Tổng thống Gruzia M. Saakashvili: Rẽ bước sang ngang

Thứ Hai, 22/09/2008, 10:30
Tổng thống M. Saakashvili, đang gây nên những dư luận hết sức trái chiều trong cảm nhận của cộng đồng quốc tế. Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, có vẻ như vẫn muốn dồn vào những toan tính cho tương lai, còn Điện Kremli, nói theo lời của Tổng thống Nga Dmitri Medvedev, lại coi ông như một nhân vật trong thực tế đã kết thúc sự nghiệp chính trị của mình rồi.

Mặc dù Gruzia chỉ là một nước cộng hòa nhỏ bé với diện tích hơn 57 nghìn cây số vuông và khoảng 4,6 triệu dân, lại nằm ở vùng Cápcadơ hoàn toàn không phồn hoa đô hội nhưng từ ngày 8/8/2008 (ngày khai mạc Olympic Bắc Kinh và cũng là ngày bắt đầu chiến dịch quân sự của Gruzia trên lãnh thổ tự trị Nam Ossetia) đã là một trong những tâm điểm chú ý của dư luận thế giới.

Đặc biệt, người đang ngồi trên vị trí lãnh đạo mảnh đất này, Tổng thống Mikhail Saakashvili, đang gây nên những dư luận hết sức trái chiều trong cảm nhận của cộng đồng quốc tế. Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, có vẻ như vẫn muốn dồn vào những toan tính cho tương lai, còn Điện Kremli, nói theo lời của Tổng thống Nga Dmitri Medvedev, lại coi ông như một nhân vật trong thực tế đã kết thúc sự nghiệp chính trị của mình rồi.

Thời trẻ "truân chuyên"

Tổng thống Mikhail Saakashvili sinh ngày 21/12/1967 ở Tbilisi. Mẹ ông là giáo sư sử học, chuyên gia về văn hóa Gruzia thời Trung cổ. Cha ông là bác sĩ, đã rời bỏ gia đình sau sự xuất hiện của đứa con trai trên cõi đời này. Cậu bé Misha lớn lên dưới sự giáo dục của người mẹ và ông cậu ruột, một cán bộ ngoại giao thời Xôviết, từng làm việc ở LHQ. Trong gia tộc của Tổng thống Gruzia có một người ông từng làm việc trong Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB)…

Sau khi người mẹ đi bước nữa với một giáo sư, Misha đã không sống được hòa thuận với bố dượng. Với bố đẻ, cậu bé cũng luôn âm thầm nuôi kín trong lòng một nỗi oán hận… Những tình cảm này có lẽ về sau cũng ảnh hưởng tới tính cách nóng nảy của Saakashvili như một chính khách.

Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1984 với huy chương vàng, Saakashvili định vào học ở Đại học Tbilisi nhưng đúng lúc đó, chàng thanh niên đa tình và máu nóng đã dính líu tới việc sản xuất và truyền bá những ấn phẩm mang nội dung "trữ tình" quá đà. Sau vụ tai tiếng này thì không thể nào nghĩ tới chuyện học đại học ở thủ đô Gruzia được nữa. Ông cậu thông minh làm nghề ngoại giao lắm mưu nhiều kế đã mách cho cháu cách thoát hiểm là tới Ucraina theo học về luật quốc tế ở Viện Quan hệ Quốc tế Kiev. Ở đó chắc không ai để ý hỏi han kỹ những việc làm ám muội của Misha ở Tbilisi

Bạn đồng môn của Tổng thống Gruzia đều nói rằng, chàng sinh viên có cái tên Misha đã luôn thể hiện đúng phong độ người miền núi của mình, rất hay phải lòng các cô gái Ucraina. Một chàng trai nói nhanh như tên bắn và không biết mỏi mệt trong chuyện rượu chè và trai gái! Bạn bè nhìn chung cũng quý Misha vì tính tình phóng khoáng và chịu chơi.

Tuy nhiên, khi Saakashvili học năm thứ ba, có một lá thư nặc danh tố cáo "quá khứ Tbilisi" của anh nên năm 1988, vị Tổng thống tương lai đã bị khai trừ khỏi đoàn thanh niên và buộc phải thôi học. Chỉ sau hai năm (1989-1990) làm lính trong lực lượng biên phòng Xôviết, Saakashvili lại được tiếp tục học ở Viện Quan hệ Quốc tế Kiev. Tuy nhiên, bắt đầu từ giai đoạn này, Saakashvili đã chuyển hướng nhìn sang một phương trời khác.

Viện Quan hệ quốc tế Kiev là một "tổ ấm quý tộc" nên phần lớn các sinh viên ở đó đều là con ông cháu cha, giữa thời điên đảo khi Liên bang Xôviết sắp tan vỡ đã nhanh chóng nhiễm virus dân tộc chủ nghĩa hơn ai hết. Họ cũng là những người bị cuốn theo ý nghĩ, ở thời "hậu Xôviết", họ kiểu gì cũng sẽ được phương Tây giúp đỡ, miễn là phải mau chóng thoát ra ngoài quỹ đạo của Moskva… Saakashvili có lẽ cũng đã bị nhiễm tư tưởng này từ thời điểm đó và ở chính đó.

