Triết gia Trần Đức Thảo: Đạo đức người trí thức

Thứ Bảy, 07/05/2016, 17:11
Kẻ hậu sinh như tôi, mỗi lần muốn đặt bút viết về những bậc trí thức, sĩ phu thật luôn có cảm giác ngại ngần. Phần vì canh cánh nguồn cứ liệu của mình còn hạn chế lại không đủ kiến văn để thẩm định cứ liệu ấy có chính xác hay không, phần thiếu tự tin trước những bậc tinh hoa ấy, những tinh hoa mà lấy lời của nhân sĩ Thân Nhân Trung: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” đặt cạnh thì thiển nghĩ họ không có gì phải khiêm tốn chối từ.

Triết gia Trần Đức Thảo là một trong những tinh hoa ấy. Đáng tiếc, trong một bối cảnh lịch sử khách quan, triết gia Trần Đức Thảo đã phải trân mình gánh chịu một cơn thảo phạt của hệ tư tưởng khác biệt đến kỳ lạ được gọi vắn tắt là Nhân văn Giai phẩm.

Đau lòng thay. Đau lòng đến độ mà sau này Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Nguyễn Đình Chú buồn tủi kể: “Điều không thể không nói là sau đợt đấu tranh này, quan hệ giữa các thầy bị đấu tranh với mọi người, với các học trò, trong đó có quan hệ giữa thầy Thảo với tôi, coi như phải chấm dứt dù còn ở chung nhà tập thể.

Cách đây vài năm, anh Cù Huy Chử cho tôi biết ngày Thầy sống ở Sài Gòn trước khi đi Pháp, có lần Thầy nói với anh: Nguyễn Đình Chú là người ghi bài giảng của Thầy để làm tài liệu học tập cho sinh viên nhiều nhất và tốt nhất nhưng sau cuộc đấu tố, gặp mình mà không chào. 

Quả có sự thật khốn nạn đó. Hàng ngày vẫn gặp Thầy lên xuống ở cầu thang mà tôi cứ phải cúi mặt xuống không dám chào Thầy vì sợ liên lụy, vì xấu hổ về tội phản Thầy. Chỉ một Đoàn Mai Thi là người duy nhất không sợ gì cả vẫn thường xuyên lui tới săn sóc Thầy trong hoạn nạn, để lại một điểm son về đạo tôn sư trong lòng chúng bạn”.

1. Có chi tiết này về triết gia Trần Đức Thảo từng được nhà văn tài hoa Phùng Quán kể lại, tôi nghĩ nhất định phải trích dẫn để bạn đọc minh định về tư cách của một trí thức lớn. Nhà văn Phùng Quán từng kể điều này thông qua cuộc nói chuyện với nhà ngôn ngữ uy tín Cao Xuân Hạo.

“Một hôm, thầy gọi mình sang – Hạo kể – Tôi đọc em nghe cái này, rồi em góp ý kiến xem, tôi viết thế đã được chưa”… Mình chuẩn bị để nghe một thiên khảo luận triết học.

Nhưng té ra là một bức thư gửi Ủy ban nhân dân khu phố và ban lãnh đạo khối phố. Thư được viết với văn phong chuẩn mực, chính xác của một thiên bút ký triết học. 

Nội dung tóm tắt của bức thư như sau: “Sau khi bố tôi mất, trong khu phố có dư luận Trần Đức Thảo đối xử với bố không tốt, bố ốm không thuốc men; chăm sóc không chu đáo nên bệnh tình ngày càng trầm trọng… Tôi xin thanh minh là dư luận đó không đúng. Tôi đã nuôi dưỡng bố tôi rất tận tình, lúc bố tôi ốm, tôi lo chạy chữa thuốc men đầy đủ, mặc dầu hoàn cảnh kinh tế rất eo hẹp. Nếu cần thiết, Ủy ban cho người đến điều tra các hộ hàng xóm để xác minh ý kiến trình bày của tôi v.v…”. 

Mình ngồi ngẩn ra, nhìn thầy và tự hỏi: “Không biết thầy đã điên chưa đây?”. Mình hỏi: “Nhưng việc này cần thiết gì mà thầy phải mất công đến như vậy?”. Thầy nhìn mình, mắt chớp chớp sau cặp kính trắng, có vẻ lấy làm lạ sao cậu học trò mình lại đặt ra một câu hỏi ngu ngốc thế? Thầy cẩn thận gấp bức thư đút vào phong bì, nói: “Việc này theo tôi rất cần thiết. Để chính quyền người ta khỏi hiểu nhầm đạo đức của người trí thức”.

