Đại sứ Palestine ở Việt Nam Saadi Salama:

Trong con người tôi, có một phần Việt Nam rất lớn!

Thứ Sáu, 30/04/2021, 12:10
11 năm liên tục làm Đại sứ Palestine ở Việt Nam, 19 lần “ăn” tết Việt Nam và đã hơn 40 năm kể từ lần đầu tiên đến học tại Đại học Tổng hợp, nay là Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Saadi Salama khiến bất cứ người Việt nào tiếp xúc với ông cũng phải ngỡ ngàng. Là bởi ông nói tiếng Việt trong sáng và chuẩn ngữ pháp hơn rất nhiều người Việt hiện nay...


Và bởi, ông hiểu những ngóc ngách tỉ mỉ của nhiều vùng văn hóa khác nhau trên dải đất Việt Nam - điều mà chắc chắn không phải người Việt bản địa nào cũng tỏ tường. “Hôm qua tôi vừa đi xem chương trình “Xin mặt trời ngủ yên” để tưởng nhớ Trịnh Công Sơn” - ông Saadi khoe như thế khi vừa đón tôi tại Đại sứ quán Palestine ở Hà Nội, rồi chìa cho tôi tấm vé ghi tên những ca sĩ đã tham gia chương trình âm nhạc đặc biệt này. Cũng vì thế, cuộc đối thoại giữa chúng tôi khởi đi bằng “nhạc Trịnh”.

Ảnh: Phạm Nghĩa.

Tìm hiểu kỹ để không thất lễ

- Đại sứ Saadi Salama: Chương trình được tổ chức nhằm kỷ niệm 20 năm ngày ra đi của ông Trịnh Công Sơn. Tôi nhận lời mời của chính gia đình nhạc sĩ. Đấy thực sự là một chương trình đặc sắc với sự tham gia của rất nhiều ngôi sao âm nhạc Việt Nam.

- Nhà báo Phan Đăng: Tôi tò mò là khi ngồi ở trong rạp hát, nghe những ca sĩ Việt Nam hát nhạc Trịnh Công Sơn, ông có cảm xúc như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng, những bài hát của ông Trịnh Công Sơn rất dễ đi vào lòng người. Nó có thể nói về tình yêu, sự lãng mạn, về nỗi buồn, mất mát và có thể là về những câu chuyện nào đó mà tôi biết là chính ông đã phải đón nhận trong đời thực. Tôi có cảm giác ông đã để lại cho chúng ta một vườn hoa âm nhạc. Chúng ta có thể tìm thấy ở đó những bông hoa màu vàng, những bông hoa màu đỏ và cả những bông hoa màu trắng. Sự đa dạng trong âm nhạc của ông vừa giúp chúng ta dễ đồng cảm vừa khiến ông có một vị trí đặc biệt trong tâm hồn chúng ta. Khi tôi mới đến Việt Nam vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, đi qua các quán cà phê ở Hà Nội, tôi thường thấy người ta bật nhạc Trịnh. Và đương nhiên, người hát là Khánh Ly. Tôi thấy là trong âm nhạc Việt Nam thì hai nhân vật Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đi với nhau "như sam" ấy. (Cười...).

- Ông thích nhất bài nào của Trịnh Công Sơn?

- Thích nhiều bài lắm nhưng đặc biệt nhất là “Quỳnh hương”!

- “Môi em cho ta một cánh hồng/ Lụa là phút ấy không quên...” - tôi đặc biệt thích câu hát ấy trong bài “Quỳnh hương”, vì câu ấy gắn với một ký ức, một kỷ niệm đẹp của tôi thời mới lớn.

- (Nhún vai...) Ồ! Ra vậy!

- Mà ông vừa nói là Khánh Ly - Trịnh Công Sơn đi với nhau như sam, tôi xin phép được sửa lại một chút, đó là “như hình với bóng”. Ông đồng ý chứ?

- (Gật đầu).

- Ông đã gặp Khánh Ly bao giờ chưa?

