Trần Đăng Khoa và chiếc điện thoại Samsung

Chủ Nhật, 17/04/2016, 11:15
...Khoa cầm điện thoại Samsung, sau đó đưa cho tôi, bảo, bà hâm bỏ mẹ. Đã nghèo còn sĩ. Bà dùng đi. Dùng là nghiện. Có điện thoại di động hay lắm, như có thằng giúp việc ở bên mình. Mà thằng loong toong này như con ma xó, cần gặp ai là “bắt” được ngay. Thế là tôi có chiếc Samsung sành điệu.


Tôi bị trận ốm khá nặng, mặc dù đã qua nhưng sự mệt mỏi lo sợ vẫn ám ảnh tôi, đi đâu tôi cũng hỏi thăm về thuốc và cách chữa bệnh. 

Cách đây hơn tháng, tôi gặp Trần Đăng Khoa ở số 9 Nguyễn Đình Chiểu, văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam. Khi đó Khoa đang tiếp một nhạc sĩ mê thơ Khoa, mê sách của Khoa, đến xin gặp để đọc thơ và hát cho Khoa nghe. Biết tôi cũng mê âm nhạc, Khoa mời cùng ngồi. 

Người ấy hát say sưa, nhưng chưa “đã” những đôi tai sành nhạc. Tôi thầm nghĩ, lão Khoa này kiên nhẫn thật, bận bịu như thế mà vẫn chịu được sự “tra tấn” như thế này. Tôi biết rõ, những người như Khoa, thời gian luôn thiếu: nào đọc, nào viết (hai việc chính) ngoài ra còn chấm thi, trả lời phỏng vấn, họp hành, gia đình, bạn bè…

Nghĩa là phải chọn lựa lắm các mối quan hệ. Mỗi bài viết của lão, chỉ chừng 2 nghìn chữ, nhuận bút cả triệu đồng. Mà lão viết rất khỏe. Lĩnh vực nào thấy có vấn đề, thấy cần lên tiếng lão viết được ngay, và phân tích khá sâu, các bạn cứ giở báo ra hay vào blog của lão thì thấy. 

Sỡ dĩ gọi lão vì Khoa tự gọi mình như vậy, lão cũng hay gọi những người phụ nữ quen biết hơn tuổi hay kém tuổi Khoa là bá hay thím. Thím Thùy Dương, thím Y Ban, thím Thu Huệ, bá Trường, bá Thanh Nhàn, thảng hoặc, lão còn gọi nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn là tiểu thư, hay Công tằng Tôn nữ Phan cách cách. 

Kiểu nói cũng như cách đối xử của Khoa với mọi người cho thấy lão thích cái chất dân dã, nâu sòng, chân chất. Quê một cục. Lão đúng là ông già quê. Trẻ chả ai nói thế.

Sau khi người “hâm mộ” ra về, tôi hỏi, sao dạo này trông lão khí sắc tươi tỉnh thế? Lão nói một hồi về nguyên nhân của bệnh, nguyên lý của vũ trụ và con người, lão bảo, bệnh có thể lui nếu biết sống đúng cách.

Cuối cùng lão lôi luôn trong ngăn kéo ra một bọc, gồm chiếc khăn trắng có hai ngăn túi, đựng hai viên đá, bảo hãy mua mà làm theo chỉ dẫn, sẽ ăn ngon ngủ say. Đá làm nóng lên, cuốn vào khăn, chườm xuống bên dưới ngực trái. Lão nói: Nhớ nhé, vú trái ấy, có cần tôi “thị phạm” không, rồi híp mắt cười khà khà.

*

Nói đến đây, tôi lại nhớ, cái thời Khoa chưa có vợ. Người ta đồn rằng, Khoa không phải đàn ông nên lão mãi không lấy vợ. Lão cứ vờ vẫn đùa đùa, vui vui, hẹn hẹn hò hò với các cô gái, với đàn bà nhưng rồi bỏ đấy. Nhiều người hâm mộ phát nản.

