậu con trai một cậu 16, một cậu 11, bị thu hẹp không gian sống đến mức tối thiểu. Nó thành nơi biểu diễn vì thế mất đi khoảng riêng tư và ưu tiên tuyệt đối cho mọi sự khám phá của khách hàng muốn tìm hiểu và thưởng thức nghệ thuật rối nước. Họ sống trong căn phòng ở tầng 2 chừng 10m².

Cũng không còn cách nào khác vì điều kiện kinh tế của hai vợ chồng anh chị cùng làm nghề chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày chứ chưa đủ dư giả để có thể mua một căn nhà chung cư dù nhỏ thôi để cho các con có điều kiện sống tốt hơn. 

Cũng may mà 2 con trai anh, đặc biệt là cậu thứ hai rất thích thú với những con rối. Cả tuổi thơ của các cháu chỉ có đồ chơi là những chú rối tinh nghịch và vui nhộn trong căn nhà đủ các màu xanh đỏ và lớp bụi thời gian.

Tôi đã từng đến xem những nghệ sĩ múa rối tập một vở diễn hay một trích đoạn ngay từ những bước đầu tiên đến những bước thành thạo thì đó là cả một quãng thời gian vô cùng vất vả và đầy khổ luyện. Nếu như các nghệ thuật khác, chỉ cần diễn viên làm tốt vai trò của mình là đủ, thì nghề rối nước, các diễn viên phải toàn tâm toàn ý cho một "người" thứ hai đó là những chú rối.

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm càng có những yêu cầu khắt khe hơn vì sân khấu thủy đình của anh nhỏ và gần sát với khán giả, anh chỉ có một mình nên từ âm thanh, ánh sáng... đều phải chính xác một cách tuyệt đối. Nó là một phần trong anh hay anh là một phần của linh hồn ấy đều đúng. Anh bảo, phải làm sao để cho khán giả xem một bạn diễn đầy linh hồn, chứ không phải là một thứ gỗ, mây tre... di chuyển trên sân khấu.

Điều này đòi hỏi sự khổ luyện và công phu lắm. Chính vì thế, nếu không đam mê, không yêu nghề thì không thể nào làm được. Khi đã yêu nghề, khi đã có lòng đam mê thì dĩ nhiên, sẽ có những sự đền bù xứng đáng.

Trong thời buổi nghệ thuật giải trí sôi động lên ngôi như thế này, dường như nghệ thuật truyền thống, trong đó có múa rối bị mai một, nên con đường mà nghệ sĩ Phan Thanh Liêm lựa chọn càng đầy những gian nan. Anh phải tự tìm cho mình một hướng đi khác, không để cho khán giả phải tìm đến mình, anh mang sân khấu rối nước thu nhỏ tìm đến các trường học, các tỉnh xa để quảng bá cho nghệ thuật múa rối.

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm kể, có một kỷ niệm trong đời mà anh không bao giờ quên đó cũng là thời điểm anh quyết định mang sân khấu mini về nhà. Khi ấy trong một buổi học ở lớp của cậu con trai cả, khi hỏi về phần nghề nghiệp của cha mẹ, đến lượt con anh trả lời, khi cháu nói đến bố mẹ làm nghề múa rối thì cả cô và trò cười phá lên. 

Thế rồi con anh ghét múa rối từ đó. Đó cũng chính là lý do mà bao nhiêu năm nay, anh cần mẫn với sân khấu mini của mình vừa là để mưu sinh, vừa để nuôi dưỡng tâm hồn yêu múa rối của cậu con trai, để con biết chẳng bao giờ phải xấu hổ vì cha mẹ không giàu có với nghề nhưng đã tiếp nối được truyền thống gia đình và luôn để nghề cha truyền con nối không bao giờ bị mai một.

Hằng năm, anh vẫn sắp xếp tất thảy đồ đoàn trong cái va li chừng 100kg để mang đi lưu diễn ở nhiều nước như Ðức, Pháp, Ba Lan, Nhật, Hàn Quốc... dù những chuyến đi đôi khi chịu lỗ, nhưng anh muốn góp phần được quảng bá văn hóa múa rối của Việt Nam ra thế giới. 

Đối với anh, đi diễn trong nước hay nước ngoài thì niềm háo hức đối với anh đều là như nhau. Có lần đi diễn ở Hội An, anh đã thu xếp đồ xong xuôi để về thì có hai mẹ con đến muộn, đứa trẻ 4 tuổi nằng nặc muốn xem một phần vì thích, một phần vì lạ lẫm.

Trước sự khẩn cầu của một em nhỏ anh đã nán lại, giới thiệu cho cháu về những con rối thậm chí còn cho bé cầm diễn thử trước nụ cười hạnh phúc của người mẹ. Những điều nhỏ nhặt ấy, anh cảm thấy hạnh phúc đong đầy... 

Bởi vậy, đối với Phan Thanh Liêm, dù nghề múa rối mà anh và gia đình mấy đời theo đuổi khó có thể đua chen với một số ngành nghề giải trí thuộc về đời sống số, đời sống hiện đại hiện nay, nhưng anh không muốn nó bị lãng quên, không muốn bị mai một, cái quan trọng là cách làm của anh để anh vẫn có vị trí trong lòng công chúng, trong lòng khán giả. 

Với một tinh thần cầu thị, đam mê và yêu nghề, dần dần anh tin rằng, khán giả sẽ quay trở lại... với tình yêu nghệ thuật múa rối của riêng gia đình anh cũng như của dân tộc.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.