Trung tướng Đoàn Chương đôi điều tôi biết

Thứ Hai, 18/05/2009, 16:20
Năm 1966, tôi là pháo thủ số 5 pháo cao xạ 57 milimét. Đơn vị chúng tôi bảo vệ sân bay Kép. Đúng lúc đó, tôi được điều về Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, như Chính ủy Trung đoàn nói, để "viết báo một thời gian". Ông còn căn dặn: "Cậu phải khiêm tốn học hỏi và giữ nghiêm kỷ luật...". Hai giờ sáng, tôi được đồng chí lái chiếc môtô ba bánh, đánh thức dậy để lên đường.

Đồng chí trung úy có vầng trán rộng nói giọng Nghệ An đón tôi ở cổng gác Bộ Tư lệnh. Anh đưa tôi vào một phòng họp lớn. Tôi liếc mắt nhìn toàn là cấp cao. Tôi sợ, chân run lên, không dám bước. Tôi được xếp ngồi cạnh một cậu binh nhất trẻ măng, trẻ hơn tôi đến mấy tuổi, da mặt đỏ căng, nhưng mái tóc lốm đốm đôi ba sợi bạc. Trên bàn sát trước mặt chúng tôi bày đầy thuốc lá Điện Biên bao bạc, kẹo Hải Châu có ba lần giấy, nhưng mọi người chỉ hút thuốc.

Đây là cuộc họp báo đầu tiên của Quân chủng Phòng không - Không quân từ ngày đánh trả cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ trên miền Bắc nước ta. Có nhiều nhà văn nổi tiếng được mời đến dự, như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Hữu Mai, Nguyễn Quang Sáng, Hồ Phương, Đào Hồng Cẩm... Tôi vốn ngưỡng mộ các ông nhưng không nhìn rõ mặt, vì tôi ngồi tít tận phía sau.

Ban tổ chức giới thiệu Trung tá Đoàn Chương, Phó Cục trưởng Cục Chính trị Quân chủng lên giới thiệu các đơn vị và cá nhân tiêu biểu trong chiến đấu và huấn luyện, mời các nhà văn, nhà báo viết bài về họ.

Tôi ngồi xa, không nhìn rõ mặt ông. Chỉ nghe giọng Quảng Trị nằng nặng. Ông vừa nói vừa hút thuốc. Nơi ông đứng khói tỏa mịt mù. Ông đứng trước cử tọa lần lượt giới thiệu thành tích từng đơn vị, từng cá nhân không cần giấy tờ, sổ sách gì cả. Hơn bốn mươi đơn vị, cá nhân chứ có ít đâu. Ông nói rành rẽ từng nét riêng, chung, cái thật xuất sắc và cái cần phải khắc phục ở mỗi đơn vị, mỗi con người. Ông không bỏ sót, không nhầm lẫn, họ tên từng người, từng đơn vị.

Thỉnh thoảng ông rít một hơi thuốc lá rõ dài, khói tỏa mù mịt quanh ông. Ông hứa với các nhà văn nhà báo, Cục Chính trị Quân chủng sẽ cố gắng hết khả năng của mình để họ thâm nhập thực tế, gặp gỡ, tìm hiểu sâu những con người, những đơn vị đã lập những chiến công lẫy lừng. Trung tá nói đầy tính thuyết phục.

Đã có rất nhiều nhà văn đăng ký đi thực tế. Nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhà văn Hữu Mai, nhận đi viết không quân, cao xạ khu 4. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Hồ Phương đăng ký viết cao xạ Hà Nội. Nhà báo Chính Yên, xin luôn giấy giới thiệu để lên đường viết về biên đội đánh thắng trận đầu Phạm Ngọc Lan và cao xạ khu 4 để in ở chân trang Báo Nhân Dân. Lời hứa của các nhà văn, nhà báo khi ấy thật thiêng liêng.

Chỉ ít lâu sau, bạn đọc cả nước đã được đón nhận tác phẩm của họ. Nhà văn Nguyễn Đình Thi có tiểu thuyết "Vào lửa" và “Mặt trận trên cao”. Nhà văn Hữu Mai có tiểu thuyết "Vùng trời", nhà văn Nguyễn Quang Sáng có tiểu thuyết "Câu chuyện trên trận địa pháo". Nhà văn Hồ Phương có tiểu thuyết "Những tầm cao"…

Anh chiến sĩ trẻ ngồi cạnh tôi, thuốc lá không dám hút, kẹo không dám ăn, nói nhỏ với tôi: Thủ trưởng Chương thông minh thật đấy. Thủ trưởng có trí nhớ tuyệt vời thật. Mỗi đơn vị, mỗi cá nhân đã được thủ trưởng khái quát hết cho mình rồi còn gì.

