Triệu phú nông dân “ẩn thân” trên đất Mỹ

Thứ Ba, 17/01/2017, 11:59
Ở Delaware (Mỹ), có một triệu phú đôla người Việt mà không ai biết ông là triệu phú; một triệu phú trông còn nông dân hơn cả ông lão ở miệt vườn Nam Bộ, đôi bàn tay còn chai sần hơn cả những đôi bàn tay nông dân nghèo khó đất Việt. Nhưng đôi bàn tay ấy, với sự cần cù của mình đã kiếm cả trăm nghìn USD mỗi tháng trên đất Mỹ…

Triệu phú ẩn thân

Đường vào khu trang trại rộng vài chục ha của nhà anh Hồng Nguyễn ở tiểu bang Delaware đi qua một con đường trải nhựa mang tên Hong’s Farm Rd, được đặt theo tên chính ông chủ Hồng Nguyễn.

Nhiều năm trước, khi anh Hồng đến đây mua đất, lập nghiệp, con đường này chỉ là một con đường mòn đầy bùn đất và sỏi đá. Nhưng sau này, khi thành triệu phú với thu nhập vài trăm nghìn USD mỗi tháng, anh Hồng đã bỏ tiền ra làm con đường trải nhựa rộng rãi vào thẳng khu biệt thự giữa trang viên của mình. Con đường đó được chính quyền địa phương đặt luôn tên là Hong’s farm Rd, theo tên của người đã bỏ tiền ra để mở nó.

Triệu phú nông dân Hồng Nguyễn trên đất Mỹ.

Và mỗi ngày, nhiều chuyến xe đi lại trên con đường này, mang rau húng, rau ngổ, rau răm…, những loại rau rất Việt Nam, từ trang trại Hong’s Farm vào các khu chợ thành phố, đem về cho ông chủ của nó trung bình 10.000 USD mỗi ngày.

Khi lái xe vào căn biệt thự to lớn để tìm triệu phú Hồng Nguyễn, tôi đã hình dung ra mình sẽ gặp một triệu phú đôla phương phi, béo tốt, khoác trên người bộ vest sang trọng, đầu đội mũ phớt, tay cầm điếu cigar… như nhiều triệu phú Việt mà tôi gặp trên đất Mỹ. Nhưng người nhà của anh Hồng lại dẫn tôi ra giữa vườn rau bạt ngàn để tìm anh. Vợ anh nói, một ngày, trừ giờ ăn trưa, anh Hồng sẽ ở ngoài vườn từ sáng sớm đến tối mịt.

Ông chủ của trang trại triệu phú kiêm giám đốc của company (công ty) Hồng Nguyễn xuất hiện trước mắt tôi là một ông nông dân Nam Bộ đúng nghĩa. Anh Hồng gầy gò, khắc khổ với bộ quần áo lấm lem bùn đất và gương mặt đen bóng vì ngày ngày phơi ra cùng nắng gió.

Vừa nói chuyện với tôi, đôi bàn tay anh vừa thoăn thoắt cắt rau để kịp cho chuyến xe còn hai tiếng nữa sẽ đến đưa hàng vào chợ. Giơ đôi bàn tay cho tôi xem, anh nói: “Cậu nhìn tay tui, lúc ở Việt Nam cũng là nông dân, nhưng tay vẫn còn mỏng, còn trắng lắm, giờ sang đây mới sần sùi và đen đúa như vầy”.

Hơn 20 năm trước, gia đình anh Hồng Nguyễn sang Mỹ, sống ở bang Dellaware. Lúc đầu sang, không biết tiếng Anh, vốn liếng không có, vợ chồng anh Hồng phải đi làm thuê làm mướn ở các xưởng, các xí nghiệp với thu nhập chẳng là bao, thời gian lại vô cùng gò bó.

Sau có người nói, ở xứ này người châu Á, đặc biệt là người Việt nhiều, mà thực phẩm châu Á thì thiếu thốn, họ xui anh đi trồng rau bán cho người Á Đông. Thế là anh nghe. Hai vợ chồng anh bỏ việc xí nghiệp, dồn hết vốn liếng, vay mượn thêm bạn bè, rồi gây dựng lên Hong’s Farm từ hai bàn tay trắng, với cơ ngơi ban đầu chỉ là một vườn rau nho nhỏ đầu tiên. Nhưng với sự cần cù của mình, sau 10 năm, anh Hồng đã trở thành triệu phú.

