Tráng sinh và Huynh Trưởng

Thứ Hai, 08/01/2007, 14:30
Kỹ sư Nguyễn Như Kim là Chủ nhiệm Liên khoa Cơ khí và điện - vô tuyến điện từ khi Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội mới thành lập. Năm nay, ông đã ở tuổi 85, còn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Ông bảo: "Những bước ngoặt của đời tôi đều có sự gắn bó, chỉ đạo của Giáo sư Tạ Quang Bửu, vị hiệu trưởng đầu tiên của trường...".

"Cõng" vàng sang Thái Lan

Giáo sư Tạ Quang Bửu sinh năm 1910, tức là hơn ông Nguyễn Như Kim 12 tuổi. Trong gia phả họ Tạ Quang ở Hoành Sơn, Nam Đàn, Nghệ An có ghi: "Phụ giáo tử đăng khoa, cử nhân tại quán" (Cha dạy con đi thi, đỗ cử nhân không ra làm quan).

Tạ Quang Bửu thời trẻ nổi tiếng thông minh sáng láng. Từ năm 1929, sau khi đỗ đầu cả tú tài Tây lẫn tú tài bản xứ, ông được nhận học bổng sang Pháp, học toán ở các trường đại học Paris, Bordeaux, rồi sang Anh ở Oxford.

Nhưng ông học chỉ cốt lấy kiến thức, không lấy bằng cấp, từ năm 1934 về nước đi dạy học. Thời ấy Hướng đạo sinh vốn là một phong trào của học sinh, sinh viên phương Tây, du nhập vào nước ta những thập niên đầu thế kỷ XX, mà người  có công khởi xướng là các ông Hoàng Đạo Thuý (sau làm Cục trưởng Thông tin liên lạc đầu tiên của quân đội ta) và Tạ Quang Bửu (Các vị đứng đầu Hướng đạo sinh được kính trọng gọi là huynh trưởng).

Hướng đạo sinh Việt Nam thời kỳ những năm 1940-1945 tập hợp được nhiều thanh niên trí thức ở thành phố, hướng vào các hoạt động lành mạnh, yêu nước thương nòi. Từ năm 1941, Nguyễn Như Kim học khoá đầu tiên Trường Cao đẳng Khoa học Hà Nội và là một tráng sinh của Tráng đoàn Lam Sơn, luôn lấy tấm gương của huynh trưởng Tạ Quang Bửu để noi theo.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, Nguyễn Như Kim cùng các bạn học ở Hà Nội đều "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu", mà sau này phần đông trong số họ đều trở thành những nhà khoa học, văn nghệ sĩ hay nhà quản lý có tên tuổi của chế độ mới như: Hoàng Đình Phu, Nguyễn Văn Chiểu, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Phan Mỹ, Ngô Điền, Dương Đức Hiền, Tôn Thất Hoàng, Nguyễn Thúy Liễu…

Huynh trưởng Tạ Quang Bửu từ ngày đầu tham gia kháng chiến đã là thành viên Chính phủ, tháng 3/1946 đảm nhiệm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, còn Tráng sinh Nguyễn Như Kim đầu năm 1947 được kết nạp Đảng, là Phó Giám đốc kỹ thuật của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam (thời kỳ đầu bộ phận kỹ thuật của Đài trực thuộc Bộ Quốc phòng).

Một ngày giữa năm 1948, Văn phòng Bộ Quốc phòng mời ông Nguyễn Như Kim lên làm việc. Vừa gặp, Huynh trưởng đã tặng cuốn sách mới viết "Nguyên tử, hạt nhân, vũ trụ tuyến", in rônêô, dành cho anh em Nha Nghiên cứu kỹ thuật, Cục Quân giới.

Cuốn sách được tác giả viết trong có 3 ngày, hoàn thành vào 7/10/1947, thì ngày hôm sau Pháp nhảy dù xuống Chợ Đồn, Bắc Kạn, định "chụp" cơ quan đầu não của Chính phủ kháng chiến, nhưng đã thất bại.

Ngày đó thiếu thốn đủ bề, cán bộ kỹ thuật có được cuốn sách tham khảo thế này thì thật quý biết bao! Sau ít phút hàn huyên, Thứ trưởng Tạ Quang Bửu giao cho ông Nguyễn Như Kim một nhiệm vụ đặc biệt là mang vàng sang Thái Lan mua một số linh kiện, thiết bị quý hiếm cho đài, cùng một số khí tài vô tuyến điện cho quân đội.

Thật bất ngờ và phấn khởi vì được Đảng, Chính phủ tin cậy, ông khẩn trương chuẩn bị lên đường. Ngày đó, ngân khố quốc gia có được một số vàng là do đồng bào cả nước đóng góp trong "Tuần lễ vàng". Không có két sắt, vàng của Chính phủ kháng chiến được cất trong các hòm kẽm mà không phải khoá, chỉ dán niêm phong vẫn rất an toàn.