- Tôi từng gặp Khánh Ly tại một chương trình biểu diễn ở Hà Nội cách đây hơn 5 năm. Hôm ấy tôi nói với bà rằng tôi đã nghe bà hát nhạc Trịnh từ rất lâu rồi và tôi tặng bà một chiếc khăn làm kỷ niệm.

- Chúng ta vừa nói một chút về nhạc Trịnh và có lẽ chỉ một chút ấy thôi cũng ít nhiều cho thấy một người Palestine như ông đã hiểu văn hóa Việt Nam như thế nào. Còn điều này nữa: Qua báo chí, tôi biết ông hình như cũng rất thích “Truyện Kiều” thì phải. Tôi nhớ có đúng không nhỉ?

- Đúng đấy! Bất cứ ai muốn tìm hiểu về Việt Nam, muốn biết cách tư duy của con người Việt Nam thì nhất định phải đọc “Truyện Kiều”. Lần đầu tiên đọc “Truyện Kiều”, tôi mới gần 21 tuổi, khi sang Hà Nội với vai trò là một du học sinh. Vốn tiếng Việt của tôi khi đó còn hạn chế nên chưa thể hiểu hết nội dung “Truyện Kiều”. Đến năm 1989, khi trở về Việt Nam, anh lưu ý tôi dùng từ “trở về”, chứ không phải “trở lại” nhé, khi trình độ tiếng Việt của tôi đã phong phú hơn rất nhiều thì tôi đọc lại “Truyện Kiều”. Và sau đó, tôi còn đọc lại nhiều lần, vì tôi nghĩ đây là kiểu tác phẩm không thể đọc một lần là xong. Càng đọc, tôi càng hiểu cách Nguyễn Du phản ánh về thực trạng xã hội và con người Việt Nam. Nhưng, tôi tiếc một điều, đó là mình không biết chữ nôm nên phải đọc “Truyện Kiều” qua bản dịch chữ quốc ngữ.

- Ồ! Ông làm tôi bất ngờ quá, vì có thể rất nhiều người Việt bây giờ cũng không hình dung nổi “Truyện Kiều” chữ nôm và “Truyện Kiều” chữ quốc ngữ khác nhau như thế nào. Mà phải nói thật là ngay cả khi đọc “Truyện Kiều” bằng chữ quốc ngữ thì có nhiều chỗ cũng không dễ hiểu, bởi ở đó có rất nhiều điển cố, điển tích.

- Thế nên mới phải vừa đọc, vừa tra cứu. Phải kiên nhẫn mới đọc được.

Ảnh: Nhân vật cung cấp.

- Sự tò mò trong tôi lại tăng lên một bậc rồi. Xin hỏi ông tiếp nhé, điều ông thấm thía nhất khi đọc “Truyện Kiều” là gì?

- Tôi thấy một điều rất hay ở “Truyện Kiều”, đó là nó gửi đi một thông điệp: Chúng ta cần phải sống có nề nếp, có đạo lý, có kỷ cương. Ví dụ như trong một gia đình, nếu không có sự kính trọng người lớn tuổi và sự thương yêu, chăm sóc người nhỏ tuổi thì mọi giá trị xã hội tan vỡ hết. Nhân đây, tôi muốn nói rằng, tôi rất ủng hộ và cổ vũ những giá trị gia đình truyền thống của người Việt Nam. Khi đến các gia đình Việt Nam ăn cơm, tôi thấy những người ít tuổi không bao giờ cầm đũa ăn mà không mời những thành viên lớn tuổi hơn mình. Trong gia đình, người ít tuổi làm bất cứ điều gì cũng phải xin phép người lớn tuổi.

- Tôi cũng nghĩ như thế, dù tôi biết nhiều người nói rằng thời đại bây giờ khác rồi, mối tương tác giữa các thành viên trong một gia đình cũng phải khác đi. Ừ thì có thể khác nhưng tôi nghĩ những cái căn cốt về kỷ cương, nề nếp trong một gia đình bắt buộc phải giữ.