Một chi tiết vụn vặt để thấy rằng tâm thế của người trí thức là như thế này, một tâm thế đầy lòng tự trọng cũng như khí khái tri thức được bộc lộ đầy tự nhiên.

Triết gia Trần Đức Thảo.

Triết gia Trần Đức Thảo sinh năm 1917 tại xã Song Tháp, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, mất năm 1993 ở Paris. Ông là học sinh xuất sắc của Trường Trung học Pháp Albert Sarraut tại Hà Nội, đỗ tú tài Pháp năm 1935 khi 18 tuổi và đoạt giải cao ở các cuộc thi triết học dành cho học sinh thuộc trường trung học toàn quốc của Pháp. 

Một năm sau, ông nhận học bổng của Phủ Toàn quyền Đông Dương sang Paris (Pháp) và thi đậu vào trường École normale Supérieure năm 1939. Năm 1942, ông ra trường với tấm bằng Thạc sĩ Triết học hạng thủ khoa, là người Việt Nam đầu tiên có được tấm bằng thạc sĩ Triết học tại Pháp.

École normale supérieure là ngôi trường danh tiếng, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đình Chú chú giải: “École normale supérieure tức Trường Cao đẳng Sư phạm ở phố Ulm tại Paris nước Pháp, vốn là trường tuy chỉ mang danh Cao đẳng Sư phạm nhưng thực tế là trường đứng đầu bảng  nền đại học Pháp, có lúc còn hơn cả Sorbonne. Muốn thi vào đây, thường sau khi đậu tú tài, phải chuẩn bị thêm một vài năm. Thi vào khoảng ngàn người, chỉ lấy đậu dăm chục. Tốt nghiệp trường này ra, viết sách chỉ ghi: Ancien élève de l'école normale supérieure de la rue Ulm (cựu học sinh Trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm) thì thanh danh đã có thể ngang với các danh hiệu cao sang khác. Không ít danh nhân văn hoá Pháp từng xuất thân từ trường này”.

Giai thoại kể lại rằng trong thời gian này Trần Đức Thảo nổi bật vì cuộc tranh luận với triết gia nhà văn Jean Paul Sartre – người vốn được nhiều thế hệ thanh niên tại nước ta mặc định là ông trùm của chủ nghĩa hiện sinh. Với cá tính mạnh khi từ chối giải Nobel Văn chương bởi “một nhà văn không nên cho phép mình trở thành người của một tổ chức”. Và ở cuộc tranh luận này, Trần Đức Thảo được cho là người đưa ra những luận điểm thuyết phục hơn cả.

Trong lời đề từ của quyển sách về Trần Đức Thảo có chép: “Trong những huyền thoại về người Việt đi học ở Pháp thì hai câu chuyện nổi tiếng nhất có thể nói là hai trường hợp Nguyễn Mạnh Tường và Trần Đức Thảo. Một người thi lấy hai bằng tiến sĩ (văn chương và luật học) ở tuổi 23, còn người kia thì nổi tiếng là học giỏi, giỏi về một ngành ít ai ở Việt Nam theo học, triết học phương Tây mà lại còn là triết học của Đức (Hegel, Marx, Husserl…) giỏi tới mức có lúc tranh cãi với Jean-Paul Sartre ở Pháp trên Tạp chí Les Temps Modemes mà còn được xem là thắng thế”.

2. Khi người Pháp có các động thái mở màn với những tín hiệu cho cuộc quay trở lại xâm chiếm Việt Nam, báo chí phỏng vấn quanh vấn đề này, Trần Đức Thảo trả lời: “Chỉ có nổ súng". Vì câu trả lời ấy, Trần Đức Thảo bị Chính phủ Pháp bỏ tù 3 tháng vì bị quy tội gây mất an ninh cho nước Pháp.

Năm 1951, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang ở thời kỳ gay go, không ít trí thức cao cấp từng đi kháng chiến, do không kham nổi gian khổ, đã bỏ về thành. Triết gia Trần Đức Thảo thì ngược lại, từ bỏ Paris hoa lệ, theo đường Tiệp Khắc, Liên Xô, qua Trung Hoa, về chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. 

Trước đó, thay mặt sinh viên và trí thức Việt Nam du học ở Pháp, Trần Đức Thảo đã viết thư gửi về Tổ quốc, bày tỏ tình yêu nước nồng nàn đối với đất nước vừa giành được độc lập hồi tháng 8 - 1945. Lá thư được in trên tờ Cờ giải phóng, cơ quan của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1954, ông từ Việt Bắc về Hà Nội. Một năm sau, ông trở thành Giáo sư Triết học và là Phó Giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội).

