Đạo diễn Minh Nguyệt:

Trôi trên cánh đồng bất tận

Thứ Tư, 06/05/2009, 10:13

Người đàn bà đẹp này không bao giờ thỏa hiệp. Trong nghệ thuật, chị say mê và theo đuổi từng vở diễn đến mức cực đoan và nghiệt ngã. Tất cả phải như ý. Giống như Nguyễn Vinh Sơn trong điện ảnh, suốt 30 năm Minh Nguyệt chỉ dựng ba vở diễn. Và ai đã xem "Cánh đồng bất tận" trên sân khấu 5B Võ Văn Tần, dù ngợi khen hay chê trách, vẫn phải thừa nhận, Minh Nguyệt quá nặng tình với từng câu thoại của vở diễn. Một vở diễn đẹp đến mức khán giả bỗng dưng muốn khóc…

30 năm, 3 vở diễn, 1 phong cách

Sẽ không có Minh Nguyệt đạo diễn, nếu chị không tình cờ đến trường sân khấu rút hồ sơ cho anh trai. Và cũng sẽ không có Minh Nguyệt đạo diễn, nếu chị thi vào khoa diễn viên. Vì chắc chắn chị sẽ đậu diễn viên, khi ấy chị ngoài hai mươi, đẹp rực rỡ và đang làm cô giáo dạy văn ở Biên Hòa. Minh Nguyệt đi thi như đi chơi, mà đậu. Để rồi, đám học trò nghèo ở quê mất một cô giáo dạy văn, luôn dành hết suất gạo tiêu chuẩn theo tem phiếu chia cho mọi người. Ngày chia tay, cô giáo khóc sưng mắt. Nhưng bù lại, sân khấu Sài Gòn có một cá tính mạnh trong nghệ thuật, đó là Minh Nguyệt đạo diễn, dữ dội và quyết liệt.

Minh Nguyệt, với vở diễn tốt nghiệp "Tôi chờ ông đạo diễn" đã ngay lập tức tạo được một dấu ấn. Không chấp nhận những con đường đơn giản, "Tôi chờ ông đạo diễn" cho thấy, ngay thời điểm cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Minh Nguyệt tìm một cách nói trực diện, quyết liệt với đời sống. Ai cũng nghĩ, Minh Nguyệt sẽ tiếp tục tìm kiếm thành công. Nhưng quả là nghệ thuật luôn là trò chơi đặc biệt. Không ai biết trước được điều gì và nó luôn mở ra những ngả rẽ bất ngờ. Minh Nguyệt đã không tiếp tục làm đạo diễn chuyên nghiệp. Chị về trung tâm văn hóa quận 5, gây dựng phong trào văn hoá quần chúng. Rồi tạm biệt mọi thứ, chị bắt đầu chuyện lo làm kinh tế, ổn định đời sống gia đình.

Làm nữ đạo diễn, mà đẹp, quả là sẽ vất vả hơn người thường. Vì đàn bà đẹp thường được dành cho việc đi bên cạnh một người đàn ông. Chứ lại đi chỉ đạo đàn ông, bao một dàn diễn viên, dựng cả một vở kịch dài hơn 100 phút thì không phải chuyện đùa. Và không phải người chồng nào cũng sẽ chấp nhận cho vợ làm đạo diễn.

Đàn bà đẹp làm đào hát thường dễ bạc phận. Đàn bà đẹp làm đạo diễn thì thua thiệt nhiều đường, ấy là phải chấp nhận hy sinh. Minh Nguyệt đã hy sinh 10 năm cho việc gia đình. Mười năm ấy, chị bắt đầu kinh doanh bất động sản và chăm sóc chồng con. Nghe tiếng bạn bè tập vở mới, ngày phúc khảo ghé đến coi, ôm bó hoa lên tặng bạn mà mừng rơi nước mắt. Nhưng rồi cũng tủi thân không ít. Mười năm, đủ để những đứa trẻ lớn lên. Và cũng đủ để chị biết mình nên làm gì trở lại. Chị dựng "Tiếng chim vườn Ngọc Lan", một vở độc đáo của sân khấu thành phố Hồ Chí Minh, đó là năm 1997.

Nhân vật Đạo Kinh, một người đồng tính, với khát khao mãnh liệt về hạnh phúc, đã thực sự là một vai đáng giá trong sự nghiệp diễn xuất của Thành Lộc. Đạo Kinh, một công tử nhà giàu đồng tính, đã chấp nhận cho vợ ngoại tình cùng anh thợ cạo, để giữ sự yên ấm trong hạnh phúc giả tạo, rồi hàng đêm sắm sửa xiêm y, khao khát tình yêu với anh chàng gánh nước thuê, thứ tình yêu mang nhiều ẩn ức của một người đàn bà trong cái lốt của một người đàn ông.

