Nhạc sĩ Lê Quang:

Trôi trong những cơn say cứu rỗi

Chủ Nhật, 01/09/2013, 10:02
Ít ai thấy được ở Lê Quang cái chất lính tráng đó. Và khi anh mang cái chất lính tráng ấy của mình vào trong cuộc sống âm nhạc, chắc hẳn sẽ có những người không thể quen nổi với nó. Họ thích cái gì lịch lãm, cái gì bóng bẩy, cái gì kiểu cách hơn là sự thô ráp, thẳng tưng đến mức nhiều khi là bỗ bã.

Chiều vội vàng trên từng mặt người hối hả trôi về nhà theo hình cong của phố. Những dòng người trôi đi, không một cảm xúc nào khác ngoài sự tất bật của vất vả thường ngày. Những dòng người trôi đi, quện vào nhau, nối lấy nhau, như một dòng-sông-người-cuồn-cuộn. Tôi lặng im ngồi trên chiếc xe nhích từng bánh nhỏ về chốn hò hẹn bằng hữu cuối ngày.

Đã lâu rồi tôi không có dịp ngồi lại với anh Quang. Cũng bởi mỗi người mỗi việc, mỗi người mỗi dòng chảy khác nhau, hai con sóng nhỏ là tôi và anh chẳng có cơ hội thoát ra khỏi cái tất bật riêng của mình để chạm vào nhau dù chỉ trong chốc lát. Đôi khi, con người ta cứ hay đổ lỗi cho bận rộn, cứ đổ lỗi cho công này việc kia, mà quên…

Chiều nay thì không thể đổ lỗi cho điều gì nữa rồi. Tôi cảm thấy muốn được ngồi với anh, ngà ngà say, ngất ngất say để trò chuyện cho thỏa. Và tôi đã dẹp hết tất cả những lý do tầm thường của ngày bình thường để gọi anh, hẹn anh tụ tập lại. “6h chiều nhé. Có anh với cu Hư, anh Ngọc Trác ở Mỹ về nữa”. Lê Quang đã trả lời tôi thế, cùng một nụ cười sảng khoái, một nụ cười đặc trưng, một giọng vang đúng kiểu Nam Bộ. Và thế là tôi đi, hay có thể gọi là tôi chảy cũng được, theo dòng, về phía anh…

Tôi bước vào căn phòng nhỏ thắp đèn vàng khi anh Quang và anh Trác đã ngồi sẵn đó. Vẫn là cái dáng vóc ấy, như 12 năm trước khi tôi gặp anh lần đầu. Vẫn là đôi mắt ấy, như 8 năm trước khi anh đón tôi trong cuộc nhậu khuya ở một quán bar nhỏ. Vẫn là bàn tay ấy, nhìn thì thô ráp mà lòng bàn tay lại mềm mại, ấm nóng. Vẫn là giọng nói ấy, thẳng băng chẳng ngại mất lòng.

Chỉ có mái tóc đã điểm màu khác với những sợi lấp lánh lẫn trong từng lọn tóc quăn quăn quen thuộc hôm nào. Thời gian mà. Thời gian có tha cho ai đâu. Đời người cũng như là sông thôi và cả anh, cả tôi, cũng phải trôi trên một dòng vô hình ấy; trôi đi trong những đổi thay trên thân thể mỗi người; trôi đi qua những bến bờ riêng cũng vô hình và không vết dấu…

Tôi nhìn anh nheo nheo mắt nói cười và chợt nhớ cái ngày đầu tiên quen biết anh của 12 năm trước. Ở cửa rạp Long Phụng, bên hàng café cóc, anh và ban nhạc đang chờ tới giờ tập nhạc cho phòng trà. Tôi đến như đã hẹn qua điện thoại, ngại ngần dúi vào tay anh chiếc đĩa ghi âm demo mấy sáng tác mới của mình. Và tôi đã hỏi anh rất nhiều điều về âm nhạc, như tôi cũng đã từng hỏi nhiều người khác và không nhận được câu trả lời. Anh Quang không lặng im như những người tôi đã gặp trước đó.

Anh chỉ khuyên tôi “Em nên đọc thêm để bổ sung kiến thức âm nhạc. Sách bây giờ bán nhiều lắm. Chứ nếu ngồi chỉ cho em thì anh nói thật anh không có thời gian đâu. Em cứ đọc, chỗ nào khó thì điện thoại cho anh”. Và tôi đã theo lời khuyên đó, giữ nguyên nó cho tới tận bây giờ. Mày mò, tự học thêm, tự bổ sung thêm cho mình những gì còn hổng, những gì đã quên và những gì chưa nắm chắc.

