Trạng Gióng Đặng Công Chất

Thứ Ba, 06/03/2007, 10:00

Dù bị Nguyễn Quốc Khôi gây khó dễ, Trạng Gióng vẫn tươi cười như không và nhất mực đối đãi tử tế. Ngày Nguyễn Quốc Khôi mất, Đặng Công Chất dù đang phải để tang thân mẫu vẫn đến viếng và viết văn tế Nguyễn Quốc Khôi.

Theo quyết định của Ban Khuyến học Hội đồng gia tộc họ Đặng ở Việt Nam, từ năm 2007 sẽ có phần thưởng động viên lòng hiếu học của dòng họ theo đúng tinh thần "Khuyến học, khuyến tài, tiếp nối khoa danh dòng họ Đặng, Vì dân, vì nước, nêu cao sự nghiệp dưới trời Nam".

Vị danh nhân được lựa chọn để đặt tên cho giải thưởng là Trạng nguyên Đặng Công Chất (1622-1683), vị danh thần nổi tiếng thông minh và ngay thẳng. Ông sinh ra tại làng Phù Đổng nên còn được gọi là Trạng Gióng.

Phúc đức tại mẫu

Tương truyền, dòng họ Đặng ở Việt Nam là con cháu của Trần Quốc Tuấn, vì lý do này hay lý do khác mà đổi thành họ Đặng và chia nhau đi ở nhiều địa phương khác nhau trong cả nước. Chi họ Đặng của Trạng Gióng về ở tại làng Phù Đổng (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) từ thế kỷ XVI vì thấy phong cảnh nơi đây núi sông hữu tình.

Theo sách "Đặng gia phả hệ Toản chính thực lục và Đặng gia phả ký tục biên - Lương Xá, Hà Tây" (do Ngô Thế Long dịch và chú thích, NXB Thế giới ấn hành năm 2006 tại Hà Nội), ông nội của Trạng Gióng tên là Đặng Minh Phu, lúc trẻ từng đỗ đạt, làm quan lên tới chức Lại bộ Thị lang, nhưng khi luống tuổi, lại chỉ thích "sống cảnh nhàn rỗi, dạy học". Chính cụ Đặng Minh Phu là người đã góp phần sửa đặt lễ nghi ở địa phương, bồi đắp thuần phong mỹ tục cho làng Phù Đổng.

Thân phụ của Trạng Gióng là trưởng nam của cụ Đặng Minh Phu, tên là Hòa Sắt, cũng là người có tiếng văn hay, mấy lần dự thi Hội đỗ Tam trường nên được các quan rất quý. Cụ Đặng Hòa Sắt từng được bổ làm tri huyện Gia Định nhưng sau 11 năm lăn lộn quan trường, vẫn phải "giậm chân tại chỗ" nên cởi ấn về nhà, theo đuổi thú vui xem phong thuỷ...

Trạng Gióng là người con trai thứ ba, do bà chánh thất họ Nguyễn sinh ra. Thân mẫu của Trạng Gióng cũng là người hiếu học, thuộc nhiều điển tích, ca dao. Tính bà nhân hậu, hay đem của nhà làm phúc giúp cả người dưng nước lã. Khi mất, bà được đặt hiệu là Từ Huệ bà. Với con cái, Từ Huệ bà răn dạy rất nghiêm, theo đúng lễ giáo.

Không phải ngẫu nhiên mà cả bốn người con trai của Từ Huệ bà về sau đều công thành danh toại. Người con cả từng làm đến chức Tham nghị. Người con thứ hai và người con thứ ba cũng đều hiển đạt. Người con út, lúc nhỏ vụng về cách làm văn nhưng rồi được anh trai kèm cặp nên rốt cuộc cũng tiến bộ, đỗ khoa Sĩ vọng và sau này làm đến chức Đô Tổng binh Thiêm sự Cao Bằng. Sách ghi, khi các con đã trở thành mệnh quan triều đình rồi, Từ Huệ bà vẫn thường đọc cho các con nghe ba nguyên tắc khi làm quan để nhắc nhở thêm...

Trạng Gióng sinh vào ngày Tân Mão, giờ Dần, năm Nhâm Tuất (1622). Tương truyền, thân mẫu của Trạng Gióng đến kỳ sinh nở đã nằm mơ thấy một con hổ đen gầm lên một tiếng kinh thiên động địa, giật mình tỉnh giấc và trở dạ sinh con.