- Cho nên có một điều tôi luôn ngại khi tiếp xúc với các gia đình Việt Nam, đó là dù làm ngoại giao nhiều năm nhưng tôi rất sợ mình có một biểu hiện thất lễ nào đó. Đi đâu mà không thực hiện đúng phong tục, lễ nghi thì tôi cảm thấy mình có lỗi với người ta và tôi nghĩ rằng người Việt Nam ít khi chấp nhận những sự thất lễ như vậy. Hàng chục năm ở Việt Nam, đi đâu, đến với ai, tôi luôn tìm hiểu kỹ mình phải làm thế nào, ứng xử như thế nào, xưng hô như thế nào cho đúng phép tắc. Tôi hiểu là trong văn hóa Việt Nam truyền thống, những điều này rất quan trọng.

Không tuần nào không ăn phở

- Ông có vợ là người Việt Nam, có những đứa con mang hai dòng máu Việt Nam - Palestine, vậy thì rất khách quan, ông thấy văn hóa Việt Nam và Palestine có điểm tương đồng nào không?

- Hãy thử nghĩ về “tiếng Việt” đi. Tôi nghĩ, tiếng Việt không chỉ là một công cụ để chúng ta giao tiếp như cách tôi và anh đang nói chuyện đây, mà phải thấy tiếng Việt là một văn hóa riêng của người Việt. Có những từ ngữ xuất hiện trong tiếng Việt do hoàn cảnh và phong tục tập quán đặc trưng của người Việt. Nếu muốn tìm ý nghĩa của nó trong ngôn ngữ khác thì chúng ta rất khó tìm, thậm chí không thể tìm được. Ví dụ như từ "duyên"! Tôi thấy rất khó có thể dịch từ này sang tiếng Anh hay tiếng Pháp. Ấy thế mà tìm trong tiếng Ảrập của chúng tôi thì lại có ngay. Nhiều lúc tôi nghĩ, đấy có phải là một thuận lợi giúp tôi có thể học và hiểu tiếng Việt tốt hơn nhiều người nước ngoài khác hay không.

Mà không chỉ ở phương diện ngôn ngữ, văn hóa Ảrập nói chung và Palestine nói riêng cũng có rất nhiều điểm giống Việt Nam. Chẳng hạn, trong chuyện cưới xin, ở Việt Nam có cái gọi là "dạm ngõ" thì Palestine cũng có “dạm ngõ”, Việt Nam có phong tục “ăn hỏi” thì Palestine cũng có “ăn hỏi”, Việt Nam có “đón dâu” thì Palestine cũng có “đón dâu”. Sau này, nếu có thời gian thì tôi hi vọng sẽ viết một cuốn sách nhỏ về những điểm tương đồng giữa văn hóa dân gian Việt Nam và Ảrập.

Ảnh: Nhân vật cung cấp.

- Khi đứng trước câu hỏi: “Bạn là người nước nào?”, những người con của ông thường trả lời ra sao?

- Xin giới thiệu một chút, hiện tôi đã có 4 cháu. Tôi đã phá vỡ kế hoạch hóa gia đình đấy! (Cười lớn...). Nhưng, với người Palestine thì càng có nhiều con càng tốt. Vì chúng tôi hiểu là con đường của chúng tôi còn dài. Tôi nghĩ rằng Palestine cần có nhiều dân số để phục vụ cho nhu cầu của đất nước mình. Hiện nay cả 4 đứa con của tôi đều thành đạt. Khi người ta hỏi là “đã đến từ đâu?” thì các con tôi luôn trả lời: Tôi là người nửa Palestine, nửa Việt Nam. Mà đối với những người hiểu về Palestine và Việt Nam, khi nghe câu trả lời ấy, người ta thường nói: "Ôi trời ơi, hai dân tộc anh hùng, hai dân tộc đấu tranh không mệt mỏi, hai dân tộc sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc mình, vì độc lập, vì tự do". Điều đó làm các con tôi rất tự hào về hai quốc gia cùng sinh ra nó.

