Trong thế giới sách Yên Ba
Và tôi đã đến, đã ngồi đó, trong bốn bức tường toàn sách để chia sẻ về một nhân vật mà tôi may mắn gặp trong cuộc đời làm báo của mình.
1. Tôi ấn tượng với những bức tường trong căn hộ chung cư nhỏ của Yên Ba. Những bức tường không được phủ bằng tranh của các danh họa, cũng không đơn thuần là những bức ảnh trang trí hay đơn giản là những khoảng trống trơn. Mà những bức tường gắn liền với sách.
Sách cũ và những trầm tích thời gian khiến không gian của Yên Ba nhuốm màu hoài niệm. Và tôi thấy nó đẹp, nó mang lại cho tôi nhiều cảm xúc không kém gì khi ngắm một tác phẩm hội họa hay thưởng thức một bản giao hưởng của Mozart. Nó mang vẻ đẹp của di sản mà tiếc thay, rất ít người nhận ra.
Tôi gọi yên Ba là kẻ lạc thời, bởi trong cuộc sống ồn ã hôm nay, Yên Ban vẫn đắm chìm trong những giá trị xưa cũ. Cả kho tàng tri thức của nhân loại được thu nhỏ trong ngôi nhà đầy sách của Yên Ba, sách Đông Tây kim cổ, những cuốn sách kinh điển mà anh sưu tầm hơn 10 năm qua.
Có lẽ không nhiều gia đình ở Hà Nội còn giữ được sự tôn vinh sách như vậy trong cuộc sống bộn bề. Yên Ba nổi tiếng với bộ sưu tập Tam Quốc. Anh sở hữu hàng trăm bộ sách Tam Quốc, cả tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Nhật, tiếng Hàn, trong đó có rất nhiều bộ quý hiếm và chỉ còn là độc bản. Tam Quốc và những ảnh hưởng của nó hiện diện khắp nơi trong ngôi nhà nhỏ của Yên Ba.
Một chiếc lộc bình, một quả trứng cũng tái hiện hình ảnh kết nghĩa vườn đào, rồi tượng Quan Công, tượng Khổng Minh. Ngày còn nhỏ, nhà ở khu Nam Đồng, Yên Ba lớn lên cùng với sách. Lần đầu tiên cầm cuốn Tam Quốc tập 11, anh đọc mê mải.
![]() |
Hiệu sách ở phố Thi Sách, giờ đã thành nhà cao tầng, Yên Ba là khách "ruột", mỗi cuốn thuê mất một vài hào. Không có một bộ đầy đủ, mà thuê được tập nào thì ngấu nghiến đọc riêng tập ấy.
Đọc mê mải, sung sướng, thậm chí thuộc nằm lòng từng đoạn, chương mà anh thích. Vì thế, khi bước chân vào con đường sưu tầm sách, Yên Ba cũng bắt đầu từ bộ Tam Quốc.
Từ một thú chơi sách, Yên Ba được mời sang tận Đại học Harvard nói chuyện về Tam Quốc trong một hội thảo bàn tròn về ảnh hưởng của Tam Quốc trong đời sống các nước Châu Á. Buổi thuyết trình có nhiều các giáo sư đến từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Chỉ có Yên Ba đến với tư cách một nhà sưu tầm. Với Yên Ba, đó là một kỷ niệm đẹp. Còn với tôi, đó còn là niềm tự hào.
Yên Ba say sưa nói về sách. Từ những tác phẩm kinh điển của thế giới đến các tác phẩm lớn của Việt Nam, Yên Ba đã thích và yêu thì sẽ đưa vào bộ sưu tập của mình. Bền bỉ, chăm chút theo ngày tháng.
Cũng giống như tri thức đến từ việc đọc sách, không thể nhanh bằng cách phương tiện hiện đại như google. Nó được tích lũy qua năm tháng, thời gian.
Nhưng sống đắm chìm trong những giá trị xưa cũ ấy, Yên Ba có lạc lõng giữa đời sống ồn ào hôm nay? Anh chia sẻ: "Những người sống với giá trị cũ, học biết cách di dưỡng tinh thần, họ biết cân bằng cuộc sống, biết tĩnh tại trước những xô bồ, không bị cuộc sống xung quanh đẩy đi. Nếu được sống một đời sống như thế sẽ giàu có hơn nhiều".
Sách, với Yên Ba, không chỉ để đọc, để khám phá mà còn là chốn nương tựa về tinh thần để anh vịn vào đó, đi qua những biến động khó khăn của đời sống, của xã hội.
"Các giá trị bây giờ quá khác ngày xưa, nó không có những chuẩn mực. Nếu bám vào giá trị xưa cũ, (là giá trị chứ không phải những thứ lạc hậu, cổ hủ) dựa vào đó thì cuộc sống của mình cân bằng, sâu và có giá trị hơn. Nếu chúng ta chỉ dựa vào những giá trị như những cọng rơm thì khi đời sống gặp khó khăn, biến cố về kinh tế, tinh thần, con người ta không biết bấu víu vào đâu". Yên Ba chia sẻ.