Tôi không phải gọi lại cho anh lần nào để hỏi anh nữa nhưng kể từ đó, tôi luôn nhớ một điều rằng chính anh Quang đã là người đầu tiên thực sự dắt tôi trở lại với âm nhạc, trở lại với con đường mà tôi đã từng rời xa nó trong suốt quãng thời gian từ tuổi 16 cho tới tuổi 24. Và cũng từ đó, tôi trở thành đứa em của anh, dù không thân thiết quá như những người khác, nhưng mỗi lần gặp lại nhau, sự hồ hởi bao giờ cũng vẹn nguyên đó, từ anh, từ tôi và cũng có khi từ cả những chén cùng say với nhau trong những ngày rất vội…

Đã lâu rồi anh Quang trở nên im lặng, không xuất hiện nhiều như thể anh chọn con đường ở ẩn. Tôi hiểu vì sao anh lại lựa chọn cách sống ấy. Anh đã trải qua hết rồi, quá đủ rồi và cũng đã quá thấu hiểu rồi. Những thị phi ngày xưa chắc chắn làm anh quá mệt mỏi vì nó, bởi nó. “Có người ví anh như Tống Giang trong cái làng nhạc này em ạ. Nhưng anh không thích. Tống Giang quy tụ được anh em nhưng rồi vì toan tính riêng cho mình mà đẩy cả vào chỗ chết”.

Anh rủ rỉ vào tai tôi như thế. Tôi cũng không thấy có một chút nào của Tống Giang trong anh. Chắc người ví von không nghĩ sâu xa đến thế. Nhưng cũng có khi, người ta nghĩ về anh theo cách của thị phi ngoài kia. Tôi thở dài và khẽ vỗ nhẹ lên tay anh. Những lúc thế này, nói ra điều gì cũng đều dở cả.

Độ này, anh Quang tìm đến nguồn vui bè bạn nhiều hơn. Anh vẫn viết, viết rất đều tay nhưng dường như anh đang muốn thoát ra khỏi những ồn ào của đời sống showbiz ngoài kia. Những người bạn anh, đủ cả mọi thành phần, mang lại cho anh nụ cười nhiều hơn, sự bình an nhiều hơn.

Tôi đoán là như thế và dám quả quyết như thế. Và tôi chợt nhớ đến hình ảnh anh mỗi dịp cuối năm, cận Tết; mỗi dịp giỗ anh Điền. Cái cảnh anh Quang ngồi đó bên nấm mộ người bạn của mình, nghiêng một ly rượu rót xuống đó tiếp bạn đã luôn làm tôi phải nghĩ. Ở đời, mấy khi có người nằm xuống còn được bạn bè nhớ nhiều đến như thế? Nhưng không hẳn cứ sống hết mình với bạn, cứ sống tốt với bạn là đã đủ. Mà người ta còn cần cả những người bạn tri kỷ, tâm giao, trọn tình nữa.

Anh Quang là một người bạn như thế. Tôi nhìn thấy anh Quang như thế trong cách anh dành những gì trân qúy nhất cho anh Điền. Điều đó, có lẽ những ai từng thị phi về anh nếu nhìn thấy chắc sẽ suy nghĩ khác. Đấy là cái chất “lính tráng” của anh, cái chất đã nằm sâu trong con người anh suốt thời tuổi trẻ, với 5 năm ở Cambodia, 5 năm làm quen với súng ống và ba lô thay cho cây đàn và nốt nhạc.

Ít ai thấy được ở Lê Quang cái chất lính tráng đó. Và khi anh mang cái chất lính tráng ấy của mình vào trong cuộc sống âm nhạc, chắc hẳn sẽ có những người không thể quen nổi với nó. Họ thích cái gì lịch lãm, cái gì bóng bẩy, cái gì kiểu cách hơn là sự thô ráp, thẳng tưng đến mức nhiều khi là bỗ bã.

Nhưng tôi thích cái khí chất ngang tàng ấy ở anh, thích cái thô ráp bề ngoài ấy từ anh. Chạm vào nó, tôi nhận được sự ngỡ ngàng, nhất là khi nhìn vào đuôi mắt anh nheo nheo cười sau một vàng khói thuốc. Lúc cười, phải nói là anh Quang hiền lành lắm, giản dị lắm.