- Chúng ta đã nói đến những điểm tương đồng, vậy những khác biệt thì sao? Tôi nghĩ, nói gì thì nói, một người chồng Palestine và một người vợ Việt Nam không thể tránh khỏi những khác biệt nhất định về văn hóa...

- Có một điều trong văn hóa Việt Nam mà khi mới đến đây, tôi chưa chấp nhận ngay được. Đó là người Việt Nam hay hỏi tôi những câu đại loại: "Đi đâu về đấy?”, “Đã ăn cơm chưa?". Lúc đó tôi nghĩ đấy là những câu hỏi tò mò. Nhưng, dần dần tôi mới hiểu đấy là những câu hỏi thể hiện sự quan tâm và với người Việt Nam nó là những câu hỏi thay cho lời chào. Một số người nước ngoài khi làm việc với tôi cũng hay thắc mắc: Tại sao người Việt Nam có vẻ ít nói từ “cảm ơn”? Tôi bảo họ rằng, người Việt Nam coi từ “cảm ơn” là khách sáo nên thay vì nói “cảm ơn”, người Việt thường dùng các từ như "xin, dạ" hoặc "vâng". Đấy là một câu trả lời biểu hiện sự tôn trọng và khâm phục với người khác.

Còn một khác biệt này nữa: trong văn hóa gia đình Việt Nam, tôi thấy người vợ thường đi chợ, lo liệu cơm nước. Người chồng ít khi đi chợ và có vẻ cũng không muốn đi chợ. Nhưng, đàn ông Palestine thì vẫn đi chợ như thường. Vợ chỉ cần liệt kê những thứ muốn mua, chồng sẽ đi chợ, mang về hết.

- Ở góc độ công việc, ông đang là một đại sứ. Nhưng, ở góc độ gia đình, ông là một người chồng. Vậy có bao giờ ông đại sứ đi chợ, mua đồ về phục vụ vợ theo đúng truyền thống Palestine không?

- (Cười...): Có chứ. Tôi rất thích đi chợ. Không tuần nào tôi không đi chợ.

- Cho phép tôi tò mò một chút: đi chợ hay siêu thị ạ?

- Đi chợ! Tôi thích đi chợ. Siêu thị tôi ít khi vào. Gần nhà tôi có chợ Hôm. Đây là một trong những chợ ở Hà Nội tôi rất thích đi. Tôi đi chợ để thực hiện 2 mục tiêu, thứ nhất là mua sắm, thứ hai là cũng để có cơ hội tiếp xúc và nói chuyện với những người bán hàng.

- Kinh nghiệm đi chợ của ông là gì?

- Thực ra, có một kinh nghiệm rất đặc biệt ở Việt Nam mà tôi học được, đó là khi đi chợ phải tìm được những người bán hàng thường xuyên, quen thuộc với mình. Khi đã là khách quen của một bà bán hàng nào đó, tôi chỉ cần nói "chị ơi, chọn cho tôi 3 cân cà chua ngon..." thì chắc chắn người bán hàng Việt Nam sẽ chọn cho tôi những quả cà chua ngon nhất. Làm theo cách ấy, cho nên khi đi chợ, tôi không bao giờ chọn, mà thường nhờ người bán hàng chọn luôn. Chứ nay mua hàng ông này, mai mua hàng bà kia, không phải những địa chỉ quen thì rất khó có được hàng ngon.

- Ông Saadi này, khi đi chợ, ông có mặc cả không? (Cười...).

- Mặc cả thì không!

- Vậy thì tôi hy vọng sẽ được là một người bán hàng và ngày nào cũng gặp được những người khách không mặc cả như ông!

- Thực ra mà nói, tôi toàn mua của những địa chỉ quen. Họ quen mình rồi, họ sẽ bán cho mình giá ổn.

- Trong bữa cơm gia đình hiện nay, ông thường nấu món Palestine hay món Việt Nam?

