Từ Bùi Xuân Phái đến Bùi Thanh Phương

Thứ Hai, 01/06/2009, 14:41
Làng hội họa vẫn gọi Bùi Thanh Phương là gã lì lợm, bởi anh không bao giờ cảm thấy thỏa mãn trước những lời khen. Anh luôn tự biết mình là ai, đánh giá được bản thân khi xem tranh của các họa sĩ đương đại. Anh bảo rằng đôi khi những lời khen làm hại họa sĩ. Những lời tâng bốc, chẳng thể làm bức tranh đẹp hơn, cái đẹp là giá trị vốn có của nó.

Vì thế, khi cầm cọ, Phương luôn nghĩ mình phải làm sao có cảm xúc, có hồn và bằng một tình yêu mãnh liệt. Những bức tranh vẽ ra, Phương vẫn thấy chưa hài lòng, dù mỗi bức anh đã vẽ bằng tất cả niềm khắc khoải, sự trăn trở của người lúc ngủ cũng nhắc đến tranh.

Gã tài tử không qua trường lớp

Bùi Thanh Phương sinh năm 1956, con của danh họa nổi tiếng Bùi Xuân Phái mà có lẽ cho đến mãi sau này, làng hội họa vẫn nhớ đến tên tuổi sự nghiệp của ông. Trong khi rất nhiều họa sĩ muốn được ảnh hưởng bởi "cây đa" Bùi Xuân Phái, thì con trai ông Bùi Thanh Phương lại luôn muốn thoát khỏi cái bóng của cha mình. Anh đã phải từ bỏ đề tài mà anh rất yêu thích là "Phố", cũng là dễ vẽ, dễ đẹp hơn các đề tài khác.

Nhưng lặp lại đề tài người khác đã đi khác nào mặc chiếc áo mình đi mượn. Nhưng anh cũng chẳng dại gì tuyên bố mình sẽ đi theo một đề tài nào. Làm nghệ thuật, nhất là sáng tạo ai cũng ngại nói trước. Bùi Thanh Phương cũng vậy, cảm hứng đến lúc nào thì chớp lấy. Anh tâm niệm mình phải đi theo nghệ thuật, chứ nghệ thuật chẳng chịu đi theo mình.

Vẽ về phố cổ ngày nay, ai cũng biết là sẽ đi vào lối mòn. Nhưng một số họa sĩ khác vấp phải. Thanh Phương cười: "Hà Nội không còn cảnh phố cổ nữa để cho mà vẽ. Các họa sĩ bây giờ vẽ phố cổ Hà Nội chỉ có thể dựa theo ảnh tư liệu nên không có xúc cảm. Trước đây cha tôi vẽ, ông có bao giờ muốn cố gắng để khẳng định phố Phái đâu. Vì thế tôi tự thấy buồn cười nếu tôi vật vã làm việc để muốn khẳng định… phố Phương".

Bùi Thanh Phương luôn tự hào và cố gắng với tâm niệm xứng đáng là hậu duệ của họa sĩ họ Bùi. Nhất là khi cái bóng của Bùi Xuân Phái quá lớn. Trong nhiều cuộc họp, hội thảo, Phương luôn cố gắng giấu mình đi, quyết không bao giờ có cảm giác cậy mình có một người cha là danh họa. Anh cũng không cần người khác phải nể anh vì là con của cụ Phái. Anh sống và làm việc với một niềm tin và tình yêu của riêng mình. Câu nói "Tôi là tôi với tất cả những cái kém và cái hay" của cụ Phái đã an ủi Phương nhiều.

Đã vẽ cả nghìn bức tranh, nhưng Phương là người chưa từng qua một lớp mỹ thuật cơ bản nào. Tất cả là do anh học ở xưởng vẽ của cha, đó là một trường đời lớn. Thêm nữa là do anh vất vả tự học.

Tất cả xuất phát từ tình yêu đối với cha, để tôn vinh cha. Phương nghĩ cha mình đã là một cái đỉnh, được người ta mến mộ về nghệ thuật rồi thì cũng yêu mến những câu chuyện thú vị về cha nữa. Làm hội họa có cơ hội để làm nhiều việc cho cha. Đó là lý do khiến sau này Bùi Thanh Phương làm rất nhiều việc như: Đòi công bằng cho tranh Phái; lập giải thưởng Bùi Xuân Phái, triển lãm tranh của cha, lập website giới thiệu về cha và những câu chuyện cảm động thường nhật. Từ năm 12 tuổi, Phương mò mẫm đi xin học vẽ ở Cung Thiếu nhi.

Cách Phương học được nhiều ở cha mình là hằng ngày anh ngồi bên cạnh bảng màu của ông để xem ông vẽ và nghe ông nói chuyện về hội họa, nghe các quan niệm về nghệ thuật của các họa sĩ mỗi khi họ đến thăm ông. Hết cấp III, Phương thi vào Đại học Mỹ thuật Công nghiệp nhưng bị đánh trượt ngay trong phòng thi. Do ngày đó còn nhỏ, anh tương đối "ngầu", để râu sớm và nghịch ngợm. Trong phòng thi, Phương chủ quan, dù vẽ xong trước nhất nhưng lại vô tư rút thuốc ra hút. Thế là bài bị đánh dấu và… trượt vỏ chuối. Phương bỏ đi làm tự do mất hơn 10 năm trời.

