Trần Mạnh Tuấn và cuộc “hồi sinh” của hoa đào

Thứ Năm, 13/03/2008, 15:30
Tìm jazz tại thành phố sôi động như Sài Gòn rất khó, giờ đây gần như chỉ còn Câu lạc bộ Nhạc jazz Sax n’Art của Trần Mạnh Tuấn trụ lại. Nuôi jazz tồn tại giữa những trào lưu âm nhạc thời trang đang "độc chiếm" còn khó vạn lần hơn. Nhưng Trần Mạnh Tuấn đã hòa nhập được với Sài Gòn và vẫn là chính mình sau rất nhiều sóng gió của đời sống.

Trần Mạnh Tuấn là một gương mặt quen nhưng hiếm của nhạc Việt. Một hình ảnh nghệ sỹ khá… đại chúng, nhưng thứ âm nhạc mà anh theo đuổi thì chưa dành cho số đông ở Việt Nam, đó là jazz.

Hồi sinh một cuộc đời

Cách đây 2 năm, người ta đã nghĩ Trần Mạnh Tuấn không còn sống nữa. Không ai tìm được anh trong nhiều ngày. Và rồi tin anh bị bạo bệnh làm giới nghệ sỹ Sài Gòn bàng hoàng. Sau đó là cuộc phẫu thuật tốn kém vài trăm ngàn USD. Rồi anh hồi sinh trở lại. Trần Mạnh Tuấn với một con mắt sáng, vẫn đeo kính trắng, áo thêu hoa, cầm cây kèn sáng bóng và lãng tử trên sân khấu. Cây kèn anh đang thổi già hơn tuổi anh nhiều, hơn 100 năm.

Lúc nào Trần Mạnh Tuấn cũng xuất hiện như thế, mặc định như một nỗi quyến rũ không cưỡng lại được, dưới ánh đèn và trong tiếng nhạc và sự đợi chờ của những đôi tai sành jazz. Câu lạc bộ của anh mở hàng đêm, công việc kinh doanh do vợ anh quản lý. Người phụ nữ Hà Nội này đã giữ chân được chàng lãng tử và họ đã ổn định được cuộc sống tại thành phố tất bật như Sài Gòn.

Khi sinh đứa con thứ hai được 27 ngày, chị đã phải tự mình thu xếp mọi việc cho chồng qua Mỹ du học. Và khi chồng nằm chờ phẫu thuật tại nước ngoài, chị cũng gửi con cho bà ngoại để luôn được ở bên chồng những khi nguy kịch nhất. Còn Tuấn vẫn diễn hàng đêm ở câu lạc bộ của mình, như một nghệ sỹ. Khán giả của anh có đủ thành phần. Nhiều người mê kèn đến xin làm học trò của Tuấn, họ là những người nước ngoài làm việc trong các sứ quán, các tổ chức phi chính phủ. Chính nhờ những mối quan hệ ấy mà Trần Mạnh Tuấn đã có cơ hội qua Mỹ phẫu thuật, sau khi phát hiện mình bị hỏng hai quả thận.

Và cũng từ những mối quan hệ ấy, Tuấn có thêm nhiều cơ hội để được biết đến trên thị trường âm nhạc thế giới. "Chính những chuyến lưu diễn nước ngoài đã giúp tôi có đủ thu nhập để thực hiện album" - Trần Mạnh Tuấn tâm sự. Anh đi diễn nước ngoài khá nhiều và từ đó tiếp cận được nhiều hơn với các phong cách nhạc jazz của các nghệ sỹ thế giới. "Tôi nghĩ mình may mắn nhiều khi đã trở về được với cuộc sống sau cơn bạo bệnh. Bây giờ tôi làm cái gì cũng thấy phải hết mình, vì mình được hưởng trọn vẹn sự tốt đẹp của cuộc sống thì không cớ gì tạo ra những sự sáng tạo nửa vời" - anh tâm sự trong buổi ra mắt cặp đôi album mới vừa qua.

Phát hành album - luôn có đôi

Sau 2 album phát hành cùng lúc năm 2006 (Ru rừng và Bóng thời gian), tháng 1-2008, Trần Mạnh Tuấn tiếp tục cho ra mắt 2 album jazz "Bèo dạt mây trôi" và "Body & Soul" được thực hiện công phu trong hơn một năm qua, nhưng cũng là kết quả của nhiều năm chiêm nghiệm trong thế giới jazz… "Bèo dạt mây trôi" gồm các bài dân ca Việt Nam được biểu diễn giai điệu chính bằng tiếng kèn saxophone trên nền nhạc nhẹ được hòa âm theo các phong cách jazz, pop hay new age để tạo ra một không gian âm nhạc mang phong vị làng quê nhưng vẫn hiện đại.

Về thể loại, có thể xếp vào dòng world jazz, như đĩa "Ru rừng" trước đây, với việc pha trộn rất "ngọt" dân ca với các chất liệu âm nhạc Tây phương. Những bài dân ca quen thuộc như: Ngồi tựa mạn thuyền, Hoa thơm bướm lượn, Bèo dạt mây trôi, Lý qua cầu, Lý cái mơn… được khoác một dáng vẻ mới. Âm thanh của các nhạc cụ dân tộc, đặc biệt tiếng hát dân ca gần như "nguyên chất" của Kim Luyên tạo ra phong vị hương xa rất hấp dẫn cho những bản hòa tấu, vốn rất gần những bản nhạc thư giãn, relax…

Album có sự tham gia của nhạc sĩ hòa âm người Pháp Laurent Jaccoux thực hiện các phần loop cho trống và tham gia soạn hòa âm một số bài. Còn "Body & Soul" là cuộc phiêu lưu của Trần Mạnh Tuấn vào thế giới mênh mông của nhạc jazz thế giới, và đồng hành cùng anh là nghệ sĩ piano người Australia Tim Carson. Cặp song tấu saxophone - piano này đã cùng nhau trình diễn những tác phẩm jazz kinh điển, theo phong cách kinh điển, chuẩn mực, nhưng khá dễ nghe, nhiều chất thư giãn.