Chúng tôi uống thêm vài ly beer rồi chuyển sang whisky. Anh Quang vẫn thích uống rượu và dường như mùi whisky đã làm chúng tôi hưng phấn hơn. Hiếu cũng đã tới, Nhật Trung cũng đã tới, cu Hư thì cũng bắt đầu nghiêng rồi. Cuộc vui của chúng tôi trở nên sôi nổi hơn khi người phục vụ mang tới cây đàn guitar cũ kỹ đã nằm rất lâu trong góc quán nhỏ. Hiếu hát Đi về nơi xa trong tiếng đàn bập bùng của anh Trung.

Và Lê Quang lại nheo mắt cười, nhìn Hiếu hát với sự mê say. Rồi trong một thoáng giây, anh nghiêng đầu nhìn cậu em nhỏ cùng hòa chung tiếng hát với nó. Bài hát đó cũng đã 15 năm rồi. Bây giờ, nghe lại không biết anh có nhìn thấy tuổi trẻ của anh ngày đó không, ngày anh còn hồ hởi bước vào cuộc chơi lớn của đời mình, cuộc chơi mà sau này anh cũng nhận lại đủ cả: từ vinh quang cho tới những nỗi buồn anh không thể nói ra.

Mỗi lúc buồn như thế, tôi biết anh chỉ gom góp lại một hai người bạn thân thiết của mình, ngồi uống với nhau cho say, cho quên đi tất cả mà thôi. Mà cuộc uống của anh Quang thì cứ kéo dài hết ngày này qua ngày khác. Anh không nói ra, nỗi buồn sao hết? Anh cứ cố quên nhưng sau cơn say, nó lại trở về bên cạnh anh, như người bạn thân nối khố.

Tôi cũng đã từng sống nhiều ngày trôi đi từ những cơn say để cố quên tất cả những muộn phiền cứ ám ảnh mình. Và bây giờ, khi tôi đã có thể đứng lặng lại được nhờ vào những nguồn vui mới, tôi mới thấu hiểu rằng anh Quang cũng đang trôi đi như thế, trôi trong những cơn say như thể đó mới là cuộc sống thực của anh. Nhiều lúc, nhìn thấy anh uống, tôi cũng muốn ngăn anh dừng lại, đừng trôi theo những cơn say ấy nhiều quá, đừng buông mình “thôi kệ” thành thói quen dễ dàng đến vậy.

Nhưng tôi không thể và không muốn chạm vào cái riêng tư nhất ấy của anh mình. Tôi biết, vượt ra ngoài dòng chảy của những cơn say kia, anh làm sao đối diện được nỗi buồn đơn độc nọ. Anh phải trôi thôi, như ngày. Anh phải trôi thôi, như sông. Anh phải trôi thôi, đi về nơi nào cũng mặc. Tất cả đều phó thác cho số mệnh. Tất cả đều phó thác trong tay con tạo xoay vần. Chỉ cần giữ lại được một thứ cho riêng mình là anh thấy an lòng rồi.

Đó là tình bằng hữu, từ những người anh mến và từ những người mến anh, đến với anh đơn giản chỉ vì nụ cười sau đuôi mắt, từ giọng cười sảng khoái, từ những đêm vui ngút ngàn… chứ không phải đến với anh vì anh là một Lê Quang nào đó trong thị trường âm nhạc bề bộn này. Chỉ cần thế là đủ. Chỉ cần thế là cuộc sống có nghĩa rồi. Như cách anh vẫn sống với anh Điền như thể anh Điền vẫn còn đó, nhìn anh sau cặp kính trắng, cụng với anh một ly rượu thơm, cùng anh băng băng vào những con đường đầy những chướng ngại được người ta trải ra trước mắt…

Đêm đã về khuya, anh Quang cũng đã say rồi. Tôi nhìn anh nghiêng nghiêng bước ra khỏi căn phòng và chợt thấy lại chính mình đang ngồi cùng anh bên hông Long Phụng 12 năm trước. Lúc ấy, nếu được quay lại, không biết tôi có hình dung được ra hôm nay, anh và tôi đã ở tuổi này, trong vóc dáng ngày một già nua đi của chính mình, trong suy nghĩ ngày một tĩnh lặng lại như mặt của một dòng sông lững lờ trôi không gợn sóng?

Có lẽ là không. Tôi sẽ không bao giờ hình dung trước được điều đó. Nhưng nếu được quay lại, có lẽ hôm đó tôi đã uống với anh thật say chứ không phải để dành đến nhiều ngày sau đó mới nhận ra được rằng chúng tôi, cũng như sông, phải trôi, trong những cơn say cứu rỗi…

Hà Quang Minh
.
.