Tổng thống Nga Dmitri Medvedev: Nghiện…chính trị

Thứ Tư, 01/09/2010, 15:30

Hơn hai năm trước đây, từ tháng 2 tới tháng 4 năm 2008, cặp vợ chồng nhà báo Nikolai và Marina Svanidze đã có được một số cuộc gặp gỡ với ông Dmitri Medvedev, khi đó mới đang chuẩn bị trở thành Tổng thống Nga. Và họ đã viết một cuốn sách chân dung về người kế nhiệm của ông Vladimir Putin trên cương vị chủ nhân của Điện Kremli.

Cuốn sách "Dmitri Medvedev" đã được Nhà xuất bản Amfora ấn hành vào cuối tháng 5/2008, ngay sau khi ông Medvedev nhậm chức ngày 7/5. Cho tới nay đây vẫn là một trong những cuốn sách được tìm đọc nhiều không chỉ ở Nga mà cả ở những quốc gia khác nữa vì những thông tin được công bố trong đó có thể giúp độc giả hiểu rõ hơn người đang đứng đầu một trong những cường quốc lớn nhất thế giới.

Tổng thống Medvedev, nếu không có gì thay đổi, tới tháng 10 tới sẽ chính thức sang thăm nước ta và vì thế, xin được giới thiệu một số thông tin trích từ cuốn sách này cũng như những thông tin mà các tác giả sách đã cung cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Nga.

Phong độ trí thức

Nhận xét về ông Dmitri Medvedev trong quá trình làm việc để hoàn thành cuốn sách, nhà báo Nikolai Svanidze cho rằng, ông Medvedev thực sự là một chính khách có tính độc lập cao, không có gì giống với bậc đàn anh trên chính trường là ông Vladimir Putin: "Họ đơn giản là hai người hoàn toàn khác nhau".

Thực ra, hai luật gia cùng học chung một trường này có nhiều điểm giống nhau, tuy nhiên, chỉ trên phương diện tư tưởng, còn các tác phong đời thường thì rất khác nhau. Ông Medvedev không được đào luyện trong trường an ninh như ông Putin nên hiển nhiên không thể có được những kỹ năng nghiệp vụ mà ông Putin có.

Nhưng trong bất luận trường hợp nào, hai người cũng rất thân thiết với nhau, đã từng gọi nhau là anh em, như chính lời kể của ông Medvedev hồi đầu tháng 8/2010. Chỉ khi lên giữ những cương vị quốc gia thì họ mới đổi cách xưng hô cho hợp với hoàn cảnh...

Theo nhà báo Nikolai Svanidze, ông Medvedev rất cởi mở trong giao tiếp và không có chút mặc cảm nào về cá nhân mình. Vợ của ông Nikolai Svadnize, bà Marina, bằng sự tinh nhạy của phụ nữ, đã nhận ra rằng, ông Medvedev quen với việc những người gặp ông cảm thấy thích ông ngay. Tổng thống Nga, trong mắt của hai nhà báo, là một người niềm nở, một cách chân thành chứ không khách sáo hay hình thức.

Ông cũng là người có tính hài hước khá cao, một tính hài hước mang sắc thái sinh viên, trí thức. Ông cũng là người yêu âm nhạc và có hiểu biết sâu rộng trong lĩnh vực này. Mỗi lần chuẩn bị tiếp chuyện các nhà báo để hoàn thành cuốn sách, ông đều mở nhạc (dàn máy ở nhà một nhân vật tầm cỡ như ông, dĩ nhiên, chất lượng rất cao, có thể làm "lác mắt" bất cứ một dân chơi sành điệu nào).

Tổng thống Nga Dmỉti Medvedev đến thăm phòng đăng ký của khu tự trị người Do Thái.

Là một luật gia được đào tạo chu đáo (cũng ở Khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Leningrad như ông Putin), ông Medvedev có kiểu nói chậm rãi, thâm trầm, với khả năng sử dụng ngôn ngữ rất tinh tế. Khi trò chuyện với các nhà báo cũng là lúc ông Medvedev tư duy để xây dựng những ý tưởng mới cho chính mình. Và tự bản thân ông cũng cảm thấy thú vị với kiểu làm việc này.

Những suy tư mà ông Medvedev đã bộc lộ với hai nhà báo Nikolai và  Marina Svanidze cho thấy, ông là người rất say mê chính trị, gần như là "nghiện" làm chính trị. Ông có nhiều ý tưởng độc đáo nhưng thực tế về hiện trạng nước Nga, về con đường phát triển của đất nước. Theo nhận xét của nhiều nhà quan sát, càng trụ lại lâu trên cương vị nguyên thủ quốc gia, ông Medvedev càng tự tin hơn và chắc tay hơn khi đưa ra những quyết định gay cấn.

Ý thức về vai trò nguyên thủ quốc gia

Đánh giá về thái độ của người dân Nga đối với nguyên thủ quốc gia, ông Medvedev nói: "Tôi có cảm giác đó là một vấn đề đặc biệt có nguồn gốc ăn sâu vào thẳm sâu quá khứ. Trong câu chuyện này chứa đựng mọi thứ: cả những phức tạp của thời lập quốc, cả vùng lãnh thổ mênh mông, cả những đặc điểm của truyền thống Chính giáo và vô số những yếu tố khác đã thực sự tạo nên một hệ thống quan hệ đặc thù giữa nhân dân và nguyên thủ. Và đang lưu truyền khá phổ biến cái quan niệm rằng, nếu ở nước Nga nguyên thủ quốc gia là người được ưa chuộng, không quan trọng đó là Sa Hoàng, Tổng Bí thư hay Tổng thống - thì mọi sự đều ổn. Và nếu nguyên thủ quốc gia đánh mất đi một phần uy tín và sự tin cậy ở mình, thì đất nước ngay lập tức trở nên náo động.

