Trung tướng Châu Văn Mẫn: Những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo

Thứ Năm, 30/01/2014, 10:30

Trung tướng Châu Văn Mẫn trở ra Hà Nội, mảnh đất ông từng nhiều năm gắn bó, giữa cái rét ngọt mùa xuân. Với người cựu tù Côn Đảo, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Bộ Công an, mỗi một năm mới qua đi luôn là một lần nhắc nhớ những kỷ niệm trong ký ức của ông về những ngày tháng cực khổ bị tra tấn dã man ở nơi được ví là địa ngục trần gian. Hỏi ông về kỷ niệm về cái Tết đáng nhớ trong năm tháng ấy, ông bảo, đó là những cái Tết bất tử mà ông không bao giờ có thể nguôi quên trong suốt cuộc đời mình…

Chẳng phải ngẫm ngợi gì nhiều, khi tôi hỏi về những cái tết đáng nhớ trong cuộc đời ông, Trung tướng Châu Văn Mẫn khẳng định rằng, đó là những cái Tết trong nhà tù Côn Đảo. Rồi ông kể rành rẽ từng chi tiết như thể những ngày tháng cách đây gần 40 năm chưa bao giờ tuột khỏi trí nhớ của ông. Sau khi Hiệp định Paris được kí kết, anh em tù chính trị đấu tranh đòi quyền làm chủ từ quản lý, bệnh xá, đấu tranh đòi dân sinh dân chủ trong khuôn khổ của từng phòng giam và địch phải nhượng bộ. Chính vì thế, những ngày lễ như ngày Quốc tế lao động, ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đặc biệt là ngày Tết đều tổ chức mít tinh từng phòng và tổ chức đón mừng xuân mới trong nhà giam. Về mặt tinh thần, chúng tôi lập bàn thờ Tổ quốc bằng cách lấy thùng các tông đựng quần áo đồ đạc của anh em, chồng lại, lấy tấm ga trắng phủ lên. Không ai có ảnh Bác Hồ nhưng vẫn có cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (cờ bằng giấy do mình tự vẽ lấy). Trung tướng Châu Văn Mẫn tự tay làm lư hương bằng cách lấy thép gai cuốn làm sườn, lấy giấy dán vào rồi quét màu nghệ để có màu vàng như lư đồng còn hương giả là 3 cái que như chiếc đũa cắm vào. Làm bình hoa cũng bằng thép, dán giấy, màu xanh lấy từ xanh-mê-ti-len (thuốc sát trùng trong y tế) pha loãng ra, rồi lấy bàn chải cũ phun đều lên. Ông cũng là người ngồi hì hụi gấp những chùm hoa giấy để cắm vào bình. Đến thời điểm giao thừa sau khi chào cờ xong, cả phòng hát quốc ca rồi đồng chí trưởng phòng đọc lời chúc Tết anh em.

Những ngày Tết anh em cũng tập văn nghệ, vừa hát vừa múa bài Tiếng chày trên sóc Bom Bo. Đồ hóa trang là dùng bao bố để giả nữ. Bao bố tước ra, lấy sợi nhuộm với viên pin màu đen hoặc là thuốc nhuộm, kết lại thành tóc để giả nữ. Làm giả bông tai đeo vào. Các anh em khác thì làm súng cắt từ bìa các tông, súng côn, súng AK (pha thuốc đỏ với màu xanh do lá khoai lang giã ra và than, bôi lên đen nâu, có màu gỗ, màu sắt). Có năm Tết chúng cho mấy phòng ra tắm nắng cùng một lúc, vậy là anh em ra biểu diễn văn nghệ ngoài sân luôn. Anh Trương Văn Thận hát giỏi đã cất cao bài hát tập thể để cùng hát đồng ca, bài hát có câu: “Nhắm thẳng đoàn thù ta xông tới anh em ơi” rồi cầm khẩu súng côn chỉ vào bọn đang đứng ở hàng rào. May mà chúng ở xa không để ý, chứ mà có máy quay phim, chụp ảnh như bây giờ là anh em sẽ bị quy vào tội “bạo động”.