Người ta mang đến cho Nguyễn Như Kim một bọc vàng, ông chằng kỹ, bên ngoài còn cẩn thận ốp thêm tấm mo cau, rồi buộc sau poocbaga xe đạp. Có lúc qua sông, người lái đò phải bê giúp xe, hỏi: "Đèo cái gì nhỏ mà nặng thế?". Chẳng ai có thể ngờ một "anh nông dân" lại đàng hoàng đèo một kho vàng trên chiếc xe đạp cà tàng như vậy!

Đến Đô Lương (Nghệ An), như kế hoạch đã định, Nguyễn Như Kim nhập vào một đoàn công tác sang Thái Lan. Từ đó ròng rã hàng nửa năm trời, bọc vàng nằm trong ba lô được ông "cõng" cắt rừng, trèo đèo, lội suối, trên đường đi còn luôn bị kẻ địch, cùng thú dữ rình rập.

Qua đất Lào, vượt sông Nậm Ca Đinh là sang Thái Lan. Cuối cùng thì bọc vàng đã được bàn giao cho tổ chức của ta bên ấy, không suy suyển một li, một lai...

Câu chuyện về chuyến xuyên bán đảo Đông Dương này, về sau được nhà thơ Vân Long viết lại, lúc đó ông Nguyễn Như Kim chỉ nhớ ang áng bọc vàng nặng khoảng 10kg.

Khi bài báo được phát trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, thì có một thính giả phản hồi: "Viết vậy chưa chuẩn đâu. Số vàng mà tôi nhận từ chính tay ông Nguyễn Như Kim bàn giao là 18kg kia, toàn loại vàng lá sư tử. Ngày ấy vì lo giữ số vàng này để mua hàng cho Chính phủ kháng chiến mà tôi sụt đến năm, sáu kí đấy".

Nhà thơ vội tìm đến địa chỉ: Hợp tác xã thuốc dân tộc Chùa Bộc (Hà Nội) và gặp "người phản hồi" là cụ Trần Hữu Quảng, 96 tuổi, vốn là Việt kiều ở Thái Lan…

"Về đi, giúp tôi xây dựng trường đại học kỹ thuật đầu tiên"

Chuyến đi xuyên bán đảo ngày ấy đã kết thúc một cách bi hùng. Tàu chở hàng của Nguyễn Như Kim từ vịnh Thái Lan đi vòng biển Đông, đến gần đảo Hải Nam thì bị tàu chiến Pháp chặn đánh.

Ông cùng thủy thủ đoàn đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất này, chiến đấu đến phút chót, rồi tưới xăng đốt tàu, hàng không thể rơi vào tay giặc, tất cả cùng nhảy xuống biển.

Do bám được vào một mảnh ván, ông Nguyễn Như Kim sau đó bị địch bắt. Một năm tra tấn, tù đày ở bót Catinat Sài Gòn, ông một mực khai là đi buôn gạo. Sau đó địch thả ông. Cuối năm 1950, gia đình cùng tổ chức bố trí cho ông sang Pháp học để chờ thời cơ mới.

Sang Paris, ông học chuyên ngành điện tử và vừa học vừa làm tự nuôi mình. Thông thường, muốn có bằng kỹ sư công nghệ điện tử phải thi lần lượt lấy 5-6 chứng chỉ và mỗi chứng chỉ phải học một năm.

Nhưng ông đã làm các giáo sư Pháp ngạc nhiên khi một năm đạt liền hai chứng chỉ. Sau khi tốt nghiệp, ông được mời làm trợ giáo cho giáo sư Boutry, là một nhà vật lý điện tử nổi tiếng và chính thức ăn lương của Bộ Giáo dục Pháp.

Trong thời gian học ở Pháp, ông gặp lại bà Trần Thị Ân, người bạn gái thân thiết hồi ở Cao đẳng Khoa học Hà Nội. Ngày ấy "tình trong như đã, mặt ngoài còn e", lúc ông bị giam ở bót Catinat, bà Trần Thị Ân đã nhờ người gửi thư, quà vào động viên ông.

Bà Trần Thị Ân học dược ở Hà Nội, sang Paris làm tiếp tiến sĩ. Cuối năm 1951 hai người đã đính hôn tại quận Sorbonne, trước sự chứng kiến của ông quận trưởng. Đến giờ, đã qua "cưới vàng", trong ví của ông bao giờ cũng để tấm ảnh bà ngày đó, ngón tay giữa của ông vẫn đeo cái nhẫn mà bà trao trong lễ cưới cách nay đã hơn nửa thế kỷ.

