Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Minh tuệ và hiền tâm

Thứ Ba, 03/11/2009, 15:54
Giai thoại về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng những lời sấm tiên tri của ông vẫn còn được truyền tụng trong dân gian với những ứng nghiệm bất ngờ thì vừa dân gian vừa huyền bí.

Bao phủ xung quanh sự thực về những thiên tử là các huyền thoại nhuốm màu tâm linh. Bao phủ chung quanh thân thế và sự nghiệp những danh nhân là các giai thoại rất dân dã về cách đối nhân xử thế ở đời của họ thể hiện trí tuệ và lòng nhân. Giai thoại về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng những lời sấm tiên tri của ông vẫn còn được truyền tụng trong dân gian với những ứng nghiệm bất ngờ thì vừa dân gian vừa huyền bí.

Trong cuộc sống đương đại, người ta cố tìm cách giải mã những bí ẩn đó hoặc học theo cách mà người xưa có được ngõ hầu chinh phục một sức mạnh, chiếm hữu một quyền năng. Cuộc sống là một bí mật với quá khứ, hiện tại và tương lai vừa vận động theo quy luật vừa có những ngoại lệ khó đoán định nên chỉ thời gian mới có câu trả lời xác quyết nhất cho những chiêm tinh dự đoán của con người. Nhưng thời gian cũng là một bí mật. Thế nên có những kẻ hậu sinh vẫn đang truy tìm cuốn Thái ất thần kinh đã thất truyền mà Nguyễn Bỉnh Khiêm thường vận dụng trong các tiên đoán của mình về thời cuộc để những mong biết trước được vận mệnh, nhân tình thế thái nhằm ứng xử sao cho ích lợi cả đôi đường, vừa mưu cầu cái lợi ích chính đáng lẫn cái mưu đồ đen tối trong biến thiên cuộc đời mình tùy theo trí lự và tâm tính họ...

Thế sự ngàn năm sau trước rộng dài

Có tiếng sấm truyền vang đi trên đất

Cuốn sách Thái ất thần kinh đó chắc hẳn chứa đựng rất nhiều "bí kíp tuyệt luân" trong lĩnh vực tiên tri, chiêm tinh của con người và những ứng dụng trong đời sống cá nhân, cộng đồng. Nhưng cuốn sách đó dù hay ho đến thế nào đi chăng nữa cũng chỉ như một phép thuật mà thôi. Việc sử dụng phép thuật đó như thế nào mới là điều quan trọng. Khi rơi vào tay kẻ ác, nó sẽ trở thành ma thuật và làm hại nhiều người. Khi gặp được chân nhân, nó sẽ lan tỏa sức mạnh kỳ diệu của mình, giúp cho cuộc sống của chúng dân nhiều phúc lợi an lành hơn.

Trong tay Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cuốn Thái ất thần kinh đã đắc dụng. Tương truyền, thầy của Nguyễn Bỉnh Khiêm là Lương Đắc Bằng, một người tinh thông lý số đã đem sách này ra dạy cho học trò, nhưng có những điều trong sách ấy Lương Đắc Bằng cũng chưa hiểu hết được và chỉ có Nguyễn Bỉnh Khiêm về sau mới tinh thông, do nắm được bí truyền của sách Thái ất thần kinh.

Sinh trưởng trong một gia đình danh giá, có học vấn ở làng Trung Am (xã Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) nên Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm được thừa hưởng tinh hoa truyền thống gia tộc. Ông ngoại Nguyễn Bỉnh Khiêm, vị khoa bảng Nhữ Văn Lan được coi là vị tổ của họ Nhữ ở làng An Tử Hạ, Tiên Lãng, đỗ tiến sĩ năm 1463, đời Lê, làm quan đến chức Thượng thư Bộ Hộ. Cha mẹ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đều là những người có văn tài học hạnh.