Đạo Kinh, trong không gian biểu tượng là chiếc lồng chim, như nhốt cả những thân phận đã thét lên một tiếng nói kìm nén lâu ngày, rằng kiếp sau xin được làm hoặc là đàn ông hoặc là đàn bà, làm một con người thực sự. Và đó chính là thông điệp làm người ta nhớ "Tiếng chim vườn Ngọc Lan". Và kịch của Minh Nguyệt luôn có cái "mắt thần" lấp lánh đáng nhớ như thế.

Mười hai năm sau, sau 4 năm thai nghén kịch bản, Minh Nguyệt đưa "Cánh đồng bất tận" thành một hiệu ứng đặc biệt cho sân khấu 5B, chỉ diễn vào tối thứ 2, thứ 3, những ngày lịch sân khấu Sài Gòn nghỉ ngơi, và diễn viên không tất bật chạy show để dồn tâm cho vai diễn. Bốn năm cầu toàn đến từng chi tiết cho kịch bản, chị đã gọi được hai diễn viên trụ cột của hai sân khấu khác, đó là Cát Phượng (kịch Phú Nhuận), Thanh Thủy (Idecaf) về diễn tại sân khấu 5B Võ Văn Tần.

"Cánh đồng bất tận" không giống tuyệt đối với nguyên tác của Nguyễn Ngọc Tư. Mà nó có tuyến kịch mạnh mẽ hơn, nhân vật sống và trả giá quyết liệt hơn. Hành trình đi từ tăm tối ra ánh sáng của nhân vật, cũng vì thế mà nghiệt ngã hơn. Bối cảnh sông nước mênh mang với hình ảnh thật từ máy chiếu, làm cho không gian mênh mông mà con người nhỏ bé, bức bối, tù túng. Dường như tất cả đều nhỏ bé đến thảm hại, nhỏ bé trong cả những tâm hồn sơ khai và có khi mông muội. Nhưng vẫn ánh lên khát vọng sống và niềm hạnh phúc nhỏ nhoi.

Màn đối thoại của cô gái điếm Sương và Nương quả là một "mắt thần" đắt giá. Người vợ, vì mê anh chủ ghe buôn thương hồ với những tấm lụa rực rỡ mà bỏ chồng bỏ con theo trai, gây nên nỗi hận lớn trong người đàn ông và dìm cuộc đời hai đứa trẻ vào hành trình vô định, không tương lai. Và cô gái điếm Sương, người muốn kéo hai đứa trẻ thoát khỏi tối tăm, đã gặp Nương trong tâm tưởng: "Tại sao chị lại dễ dàng ngã vào tay một người đàn ông khác?". "Vì khi ấy tôi không bình tĩnh. Tôi cũng không nghĩ cái kết cục lại bi thảm đến thế này. Và khi ấy tôi nghĩ rằng sẽ không ai biết được". "Nhưng tâm hồn chị biết. Nhưng trái tim chị biết". "Trái tim tôi biết, nên tôi mới phải bỏ đi mà bao lâu nay tôi không dám trở về". "Cái nghèo đã làm cho tôi và chị không đủ tỉnh táo để làm người lương thiện"…

Một vở diễn kéo dài hai tiếng đồng hồ, không nghỉ giải lao theo lệ thường, mà khán giả lặng phắc. Minh Nguyệt đã kéo họ đi trên cánh đồng bất tận của mình. Quả là 30 năm làm ít, nghĩ nhiều đã khiến những vở diễn của Minh Nguyệt luôn là một cái gì đó không giống lệ thường, luôn là cái gì đó khiến người xem phải băn khoăn, day dứt và có thể bật khóc!

Vẫn chờ NSND Lê Khanh…

Minh Nguyệt là người cầu toàn đến mức… cầu kỳ. Chị say mê những diễn viên của mình. Chị theo đuổi họ từ năm này qua năm khác, chờ từ vai diễn này qua vai diễn khác. Nếu không có họ, chị sẽ không làm. Như Thành Lộc, Thanh Thủy, những diễn viên mà khi viết một kịch bản mới, chị luôn muốn đặt ngay nhân vật vào vóc dáng họ, vào sở trường của họ. Và khi viết được từng phần, chị lại hình dung ra những diễn viên của mình đang diễn, họ sẽ đối thoại ra sao, cười khóc thế nào. Khi "Tiếng chim vườn Ngọc Lan" ngừng diễn, khán giả đã tiếc nuối rất nhiều.

Sân khấu 5B có một lực lượng lớn "ngôi sao" đầu quân về Idecaf. Hai diễn viên chính Thanh Thủy và Thành Lộc cũng ra đi. "Tiếng chim vườn Ngọc Lan" có thể thay diễn viên để tiếp tục sáng đèn. Nhưng Minh Nguyệt đã dừng lại. Và những vở diễn mới của Idecaf liên tục công diễn, Thanh Thủy và Thành Lộc vẫn là những diễn viên trụ cột. Họ không có thời gian để diễn "Tiếng chim vườn Ngọc Lan" trên sân khấu 5B.

