Thi sĩ Nga nổi tiếng Evgueni Evtushenko:

Trái tim không ngủ yên

Thứ Sáu, 17/05/2013, 15:10
Thi sĩ Nga nổi tiếng Evgueni Evtushenko của thế hệ lừng danh trưởng thành vào những năm 60 của thế kỷ trước đã được chọn cho giải thưởng Nhà thơ năm 2013 (người được hưởng vinh dự này được coi như nhà thơ tiêu biểu trong năm). Thông tin này đã được công bố ngày 16/4 vừa qua trên trang web của Hiệp hội “Văn hóa Sáng kiến”.

Thi ca không thể lỗi thời

Giải thưởng Nhà thơ do Hội Khuyến Thi Nga cùng với RAO UES (hãng Hệ thống Năng lượng Thống nhất Nga) lập ra “dành cho những thành tựu lớn nhất trong thi ca Nga hiện đại” và được trao lần đầu vào năm 2005. Trị giá giải thưởng là 50 nghìn USD.

Theo điều lệ, giải Nhà thơ không trao cho những người đã khuất, cũng không chia cùng một lúc cho nhiều người. Hàng năm ban giám khảo do người được nhận giải năm trước làm chủ tịch sẽ cùng ngồi với nhau để lựa chọn tác giả mới xứng đáng được nhận nó. Năm 2012, người được nhận giải Nhà thơ là Eugene Rhine… Chính nhà thơ này đã có đóng góp  không nhỏ trong việc tôn vinh lại một biểu tượng lớn của thi ca Xôviết như Evtushenko trong xã hội Nga hiện đại.

Ở tuổi 81, Evtushenko từ 22 năm nay cư trú thường xuyên trên đất Mỹ và giảng về văn học Nga tại Trường Đại học Tổng hợp Talsa, bang Oklahoma (trong bảng xếp hạng các học đường đại học của năm 1912 ở Mỹ, trường đại học này được xếp ở vị trí 75).

Evtushenko chỉ thỉnh thoảng mới lại xuất hiện ở quê hương, thường là vào dịp kỷ niệm sinh nhật (18/7) để có mặt trong những đêm thơ tác giả đã trở thành truyền thống từ nhiều năm nay. Mặc dù thời thế ở Nga đã đổi khác nhưng ông vẫn duy trì được một đội ngũ không nhỏ những người hâm mộ thơ ông, không chỉ là các bậc cao niên mà còn có cả không ít những người trẻ.

Tuy nhiên, việc Evtushenko, một nhân vật tưởng như đã vĩnh viễn chỉ là biểu tượng của một quá khứ Xôviết, được chọn làm nhà thơ tiêu biểu của năm 2013 ở Nga cũng đã gây nên những sự ngạc nhiên không nhỏ. Dường như nước Nga hiện đại đang ngày càng cảm  thấy cần hơn hơi ấm tinh thần từ một quá khứ chưa xa…

Cuồng nhiệt lòng yêu

Đã có lần Etushenko nói, thực sự là ông cũng không biết có bao nhiêu người phụ nữ từng đi qua cuộc đời ông. Lần đầu tiên thi sĩ tương lai được biết tới hương vị của tình yêu là ở tuổi 15. Khi ấy, trong kỳ nghỉ hè, chàng trai Zhenia đi theo đoàn thăm dò địa chất  của cha mình. Tới một làng nhỏ ở Altai (Siberi), thi sĩ tương lai đã bị một góa phụ trẻ trung xinh đẹp, đang hôi hổi khát thèm vòng tay nam nhi, quyến rũ…

Tuy nhiên, khi người phụ nữ biết rằng chàng trai cao lớn mà chị vừa yêu mới chỉ có 15 tuổi, chị đã cảm thấy cực kỳ ăn năn nên đã tới quỳ trước tượng đức mẹ và bật khóc … Sau này, khi đã đứng tuổi, Evtushenko đã viết những dòng thơ rất hay về ký ức tình ái đầu đời này Người đàn bà đầu tiên…

Nhà thơ thường đọc bài này trong các chương trình của mình trên sân khấu và trên đài phát thanh với hy vọng: “May ra thì chị ấy nghe được và hiểu ra rằng, chị ấy không làm gì xấu đối với tôi cả mà đã mở ra cho tôi thấy cả một thế giới mới…”.