Lúc ông bà đã có với nhau hai mặt con, sống trong một biệt thự mua trả góp ở ngoại ô Paris, ngày ngày đi làm bằng ôtô riêng, thì có khách từ trong nước đến thăm. Đó là hai Giáo sư y khoa Hồ Đắc Di và Trần Hữu Tước. Hai vị chuyển lời của Giáo sư Tạ Quang Bửu, Phó chủ nhiệm, kiêm Tổng thư ký Ủy ban khoa học Nhà nước: "Anh về đi, giúp tôi xây dựng trường đại học kỹ thuật đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà". Đó là vào giữa năm 1956.

Gia đình ông trở về Hà Nội đúng vào dịp khai giảng Trường Đại học Bách khoa. Vợ ông được bố trí dạy ở Trường Đại học Y dược, bộ môn Sinh hoá và sau này bà được tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội 4 khoá liền (khoá IV - VII).

Ông được gặp lại "Huynh trưởng" trên cương vị Hiệu trưởng và bạn học cũ Hoàng Xuân Tuỳ là Hiệu phó. Bất ngờ đến với ông như ngày xưa khi được "chọn mặt gửi vàng", lần này thì là một trọng trách: Chủ nhiệm Liên khoa Cơ khí và điện - vô tuyến điện.

Nhiệm vụ quá nặng nề, làm việc ở Pháp có đầy đủ đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, phòng thí nghiệm hiện đại…, còn đây từ tay trắng, ngoài 4 dãy nhà của Đông Dương học xá cũ, một sân vận động bỏ hoang và vài chục cán bộ khoa học từ chiến khu về.

Thấy ông còn phân vân, "Huynh trưởng" cười mà ôn tồn nói: "Cách mạng là thế! 10 năm trước từ một tiểu đội ở chiến khu, quân đội ta lớn lên qua chiến đấu, đi tới thắng lợi Điện Biên Phủ lừng lẫy. Bây giờ ta cần quyết tâm, vừa làm vừa học, xây dựng cho được một trường đại học kỹ thuật để kịp thời phục vụ sản xuất, chiến đấu…".

Ông lại hăm hở bắt tay vào nhiệm vụ mới (sau này liên khoa tách ra các Khoa Cơ khí - Điện và điện tử) và gặp lại những bạn học cũ ngày nào như: Phạm Đồng Điện (Khoa Hoá), Nguyễn Đức Thừa (Khoa Luyện kim), Nguyễn Văn Chiển (Khoa Địa chất).

Sau mấy năm bị đi tù và ra nước ngoài, gián đoạn sinh hoạt Đảng, giờ ông lại được sinh hoạt trong Đảng bộ nhà trường. Khó khăn nhất giai đoạn này là phải tự xây dựng lấy Khoa Vô tuyến điện, vì Liên Xô tuy nhận giúp ta xây dựng toàn bộ trường nhưng lại "bỏ sót" khoa này.

Trong một trường đại học kỹ thuật nhất thiết học phải đi đôi với hành, ông đã cùng các đồng nghiệp gấp rút xây dựng các phòng thí nghiệm, để không có tình trạng dạy chay học chay.

Vài năm sau, Liên khoa có thêm những cán bộ học ngành Điện, Vô tuyến ở Trung Quốc về như: Nguyễn Thế Hùng, Hà Học Trạc, Nguyễn Bình Thành, Nguyễn Văn Ngọ, Bùi Minh Tiêu, Vũ Văn Sang; ở Pháp về có Phương Xuân Nhàn…

Sinh viên các khoá lần lượt ra trường và bổ sung lực lượng kịp thời cho sản xuất và chiến đấu. Thời kỳ Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân ra miền Bắc, sinh viên năm cuối (năm thứ 5) được tốt nghiệp sớm, Bộ Quốc phòng tiếp nhận toàn bộ để đưa về các đơn vị trực tiếp chiến đấu như rađa, tên lửa, hải quân, không quân…

Một kỷ niệm không quên với thầy Chủ nhiệm khoa Nguyễn Như Kim là, năm 1965, Trường Bách khoa đã thử nghiệm thành công vô tuyến truyền hình cáp, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm, và "con gái rượu" của Bí thư Đảng ủy Bùi Nguyên Cát trở thành người dẫn chương trình đầu tiên trên vô tuyến truyền hình ở Việt Nam.

Sau này thầy Nguyễn Như Kim do yêu cầu nhiệm vụ đã thôi công tác ở Trường Đại học Bách khoa, chuyển sang đơn vị mới. Ông vẫn giữ được mối liên hệ với người Huynh trưởng đáng kính của mình.

Giáo sư Tạ Quang Bửu qua đời ngày 21/8/1986 tại Hà Nội, để lại bao thương tiếc cho tất cả những ai từng sống, làm việc với ông, nhất là với thế hệ kế cận - các tráng sinh trong đoàn Hướng đạo sinh của ông dạo nào!

Phạm Quang Đẩu
.
.