Minh Nguyệt nói, chị vẫn chờ đợi, khi nào hai diễn viên sắp xếp được thời gian, chị sẽ dựng lại vở diễn này. Còn nếu không, thì sẽ để nó thành… giai thoại! Minh Nguyệt đã viết xong 4 kịch bản, đáng kể nhất là "Trái tim kiêu hãnh", nhưng chị đã không dựng được vở diễn này chỉ vì thiếu… NSND Lê Khanh. Cuộc chờ đợi này đã kéo dài 4 năm, Minh Nguyệt thuộc đến từng chân tơ kẽ tóc kịch bản và chị tin rằng chỉ có Lê Khanh mới đảm nhiệm được vai diễn ấy.

Nhiều người nói chị cầu kỳ quá. Chị cũng thấy mình như vậy. Nhưng chị không thay đổi được mình. Trong nghệ thuật, sự cầu kỳ đều có giá của nó. Ít nhất, nó cho thấy người nghệ sỹ trân trọng tuyệt đối đứa con tinh thần của mình, trước khi mang đến cho người xem. Minh Nguyệt nói, một vở diễn như một cái duyên, phải có thời gian và chị không ngại sự chờ đợi. Chị dám chờ đợi 10 năm cho một vở mới thì thời gian cho "Trái tim kiêu hãnh" vẫn còn dài…

Đàn bà đẹp chưa chắc có quà

Minh Nguyệt là một nghệ sỹ. Ngoài sân khấu chị còn là người trang trí nội thất được giới nghệ sỹ mến phục. Căn nhà đẹp của diễn viên hài Thuý Nga là tác phẩm của chị. Và chị nói, trang trí nhà cửa vừa là thú vui vừa là một cái nghề để chị nuôi gia đình. Chị có sự cả tin và có sự "nhói lên trước nỗi đau của người khác", thế mà vẫn kinh doanh được, như một thứ lộc trời. Chị nói, đi mua đất mà gặp chủ nhà đang hoạn nạn, chị tìm cách mua thật lẹ, không trả giá. Miếng đất đó chắc chắn sau này sẽ có lời.

"Tôi nghệ sỹ trong tâm hồn. Nhưng tôi không sống cuộc đời nghệ sỹ. Không có chuyện tôi yêu nhiều, yêu lăng nhăng. Ngày trước, không phải ai cũng hiểu tôi, cả ông xã cũng lắm khi ghen lầm nữa. Nhưng tôi có khi còn chung thuỷ hơn ổng không chừng. Chưa bao giờ tôi có ai khác ngoài chồng" - Minh Nguyệt vừa cười vừa nói.  Đã có những lúc gia đình chị trong cơn sóng gió, nhưng chị đã quyết liệt tìm cách giữ lại, để các con chị có điểm tựa. Giờ các con chị đã du học ở nước ngoài, chị có thể dành nhiều thời gian cho kịch nghệ.

Minh Nguyệt nói, mỗi người có một nỗi đau riêng, một bi kịch riêng. Minh Nguyệt dồn hết những điều đó vào trang viết. Và chị sẽ giấu mọi buồn đau cho riêng mình. Khi bắt tay vào dựng "Cánh đồng bất tận", một người thân yêu của chị phát hiện trọng bệnh. Chị nói, nó giống như gánh nặng dồn lên hai vai, nếu chị không quyết tâm thì có thể chị đã buông xuôi. Khi người thân của chị lên bàn mổ tại Singapore cũng là ngày phúc khảo "Cánh đồng bất tận". "Đáng lẽ "Cánh đồng bất tận" được khán giả thương như vậy, tôi đã vui trọn vẹn rồi. Nhưng lại dính chuyện nhà, thấy day dứt và thấy mình cần phải dành thời gian cho người thân đến trọn vẹn" - Minh Nguyệt bùi ngùi nói. Chị đang đôn đáo đi tìm thầy, tìm thuốc để chữa trị theo kiểu "còn nước còn tát". Và chị mong có phép mầu nhiệm hồi sinh.

Ngày thường, mỗi ngày của Minh Nguyệt bắt đầu lúc 5h, chị thức dậy và ngồi vào bàn viết. Những câu thoại như rượu ủ kín trong bình ngâm hạ thổ lâu năm, cứ tràn ra trang giấy. Tới 7h, trước khi chồng đi làm, chị đọc cho chồng nghe, và hỏi anh "có hay không?". Chồng chị luôn nói: "Trời, hay quá đi!". Câu nói ấy ru chị suốt một ngày bình yên dịu dàng trọn vẹn.

Chị nhớ hoài khi chị dựng vở mới, chồng chị đang mệt, chị muốn dành thời gian chăm sóc anh, nhưng anh đã kiên quyết nói chị nên tiếp tục, vì anh biết chị đã phải chờ đợi hơn 10 năm. Và anh cũng là người lên sân khấu tặng chị bó hoa đầu tiên, như một món quà trọn vẹn. Khi ấy chị chợt nghĩ, nếu khi xưa chị cứng lòng, có thể chị đã là đàn bà đẹp vô duyên, làm gì có được món quà ấm lòng người như món quà hôm ấy. Hạnh phúc, qua thời gian, đôi khi giản dị đến không ngờ…

.
.