Tôi gật gù tán thưởng. Sau tôi mới biết anh chiến sĩ ngồi cạnh mình là Nguyễn Trí Huân. Huân cũng từ trung đoàn công binh của Quân chủng được gọi lên như tôi.

Quãng giữa năm 1968, tôi và Nguyễn Trí Huân được "mượn" về Báo Phòng không - Không quân. Sở dĩ Tổng Biên tập báo phải mượn vì lý lịch chúng tôi không đảm bảo để về Cục Chính trị. Phòng Bảo vệ không nhất trí. Hơn nữa, mượn mới dễ được đi. Chứ điều động thẳng chưa chắc đơn vị đã chịu cho đi. Do vậy, Cục phó Cục Chính trị Đoàn Chương cùng với Tổng Biên tập báo đã nghĩ ra cái mẹo mượn. Mượn lâu dài. Bởi khi đi mang theo thẻ quân trang, giấy sinh hoạt đảng đoàn, giấy cung cấp tài chính.

Ở báo lúc đó có nhà văn trẻ nổi tiếng Đỗ Chu. Thế là nhà văn Đỗ Chu và tôi, Nguyễn Trí Huân được biên chế về Tổ viết gương người tốt việc tốt. Gọi tắt là Tổ gương, thuộc Báo Phòng không - Không quân. Tờ báo được duyệt qua ba cấp: Tổng Biên tập, Phòng Tuyên huấn và Cục Chính trị. Cục Chính trị phân công Phó cục trưởng Thượng tá Đoàn Chương đọc.

Nhiều lần Báo bị Phó Cục trưởng Đoàn Chương trả lại. Nhất là những số báo đặc biệt ra 8 trang, 12 trang. Chúng tôi vắt chân lên cổ mà chạy, mà lo viết bài. Không khí thời chiến tranh thật tất bật, nhộn nhịp. Ông Đoàn Chương không bao giờ ghi rõ lý do số báo bị đổ và bài nào chưa được, chưa trúng… Có lẽ ông chỉ nói riêng với Phó trưởng Phòng Tuyên huấn và Tổng Biên tập. Còn chúng tôi, mỗi người đều tự đọc bài của mình và tự nhận xét. Do vậy, mỗi lần báo đổ, tay nghề chúng tôi đều được nâng lên. Tờ báo làm lại rõ ràng hay hơn hẳn nhờ nội dung phong phú, sâu sắc, chặt chẽ.

Dạo ấy cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ mỗi ngày một leo thang, ác liệt, dữ dội. Nhà văn Đỗ Chu mới học xong khóa hai, Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam. Đỗ Chu xin với Phó Cục trưởng Cục Chính trị Đoàn Chương cho ông theo học Học viện Gorki bên Moskva. Đoàn Chương cười khà khà, hỏi:

- Cậu định bao giờ đi?

- Chưa rõ ạ. Nhưng Hội Nhà văn sẽ có công văn gửi Cục Chính trị.

- Vậy cậu cứ chuẩn bị đi.

Quả thực, ai cũng mừng cho Đỗ Chu, cũng vui lây với niềm vui của Đỗ Chu. Nhưng chờ tới hàng tháng chả thấy công văn của Hội Nhà văn Việt Nam. Thời chiến đi lại khó khăn. Điện thoại không có. Đâu như bây giờ, bấm máy cầm tay liên lạc vài phút là biết rõ thông tin.