Ngày ấy, sau gần 5 năm ở Sofia Bulgari, trở về Việt Nam với quyết tâm bước vào con đường văn chương chữ nghĩa, tôi chủ trương tầm sư học đạo. Một trong số người mà tôi hâm mộ là Trần Đăng Khoa. Thơ của Khoa, hồi tôi phổ thông thuộc không thiếu bài nào, tôi nghĩ thơ Khoa thế nên người ta gọi Khoa thần đồng là rất chuẩn.

*

Hồi đó tôi đã gần 40 tuổi, hơn Khoa 7 tuổi, nhưng đọc thơ Khoa từ lâu, cứ nghĩ Khoa nhiều tuổi rồi. Biết Khoa làm việc ở số 4 Lý Nam Đế, trụ sở của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi tìm đến để bày tỏ sự ngưỡng mộ của tôi về thơ của Khoa. Có lẽ thấy tôi váy, áo, giày, tất (ngày đó còn ít người dùng), mặt mũi lạ hoắc, lại gọi Khoa là anh, hiểu lầm là tôi muốn tình ái gì nên các chị trong phòng trị sự trêu: “Tìm anh Trần Đăng Khoa à? Khó đấy. Anh ấy nhiều mối lắm. Mà lão ấy có hứa, nhất là về tình ái thì cũng đừng tin”.

Các chị cười cười, chờ tôi phản ứng. (Những chuyện đùa như thế sau này quen rồi tôi cũng góp phần. Quả thật, chuyện về Trần Đăng Khoa luôn là đề tài để sôi nổi mua vui, nhất là chuyện chỉ có thể làm thơ chứ không biết làm… đàn ông). Tôi ngồi chờ một lúc, rồi về. Mấy lần vẫn không gặp được. Thế là tôi không tìm nữa. Nhưng Khoa ra cuốn sách nào thì tôi cũng mua để đọc.

Có lần, VNPT mời dự trại sáng tác. Tôi và Khoa cùng đoàn, chúng tôi đi tuốt luốt tận Cà Mau, Hà Tiên, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Những chuyến đi khá dài và vui. Tới nơi nào có biển, chúng tôi đi tắm biển. Tối tối, mọi người cũng đi hết, cánh đàn ông viết cũng khỏe mà… đi chơi cũng ghê. Riêng Khoa, không đi biển bao giờ, hôm nào tôi cũng thấy ở phòng. Đi ngang qua, nhìn vào cửa phòng khép hờ, ánh sáng đủ để soi trên mặt bàn, lão đang ngồi viết. Tôi càng nghĩ, khéo lão có vấn đề về giới tính thật.

*

Thế là tôi viết một bài về Khoa, bài viết vừa khen vừa trêu chọc trong đó tôi sử dụng một đoạn thơ dân gian truyền miệng (không biết của ai): “Anh Khoa ơi hỡi anh Khoa/ Ngoài thềm rơi cái lá đa bao giờ/ Cua khôn ngoi hết lên bờ/ Còn chú cá cờ mãi chẳng chịu khôn/ Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn/ Chẳng bằng ngồi đợi cái hồn của em”.

Hồn là tôi văn chương hoá, trang nhã hoá. Bài báo của tôi được hưởng ứng cơ bản là vì bài thơ kia vẽ quá tài, rất khái quát mà ra chân dung Trần Đăng Khoa hồi đó. Báo đăng xong, tôi đưa Khoa xem, lão chẳng giận gì, còn bảo: Khiếp! Sao bá tài thế!”. Tôi biết lão hay giễu nhại kiểu đấy. Rồi lão lại bảo, ai muốn viết gì thì cứ viết thôi, tùy tâm.

Chỉ có điều, phải hiểu cho ta, ta hãi các mẹ nhà văn, nhà thơ, nhà báo lắm. Với các mẹ thì chỉ nên nghe, nên ngắm thôi, nhiều khi cứ nhắm tịt mắt lại mà ngắm, chứ mở mắt đã thấy kinh hồn. Yêu đương lại càng khiếp đảm. Lấy làm vợ thì thật kinh hoàng. Ta yếu bóng vía lắm”. Lão chẳng hề giận tôi. Lại có vẻ khoái. Trong chuyến đi, tôi và lão hay ngồi cạnh nhau, đùa nhau chí chóe.