Trở về Moskva từ Siberi, năm 20 tuổi, Evtushenko lại bị một thiếu phụ quyến rũ. Người đàn bà đó khi ấy 24 tuổi, đã có một con và khiến chàng thi sĩ trẻ cảm thấy như chị rất chi là người lớn. Tuy nhiên, sau những say đắm nhất thời, người thiếu phụ đó đã cảm thấy ân hận, cấm thi sĩ không được nói gì tới chuyện yêu đương rồi cuối cùng đã biến mất khỏi cuộc sống của chàng… 50 năm sau, trong một lần soạn lại thư viện ở nhà, tình cờ Evtushenko nhìn thấy bức ảnh chân dung của người đàn bà năm xưa rơi ra từ một cuốn sách.

Đằng sau tấm ảnh là những lời rất đỗi dịu dàng đắm đuối mà chị đã từng không muốn nói ra và cũng không muốn chàng thi sĩ trẻ nói ra. Chính khi đó Evtushenko mới hiểu ra rằng, người đàn bà này đã bị đau đớn biết mấy khi phải trăn trở mà không quyết được giữa gia đình và chàng tình nhân trẻ, và chị đã rất hy vọng rằng anh sẽ đi tìm chị khi nhìn thấy những gì ghi trên tấm ảnh này…

Xúc động với tình xưa, Evtushenko đã viết bài thơ Tấm ảnh cũ rồi cho in lên tờ Izvestia cùng với tấm ảnh đó. Và chẳng bao lâu sau nhà thơ nhận được một thư điện tử. Thư do người con trai của người phụ nữ từng yêu Evtushenko, cậu bé đã cùng nhà thơ dạo chơi ngày trước nhưng bây giờ cũng đã trở thành người đàn ông trên 50 tuổi. Trong thư viết: “Tôi từng cảm thấy mẹ tôi đã rất yêu ông. Và bà đã vô cùng hạnh phúc khi đọc những dòng thơ ông viết. Trước đây bà cứ tưởng rằng ông đơn giản là đã quên bẵng bà đi. Và suốt ba mươi năm nay bà chỉ sống có một mình…”.

Biết được số điện thoại từ người con trai, Evtushenko đã gọi điện thoại cho người tình cũ từ Mỹ về Moskva. Đó đã là một cuộc nói chuyện kéo dài hàng giờ liền mà như chính Evtusenko về sau nhận xét: “Lịch sử liên lạc điện thoại giữa Talsa, nơi tôi dạy về thi ca, với Moskva chưa từng được biết tới trước đó…”.

Năm 1954, Evtushenko làm quen với nữ sĩ Bella Akhmadulina, khi đó  đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Viết văn Gorky. Ba năm sau, họ cưới nhau rồi ba năm sau nữa, li dị nhau… Tới bây giờ thì có thể nói, đó là mối quan hệ lãng mạn nhất trong cuộc đời ông. Khi đang còn hương nồng lửa đượm, Bella và Zhenia thường thích đi dạo dọc bờ sông, hôn nhau trên đường phố và có những giai đoạn cả ngày cùng nhau nằm tắm nắng ngoài bãi cát ven sông… Họ thích trò chuyện cùng nhau bằng thơ và đã viết tặng nhau rất nhiều tác phẩm đặc sắc…

Năm 1960, Evtushenko lần đầu đặt chân sang Mỹ. Tại đó, trong một lần cùng bạn đồng nghiệp là Andri Voznesensky ghé vào một hội chợ sách, Evtushenko đã làm quen được với một thiếu nữ Mỹ. Và chàng thi sĩ Xôviết đã phải lòng ngay cô gái này. Đó cũng là một  tình yêu đã giúp Evtushneko viết được thêm khá nhiều thơ.

Người vợ chính thức thứ hai của Evtushenko là Galina Semenova Sokol- Lukonina mà Evtushenko đã “đoạt” từ tay nhà thơ đàn anh Lukonin.