Phó Cục trưởng Đoàn Chương bảo:

- Thế này vậy. Trong khi chờ đi Học viện Gorki Liên Xô thì cậu đi "Học viện Gorki Việt Nam" vậy. Cậu chuẩn bị đến đại đội pháo bảo vệ Hà Nội. Mình chỉ có nguyện vọng gọi là yêu cầu cũng được, mà mong muốn cũng đúng, tùy theo cậu hiểu. Đó là mỗi tháng cậu gắng viết lấy một bài, in trên Báo Nhân Dân hay Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Không câu lệ bút ký, truyện ngắn, hay bài báo. Văn cậu có sức truyền cảm sâu sắc với bộ đội…

Đỗ Chu làm pháo thủ ở Đại đội 5 đoàn Thống Nhất. Lao động nhà văn với Đỗ Chu cực nhọc như lột xác. Ông trăn trở, nghĩ ngợi đến mất ăn, mất ngủ. Ông có thói quen đứng viết. Bàn viết của ông là những hòm đạn kê cao trong hầm pháo. Truyện ngắn, bút ký của ông thường được hoàn thành giữa các trận đánh. Ông tìm từ, chọn chữ, gạch xóa kỹ lưỡng tới mức không tìm ra hạt sạn (chữ thừa)... Những truyện ngắn, bút ký Đỗ Chu viết ở trận địa pháo sau khi in báo, in Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ông đã gom lại in thành tập "Vòm trời quen thuộc".

Tinh mơ một sớm mùa hè, Tổng Biên tập đã đánh thức đồng chí lái xe môtô ba bánh. Thầy trò họ đi đâu, không ai biết. Bởi Tổng Biên tập đi công tác gấp trong 6 tiếng đồng hồ thì không phải báo cáo phòng và cục. Cũng hôm ấy, ông Đoàn Chương thử dậy sớm hơn thường ngày. Ông sùng sục sai người đi tìm Tổng Biên tập, ông đi đi lại lại trên sân xi măng trước cửa nhà thủ trưởng cục. Đó là cái sân bóng rổ có từ thời Tây. --PageBreak--

Phó Cục trưởng có vẻ bực bội. Ông rít thuốc lá liên tục, khói thuốc bốc theo ông cứ như có đống dấm bị khói thổi bay quanh quẩn. Chốc chốc ông lại giơ tay nhìn đồng hồ. Ánh nắng càng lên cao chói chang ông càng tỏ ra sốt ruột. Giữa lúc đó, đồng chí Phó Chính ủy Quân chủng sang làm việc, hỏi đùa ông: "Thế nào nhà lý luận, cái con khỉ hôm nay nó tiến hóa đến đâu rồi hả?". Phó Cục trưởng Đoàn Chương vội vàng chào và mời cấp trên lên phòng làm việc.

Tổng Biên tập về mới biết ông đi đón Đỗ Chu. Theo dự đoán của Phòng Tác chiến Quân chủng, địch có nhiều khả năng đánh phá ác liệt vào trận địa đại đội Đỗ Chu. Do vậy, Tổng Biên tập lo mất một nhà văn cỡ Pautốpxki Việt Nam. Hơn nữa, Đỗ Chu xa đơn vị cũ cũng lâu rồi. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tổng Biên tập muốn đón Đỗ Chu về cho an toàn.

Làm việc với Phó Chính ủy Quân chủng xong, Phó Cục trưởng Đoàn Chương đã điện xuống báo hỏi Tổng Biên tập về chưa. Và lên gặp ông ngay. Hóa ra ông Đoàn Chương cũng lo cho Đỗ Chu. Ông chờ mong Tổng Biên tập đến để bảo đi đón Đỗ Chu...

Tôi nhớ năm tôi biên tập cuốn tiểu thuyết "Chim én bay" của nhà văn Nguyễn Trí Huân. Thời gian này, Đại tá Đoàn Chương làm Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Thực lòng, cuốn tiểu thuyết có nhiều vấn đề để bàn, có ưu và có nhược. Văn là người. Cuốn sách nào chả thế. Biên tập xong, tôi thấy những vấn đề trong cuốn tiểu thuyết “Chim én bay” rất khó in ở Nhà xuất bản Quân đội nhân dân trong thời điểm đó. Tôi trăn trở suy nghĩ. Làm thế nào để cuốn tiểu thuyết đó đi suôn sẻ. Và tôi quyết định ghi hai dòng vào phần nhận xét.

Gạch đầu dòng thứ nhất: "Cuốn sách có nhiều khả năng được giải thưởng Bộ Quốc phòng". Gạch đầu dòng thứ hai là "Cuốn tiểu thuyết có thể được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam". Sách văn học ở Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đến thời điểm đó rất ít cuốn lọt vào mắt xanh các vị giám khảo giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng trao 5 năm một lần vào năm chẵn kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân. Lại càng ít cuốn được giải thưởng Hội Nhà văn. Tuy vậy, tôi vẫn tự tin vào nhận xét của mình.