Lần ấy, VNPT chiêu đãi chúng tôi ở Tam Đảo, trong bữa ăn, khách mời của VNPT có một người, giờ là VIP lớn. Người đó không biết ai trong đoàn, trừ Khoa. Người đó tỏ rõ sự yêu quý và tôn trọng Khoa vì thơ. Chuyện một lúc, người ấy bảo Khoa, có kẻ nào viết trên báo về ông, bậy quá, chắc nó không yêu được ông, nó thù, ai lại bảo ông là con cá cờ, chẳng bao giờ khôn, cứ tưởng ông đợi mưa, hoá ra đợi cái hồn…

Lão Khoa cười vang, chỉ vào tôi: “Đây, cái con mụ tôi không yêu được đây này. Mợ này thù tất cả lũ đàn ông. Mà thù dai!”. Người kia hơi giật mình. Cậu trợ lý thấy vậy đỡ lời: “Thủ trưởng em đùa ấy mà, đàn ông ai chẳng thích đợi cái hồn ấy. Chị đây, em tưởng… Chị cho em số điện thoại, em xin chịu phạt đền một chai…”.

Tôi hơi ngượng. Thứ nhất, bên cạnh Trần Đăng Khoa mình càng rõ mình là con số 0, thứ hai, họ nhầm là mình thất tình với Khoa, thứ ba mình không có điện thoại di động. Còn Khoa thì lỉnh kỉnh vừa điện thoại di động vừa ghi âm, máy tính xách tay…

Tôi chưa kịp phản ứng thế nào thì trợ lý nói, chị chưa có điện thoại di động à, xin biếu chị luôn, em có 2 cái đây này. Anh ta đưa luôn tôi chiếc Samsung màu bạc màn hình trượt. Trị giá khoảng 12 triệu. Lúc đó là lớn lắm. Tôi không dám nhận. Khoa bảo: "Cầm đi, nó chỉ là cái điện thoại thôi mà. Người ta chân thành chứ có tán mợ đâu mà mợ phải giữ trinh tiết?”. “Vâng đúng! Em chân thật mà! – Người kia nói – Em quý anh Khoa lắm!”. Tôi bảo, vậy thì tặng anh Khoa đi. Khoa bảo, cậu ấy tặng bá thì bá cầm đi, ngượng thì để đấy tôi.

Khoa cầm, sau đó Khoa đưa cho tôi, bảo, bà hâm bỏ mẹ. Đã nghèo còn sĩ. Bọn đại gia nó thay điện thoại như thay cái áo lót. Điện thoại mới tinh nhưng lạc mốt rồi. Đã có thế hệ mới, nó phải thay. Bà không nhận, nó cho người khác, mà người ấy có khi chả thiếu gì điện thoại. Bà dùng đi. Dùng là nghiện. Có điện thoại di động hay lắm, như có thằng giúp việc ở bên mình. Mà thằng loong toong này như con ma xó, cần gặp ai là “bắt” được ngay. Thế là tôi có chiếc Samsung sành điệu.

Miếng ngon nhớ lâu. Sau này tôi đã có nhiều điện thoại tiện ích hơn, hiện đại hơn, nhưng tôi vẫn nhớ cái sự hảo tâm của ông khách mê Khoa và dĩ nhiên là của Khoa, vì nếu Khoa cầm luôn cũng phải.

*

Người ta đã viết rất nhiều về thơ của Khoa, nhưng Khoa đâu chỉ có thơ, Khoa còn viết phê bình, viết ký, viết văn xuôi, viết báo, nhiều khi lão lý sự như một luật sư chính hiệu. Hỏi, sao không tiếp tục thơ, Khoa bảo: "Thì vẫn thơ. Nhưng đâu phải chỉ có thơ. Bởi nhiều người giờ đâu có thích thơ. Họ mê những món khác. Vậy thì mình phải có nhiều món mới đông khách chứ!”

*

Tôi có nhiều bạn là giáo viên văn, họ nhờ tôi mời Khoa đến nói chuyện ở trường. Trường thì đông thầy và trò. Thầy cũng như trò, đã yêu văn thơ thì ai nấy đều sắc sảo chữ nghĩa, họ chăm chú lắng nghe, vừa là mê thích nhưng cũng là để soi xem thần đồng viết hay nói có giỏi không.