Vì thế, sống sâu với những giá trị cũ, Yên Ba đi qua những phù hoa của danh lợi, quyền chức, đứng ngoài vòng xoáy của đời sống và những thứ mà nhiều người coi là quan trọng...
Anh tin vào những giá trị đã được thời gian sàng lọc. Sách cũ cũng là một giá trị. Ở Hà Nội bây giờ, rất hiếm có những gia đình, kể cả những gia đình trí thức còn giữ được vài chục cuốn sách trước năm 1945.
Vậy mà Yên Ba có, và với anh "những cuốn sách đó ngang hàng với những bảo vật quốc gia. Ta không thể làm lại một cuốn sách cũ, nó như một đĩa men, một bình gốm cổ, vỡ là thôi. Như Số đỏ - một kiệt tác của Vũ Trọng Phụng, bản đầu tiên in năm 1938 không còn ai lưu giữ..". Những cuốn sách cũ mang trong đó cả trầm tích của thời gian, và độ dày văn hóa của một dân tộc.
2. Có tiếp xúc mới hiểu bên ngoài cái vẻ hiền lành, điềm tĩnh của Yên Ba là một nội tâm dữ dội và quyết liệt. Quyết liệt với lựa chọn của mình trong cuộc mưu sinh. Quyết liệt với cả đam mê của mình. Yêu bóng đá, anh có hẳn 5,6 cuốn sách về bóng đá mà cuốn nào cũng bán chạy.
Dày dặn, kỹ lưỡng, nhiều thông tin mới mẻ. Yêu trinh thám, Yên Ba cho ra lò một series trinh thám. Vừa mới đây Yên Ba dành 3 năm viết và hơn 27 năm tích lũy để cho ra mắt cuốn sách trinh thám chính trị "Răng sư tử" dày hơn 800 trang. Những câu chuyện chính trị của thế giới từ năm 1935 đến 1994 được xâu chuỗi trong 12 chương cực kỳ hấp dẫn.
Đằng sau cuộc chiến điệp báo là những số phận con người, là những điệp viên anh hùng, can trường bậc nhất và họ cũng có cuộc sống bất thường bậc nhất. Yên Ba luôn có góc nhìn khoa học và lý tính khi viết sách, vì thế, sách của anh đặc biệt hấp dẫn một nửa bên kia, những người đàn ông.
Ngồi cặm cụi ba năm viết cuốn sách hơn 800 trang với số tiền nhuận bút vỏn vẹn ba chục triệu đồng, điều gì cuốn hút Yên Ba đến thế? Chính NSND Nguyễn Hữu Tuấn cũng nói với tôi rằng, ông ngạc nhiên vì trong cuộc sống xô bồ hôm nay vẫn có những con người như Yên Ba, lặng lẽ theo đuổi và làm nên một điều gì đó, ít nhất là cho bản thân mình.
![]() |
Phòng khách nhà Yên Ba: sách và sách... |
Cá nhân tôi biết, khi viết cuốn sách này, Yên Ba mơ mộng rằng trong thời buổi tấn công ồ ạt của smartphone, của những dòng twittes 24 ký tự, của những câu ngắn cụt lủn, của những biểu tượng, thì anh vẫn tìm được những tri âm.
"Nói là tham vọng cũng đúng mà mong muốn cũng đúng, làm thế nào để viết một cuốn sách vừa có giá trị tư liệu lịch sử lại vừa hấp dẫn để có thể níu người đọc lại bên trang sách? Tôi mê sách và tôi muốn mọi người đọc sách. Hãy đọc sách giấy đi, vì thông tin trên mạng rời rạc, không tạo cho người ta những cảm xúc mà chỉ khi đọc những tác phẩm lớn mới có được". Yên Ba đã phần nào làm được điều đó, khi 1.500 cuốn đầu tiên đã bán hết và sách đang chờ tái bản.
Yên Ba nói rằng anh sẽ viết một cuốn sách nữa về chính thú chơi sách. Mỗi thú chơi anh trả nợ bằng sách. Vì với Yên Ba, đi là hạnh phúc, đọc là hạnh phúc và viết là hạnh phúc
Yên Ba bảo anh không giàu, vì thế, bộ sưu tập sách của anh không thể so với những người có tiền. Nhưng tôi thấy anh giàu có. Sự giàu có không đo đếm bằng tiền bạc hay nhà lầu xe hơi như xã hội đang coi là chuẩn mực. Sự giàu có của Yên Ba là những giá trị tinh thần mà anh đang hưởng thụ nó một cách trọn vẹn, đủ đầy và trí tuệ.
Tôi từng nghĩ rất nhiều về những người già trong thành phố, họ là những họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, chính họ góp phần làm nên phần hồn cốt văn hóa của Hà Nội. Và đôi lúc tôi băn khoăn tự hỏi, Hà Nội ngàn năm văn hiến sẽ ra sao nếu vắng bóng những con người như thế?
Và tôi may mắn khi gặp Yên Ba, những gì anh đang theo đuổi đang góp phần làm cho dòng chảy ấy không bị đứt đoạn, dù bây giờ, những người như Yên Ba cũng vắng bóng lắm rồi!