Kỷ niệm 122 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19-5-1890 - 19-5-2012)

Từ làng Sen tới cùng thế giới

Thứ Sáu, 18/05/2012, 10:10
Hồ Chí Minh là người hiền cách mạng đi từ lũy tre Kim Liên tới hội nhập cùng đại dương nhân loại, không những không đánh mất bản thân mình mà còn làm giàu có thêm kho báu tinh thần nhân loại. Từ Làng Sen, Bác đã tới được cùng thế giới...

Ở Việt Nam ta dẫu nhiều thời “tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu” nhưng hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh và xây dựng cũng đã cống hiến cho nhân loại những danh nhân văn hóa, những anh hùng giải phóng dân tộc. Trong quá khứ xa xôi đó là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và  Ức Trai Nguyễn Trãi “tâm thượng quang khuê tảo” (lòng sáng tựa sao Khuê - lời vua Lê Thánh Tông)... Còn trong thời hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được cả thế giới tôn vinh như tấm bảng trên bảo tàng sống ở Paris, thủ đô nước Pháp đã ghi: “Con người chi phối thế kỷ XX”.

Bác Hồ của chúng ta luôn được trân trọng nhắc tới như một tấm gương sáng của thời đại đầy bão tố và sóng gió trong thế kỷ XX: một con người  có công lao lớn trong việc giành lại độc lập tự do cho tổ quốc mình và gìn giữ được những tinh hoa đạo lý truyền thống của Việt Nam và phương Đông, tạo nên một căn bản tư tưởng ích nước, lợi dân, hòa đồng cùng nhân loại. Giữa bề bộn các trào lưu tư tưởng và chủ nghĩa chính trị hồi đầu thế kỷ, bằng sự nhạy cảm thiên bẩm của một trái tim yêu nước thương nòi hơn hết cả, anh thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã linh cảm đúng con đường mà nước Việt cần đi, không bị lóa mắt bởi bất cứ một lý thuyết nào dù hấp dẫn đến mấy nhưng không đặt sự giải phóng dân tộc lên trên hết.

Sự lựa chọn của Bác Hồ cũng chính là sự lựa chọn của nhân dân các dân tộc Việt Nam, của nhân dân nhiều dân tộc trên thế giới. Hồ Chí Minh là người hiền cách mạng đi từ lũy tre Kim Liên tới hội nhập cùng đại dương nhân loại, không những không đánh mất bản thân mình mà còn làm giàu có thêm kho báu tinh thần nhân loại. Từ Làng Sen, Bác đã tới được cùng thế giới...

Đọc lại hàng loạt những lá thư mà Bác Hồ từng gửi cho Quốc tế Cộng sản những năm 30 của thế kỷ trước, rất dễ nhận ra cách hành xử đầy tài trí và tinh thần vì nước quên thân của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Bác đã hành động đúng như Bác nói rằng Bác đến với chủ nghĩa Mác-Lênin vì thấy ở đó con đường duy nhất có thể giúp cứu dân tộc mình, Tổ quốc mình khỏi ách thuộc địa.

Được soi rọi bởi chủ nghĩa Mác-Lênin, Bác vẫn biết cách tiếp thu những tinh hoa lý tưởng khác của nhân loại để làm giàu có thêm gia tài lý luận của những người cách mạng Việt Nam trên con đường cứu dân, cứu nước. Bác Hồ có cái nhìn anh minh về các hệ tư tưởng khác nhau. Người biết chắt lọc tinh hoa trong kho tàng trí tuệ nhân loại để đúc kết nên những hạt mầm nhân bản mang tính vĩnh cửu.

Người viết: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm ở sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê-su có ưu điểm là lòng bác ái. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện của chúng tôi. Khổng Tử, Giê-su, Các Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu họ còn sống trên đời này và họp lại một chỗ, tôi tin rằng nhất định họ chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm vị học trò nhỏ của các vị ấy”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (1951).

Với những chiến sĩ cách mạng Việt Nam như Nguyễn Ái Quốc, cứu nước gắn với cứu dân bao giờ cũng là nhiệm vụ hàng đầu: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” và “giai cấp vô sản muốn được giải phóng trước hết phải giải phóng dân tộc”. Quan điểm rõ ràng này đã giúp cho cách mạng vô sản Việt Nam ngay từ đầu đã mang một sắc thái giải phóng dân tộc rõ rệt và không bị lôi cuốn quá đà theo những sai lệch hoặc bốc đồng đã từng có trong phong trào cách mạng vô sản thế giới ở một số thời điểm nhất định. Từ Việt Nam cách mạng đồng chí hội tới những nhóm cộng sản đầu tiên thành lập trong thập niên thứ hai của thế kỷ XX và sự xuất hiện của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta đã có những bước tiến dài căn bản.   