Lần nào đi nói chuyện như vậy, lão cũng nói mãi không hết chuyện, chuyện nào của hắn cũng gây cười, gây nghiện. Ngay cả những vấn đề rất nghiêm túc, lão cũng biến thành trò cười. Lão bảo: “Cái mặt tôi mà không cười thì trông kinh lắm”. Lão tỏ ra biết mình biết người nên lão vừa nhường nhịn người khác vừa tự giễu nhại bản thân mình. Chẳng có ai giễu lão kinh hoàng như lão.           

*

Thế rồi. Đùng cái lão lấy vợ, một người chả dính líu gì đến văn chương chữ nghĩa. Hỏi thì lão bảo:  "Tôi rất sùng kính vợ tôi. Bà nhà tôi kém tôi gần hai chục tuổi. Một đặc tính của nàng mà tôi vô cùng kính trọng là nàng không bao giờ đọc sách của chồng. Chỉ duy nhất có một lần nàng cầm cuốn sách mới ra lò của tôi. Tôi rất hồi hộp. Nhưng chỉ một lúc sau đã nghe tiếng thở đều đều. Nàng úp cuốn sách lên mặt, che cho đèn khỏi sáng rồi ngủ rất ngon lành”.

Lão Khoa lấy vợ cũng ầm ĩ. Ban đầu người ta còn nghi ngờ lão lấy vợ để cho qua chuyện, để chứng tỏ mình cũng… như ai, nhưng bây giờ, thì hết mọi hiểu nhầm. Lão không chỉ là ông chồng chu đáo, một người cha đảm, làm nên một gia đình hạnh phúc. Nhưng lão bảo đấy là một hạnh phúc vô cùng tẻ nhạt, vì vợ chồng sống với nhau đã gần hai chục năm rồi, nhưng chưa bao giờ nói nặng với nhau một lời, dù tính cách hai người rất khác nhau.

Ngược lại, cả hai đều rất chu toàn trong các mối quan hệ bố mẹ vợ, gia đình nội ngoại… Lão bảo, lão rất bằng lòng về những gì mình có: “Tôi sống rất đơn giản. Nhu cầu thấp. Sống thế nào cũng được. Ăn thế nào cũng xong. Món ngon nhất là món mẹ nấu ở thời đói khổ. Không nghiện ngập bất cứ thứ gì. Quyền chức, tiền bạc, rượu bia, trà thuốc, tôi đều dửng dưng. Đến cả danh tiếng cũng chỉ là hão huyền và vớ vẩn”.

Lão còn triết lý: “Mọi gia đình đều yên ổn thì cả xã hội thanh bình. Trong chốn nương náu cuối cùng mà lộn xộn, lục đục thì sống sao được. Đã không sống được thì cũng chẳng yên tâm mà làm được việc gì cho thật ra hồn. Để giữ gìn gia đình, nhiều khi phải tự điều chỉnh để thích hợp với nhau. Nhiều khi ngay cả vợ chồng cũng cần giữ gìn trước nhau, không thể cẩu thả”.

Lão dành những lời nhận xét rất tốt về vợ: “Bà lão nhà tôi đúng là một người phụ nữ, sạch sẽ và chỉn chu, khi ở nhà cô ấy không nhếch nhác như mẹ mướp và khi ra đường cũng tươm tất như mọi người. Cô ấy chẳng có khát vọng gì cao siêu cả. Sợ nhất những bà vợ luôn khát tiền. Lại cứ thích chồng lên chức to. Thế thì hãi lắm. Khốn nạn lắm!”.

*

Đúng là, sự tự tin và được tin khiến cho người ta có thể sống cởi mở, chân thành không mô phạm, cứng nhắc. Trần Đăng Khoa bảo, ở nhà quê, đến tuổi 50 đã lên lão rồi. Giờ thì lão đã quá xa cái tuổi lên lão. Vậy mà vẫn dồi dào năng lượng. Kinh!

Đấy là tôi nhại cái giọng của lão khi kết thúc bài viết đấy....

Trần Thị Trường
.
.