- Thực ra mà nói, tôi chỉ nấu món Palestine khi có khách đến nhà, là vì tôi muốn giới thiệu các món ăn Palestine cho khách. Còn khi không có khách, chủ yếu tôi ăn món Việt Nam. Tôi rất thích ăn phở Việt Nam. Hằng tuần, ít nhất phải dùng một tô phở bò hoặc phở gà. Không thì không chịu được.

Đại sứ Palestine Saadi Salama trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG GT - CT. Ảnh: Phạm Nghĩa.

Không thể đứng giữa chính nghĩa và phi nghĩa

- Chúng ta nói rất nhiều câu chuyện tản mạn về văn hóa Việt Nam từ âm nhạc của Trịnh Công Sơn, cho đến ẩm thực Việt, từ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, cho đến chuyện đi chợ của ông. Bây giờ tổng hợp lại tất cả những câu chuyện ấy, sau một quá trình có thể nói là tẩm ngấm văn hóa của xứ sở này, một nhà ngoại giao như ông thực sự cảm nhận gì về dân tộc và con người Việt Nam?

- Tôi muốn tâm sự với bạn rằng, tôi là một người Palestine, sinh ra và lớn lên ở Palestine, đến khi 18 tuổi tham gia cách mạng Palestine, rồi đến Việt Nam học tập. Trong 3 giai đoạn ở Việt Nam kể từ năm 1980 đến 2021 thì tổng cộng số năm tôi sống ở Việt Nam là gần 19 năm. Tôi nghĩ là từ 1 đến 12 tuổi thì chúng ta còn nhỏ và chưa có đủ năng lực để nhìn nhận, đánh giá cuộc sống. Từ 12 đến 18 tuổi thì năng lực đó phát triển dần dần và 6 năm đó tôi ở Palestine. Giai đoạn từ 18 tuổi trở lên thì có rất nhiều điều tác động vào suy nghĩ, tính cách, con người chúng ta và như tôi vừa kể giai đoạn này thì tôi sống và gắn bó mật thiết với Việt Nam. Tức là phần lớn kiến thức của tôi đã được hình thành trong giai đoạn ở Việt Nam. Cho nên trong người tôi có cái phần Việt Nam rất lớn. Tôi hiểu về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, truyền thống Việt Nam. Tôi thậm chí hiểu cả về sự khác nhau trong từng vùng miền của Việt Nam và những nét văn hóa đặc trưng của từng vùng miền ấy. Nếu bạn hỏi tôi về những đặc điểm nào đó của người Hà Nội, người Thanh Hóa, người Nghệ An, người Cần Thơ..., tôi có thể trả lời ngay.

Trước khi đến Việt Nam, tôi đã có một tình yêu lớn với Việt Nam, vì lúc ấy tôi biết đây là một dân tộc đấu tranh cho lẽ phải giống như dân tộc Palestine của tôi. Việt Nam là một dân tộc để lại những dấu ấn lớn cho lịch sử nhân loại, vì cuộc đấu tranh của Việt Nam khi ấy không chỉ có ý nghĩa riêng với Việt Nam mà còn chứng minh và giúp cho nhân loại tin rằng: chính nghĩa bao giờ cũng giành chiến thắng và phi nghĩa bao giờ cũng thất bại. Dù mất thời gian bao lâu đi nữa, dù khó khăn gian khổ đến mức nào đi nữa thì cuối cùng chính nghĩa chắc chắn sẽ chiến thắng.

Với tất cả những lý do như thế, tôi thành thật nói rằng dân tộc Việt Nam, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam luôn để lại trong trái tim mỗi người một động lực, một cảm hứng mạnh mẽ để chúng ta luôn có thể cùng nhau nhìn về tương lai với đôi mắt lạc quan nhất của mình.