Những bản nhạc trong album này đã được rất nhiều nghệ sĩ jazz trên khắp thế giới trình diễn từ hơn nửa thế kỷ qua, như “Over the rainbow”, “As time goes by”, “Body and soul”, “My funny valentine”, “Nature boy”… mỗi người đều có những cách thức riêng, theo tinh thần ngẫu hứng phong phú để đóng dấu ấn của mình vào các tác phẩm đã trở thành kinh điển của jazz.

Với album này, Trần Mạnh Tuấn không chỉ giúp khán giả Việt Nam có một cách tiếp cận ít nhiều Việt Nam tính với các nhạc phẩm lừng danh thế giới, mà còn có cơ hội cho nhiều thính giả ngoại quốc những cảm thụ thú vị về một người Việt biểu diễn các tác phẩm vốn đã gắn bó với họ từ nhỏ tới lớn. Phần lớn các tác phẩm trong 2 album được thu âm theo hình thức "live" tại phòng hòa nhạc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, để đem lại một không khí âm nhạc đậm chất jazz hơn với những ngẫu hứng đầy bất ngờ.

Trần Mạnh Tuấn tâm sự, anh thường ít khi bị ảnh hưởng bởi những trào lưu. Anh thực hiện bộ đôi đĩa này và phát hành cùng lúc vì để có được phòng thu cũng như dàn nhạc tập trung rất khó, nên thu liền 2 album và phát hành đồng thời. Dàn nhạc chơi "Bèo dạt mây trôi" đều kêu… buồn ngủ, vì tiết tấu của các bản nhạc chậm và rất êm dịu.

Nhưng đó chính là phong cách mà Tuấn muốn hướng tới.  Tuấn muốn khán giả Việt Nam tiếp cận với các tác phẩm jazz kinh điển thế giới qua "Body & Soul" và khán giả thế giới sẽ được thưởng thức nhạc dân gian Việt Nam qua "Bèo dạt mây trôi". Và đây là bộ đôi album được thu trực tiếp, không thể cắt ghép hay chỉnh sửa theo phong cách cấy ghép của dàn mix điện tử. Chính sự kỳ công này đã khiến cho bộ album không đi vào một lối mòn.

Của hiếm của nhạc Việt

Không chỉ mình Trần Mạnh Tuấn chơi kèn và nổi tiếng ở Việt Nam. Nhưng nếu lên các trang nhạc trực tiếp sẽ thấy đây là một cái tên quen thuộc. Đã có rất nhiều bản nhạc của Tuấn được đưa lên đây và số lượng download cao kỷ lục. Anh là người đi trước những nghệ sỹ biểu diễn tại Việt Nam khi tạo cho mình một con đường chuyên nghiệp nhất, đến với công chúng thế giới. Nếu như các ngôi sao nhạc trẻ như Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng phát hành kỷ lục một album lên tới vài chục ngàn bản thì đĩa nhạc của Trần Mạnh Tuấn luôn gấp ba lần, nghĩa là trên dưới 100 ngàn bản.

Trung bình mỗi tháng, lượng đĩa được bán ra từ Sax n'Art là khoảng 1.000. "Vui nhất là ngày càng có nhiều khách hàng là người Việt Nam" - Tuấn tâm sự. Khi người Việt Nam mua nhiều nghĩa là nhạc jazz đã bắt đầu cắm rễ trong đời sống của họ. Tôi nhớ có lần Trần Mạnh Tuấn đã tâm sự: "Chơi nhạc bao nhiêu năm, tôi dần dần nghiệm ra, âm nhạc nói chung và jazz nói riêng chính là một hình thức thiền định tâm hồn. Những nỗi niềm, những thăng trầm của số phận đều có thể bất thần bật lên từ trong một câu nhạc giản dị nhất".

Có lẽ Trần Mạnh Tuấn đã tìm được một cách khơi mở thông minh, đưa jazz đến với công chúng từ những ca khúc, bản nhạc nổi tiếng và phổ thông nhất… Để thực hiện đĩa "Body & Soul", anh đã phải bỏ ra gần 2.000 USD để làm hợp đồng tác quyền, một hình thức làm việc chuyên nghiệp mà không phải nghệ sỹ nào ở Việt Nam cũng ý thức được. Bởi nếu muốn phát hành rộng rãi trên mạng Internet và phát hành tại nước ngoài, không thể lập lờ chuyện bản quyền. Và càng không thể chỉ trông chờ vào sự ăn may trong sản xuất âm nhạc.

Trần Mạnh Tuấn nói, anh đang chuẩn bị quay video cho album mới của mình. Sẽ là một DVD chất lượng cao, với những cảnh quay đẹp và nghệ thuật. Một sản phẩm mà âm nhạc và hình ảnh phải có sự liền mạch và kết nối. Chính vì sự cầu toàn ấy mà anh luôn cẩn trọng, chậm rãi nhưng chắc chắn. Đầu tháng 2 năm 2008, anh trở lại Hà Nội và trình diễn tại L'espace.

Mỗi lần trở lại thành phố của mình, Tuấn đều thấy tràn trề cảm hứng. Và mỗi lần như thế, cảm giác như jazz càng ma mị hơn, như một thứ rượu được chưng cất lâu năm trong lòng đất. Ra đi và trở về, sống và chiêm nghiệm, saxman này luôn là một điều đặc biệt của Hà Nội giữa phương Nam

Hoài Phố
.
.