Bìa cuốn “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng” xuất bản tại Paris năm 1951.

Trong hồi ức của những trí thức từng được học ông thì “các buổi giảng về lịch sử triết học phương Tây trước Mác của triết gia, có một hiện tượng lạ mà hơn nửa thế kỷ qua, làm nghề dạy học, tôi chưa thấy có trường hợp thứ hai. Thầy đến lớp, không một mẩu giáo án. Chỉ ngồi trên ghế hoặc ngồi ghé lên bàn, mắt hướng lên trần nhà và nói thì rất khó khăn. Vậy mà không khí lớp học vẫn tĩnh lặng, trang nghiêm. 

Buổi giảng nào, ngoài số sinh viên thuộc 2 lớp Văn - Sử - Địa II, III học chung mà hầu như không ai vắng mặt còn rất nhiều giáo viên cấp III của Hà Nội, kể cả một vài sinh viên Y Dược, Đại học Sư phạm Khoa học tự nhiên cũng đến nghe nhờ. Nhà đạo học nổi tiếng của Việt Nam - Cao Xuân Huy - cũng nhiều lần có mặt. 

Đại giảng đường 35 Lê Thánh Tông, từ phòng học chính đến các chuồng gà ở tầng trên đều chật người. Đúng là một không khí sùng bái kỳ lạ. Chúng tôi thực sự không hiểu được gì đáng kể những điều thầy giảng nhưng cậu nào, cô nào cũng làm ra khoái chí, hiểu. Bởi nhận là không hiểu thì té ra mình dốt sao. Không ít bạn tập cách nói "Philôdôp" của thầy. 

Riêng tôi, về sau, trải qua nhiều năm dạy học lại nghiệm ra rằng: Theo cách nghĩ thông thường, trường hợp giảng bài của Giáo sư Trần Đức Thảo là một hiện tượng phi sư phạm, phản sư phạm 100% (không giáo án, không quan sát đối tượng, nói năng thiếu trôi chảy, thuyết giảng một bề). 

Nhưng chính ở nhà giáo "phi sư phạm" này lại cho tôi một hiệu quả vô cùng lớn lao, chi phối, nâng đỡ tôi suốt hơn 50 năm qua trong nghề dạy học và nghiên cứu văn học. Đó là ấn tượng vô cùng sâu đậm về cái gọi là năng lực tư duy trừu tượng, mà theo tôi nó là điều kiện cần có nhất, quyết định nhất cho bất cứ ai muốn dấn thân vào khoa học. Là điều mà theo tôi thì người Việt Nam ta vốn có hạn chế nhiều so với nhiều nước trên thế giới. 

Quả là về năng lực này, cho đến nay trên đất nước ta, tôi chưa thấy ai ngang tầm Giáo sư Trần Đức Thảo. Và Trần Đức Thảo, sở dĩ làm nên một tên tuổi sáng giá, được dư luận thế giới, đây đó công nhận, tôn vinh cao độ, chính là nhờ có năng lực tư duy trừu tượng khoa học này” (Nguyễn Đình Chú – Triết gia Trần Đức Thảo, Những ngày ấy).

Ngày vui qua mau, Trần Đức Thảo bị xác nhận là tham gia vào phong trào đòi dân chủ, tự do cho các văn nghệ sĩ và trí thức bằng một bài viết trên tờ Giai Phẩm mùa Đông (Tập I, năm 1956) chỉ trích các “bệnh nặng nề: quan liêu, mệnh lệnh, giáo điều, bè phái, sùng bái cá nhân” và một trên báo Nhân Văn số 3 (ra ngày 15-10-1956) khẳng định: “Người trí thức hoạt động văn hoá cần tự do như khí trời để thở”.

Sau Nhân văn Giai phẩm, ông vẫn nghiên cứu, giảng dạy, có điều đã trở về một cuộc sống thinh lặng, một cuộc sống chỉ trong thế giới của ông và một vài thân hữu khác. Giáo sư Trần Văn Giàu từng nhận định: “Trên đất nước ta, nếu có một người đáng gọi là triết gia, thì đó chính là Trần Đức Thảo. Giàu này chỉ là giáo sư dạy triết học”.

Tất nhiên thì trong một bài báo vụn như thế này, không thể khái quát hết được tầm vóc của triết gia Trần Đức Thảo, chỉ là một vài lát cắt mà thôi. Sách của ông được phổ biến tại nước ta hiện tại có hai quyển: Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng và Sự hình thành con người.

Hoàng Minh
.
.