Đọc duyệt xong, Đại tá, Trưởng phòng Biên tập sách văn nghệ Đỗ Gia Hựu, một bà đỡ mát tay vốn tận tụy với sách của Nguyễn Trí Huân từ tập truyện ngắn đầu tay đến cuốn tiểu thuyết này, gọi tôi sang phòng làm việc của ông, nhăn nhó: "Mày ghi liều quá. Thằng Đức vía dám ký duyệt, ông Chương trị cho bỏ mẹ". Tôi bảo: "Em không ghi liều đâu. Không tin, anh cược với em đi". Ông bảo: "Cược cái gì. Tao ký duyệt hàng trăm cuốn sách ở nhà mình, tao còn lạ. Thôi, gọi thằng Huân sang trả lại nó". Tôi ra sức thuyết phục ông khiến ông phát cáu. Ông gắt: "Thôi được rồi. Tao ký. Cứ đưa cho thằng Đức xem thế nào".

Lúc ấy Trung tá Phạm Gia Đức mới nhận chức Tổng Biên tập. Ông vốn là nhà viết sử, Trưởng phòng Biên tập sách lịch sử quân sự mà chưa hề làm quen với văn chương. Cuốn tiểu thuyết "Chim én bay" là sách văn học lần đầu tiên ông đọc duyệt.

Ông gặp tôi tâm sự: "Bác Hựu và bác làm khó cho tôi. Quả thực tôi không dám quyết đâu. Tôi nộp cho sếp Chương rồi". Tôi cười cười: "Anh yên tâm đi. Chắc chắn cụ Chương sẽ ký". Tổng Biên tập Phạm Gia Đức lại hỏi: "Liệu in ra cuốn tiểu thuyết ấy có được đến hai giải thưởng như bác ghi không?". Tôi trả lời: "Chắc chắn đấy. Không được tôi ghi làm gì". Phạm Gia Đức nói thêm: "Tôi vẫn nghi bác úm chúng tôi". Tôi đáp: "Vậy tôi với anh cược gì nào?".

Khoảng sau một tuần, Giám đốc Đoàn Chương bảo tôi, mời nhà văn Nguyễn Trí Huân sang làm việc. Tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì ông đặc biệt tin yêu những người lính đã trải qua chiến đấu. Thời điểm đó, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân chỉ có vài ba người trực tiếp chiến đấu. Còn hầu hết là lính văn phòng. Tôi lại trực tiếp chiến đấu, đối mặt với máy bay Mỹ. Thỉnh thoảng ông vẫn gọi đùa tôi là anh hùng trăm trận. Còn nhà văn Nguyễn Trí Huân, lại có ngót một chục năm gắn bó với Khu 5 ác liệt và gian khổ. Ông bảo những người lính như thế thì không thể làm điều xấu. Tuy vậy tôi vẫn hồi hộp, lo lắng. Ông bảo bỏ là bỏ. Không thể bàn tới bàn lui.

Khi tôi và Nguyễn Trí Huân ở phòng làm việc của ông, anh em Phòng Biên tập sách văn nghệ cũng nín thở chờ đợi.

Ông hút thuốc, cười khà khà, lật giở từng trang sách. Ông bảo nên bỏ chữ này, sửa chữ kia cho hợp lý, cho nhẹ hơn.

Tôi chợt nghĩ, cả cuốn tiểu thuyết, chả nhẽ ông chỉ bàn về chữ với nghĩa.

Cuối cùng ông gấp cuốn sách bảo Huân:

- Cậu viết chặt chẽ, chương hồi hợp lý, nhân vật có số phận, có tính cách, người nào ra người ấy, văn chương chải chuốt, kỹ lưỡng nhưng vấn đề cậu đặt ra mình chưa thật thú lắm. In nhà mình cũng được. Nhưng in ở nhà Kim Đồng thì hợp hơn.

Dứt lời, ông đặt bút viết hai chữ "in được" và ký tên.

Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm.

Được làm việc dưới quyền ông mới thấy cái uy, cái tín của ông thật lớn. Nhà xuất bản Quân đội lúc ấy thuộc cơ quan Bộ Quốc phòng. Ông đề đạt với cấp trên điều gì, là điều ấy được thực hiện...

Dương Duy Ngữ
.
.