- Ông đã ở Hà Nội qua rất nhiều giai đoạn và chứng kiến rất nhiều thay đổi của thành phố này. Bây giờ, khi ông đi trên một con đường Hà Nội, ngắm một con phố của Hà Nội, nhìn một người Hà Nội thì ông có thấy sự khác biệt nào đó so với những giai đoạn trước đây không? Nếu có thì ông có một chút tiếc nuối gì không?

- Năm 1980, khi tôi đến lần đầu, Hà Nội mới có gần 1,2 triệu dân, bây giờ đã hơn 8 triệu dân. Sự gia tăng về dân số đã khiến Hà Nội ngày càng có nhiều vấn đề về môi trường, giao thông và bộ mặt đô thị. Một điều mà tôi hay nói với các bạn của mình, nói đùa thôi, là Hà Nội bây giờ khó có thể ngửi được mùi hoa sữa như ngày xưa. Bởi vì bây giờ ô nhiễm môi trường khiến mùi hoa sữa nó pha trộn vào mùi xăng xe, khói bụi mất rồi. Ngày xưa tôi hay đạp xe trên các phố Quang Trung, Nguyễn Du, quanh hồ Thiền Quang và có nhiều ký ức về hoa sữa thời ấy lắm.

Điều nữa tôi cũng hay nói đùa với các bạn bè là ngày xưa đi trên các đường phố Hà Nội, tôi vẫn thường được gọi là “anh ơi, anh ơi...”, còn bây giờ lại được gọi là “chú ơi, bác ơi...” (Cười). Ai rồi cũng phải đối diện với tuổi già của mình nhỉ. Nhưng, càng già càng nhớ lại thì càng thấy trải nghiệm với những giai đoạn đã qua của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung là một kho tàng tinh thần rộng lớn trong tôi. Nó giúp tôi luôn khẳng định với bản thân mình rằng sự lựa chọn đến Việt Nam của mình là đúng đắn. Bây giờ rất nhiều nhà ngoại giao muốn tìm hiểu về Việt Nam thường chủ động tìm đến tôi. Và trong những lần như vậy, tôi đã chia sẻ cho họ những suy nghĩ, những ấn tượng chân thành nhất của tôi về đất nước này.

- Ông mong Việt Nam của chúng ta rồi sẽ trở thành một đất nước như thế nào trong tương lai?

- Tôi luôn nghĩ rằng nhân dân Việt Nam đã hi sinh rất nhiều, nhân dân Việt Nam đổ máu rất nhiều. Nhân dân Việt Nam đã đấu tranh không mệt mỏi để giành độc lập dân tộc và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình. Cho nên, tôi mong nhân dân Việt Nam ngày càng sống trong một nền kinh tế phồn vinh và dân tộc Việt Nam tiếp tục đóng góp cho sự phát triển chung của hòa bình nhân loại. Tôi nghĩ, một dân tộc đã phải trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt thì dân tộc đó nhất định hiểu thấu ý nghĩa của hai chữ “hòa bình”.

Tôi luôn có một câu nói là chúng ta không thể đứng giữa phi nghĩa và chính nghĩa được. Cho nên, phải xác định chúng ta ở đâu để tiếp tục con đường mình đã chọn. Tôi nghĩ, bối cảnh quốc tế hiện nay, để bảo vệ công lý và phẩm giá của con người, của dân tộc thì cần phải có nội lực.

- Rất cảm ơn ông về những chia sẻ chân tình. Chúng ta sắp phải chia tay nhau rồi, liệu ông có thể hát hoặc đọc một câu thơ bằng tiếng Việt được không?

- Nói theo đúng cách của người Việt Nam thì tôi hay hát nhưng lại hát không hay đâu nhé! Tôi gắn bó với Hà Nội, rất thích những bài về Hà Nội, trong đó có một bài rất hay của Hoàng Hiệp... (nói tới đây, ông Saadi cất giọng nam trầm: "Dù có đi bốn phương trời. Lòng vẫn nhớ về Hà Nội. Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình...”).

Phan Đăng – Linh Chi (thực hiện)
.
.