Trên những con đường bôn ba thế giới lúc nào Nguyễn Ái Quốc cũng canh cánh bên lòng mục tiêu cứu nước, cứu dân. “Dân duy bang bản, bản cố bang ninh” (Dân là gốc của nước, gốc có vững thì nước mới yên) - Sách cổ Trung Hoa Hạ thư đã từng ghi vậy. Là người thấm nhuần tinh hoa văn hóa phương Đông cũng như phương Tây, sinh thời, Bác Hồ vĩ đại trong mọi suy nghĩ và hành động đã thể hiện rõ tư tưởng “gốc là dân” và nhất quán quan điểm vì dân tộc mình tới tận cùng, tức là sẽ gặp gỡ nhân loại. Càng biết nhiều, càng trung thành và chung thủy hơn với mục đích cứu nước, cứu dân, lấy đại đoàn kết toàn dân làm gốc.

Chính nhờ biết xây dựng khối đoàn kết toàn dân, “lực lượng vĩ đại hơn hết” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, nên những người Cộng sản đã lãnh đạo thành công đất nước đứng lên đánh đổ các ách thống trị thực dân và phát xít, giành lại độc lập  tự do cho dân tộc, xây dựng xã hội mới trên nền tảng của những tư tưởng cách mạng, dân chủ và xã hội chủ nghĩa. Lại nói theo lời Bác Hồ: “Đó là một cuộc thắng lợi xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta”.

Từ nhân dân mà ra và cùng nhân dân mà chiến thắng - đó là một trong những bài học lớn của cách mạng tháng 8-1945, của toàn bộ cuộc cách mạng dân  tộc dân chủ và XHCN ở Việt Nam. Một nhân dân đã được giác ngộ và đi theo Đảng rõ ràng đã là cái gốc của mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Không ngẫu nhiên mà trong bản Tuyên ngôn độc lập do Bác Hồ đọc trong Lễ Độc lập 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, những từ được nhắc tới thường xuyên nhất là “đồng bào ta”, “dân ta”, “nhân dân ta” và “toàn dân Việt Nam”...

Cũng chính vì nhân dân là cái gốc của mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam  dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản nên mọi hoạt động của chính quyền mới đều xuất phát từ tình yêu nhân dân sâu sắc và nhằm mục đích vì hạnh phúc của nhân dân, tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Làm cho nhân dân được tự do hạnh phúc mới là mục đích cuối cùng của cách mạng và của những người cộng sản Việt Nam. Mô hình xã hội tốt nhất là mô hình mà trong đó, mọi cơ chế và chế độ đều nhằm mục đích tạo điều kiện để cho người dân thực sự làm chủ vận mệnh của mình, của tổ quốc mình. Khác đi tức là đã chệch hướng, đã như “cây lìa cội”.

Đảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân nhưng luôn là một bộ phận khăng khít của dân tộc và ở trong nhân dân chứ không phải ở trên dân tộc hay nhân dân. Có thế, Đảng mới thực sự là sự chọn lựa tốt nhất của dân tộc, của nhân dân. Điều này đã được Bác Hồ quán triệt ngay từ những ngày đầu tiên của chế độ mới. “Dân chủ” đã là một trong những từ được Bác Hồ nhắc tới nhiều nhất trong các bài viết của Người trong những năm đầu của chế độ mới và cả sau này nữa. Bác luôn nhấn mạnh tới khối thống nhất giữa nhân dân và chính quyền cách mạng, giữa nhân dân với Đảng Cộng sản.

Ngày 17/10/1945, trong thư gửi uỷ ban nhân dân các cấp, Bác viết: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không có lực lượng. Nếu không có Chính phủ thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”... Để chế độ mới thực sự là của nhân dân, các cán bộ cách mạng cần:

“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.
Việc gì  hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.

Và để thực sự xứng đáng là “người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành với nhân dân”, Đảng ta cần “thật trong sạch” và mỗi đảng viên phải “thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” (trích Di chúc). Những lời này cho tới hôm nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự và vĩnh cửu của nó. “Tu thân” theo những tiêu chuẩn của người cán bộ cách mạng cần phải  là một việc làm thường xuyên, hàng ngày và lâu dài của tất cả chúng ta!

Trong bản Di chúc, Bác Hồ cũng đã không quên căn dặn rằng, Đảng ta “cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”. Một nỗi niềm đau đáu vì dân của nhà lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, vị Cha già của dân tộc!

Những tư tưởng quí báu “vị nhân dân” của Bác Hồ đã soi rọi con đường lắm gian khó, chông gai và thử thách nhưng cũng nhiều thắng lợi và vinh quang hơn nửa thế kỷ qua của cách mạng Việt Nam. Chúng ta đã giành được được những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước cũng chính là nhờ biết dựa vào  dân. Chúng ta đã bảo vệ được chế độ XHCN trong phong ba bão táp của những đổ vỡ tư tưởng trên trường quốc tế cũng là do có một Nhân dân từ ngày có Đảng, nói như lời trong Di chúc của Bác Hồ: “Luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”

Chính Nhân
.
.