Có công mài sắt

Ngay từ nhỏ, Đặng Công Chất đã tỏ ra rất hiếu học, quanh năm gần như không lúc nào rời sách thánh hiền. Mùa đông, trời lạnh, cậu bé Chất ra sân nằm phơi nắng cho ấm để đọc sách.

Có lần, người cha trông thấy con nằm co ro ngoài nắng đọc sách, đã buột miệng nói đùa, đại ý, nếu con sợ lạnh đến thế thì ta sẽ cho con kiểu đất "cấn bút, song quản sâm vân", tức là thế đất hình hai quản bút chỉ thẳng lên mây trời ở phía Đông. Câu này còn có nghĩa là ta sẽ cho con thế đất phát về văn chương, 5 đời mặc áo gấm không thôi...

Lớn lên, theo nghiệp lều chõng, Đặng Công Chất không phải lúc nào cũng được suôn sẻ mặc dù thi khoa Sĩ vọng kỳ đầu tiên đã được xếp loại ưu ngay. Văn của ông hay nhưng viết chữ cũng có lúc bị nhầm nên đã bị đánh hỏng ở kỳ thi tiếp đó. Quan triều lúc đó là người trọng tài, tiếc hơi văn hiếm có của Đặng Công Chất nên đã tâu lên với vua để vua triệu vào trong cung, ban cho chức dạy học.

Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", phải tới năm 1661, Đặng Công Chất, lúc đó đã gần tứ thập, mới đỗ Trạng nguyên (Tiến sĩ cập đệ), cùng với Đào Công Chính và Ngô Khuê. Vua ban cho ba Trạng nguyên áo bào đoạn màu đỏ, đai lưng dát bạc, vinh quy bái tổ về làng... Tiếp đó, Đặng Công Chất thi ứng chế, đỗ thứ nhất nên được phong chức Hiển cung Đại phu, Hàn lâm thị giảng... Hoạn lộ sau này của Đặng Công Chất nhìn chung thuận buồm xuôi gió.

Phương châm hành xử chính của ông có thể diễn giải bằng câu "Kẻ sĩ rất quý ở cương thường". Đặng Công Chất làm quan lúc nào cũng rất mực thanh cần. Nhà vua rất hay vời ông vào cung để giảng sách... Năm 1676, Trạng Gióng từng được vua cử cùng Hồ Sĩ Dương đề tựa bộ sách "Lam Sơn thực lục", "tham khảo bản cũ cùng các sách gia đình để sửa sang lại, chỗ nào sai thì chép lại cho đúng, chỗ nào sót thì bổ sung vào, cốt tiện đọc và truyền bá rộng rãi...".

Công việc của các ông đã được đời sau đánh giá xứng đáng... Những chức vụ cao nhất của Đặng Công Chất ở trong triều là Hình bộ Thượng thư và Binh bộ Thượng thư. Khi Trạng Gióng từ trần, ông được tặng Lại bộ Thượng thư, Thiếu Bảo, tước Bá...

Lấy nhân làm gốc

Tại chỗ ngồi của mình, Đặng Công Chất thường cho dán câu đối: "Lương năng do kỷ hữu, Chí nghiệp tự thiên thành" (Tài năng dù tự mình sẵn có, Sự nghiệp lớn phải nhờ trời mới nên).

Trong phép hành xử ở đời, Đặng Công Chất luôn lấy chữ tình và chữ nghĩa làm trọng. Ông hiểu những cái yếu của người đời nhưng không bao giờ lấy đó làm điều. Cũng theo sách "Đặng gia phả hệ Toản chính thực lục và Đặng gia phả ký tục biên - Lương Xá, Hà Tây", khi Đặng Công Chất thi ứng chế, các quan triều bình văn cho rằng văn của Đặng Công Chất hay hơn của người từng được cử vào chức Thị thư khoa trước là Nguyễn Quốc Khôi.

Nghe vậy, Nguyễn Quốc Khôi không phục và có ý gây khó dễ cho Đặng Công Chất khi ông được cử làm Thị thư mới. Thế nhưng, Trạng Gióng vẫn tươi cười như không và nhất mực đối đãi tử tế với người tiền nhiệm. Ngày Nguyễn Quốc Khôi mất, Đặng Công Chất đang phải để tang thân mẫu. Lệ thường, như Sách Lễ dạy, "khi đang để tang cha mẹ, không nên viếng điếu ai".