Hai người tổ chức đám cưới năm 1961. Năm 1968, cậu con trai đầu Petia cất tiếng khóc chào đời. Đối với Galina Sokol, Evtushenko là người chồng không gì có thể quý giá hơn. Tuy nhiên, nhà thơ lúc đó vẫn nguyên bàu máu nóng và rất khó yên ổn với hạnh phúc gia đình. Evtushenko đã làm cho vợ phải không chỉ một lần đau tim vì ghen, đến mức đã từng cắt ven tay định tự sát… Cuối cùng thì cuộc hôn nhân của họ cũng đã tan vỡ…

Trong một thời gian, Evtushenko cảm thấy mình có lẽ không thể nào đóng trọn được vai trò của một người chồng. Ông ân hận và vô cùng xót xa cho những người vợ của mình, đến mức đã thốt lên thành những câu thơ rất chua chát:

“Dưới tán liễu vẫn còn chưa hết lệ
bên bờ sông tôi mãi trầm ngâm:
cách chi khiến người mình yêu hạnh phúc?
Việc đó phải chăng tôi sẽ chẳng thể làm?

Nàng chưa đủ với bầy con, sung túc,
với bạn bè tụ họp, xem phim.
Nàng cần tôi trọn vẹn, không chút gì được sót,
nhưng tôi tự lâu cũng chỉ là những gì sót mà nên.

Với thời đại tôi giơ vai gánh đỡ
đến  sầy da, sứt sẹo bao lần,
thế mà với người mình yêu tôi lại
không giơ vai  thấm lệ cho nàng.

Bao thường nhật dồn xuống người yêu dấu,
tặng những nếp nhăn thay vì đoá hoa hồng
đám đàn ông vụng trộm không chung thủy
mặc người mình yêu  tan nát cả tâm hồn.

Cách chi khiến người mình yêu hạnh phúc?
Dưới chân nàng tôi tới đặt gì thêm
nếu đời  đã mang cho nàng quả rám
dẫu chỉ trong lần  cắn thử  đầu tiên?

Nỗi gì vui, nếu thường xuyên vô cớ
làm người mình yêu sầu tủi đớn đau?
Ai cũng biết cách khiến nàng bất hạnh.
Giúp nàng hạnh phúc thế nào - có ai biết gì đâu!”

Thế nhưng, trái tim không ngủ yên của thi sĩ không thể nào trống vắng lâu được. Người vợ chính thức thứ ba của Evtushenko là Jean Butler, một phụ nữ người Ireland. Jean tới Moskva từ Anh và rất yêu thích các tác phẩm của nhà thơ. Họ cưới nhau năm 1978. Ở London, Jean đã sinh cho Evtushenko hai cậu con trai, Aleksandr và Anton.

Khi Jean có mang cậu con trai thứ hai, một lần chị đã lại gần chồng, lúc đó đang ngồi viết. Trong cơn say mê sáng tác, Evtushnenko đã vô tình vung tay ra đúng bụng vợ làm chị cảm thấy rất đau. Sau khi sinh ra, Anton mắc một chứng bệnh hiếm gặp.

Các bác sĩ cố thuyết phục vợ chồng nhà thơ rằng cú đụng tay cũ không thể là nguyên nhân dẫn tới chứng bệnh đó. Tuy nhiên, ký ức về chuyện này đã dần dà làm hai vợ chồng nhà thơ cảm thấy xa nhau hơn. Rốt cuộc, Evtushenko đã li dị Jean Butler và năm 1986, đã lấy một cô gái trẻ hơn mình tới gần ba chục tuổi, Maria Novikova.

Cô sinh viên trường y này tới gặp ông để xin chữ ký lưu niệm cho mẹ mình. Năm tháng sau, họ tổ chức đám cưới. Cuộc hôn nhân này đã trở thành cuộc hôn nhân cuối cùng của Evtushenko. Họ đã có hai cậu con trai, hiện đều làm thơ như bố. Tại Mỹ, Maria dạy tiếng Nga cho một trường trung học…

* Bản dịch thơ trong bài do nhà thơ Hồng Thanh Quang thực hiện từ nguyên bản tiếng Nga

Huyền Anh
.
.