Đến năm 1985, sau khi vẽ mấy bức tranh và bán được, Phương đã chuyển về nhà vẽ tranh và sống bằng nghề vẽ cho đến giờ. Là một gã tài tử thích tự do, phóng túng nhưng Phương không kiểu cách. Anh là người sống bình dị và thích gần gũi những người nghèo khổ. Ngay cả khi đi nước ngoài, được bố trí ở khách sạn 5 sao, anh cũng bỏ ra ngoài ăn cơm bình dân.

Ở thế hệ Bùi Xuân Phái, các ông thường khen ngợi là hay chứ không phải là giỏi (giỏi thường chỉ là khéo tay). Khi tôi hỏi, vậy anh đã có bức này hay chưa? Phương cười hiền lắc đầu: "Tôi chưa bao giờ thỏa  mãn với tranh của mình. Nỗ lực, gắng sức mỗi ngày chỉ mong sao trong sự nghiệp của mình để lại được một hoặc hai bức tranh hay cho đời, thế cũng là đủ".

Nghe anh nói, tôi nhận thấy sự khắc nghiệt của nghệ thuật. Cũng như người làm văn học, con đường nghệ thuật là con đường đi ngày càng chẳng nhìn thấy điểm dừng. Trước đây trong xưởng vẽ, Phương thấy nhiều bức đã gọi là đẹp, mà cứ thấy cha mình xóa đi vẽ lại. Sau này anh hiểu rằng, cha mình quyết không vẽ những bức tranh nhạt nhẽo, kém giá trị. Nếu cảm thấy không đạt thì chẳng nên thương tiếc làm gì.

"Tôi là con và là bạn của cha"

Bùi Thanh Phương nói rằng, cha mình rất bình đẳng và tâm lý. Ngoài là một người cha, ông còn coi Thanh Phương như một người bạn. Và thực tế cuộc sống hằng ngày, anh gần như một cố vấn, trợ lý cho cha trong hầu hết các vấn đề mà ông cảm thấy nan giải.

Khi hai bố con ngồi nói chuyện với nhau, ông thường xưng là "mình" với Phương, đến nỗi nhiều khi thấy không hợp lý, mẹ Phương phải can thiệp: "Sao ông cứ xưng mình mình tớ tớ với nó? Hai bố con ngồi nói chuyện với nhau cứ như hai người bạn không bằng".

Cụ Phái lại cười xòa, bảo không sao. Thanh Phương nói rằng, khi còn sống cha mình quá hiền lành và khiêm nhường. Anh đưa tay lên quá trán, diễn tả cảm xúc của mình khi nghĩ về cha: "Ông cụ không phải là người sáng tác và ý thức về việc bán tranh của mình. Tranh của cụ lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng rất khiêm nhường và do tôi mang đi ký gửi tại phòng tranh nhỏ ở Bờ Hồ.

Từ đó, mọi giao dịch liên quan đến tác phẩm của cha đều do tôi thực hiện. Tôi đã tránh cho cụ những tình huống khó xử khi phải tự mình định đoạt giá trị vật chất cho đứa con tinh thần của mình. Đó là điều ông cụ không hề muốn. Tôi chẳng hơn ông cụ được cái gì, chỉ quái hơn thôi. Thực tế, cha tôi đã sống cuộc sống như trẻ thơ gần hết đời người".--PageBreak--

Là người vinh danh cha, cũng là người con duy nhất đi theo nghiệp cha, Bùi Thanh Phương có quá nhiều kỷ niệm với cha mình. Những kỷ niệm đó anh sẽ in thành sách để gìn giữ làm kỷ niệm và để cho nhiều người biết.

Về một kỷ niệm thú vị khiến anh day dứt, Phương kể: "Đó là vào năm 17 tuổi, mắt của tôi bắt đầu có vấn đề, tôi cần phải có một cái kính cận nếu muốn nhìn cho rõ, nhưng không thể vay mượn được ai. Không có cách nào khác để có tiền mua kính, tôi đành mở tủ của ông cụ để lấy số tiền ấy. Tôi viết một bức thư, nêu rõ lý do và hẹn ngày tôi sẽ trả lại tiền vào chỗ cũ.

Tôi đã hy vọng sau đó sẽ đi làm thuê và sau một tuần là có tiền và lại lặng lẽ đặt vào chỗ cũ, nếu ông không biết thì kể như không có chuyện gì xảy ra. Lúc đủ tiền, tôi yên trí mở tủ của ông để trả số tiền ấy, nhưng khi tôi mở tủ ra thì thấy một bức thư của cha gửi cho tôi, trong thư ông viết là nếu lần sau cần tiền để giải quyết việc chính đáng thì cứ hỏi bố. Đọc xong thư ông, tôi muốn khóc". Vâng, bất kể một người con nào cũng tự hào vì có một người cha nhân hậu như thế.