Ông triệu phú giờ đã có tiền thuê nhân công nước ngoài làm cho mình, đã không còn bỡ ngỡ với việc chỉ trỏ, phân việc cho người làm thuê bằng tiếng Anh, nhưng vẫn tự gánh lấy phần lớn những công việc quan trọng trong trang trại. Mỗi ngày, anh Hồng Nguyễn đều tự tay quán xuyến từ chuyện phân bón, phun thuốc, thu hoạch và tuyển chọn rau củ trước khi mang vào bán cho các khu chợ và siêu thị trong thành phố.

Tôi hỏi: “Sao triệu phú mà lại phải chịu cực như anh?”. Anh nói: “Làm nông ở Việt Nam nghèo, làm nông ở Mỹ giàu. Nhưng làm nông dân ở Mỹ muốn giàu phải chịu cực. Tui nói cậu nghe, nông dân Mỹ không giàu bằng tui đâu. Nhưng họ sướng hơn tui nhiều. Cùng một diện tích, nông dân Mỹ trồng ngô, tôi trồng rau. Họ kiếm được 200$, tui có thể kiếm được 2.000$. Nhưng họ làm bằng máy, chi phí cao. Tui chịu khó, làm bằng tay, chi phí thấp, nên tui nhanh giàu”.

Một tháng kiếm được 200-300 nghìn USD, trừ đi các chi phí và đóng thuế, thu nhập của anh Hồng Nguyễn còn cao gấp mấy lần Tổng thống Mỹ Obama. Nhờ vườn rau húng, rau lang, rau ngò, rau bí… các loại của mình, anh Hồng Nguyễn mở được cả công ty, rồi xây dựng một căn biệt thự hoành tráng cả chục phòng ngủ với giá cả triệu USD ngay chính giữa trang trại của mình, rồi nuôi con cái ăn học, giúp đỡ họ hàng ở Việt Nam, thường xuyên đóng góp từ thiện. Nhưng anh Hồng không ăn diện xe xua, không mua xe sang, không đi du lịch nay đây mai đó.

Cuộc sống của anh mỗi ngày là thức dậy, ra vườn. Đến tối vào nhà, nói chuyện với vợ dăm ba câu, đặt lưng xuống là ngủ. Cuối tuần, anh mang nông sản của trang trại mình vào những khu chợ phiên để giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu Hong’s Farm đến người tiêu dùng.

Trang trại rộng gần 20ha của anh Hồng không có một khu đất trống nào, vì anh bảo, ở Mỹ, người ta đánh thuế đất trống không canh tác rất nặng. Nên anh càng phải cố trồng nhiều loại rau. Vừa để bán kiếm tiền, vừa giảm được thuế. Ngày ngày, nhìn anh lái máy cày trên ruộng, tự tay phun thuốc, bắt sâu cho rau, không ai dám tin anh là triệu phú.

Anh Hồng Nguyễn vui vẻ kể cho tôi: “Nói cậu nghe, chứ ở đây không ai biết tui là triệu phú, trừ cậu. Tui về Việt Nam cũng không ai tin tui là triệu phú. Họ hàng tui ở Việt Nam thấy tui về thăm, nhìn tay tui sần sùi, nứt nẻ, họ cười ghê lắm. Họ nói chắc người ta đồn bậy, chứ triệu phú sao có đôi bàn tay như này. Tui là triệu phú, nhưng cũng cực lắm. Tiền làm ra không có thời gian tiêu.

Cũng có lúc muốn dứt ra để đi chơi đâu đó xả hơi, nhưng đi được vài ngày lại nhấp nhổm không yên, vừa nhớ đồng ruộng, vì luôn tay luôn chân quen rồi, lại vừa sợ mình đi vắng không có ai quán xuyến, người giúp việc chăm bón không đúng kỹ thuật, rau củ mất mùa hoặc không đảm bảo chất lượng, làm mất uy tín của mình, thì thương hiệu Hong’s Farm tui gây dựng sẽ đổ xuống sông xuống biển. Thế là tui lại về. Nên tui vẫn nói với con cái, ba có tiền, nhưng số ba là số cực khổ, là số nông dân, không thoát được. Có triệu phú hay tỷ phú thì mãi vẫn là nông dân mà thôi”.