Nhờ những mối quan hệ theo kiểu tay trong, Saakashvili đã được nhận học bổng của Quốc hội Mỹ và đi du học tại Đại học Columbia (New York) cho tới năm 1994 thì nhận bằng Thạc sĩ Luật. Lúc này, Saakashvili đã lấy vợ là công dân Hà Lan, đã đi làm việc. Và như sau này ông kể lại, ông đã sống được tương đối thoải mái nhờ những nguồn thu nhập của vợ mặc dầu học bổng dành cho du học sinh ở đâu cũng luôn ở mức khiêm tốn. Phu nhân của Tổng thống Gruzia là một người được đào tạo chu đáo, biết tới 7 ngoại ngữ, trong đó có cả những thổ ngữ của Gruzia…

Sau đó, vị Tổng thống tương lai của Gruzia còn được đi tu nghiệp ở Viện Nhân quyền Strasburg cũng như ở Viện hàn lâm Luật châu Âu tại Florence cũng như tại Viện hàn lâm Luật pháp quốc tế ở La Haye. Sau đó, Saakashvili đã làm việc ở Viện Nhân quyền Oslo (Na Uy), rồi ở Công ty Luật Patterson, Belknap, Webb & Tyler tại New York chuyên phục vụ cho các dự án dầu mỏ… Những tư tưởng phương Tây đã dần dà nhiễm vào đầu óc Saakashvili và về sau, điều phối toàn bộ hành vi của ông khi ngồi trên những cương vị quan trọng trong bộ máy cầm quyền ở Gruzia.

Qua cầu rút ván

Chính tại Mỹ vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Saakashvili đã lần đầu được làm quen với nguyên ngoại trưởng Liên Xô, Eduard Shavardnadze, lúc đó là Tổng thống Gruzia thời "hậu Xôviết", khi ông sang thăm Mỹ qua sự môi giới của một người bạn cùng lứa tên là Zurab Zhvania. Hẳn là ông Shevardnadze đã có cảm tình với một trí thức Gruzia chững chạc và ăn nên làm ra như thế ở New York.

Và năm 1995, Saakashvili mới quay trở về Tbilisi theo lời mời của ông Zhvania, lúc đó đã có một vị trí khá nổi bật trên chính trường Gruzia. Zhvania về sau trở thành Thủ tướng Gruzia nhưng đã bị chết bất đắc kỳ tử trong những tình huống bí ẩn.

Nhờ các mối quan hệ khác nhau, Saakashvili đã được bầu làm nghị sĩ với tư cách đại diện của Liên minh các công dân Gruzia do Zhvania lãnh đạo. Liên minh này khi đó còn ủng hộ Tổng thống Shevardnadze. --PageBreak--

Tới năm 1996, Saakashvili đã ngồi được lên vị trí Chủ tịch Ủy ban Quốc hội về các vấn đề hiến pháp và luật pháp. Tới tháng 8/1998, Saakashvili đứng đầu nhóm nghị sĩ thuộc Liên minh của các công dân Gruzia. Từ tháng 1/2000, Saakashvili là đại diện của Gruzia tại Ủy ban Nghị viện Hội đồng châu Âu (PACE).

Tới tháng 10/2000, được cử làm Bộ trưởng Tư pháp Gruzia nhưng chỉ 11 tháng sau (tháng 9/2001) đã đệ đơn xin từ chức sau khi buộc cho Tổng thống Shevardnadze và các thành viên trong chính phủ của ông này tội tham nhũng. Tiếp theo, Saakashvili đã lập ra phe đối lập "Phong trào Dân tộc" với số lượng thành viên chẳng bao lâu sau đã tăng lên tới 20 nghìn người. Từ năm 2002, Saakashvili là Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Tbilisi.

Ăn một quả, trả một hòn đá, chính Saakashvili cùng Zhvania là những thủ lĩnh đứng đầu cái gọi là "cách mạng hoa hồng" tháng 11/2003, lật đổ Tổng thống Shevardnadze bằng cách kích động tâm lý bất mãn của quần chúng về mức sống hiện tại để tổ chức những cuộc náo loạn đường phố. Và nhờ thế nên mới có cuộc bầu cử ngày 4/1/2004 đưa Saakashvili lên làm Tổng thống Gruzia ở độ tuổi 38, trẻ nhất trong số các nguyên thủ quốc gia thời hiện đại.

Tuy nhiên, khi lên cầm quyền, bản thân ông Saakashvili cùng các cộng sự còn bị dính vào nhiều tai tiếng tham nhũng hơn chính những người tiền nhiệm nên sau những đụng độ với phe đối lập ngày 24/11/2007, đã phải từ chức. Tới ngày 5/1/2008, số người bỏ phiếu cho Saakashvili trong cuộc bầu cử Tổng thống trước thời hạn đã giảm chỉ bằng nửa phần so với năm  2004 và chỉ hơn ứng cử viên phe đối lập có một phiếu (!).