Tương truyền, thân mẫu của Nguyễn Bỉnh Khiêm, bà Nhữ Thị Thục, một bậc nữ lưu tài hoa chốn kinh thành giỏi giang văn chương và tinh thông lý số đã hơn một lần gieo cầu đoán sẽ đẻ ra vua. Thế nên ngay từ khi Nguyễn Bỉnh Khiêm cất tiếng khóc chào đời, năm 1491, lại thấy con mình có tướng mạo khác thường, bà đã dốc sức nuôi dạy con trai để trở thành một tài năng kiệt xuất giúp nước cứu đời. Niềm thôi thúc mạnh mẽ ấy đã khiến bà sớm tìm được người thầy có đạo cao đức cả là cụ bảng nhãn Lương Đắc Bằng về dạy cho Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Với trí tuệ thông minh mẫn tiệp từ nhỏ nay lại gặp được thầy giỏi nên Nguyễn Bỉnh Khiêm chẳng khác gì rồng gặp được mây. Và rồi thầy cũng hết chữ để dạy trò, khi chính ông đã vượt xa thầy qua cuốn Thái ất huyền hoặc kia.

Lớn lên trong một giai đoạn lịch sử rối ren mà vua tôi nhà Lê và các tập đoàn phong kiến bấy giờ gây ra, mãi đến năm 44 tuổi, năm 1535, ông mới đi thi và đỗ đầu ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình và đỗ Trạng Nguyên. Cái tài học vấn uyên thâm của ông, sự thông tuệ của ông đã đắc dụng sau này khi ông sử dụng vào chính sự trên gốc rễ nhân dân. Sở học của ông đã phát huy tối đa sau này khi ông áp dụng vào những sự kiện chính trường đầy biến động của đất nước.

Với minh tuệ của mình, với trình độ thâm nguyên lý học của mình, ông được triều đình nhà Mạc và các sĩ phu đương thời phong là Trình tuyền hầu và dân gian gọi ông là Trạng Trình. Người đời sau, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp coi ông là người có tài "huyền cơ tham tạo hóa".

Sinh ra với tướng mạo khác thường nhưng không có khí chất thiên tử nên ông không thể làm vua. Nếu lên ngôi chắc hẳn Đại Việt sẽ có một đấng minh quân và nhân dân không phải loạn lạc. Không làm vua thì ông làm một Khổng Minh quân sư cho cả ba thế lực chính trị đương thời tạo ra thế chân vạc kìm toả lẫn nhau mà không rơi vào hỗn chiến tam quốc, một cách ích lợi nhất cho muôn thảo dân, tránh được những cuộc chiến đầu rơi máu chảy, nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn. Không là vua nhưng ông có thể thiết kế chính trường. Những tính toán của ông, những đường đi nước bước của ông trên bàn cờ cuộc thế đã được tiên liệu trước. \

Xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc nhưng ông có cái nhìn vượt lên trên tầng lớp thượng lưu để hướng về thảo dân bách tính với những nhân ái lớn lao là cuộc sống an lạc, thái bình, thịnh vượng cho mọi người. Điều đó phải là một minh tuệ mới có được. Điều đó phải là một hiền tâm mới làm được. Và chỉ với một câu thơ "Việt Nam khởi tổ xây nền" (câu đầu tiên trong Sấm Trạng Trình mà ông để lại cho hậu thế), Nguyễn Bỉnh Khiêm được coi là người đầu tiên sử dụng tên gọi Việt Nam như là quốc hiệu song ông cũng là người sử dụng nhiều nhất và có ý thức nhất danh xưng thiêng liêng này.

Gạt đi tất thảy những huyền du của giai thoại như khi lên một tuổi ông nói mặt trời mọc đằng đông, bỏ qua giai thoại về việc cứu nguy cho hậu duệ thoát nạn sập nhà 500 năm sau khi ông mất… chỉ còn lại cái cốt của giai thoại thì cho thấy ông là người luôn ôm nỗi đau thế sự. Bằng minh tuệ của mình, ông phải luôn trăn trở cái thế, về sự giằng xé giữa các thế lực, về cái thiệt thòi cái phúc lợi của chúng dân là gì khi những mưu đồ được toan lên giữa bàn cờ thế cuộc. Thế nên mới có được nước cờ đắc địa "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân" cho Nguyễn Hoàng, "Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản" cho chúa Trịnh khi đến hỏi kế sách, và "Cao Bằng tuy thiến, khả diên số thế" với nhà Mạc. Thế nên tiếng nói ông mới trở thành tiếng sấm được truyền tụng tới mai sau…