Vậy nên, họa sĩ Bùi Thanh Phương tự hào là người có triển lãm tranh kéo dài lâu nhất ở Việt Nam và không biết bao giờ mới bế mạc, diễn ra tại Cà phê - Gallery 31 Cửa Đông. "Triển lãm" này của anh mở từ năm 2000, khiêm tốn nằm giữa những cửa hiệu lớn. Gần 10 năm hoạt động, quán vẫn thu hút nhiều người đến vừa thưởng thức vị cà phê đậm đà, vừa chiêm ngưỡng những bức tranh của họa sĩ họ Bùi.

Thêm một chuyện khác, có liên quan đến ngày cưới của Phương, và với anh nó trở thành câu chuyện đáng để kể bạn nghe là bởi nhờ vào những tấm thiếp mời dự đám cưới do chính tay Bùi Xuân Phái vẽ từng bức một. Bùi Xuân Phái đã chiều con trai mà vẽ 50 bức thiệp mời cưới.

Bức họa mô tả cô dâu ôm bó hoa trên tay, 50 bức đều là độc bản vì khác nhau, bởi ở mỗi bức, cô dâu lại được diện trong bộ áo dài khác. Ngày đó Thanh Phương chỉ được 12 tấm để dùng mời bạn bè. Còn lại Bùi Xuân Phái vẽ cho mình để ông mời các bạn của ông và khách mời của hai họ. Ngày cưới là một ngày trọng đại của một đời người và với Bùi Xuân Phương, đó còn là một ngày gắn với vận mệnh của cha mình.

Anh tâm sự: "Bữa tiệc được thực hiện tại nhà hàng Phú Gia, hôm ấy tôi bố trí, kê một chiếc bàn đủ 12 chiếc ghế để dành cho Bùi Xuân Phái với bạn hữu của ông. Nhưng vì ông Bổng Hàng Buồm muốn có 2 tấm thiệp mời, nên Bổng Hàng Buồm đã tự động rủ thêm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến dự. Và chiếc bàn ấy phải kiếm thêm chiếc ghế thứ 13.

Tôi cứ ân hận và tiếc mãi là, sao khi đó mình không đạo diễn cho người nhiếp ảnh chụp khung cảnh Bùi Xuân Phái đang say sưa trò chuyện và đánh chén cùng các bạn hữu của ông, ngồi xung quanh ông ở chiếc bàn dài ấy. Bùi Xuân Phái có bộ râu dài và khuôn mặt gầy guộc, nên hình ảnh ấy sao tôi thấy nó quá giống với bức tranh nổi tiếng "Bữa Tiệc Cuối Cùng" của Leonardo da Vinci".

Không ai có thể ngờ là, sau bữa tiệc đó 8 tháng, Bùi Xuân Phái đã đột ngột qua đời do ác bệnh ung thư phổi. Nguyên nhân được xác định vì ông đã hút quá nhiều thuốc lá và thuốc lào trong cả cuộc đời. Bữa tiệc cưới của con trai ngày hôm đó là bữa tiệc cuối cùng mà Bùi Xuân Phái có cơ hội mở tiệc mời các bạn hữu của ông tham dự.

Sau khi Bùi Xuân Phái mất, người ta đã chuyền tay nhau tấm thiệp cưới này, ban đầu nó chỉ có giá từ 100 đến 200 USD, nhưng ở vào thời điểm hiện tại, giá bán tấm thiếp cưới vẽ tay của Bùi Xuân Phái trên một website đấu giá của ngoại quốc đã lên cao ngất trời mây.

Trước đây, những người nhận được tấm thiệp mời này không một ai dám nghĩ rằng có một ngày, giá trị của nó lên tới 4.700 USD. Tôi đùa với Phương rằng, hóa ra danh họa Bùi Xuân Phái mời khách, còn trao cho họ một món hời. Thanh Phương cười rằng, đó là điều anh rất phục ở cha mình.

"Từ Bùi Xuân Phái đến Bùi Thanh Phương"

Vẽ nhiều, tâm huyết với nghề nhưng Phương chưa làm một cuộc triển lãm nào cho mình. Hỏi thì anh bảo mình chưa vừa ý, nhưng anh dự định những năm tới sẽ có một triển lãm mang tên "Từ Bùi Xuân Phái đến Bùi Thanh Phương". Phương bảo, sẽ có người nói anh ngông, nhưng anh chỉ muốn người xem có thể hiểu một cách hệ thống về hai thế hệ họa sĩ họ Bùi. Hơn nữa cuốn sách "Bùi Thanh Phương - con đường hội họa" được dịch ra hai thứ tiếng, sẽ góp phần làm cho những người yêu hội họa quốc tế hiểu thêm về tranh Bùi Xuân Phái, chống sưu tầm và lưu hành tranh giả.

Bùi Thanh Phương cũng khẳng định, anh vẫn giữ nguyên ý định khởi kiện hãng đấu giá danh tiếng Sotheby's vì đã đấu giá tranh giả của cha mình. Họa sĩ Bùi Thanh Phương cho rằng, anh dứt khoát phải làm điều đó để thể hiện tư chất của một kẻ sỹ Bắc Hà

Diên Khánh
.
.