Dù bị áp bức, tra tấn, nhục hình, song tinh thần đoàn kết của anh em tù chính trị đã khiến những vết thương đau đớn của họ nhanh lành lại hơn. Đói khổ là thế, nhưng những cái tết lại là dịp để anh em cải thiện bữa ăn cho mình. Trung tướng Châu Văn Mẫn kể lại: Được cải thiện một phần do dịp tết gia đình được gửi bưu kiện nhất là những đồng chí có gia đình ở trong vùng giải phóng. Họ gửi quà cho con nhưng thật ra là nuôi chung tất cả anh em trong tù. Đồ khô thì có đường, bột ngọt, thèo lèo, tôm khô. Hồi đó đói quá, hàng ngày phát cơm chúng tôi đòi chia cả cơm cháy rồi mang về phòng để dành lại. Mỗi người được một bát cơm, không có rau, không có gì cả, đói triền miên nhưng cơm cháy để dành lại, phơi khô để dành nấu chè hoặc nấu chè đỗ xanh. Không có đỗ xanh, chúng tôi dùng cọng khoai lang (hái được khi chúng cho đi tắm nắng) xắt ra thay đậu xanh để nấu. Mỗi người cũng được nửa bát, vậy là phấn khởi lắm. Cũng may mà khoai lang được trồng xung quanh trại do mấy anh em ra tắm nắng tranh thủ trồng, tưới nước, chăm sóc, bảo vệ rồi ăn chung. Chúng tôi chia khoai lang thành 7 món khác nhau: Gỏi rau lang (cọng tước ra, trộn với đậu phộng), lấy lá rau lang làm bánh tráng (cuốn với cá đuối mà trật tự bán cho), làm dưa chua, nấu chè đậu xanh, luộc, nấu canh, cơm độn (dây rau lang tước bỏ vỏ bên ngoài, thái nhỏ). Cải thiện trong ngày Tết chỉ được thế thôi và rau lang trồng được bao nhiêu anh em đều để dành mấy ngày Tết.

Những ngày Tết được chúng để cho “dễ thở” một chút, nhưng khi cần, chúng vẫn dùng nhục hình tra tấn anh em. Trung tướng Châu Văn Mẫn cho biết: Để đòi yêu sách, tôi đã tuyệt thực và nhân cơ hội ấy, chúng đã “lờ đi” bỏ đói chúng tôi đến 19 ngày. Hồi đó, tôi nằm chung với đồng chí Phạm Văn Mạn, là thành phần học sinh ở Sài Gòn, hoạt động học sinh sinh viên bị bắt, đã có vợ ở quê nhà. Ông Mạn chỉ có một ước mơ khát bỏng mà vô cùng giản dị là ra tù về nhà được nấu một bữa chè thật ngon, rồi ông tả, nguyên liệu sẽ gồm đường thật ngọt, thịt heo mỡ và trứng. Hai anh em đã đói khát mà toàn kể chuyện ăn, chỉ tả mỗi món chè mà như thể mình đang được thưởng thức một món sơn hào hải vị. Cũng có năm, trước tết, khi trại 6B tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, cũng treo băng rôn, khẩu hiệu, cũng dựng sân khấu đàng hoàng để 5 giờ sáng làm lễ mít tinh. Nhưng tối đó ở trại báo lên cho Trung tá Đào Văn Phô - Tỉnh trưởng tỉnh Côn Sơn kiêm Giám đốc Trung tâm Cải huấn xuống kiểm tra. Chúng ra tối hậu thư yêu cầu dỡ bỏ hết, sau mấy tiếng quay lại mà vẫn còn sẽ cho lực lượng thu hồi. Anh em chúng tôi không thực hiện theo tối hậu thư đó, một giờ sau chúng đưa lực lượng cảnh sát dã chiến và an ninh trật tự xuống ném lựu đạn cay, bắn phi tiễn vào phòng, đánh người. Hồi đó tôi và chú Nguyễn Vui (là lãnh đạo trong tù), nhà giam có cửa ngoài - cửa trong, cửa trong làm bằng song sắt, hai người ngồi nói chuyện bị chúng xông vào ném lựu đạn cay bất ngờ xộc vào mặt mũi. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn ngửi thấy mùi khói và sợ lựu đạn cay. Đời tôi, sợ nhất hai thứ: lựu đạn cay và trấn nước (khi tra tấn, bọn chúng đạp lên chân tay, phủ khăn ướt lên mặt, cứ đổ nước vào mãi, không thở được, thở mạnh thì hít nhiều nước vào, uống đầy cả bụng nước. So với đòn trấn nước thì đánh đập không ăn nhằm gì, đánh đã thì chỉ nhừ người, đau người, còn trấn nước khiến mình không thở được.