Dẫu là người có thể tiên đoán được biến cố 500 năm sau trước nhờ học phương pháp tính theo Thái ất nhưng ông vẫn phải sống ở thời đại ông, thân thể ông vẫn bó buộc trong cuộc tao ly thế kỷ XV của Đại Việt. Có thể những lời sấm của ông vẫn còn được tiếp tục giải mã thế nhưng hệ tư tưởng triết học của ông vẫn nằm trong vòng tròn của chủ nghĩa duy tâm chứ không phải là hình xoắn trôn ốc của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Dù vậy thì ông vẫn đạt đến một đỉnh tùng trượng sơn của trí tuệ.

Vằng vặc chữ Tâm, trĩu lòng chữ Đức

Trang thơ nào cũng từ máu chắt ra

Nơi nào ông ngồi nghiền ngẫm thế cuộc, thiên cơ, quốc vận, có phải bên hàng tùng bách dưới chân núi Cổ Am? Nơi nào là nơi ông ngồi viết sấm ký, nơi nào là nơi ông ngồi viết những vần thơ, có phải bên dòng Tuyết giang vời vợi? Nơi nào ông mở trường lớp dạy học những mong đào tạo cho đời những tài năng kinh bang tế thế khi lui về ở ẩn? Một Bạch vân phu tử hay một Tuyết giang phu tử đang thư nhàn bên suối, bên thông như tiên ông ngồi đánh cờ, câu cá. Ông vẫn đang mải chơi cờ đó ư? Hay ông vẫn đang say nghĩ tiếp những vần xoay con tạo, những quy luật biến thiên của thời cuộc tàn suy thăng giáng và những ngoại lệ của các quy luật đó. Không, ông đang trải lòng mình với những vần thơ. Những câu thơ chắt chiu từ tâm đức ông. "Trạng Trình tỉnh giấc cười ba tiếng/ Quẻ lòng nhân giao mãi chưa thành". Tôi đồ rằng, sau lúc thiếp mệt, ông chợt tỉnh giấc rồi cười vang lên ba tiếng đắc nhân tâm khi bỗng nghĩ ra điều gì đó có lợi cho chúng dân hay nghĩ ra một câu thơ thần, một câu thơ thiền bừng nở giữa đóa sen.

Cái uyên tuệ của ông đã đắc dụng trong chính trường Đại Việt thế kỷ XV, để lại những dấu ấn trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, còn cái hiền tâm ông được hiển hiện ra bằng những tập thơ ông để lại cho đời: Bạch vân thi tập và Trình Quốc công thi tập. Những câu thơ sáng lên một chữ Tâm, tỏa ra một chữ Đức, truyền lại cho đời một đạo lý đối nhân xử thế. Thơ ông rạng lên một tấm lòng lo cho nước, thương đời, yêu dân và một tâm hồn suốt đời da diết với đạo lý lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ. Thơ ông là những triết lý nhân sinh về đời sống đầy nhân văn như thế.

Tiên lượng việc vị lai như thần, thiên tài của Trạng Trình đã được công nhận và tôn vinh. Ông đã ôm nỗi đau thế sự trong suốt cuộc đời mình, ông đã ngậm trong lòng mình niềm đắng xót số phận dân chúng. Không đa đoan nhập thế như Lê Quý Đôn nhưng khi về ở ẩn thì cũng giống như nhiều nhà nho khác, ông hành nghề gõ đầu trẻ. Một cách nhập thế ở đâu và ở thời nào cũng thanh cao và tao quý như nhau. Từ chữ nghĩa thánh hiền, ông vào đời xử thế một cách tùng trượng sơn và rồi sau lại truyền dạy chữ nghĩa uyên nho và cách sống phải đạo làm người cho các thế hệ sau, để đi vào sử sách thánh hiền. Đó cũng chính là bản lĩnh tùng quân một minh tuệ và hiền tâm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Lê Bảo Âu Long
.
.