Thực sự thì tình huống tương tự cũng tồn tại ở bất cứ nước nào. Uy tín của nguyên thủ quốc gia càng cao thì ông ta càng dễ tiến hành một chính sách có trọng lượng. Không chỉ ở Nga mà cả ở Mỹ, Pháp, ở bất cứ đâu...

Sự khác nhau là ở chỗ, nếu ở nước ta nguyên thủ quốc gia đánh mất niềm tin ở mình thì việc này sẽ dẫn tới sự thay thế chính ông ta và thường còn kèm theo những đảo lộn chế độ và đổ máu. Còn ở những xã hội phát triển thì việc đánh mất niềm tin của nguyên thủ quốc gia chỉ dẫn tới một kết cục duy nhất - đó là vị nguyên thủ quốc gia đó sẽ không được tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Đánh mất niềm tin vào mình thì nhân dân không gửi gắm quyền hành cho nữa.

... Hiện nay, chúng ta đã tiến lên phía trước nhưng thường là người dân ở nước ta vẫn còn mong muốn những phép lạ ở nguyên thủ quốc gia. Và mong mỏi những hành vi xuất chúng. Tôi không thấy trong việc này có gì hại cho đất nước. Đó đã là lịch sử rồi. Mà lịch sử ở nước ta chưa bao giờ là đơn giản cả...".

Ông Medvedev nhấn mạnh rằng ngay cả nếu khi ông nghe được những lời quở trách về hiện trạng của dân, về những xu thế độc đoán trong nước, thì ông trước hết cũng bắt đầu bằng việc phân tích tất cả những yếu tố liên quan, xét xem chúng có cơ sở xuất phát ở những sự kiện nào đó hay không. Rồi ông mới đi tới một kết luận khá đơn giản: dẫu sao ở đất nước Nga vẫn là một nền dân chủ non trẻ.

Theo ông, dân chủ theo cái nghĩa hiện đại chưa bao giờ tồn tại ở nước Nga trước kia nên tất cả những gì đã làm được trong những thập niên gần đây mới chỉ là những bước đi ban đầu. Chính vì thế nên ông muốn để mô hình mới, văn minh, sẽ được phát triển một cách tự nhiên, hòa bình, theo xu thế tiến hóa: "Quan trọng nhất là để không xảy ra những giật cục, chuyển đổi theo hướng không cần thiết vì ở nước chúng ta vẫn còn đang là một xã hội dân sự mỏng mảnh và nhìn chung vẫn còn là một Nhà nước mỏng mảnh".

Tổng thống Medvedev nói tiếp: "Nếu ở một thời điểm nào đó, lịch sử trở mặt với chúng ta và đặt vào vị trí nguyên thủ quốc gia một nhân vật chỉ làm việc để củng cố một khởi nguồn duy nhất - đó là quyền lực cá nhân, không hiểu gì về hiện trạng kinh tế, xách mé đối với tình hình trong lĩnh vực xã hội, coi thường các xu thế toàn cầu đang tồn tại trên thế giới thì trong tình huống đó chúng ta sẽ bị kéo lùi lại về phía sau lịch sử, khi mà nhân dân sẽ chỉ trông mong ở chính quyền Trung ương toàn những quà cáp và kỳ tích. Điều này rất nguy hiểm. Và chúng tôi hiểu rõ vấn đề đó.

Nhiệm vụ của chính quyền - điều chỉnh một cách hiểu biết những tiến trình xã hội, xây dựng những điều kiện cần cho sự phát triển tính tích cực trong công việc và trong ý thức công dân, giải quyết các mâu thuẫn sẽ nảy sinh, vun đắp nền quốc phòng và an ninh đất nước. Nhưng không được hòa đồng vào sự củng cố quyền lực thuần túy".

Hai nhà báo Nikolai và Marina Svanidze đặt câu hỏi: "Thực sự là ông cho rằng ở nước Nga các phẩm chất cá nhân nhà lãnh đạo quốc gia chỉ đóng vai trò thứ hai thôi?".

Tổng thống Medvedev trả lời: "Tôi rất muốn là như thế. Về việc này tôi có quan điểm riêng của mình như sau: Nền chính trị ở Nga bị cá nhân hóa quá mức. Vì thế nên trong thời phong kiến mọi việc đều chỉ phụ thuộc vào Sa Hoàng chứ không phải vào các vị Bộ trưởng. Và sau này cũng thế...

Chính vì vậy nên chúng ta càng mau chóng thoát ra tiến về hướng phi cá nhân hóa thì chúng ta sẽ càng trở nên văn minh. Tôi tất nhiên cũng hiểu rằng, nước Nga, đó không phải là Thụy Sĩ, nơi rất ít ai trong số các cư dân ở khu vực này hay khu vực khác biết được tên họ của nguyên thủ quốc gia, nhất là trong hoàn cảnh ở đó nguyên thủ quốc gia được thay đổi mỗi năm một lần.

Nhưng dù thế nào thì nền chính trị của chúng ta cũng cần một sự phi cá nhân hóa nhất định. Và theo hướng này rất muốn là dầu sao chúng ta cũng sẽ lập ra được những chính đảng thông thường, chứ không phải những chính đảng chỉ dựa trên vai trò của thủ lĩnh và lập tức sẽ biến mất khi vị thủ lĩnh đó ra đi..."

Nguyễn Trung Tín
.
.