Triết lý kinh doanh của nông dân Việt ở Mỹ

Tôi sống ở Việt Nam nhiều năm trước khi sang Mỹ, cũng từng tiếp xúc với nhiều bà con nông dân ở Việt Nam, nhưng sang đến Mỹ, gặp người Việt làm nông nghiệp ở xứ cờ hoa, tôi mới biết cùng là người Việt, cùng là nông dân, mà nông dân mình ở Việt Nam khác nhau một trời với nông dân mình ở Mỹ. Giờ cứ đọc báo trong nước là thấy phản ánh về thực phẩm bẩn, rau củ kém chất lượng, bảo quản nhiều chất hoá học độc hại, rồi phun thuốc trừ sâu sai quy định… Nhưng ở Mỹ, tư duy của nông dân Việt hoàn toàn khác.

Ông chủ của trang trại Hong’s Farm mỗi ngày đều trăm công nghìn việc ở ngoài ruộng. Nhưng dù trời mưa hay nắng, dù bận rộn hay ốm đau, việc làm vườn làm ruộng đôi khi anh còn dám lơ là, chứ việc tuyển chọn rau củ trước khi đóng thùng đem bán, anh không bao giờ bỏ qua.

Anh bảo: “Ở Việt Nam khác bên này lắm. Ở xứ mình, hoa quả, rau củ trồng ra, nếu loại đẹp, loại ngon, loại 1, anh bán 10 đồng. Loại xấu xí, sâu xia, bầm dập chút xíu, anh có thể bán riêng với giá 7 đồng, 5 đồng, 3 đồng. Nhưng ở Mỹ, không bao giờ có khái niệm loại 2, loại 3. Tất cả rau củ tui bán ra, đều nhất định phải là loại 1”.

Chính quyền Mỹ yêu cầu rất cao về thực phẩm khi cung cấp đến người tiêu dùng. Họ kiểm tra rất ngặt nghèo những khu chợ, những siêu thị cung cấp hàng hoá, thực phẩm đến người dân.

Anh Hồng kể: “Ở đây chính quyền thường xuyên có những đợt kiểm tra đột xuất các khu buôn bán thực phẩm. Nếu họ lấy mẫu một mẫu hàng nào đó, mà phát hiện mình bán hàng không phải loại 1, hay hàng bị phát hiện có hàm lượng chất hoá học, chất độc hại quá quy định, thì không những cả khu chợ đó bị đóng cửa, mà trang trại trồng loại thực phẩm đó cũng bị đưa ra pháp luật, bị xử phạt rất nặng và không bao giờ được phép trồng trọt, bán hàng ra bên ngoài nữa.

Ở Việt Nam vi phạm còn có thể lo lót, ở bên này mắc lỗi đó thì coi như án tử, cơ nghiệp sụp đổ. Chính vì vậy nông dân tụi tui bên này học được cách làm ăn đàng hoàng, văn minh. Kiếm được nhiều tiền thật đó, nhưng luôn phải lấy chất lượng làm đầu, không bao giờ vì tham lợi nhuận mà làm bậy”.

Không chỉ có anh Hồng Nguyễn ở Delaware, mà bà Vườn ở Washington DC, ông Mười ở Hawaii…, đến đâu tôi cũng gặp những người nông dân Việt đã dựng nên cơ nghiệp triệu đô trên đất Mỹ từ những luống rau, từ những vườn cây ăn quả rất đỗi Việt Nam bằng chính sự cần cù của mình.

Đi dọc nước Mỹ, được ăn rau muống chấm tương quê nhà, được nếm trái chôm chôm ngọt lịm đất Nam Bộ, hay ăn bát phở với đủ các loại rau thơm xứ Việt, những người Việt Nam trên đất Mỹ như tôi thấy ấm lòng hơn khi nghĩ về quê hương, thấy biết ơn những triệu phú nông dân trên đất Mỹ dù giàu có nhưng vẫn giữ được cái chất mộc mạc, cần cù, chịu thương, chịu khó của người nông dân Việt...

Mộc Sa
.
.