Thế nhưng, Đặng Công Chất khi nghe lời ngăn cản đã thốt lên: "Tăng Tử trong lúc có trọng tang, vẫn đến viếng thăm Tử Hạ" (Tăng Tử và Tử Hạ là các "đệ tử chân truyền" của Khổng Tử, hai trong số 72 người hiền). Tức là ông muốn nói, người quân tử đôi khi phải biết vượt qua những phép tắc thông thường mà ứng xử bất thường cho phải đạo nhân nghĩa. Không những thế, Đặng Công Chất còn viết văn tế Nguyễn Quốc Khôi với những lời thấm thía: "Ông bạn quý của tôi là bậc Trạng nguyên hiếu trung. Người quân tử chính trực. Nước không mất vì cái vẫn còn là đạo...".

Năm 1663, ông được phái đi làm Đốc thị xứ Nghệ An. Khi ấy, ở vùng Thiết Lâm, có khoảng vài ba trăm người dân cư trú ở khu vực biên giới, đóng nhà bè ngay ở khu cửa khe suối, náu mình làm nghề đạo tặc. Triều đình sai Đặng Công Chất một mình dẹp cướp.

Tìm hiểu rõ những nguyên nhân, nói theo ngôn ngữ bây giờ, kinh tế - xã hội dẫn tới nạn cướp bóc, Đặng Công Chất đã tìm cách phủ dụ, hợp pháp hóa đời sống của những người dân sở tại, lập làng xã, mở mang kinh tế và giáo huấn. Dần dà, vùng đó trở thành một nơi ăn nên làm ra.

Dân Thiết Lâm cảm cái ơn của Trạng Gióng đã lập sinh từ (đền thờ sống) Đặng Công Chất. Và một phần cũng nhờ thành tích giúp dân an cư lạc nghiệp ở Nghệ An nên Đặng Công Chất năm 1665 đã được triều đình thăng chức Gia hành Đại phu, Công bộ Hữu thị lang...

Trạng Gióng từng không chỉ một lần được vua cử đi sứ Trung Hoa. Lại theo sách "Đặng gia phả hệ Toản chính thực lục và Đặng gia phả ký tục biên - Lương Xá, Hà Tây", lần Đặng Công Chất đi sứ năm 1683, trên đường trở về nước, ngồi bên sông Hoàng Hà, quan hộ tống triều Thanh nhìn thấy con nước cuộn chảy, đã yêu cầu Đặng Công Chất ngẫu hứng làm một bài thơ "cho thêm phần bạo dạn". Trạng Gióng rót trà mời khách rồi chậm rãi viết lên trên lụa:

"Xuất tự Côn Lôn, khảm vị doanh,

Hoàng Hà đáo để chi kỳ bình.

Thiên tầm bất đãi Đường Ngu tuấn,

Nhất thực hề khuy Ngô Sở tranh.

Đạm nhược hữu thời Bao Lão tiếu,

Đới như hà nhật Hán Hoàng minh.

Tường trưng long mã sơ phi ngẫu,

Đế đức nguyên đồng nhật nguyệt minh"

(Tạm dịch: Nước bắt đầu chảy, từ núi Côn Lôn, một vũng không đầy, Thế mà ngày nay thành ra sông Hoàng Hà. Sông dài nghìn tầm, không đợi đời Đường Ngu đào vét, Một giọt không cạn, khi Ngô Sở tranh nhau. Có khi nước trong như Bao Chửng cất tiếng cười, Rồi có khi như dải áo, như lời thề vua Hán. Khi có Long Mã nổi lên, điềm hay không ngẫu nhiên. Vì đức vua sáng như mặt trời, mặt trăng).

Cách viết, cách nói ví von như thế, đến những câu thơ gọi là hậu hiện đại cũng không thể mới hơn. Ông quan Trung Quốc "xem bài thơ, đọc rõ từng câu, miệng tủm tỉm cười, ngẫm nghĩ hồi lâu, uống xong trà" rồi bình luận: "Bụng dạ nhà thơ, như nước sông muôn khoảnh mông mênh. Những dòng nước nhỏ nhuần tưới trong khoảnh trăm dặm hay nghìn dặm, một giọt nước thêm vào cũng chẳng thấm gì. Nước Nam là nơi mặt trời đỏ rực, vùng đất oi nóng, không ngờ lại là nơi "Lục nhất" sinh thành! Như vậy thì đạo của người quân tử ở đâu cũng là đạo "Nhân" mà thôi! Hà tất phải theo hùa hay bắt chước giống hệt nhau...".

Đã đành rồi, ở đâu cũng có người tài, thời nào cũng có người tài, trên mọi phương diện, cho muôn thuở...

Trạng Gióng là một nhân tài như thế của đất Việt, chứ không của riêng họ Đặng

Đặng Yên Hoà
.
.