Những ngày Tết qua đi, số anh em ở phòng 9, phòng 10 bị giam cầm, cấm cố, chúng hạn chế tắm nắng, tắm nước ngọt. Không có tí gì cải thiện đời sống, chỉ trường kỳ ăn đói, cơm hẩm khô đắng, mắm chua, thiếu rau xanh trầm trọng, nhiều anh em tới buổi nhân viên hỏa thực khiêng cơm để trước phòng, nghe mùi cơm mốc, khô đắng, mắm sặc đã nôn ói, bệnh tật phát triển, nhất là bệnh phù thũng, bại liệt vì bữa ăn không có rau, không có chất dinh dưỡng. Tuy thế, vì còn trẻ, mới 20 tuổi, quanh năm suốt tháng phải ăn đói, hôm nào chia cơm, mâm của Trung tướng Châu Văn Mẫn cũng được chia một bát cơm thừa, anh em ịn chặt bát cơm, lấy đũa chia đều 10 miếng cho 10 người. Trong phòng có đồng chí Đặng Tuyến người Quế Sơn - Quảng Nam ốm yếu, thường bệnh tật, hôm nào ông không ăn thêm được, phần cơm đó đồng chí Đặng Tuyến đã nhường cho “cậu Mẫn”. Do bị đói triền miên ngày này sang ngày khác nên tuy là một phần 10 chén cơm nhưng Trung tướng Châu Văn Mẫn bảo rằng, ông cảm thấy sung sướng trong lòng như được nhận một món quà lớn. Có lần đi tắm nắng, thèm rau xanh quá ông đã đi dọc hàng rào kẽm gai thấy cây cỏ xước mọc trên cát ven rào, ông hái được mấy lá, phủi sạch cát cho vào miệng ngấu nghiến. Trung tướng Châu Văn Mẫn thưởng thức hương vị ngọt ngào của cỏ mà như được ăn cây cải xanh lúc ở nhà. Khi ra tù, ăn uống đầy đủ hơn, ông hái lá của cây cỏ xước ấy để ăn lại lần nữa nhưng hương vị của nó quá đắng, không thể nuốt được như hồi trước nữa.

Mùa xuân năm nay, Trung tướng Châu Văn Mẫn bước vào tuổi 64. Ông bảo rằng, ông là một người may mắn vì khi trở lại với hòa bình dựng xây, ông vẫn được tiếp tục với sự nghiệp xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Nhiều anh em tù sát cánh bên ông trong những năm tháng ác liệt ấy, đã không còn được trở lại với đất liền, không được trở về với quê hương. Cũng bởi vậy, dù nhiều năm làm việc ở mảnh đất Hà thành, nhưng chưa năm nào ông ăn Tết ở Hà Nội. Cứ sát Tết, ông mang theo đào xứ bắc và quất chín mọng trở vào Vũng Tàu, mảnh đất quê hương nơi có người mẹ già đã ở tuổi ngoài 90 và anh em thân thiết cùng những người đồng đội đã cùng vào sinh ra tử, gặp gỡ để ôn lại những kỷ niệm xưa. Có những năm, ông cùng người vợ hiền, cô giáo Mỹ Chi trở lại mảnh đất đã trở thành một phần đời của ông. Ông chia sẻ rằng, mỗi lần trở lại, tình cảm của ông buồn vui lẫn lộn. Ông đã rời đảo về đất liền sinh sống, công tác đã bao nhiêu năm nhưng dù thời gian trôi đi, trong ký ức đầy vết sẹo đau đớn của những đòn tra tấn của địch, làm sao ông có thể quên được những tháng ngày cùng bè bạn “sống” ở mảnh đất này, những cái Tết cười ra nước mắt mà thấm đẫm tình đồng đội, những món ăn chế biến từ khoai lang mà chỉ có những người sống trong lao khổ với một ý chí kiên cường mới có thể “phát minh” ra. Ông nhớ những đêm miệt mài với những bông hoa giấy, những cái bình hoa giả làm bằng bìa các tông và uốn dây thép gai đâm chảy cả máu tay, vậy mà vẫn làm việc hăng say vì nghĩ đến giây phút giao thừa đón chào năm mới đầy sự đặc biệt. Và với Trung tướng Châu Văn Mẫn, dù đã bao cái Tết trôi qua, đã bao giao thừa đủ đầy, đầm ấm trôi qua trong cuộc đời, song với ông, những giây phút giao thừa trong lao 6B của nhà tù Côn Đảo hóa thành bất tử…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.