Chính trường Gruzia càng trở nên bất ổn vì thế. Cũng phải nói rằng, nhiều đồng minh của Saakashvili từ thuở hàn vi, khi ông lên làm Tổng thống, đã rời bỏ ông với tâm lý nặng nề và buộc cho ông tội tham nhũng nặng, như ông từng buộc tội cho người tiền nhiệm… Có người còn bị chết một cách bí ẩn (như Thủ tướng Zhvania tháng 2-2005 đã bị chết vì hơi ga trong chính căn hộ của mình sau khi bộc lộ những bất đồng sâu sắc với Tổng thống Saakashvili)… Cái gọi là "cách mạng hoa hồng" ở Gruzia không chỉ có gai nhọn, mà còn đẫm máu, lấy oán trả ân, nuốt sống cả những đứa con của chính mình…

Rẽ bước sang ngang

Trong thời gian ông Saakashvili cầm quyền, quan hệ Gruzia - Nga càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn do định hướng xích lại gần với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, của Tbilisi. Rất muốn có bàn đạp ở ngay sát nước Nga trên dãy Cápcadơ, lại có được một vị nguyên thủ thấm nhuần tinh thần Âu Mỹ như ông Saakashvili, phương Tây tất nhiên đã không tiếc sức kích động tinh thần bài Nga của vị Tổng thống trẻ. Washington cũng cung cấp cho Tbilisi không ít vật lực để xây dựng một bộ máy quân sự mới. Những việc này càng làm cho ông Saakashvili trở nên tự tin hơn trên con đường tiến theo mục đích hướng Tây của mình.

Bắt đầu từ năm 2004, Saakashvili thường xuyên tung ra những lời phát biểu cay nghiệt phê phán Moskva trong cái gọi là ủng hộ các phong trào ly khai và không mong muốn cải thiện quan hệ với Gruzia. Mọi sự càng ngày càng trở nên quá mù ra mưa. Cuộc tấn công Nam Ossetia đã trở thành sai lầm định mệnh của ông Saakashvili.

Quá chủ quan về năng lực tấn công của quân đội Gruzia với sự huấn luyện của Lầu Năm Góc, ông Saakashvili đã tưởng sẽ nhanh chóng nuốt chửng được nước cộng hòa tự trị này, lật đổ chính quyền thân Moskva ở đây và cấp tốc dựng lên một bộ máy quyền lực thân Tbilisi để tạo cớ cho các lực lượng quốc tế từ phương Tây can thiệp vào. Thế nhưng, các viên tướng Gruzia đã không thực hiện được lệnh của Tổng thống và để mất thời cơ nên cuối cùng đã bị rơi vào thế bí.

Moskva đã không thể tọa sơn quan hổ đấu để mặc cho các công dân của mình chết vì đạn lính Gruzia và thế là, ăn miếng trả miếng, một đợt phản công đã được bắt đầu. Không những thế, sau khi loại bỏ binh lính Gruzia ra khỏi Nam Ossetia, Moskva đã không kiềm chế nữa, mà còn bày tỏ sự ủng hộ quyết định tuyên bố độc lập của Nam Ossetia và cả Abkhazia. Tbilisi buộc phải chấp nhận một hiện thực không lấy gì làm hài lòng này mặc dầu vẫn được các đồng minh phương Tây ủng hộ.

Tuy nhiên, sự ủng hộ đó không hẳn đã vững chãi như trước vì ngay cả những ai có cảm tình nhất với Tbilisi cũng đều hiểu rằng, ông Saakashvili đã đi một nước cờ sai lầm tai hại khi quyết định tấn công Nam Ossetia ngày 8/8/2008. Thậm chí, thượng nghị sĩ Josy Dubié, Phó Chủ tịch Ủy ban Thượng viện Bỉ về các vấn đề quốc tế và quốc phòng, trong bài báo đăng trên tờ Le Soir ngày 4/9, đã gọi Saakashvili là "tội phạm chiến tranh", thậm chí còn nặng lời nói là "hóa dại", vì những gì binh lính Gruzia đã gây ra ở Nam Ossetia.

Mặc dầu trong cuộc tiếp Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney ngày 4/9/2008 ở Tbilisi, Tổng thống Gruzia Saakashvili vẫn tỏ ra tự tin và nói khá nhiều lời hoa mỹ, nhưng theo giới quan sát, triển vọng chính trị của ông hiện giờ tương đối mù mịt. Điện Kremli chắc hẳn không nói đùa khi Tổng thống Nga Medvedev tuyên bố rằng Moskva không coi ông Saakashvili là một đối tác nữa… Điện Kremli tỏ ra rất quyết tâm để từ giờ tới cuối năm lập ra một liên minh chặt chẽ giữa Nga và Belarus với  Nam Ossetia và Abkhazia.

Khu vực Cápcadơ nếu còn ông Saakashvili sẽ còn tiếp tục là điểm nóng

Hoàng Oanh
.
.