Tổng thống Bolivia, Evo Morales: Không lụy bên ngoài

Thứ Sáu, 21/12/2012, 10:42
Một trong những nhà lãnh đạo ở Mỹ La tinh đang bị Washington bài xích nhất là Tổng thống Bolivia, Evo Morales. Người Mỹ luôn luôn tìm mọi cơ hội để tung ra những thông tin nhằm chứng tỏ rằng nhà chính trị gia người da đỏ này “không thích ứng với vị thế nguyên thủ quốc gia” mà ông đang có.

Về phần mình, Tổng thống thiên tả Morales lúc nào cũng nhất quán trong những nhìn nhận về nước Mỹ. Ông không hề có ảo tưởng gì về thiện chí của siêu cường phương Bắc.

Biểu tượng coca

Đối với người dân Bolivia, hình ảnh quen thuộc nhất của Tổng thống Morales là lúc ông ngậm trong miệng một lá côca. Tại đất nước này, cây côca không chỉ được sử dụng là dược liệu (có tác dụng như thuốc tăng lực) mà còn là gia vị cho bữa ăn. Tổng thống Morales luôn cổ động cho việc hợp pháp hóa trồng cây côca và chấm dứt các chương trình của Mỹ tiêu huỷ loại cây này. Bản thân ông cũng từng giữ cương vị Chủ tịch Hiệp hội những người trồng cây côca (Cocalero) của Bolivia.

Trong cách nhìn nhận của ông, coca là một biểu tượng của nền văn minh da đỏ đã phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do những áp chế của phương Tây. Ông cho rằng, lạm dụng ma túy là vấn đề nội bộ của nước Mỹ và họ không có quyền loại bỏ coca như một loại thực vật có nhiều công dụng và là sản phẩm hợp pháp trong nền văn hóa da đỏ.

Tổng thống Bolivia sinh năm 1959 trong một gia đình thổ dân nghèo ở Oruro, cách thủ đô La Paz khoảng 400 km. Sau này ông nhớ lại: “Khi đó ở nhà tôi chỉ có một của nả duy nhất: đó là bao tải ngô. Mẹ tôi đã lấy ngô từ đó để nấu bữa sáng, bữa trưa và bữa tối cho chúng tôi. Chỉ tới ngày lễ, chúng tôi mới được mẹ cho ăn một ít thịt khô...”.

Tuổi thơ gian khó buộc cậu bé Evo sớm phải tự làm lụng nuôi thân, từ chăn gia súc tới các việc đồng áng trên các thửa ruộng trồng khoai tây của gia đình... Các thầy giáo trường làng đánh giá Evo như một học trò giàu năng lực, nhưng cho tới lúc trưởng thành, Morales vẫn không tốt nghiệp nổi trung học. Khi gia đình chuyển về thành phố, Morales gia nhập quân đội vào khoảng năm 1977-1978 và làm lính thổi kèn trong dàn quân nhạc trung đoàn. Đồng đội đánh giá cao tiếng kèn của Morales. Cho tới nay, Tổng thống Bolivia vẫn gìn giữ trong mình nguyên vẹn tình yêu đối với âm nhạc và bóng đá.

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Morales tới tìm sinh kế ở khu vực nhiệt đới Chapare của Bolivia, nơi có rất nhiều đồn điền cây côca. Nhờ tích cực trong các hoạt động xã hội nên chẳng bao lâu sau ông đã nổi tiếng như một trong những thủ lĩnh công đoàn hàng đầu của người dân ở đây, lãnh đạo Hiệp hội Cocalero sở tại. Năm 1995, Morales thành lập Phong trào tiến lên Chủ nghĩa xã hội (MAS). Năm 2002, Morales lần đầu tiên tham gia tranh cử Tổng thống. Sau khi bị thất bại, ông đã cùng những người ủng hộ mình, miệng ngậm lá côca, tràn ra đường phố biểu tình. Đụng độ quyết liệt giữa cảnh sát và những người đi theo Morales làm 70 người chết và đã buộc vị Tổng thống Bolivia vừa mới nhậm chức là Gansalo Sanchez de Lasada phải từ chức.

Năm 2003, những cuộc biểu tình chống chính phủ do Morales lãnh đạo vẫn tiếp diễn và lại buộc vị tổng thống lúc đó là Carlos Mesa cũng phải tuyên bố từ chức... Cách đây không lâu, Morales đã cùng cựu danh thủ bóng đá Diego Maradona đứng trong đội ngũ những người chống toàn cầu hóa biểu tình chống lại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ, diễn ra tại thành phố nghỉ mát Mar-del-Plata ở Argentina.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra trung tuần tháng 12/2005, ông Morales đã nhận được 54% số phiếu bầu. Các nhà quan sát cho rằng, ông Morales đã thắng cử chủ yếu nhờ những khẩu hiệu chống Mỹ đang ngày càng trở nên hợp lòng dân hơn ở Bolivia nói riêng và châu Mỹ La tinh nói chung. Ngay từ khi chưa nhậm chức, ông Morales đã tuyên bố: “Tôi sẽ trở thành cơn ác mộng đối với nước Mỹ”. Ông cũng kêu gọi Washington rút quân ra khỏi Iraq và triệt thoái các căn cứ quân sự Mỹ ở châu Mỹ La tinh...

Đường lối độc lập của Tổng thống Morales đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Bolivia. Chính vì thế nên ông đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 12/2009 với số phiếu cao hơn lần đầu tiên tranh cử: 63%.

Không lụy cường quyền

Tổng thống Morales từ trước đến nay luôn coi Chủ tịch Cuba, Fidel Castro, và người anh hùng du kích Che Guevara là thần tượng. Ông cũng rất hâm mộ đương kim Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez, một chính trị gia có tư tưởng chống Mỹ và gọi ông này là “thủ trưởng của tôi”. Có lẽ với Tổng thống Morales, Bolivia sẽ phải đối mặt với không ít vấn đề nảy sinh với Washington. Những “đại gia” trong làng khai thác dầu mỏ Mỹ như Irving, Exxon-Mobil hay Hãng BP Group của Anh... có thể sẽ bị mất những hợp đồng béo bở ở quốc gia có trữ lượng vàng đen đứng thứ hai châu Mỹ La tinh này. Ông Morales không hề giấu giếm ý định sẽ chuyển giao quyền kiểm soát ngành công nghiệp dầu mỏ ở Bolivia cho công ty nhà nước Petroleos de Venezuela...

Trong thế giới hiện đại, ngày bị lôi kéo sâu sắc và toàn diện hơn vào quá trình toàn cầu hóa không gì cưỡng nổi, quốc gia nào cũng muốn tận dụng những điều kiện quốc tế thuận lợi để tạo dựng thêm cơ hội phát triển cho mình. Bolivia cũng thế. Đây là một quốc gia nghèo vào loại gần như “đội sổ” ở châu Mỹ La tinh, cư dân chủ yếu sống dựa vào thu nhập nhờ trồng cây coca và trữ lượng dầu mỏ đứng hàng thứ hai ở khu vực, sau Venezuela. Viện trợ nước ngoài cũng như các quan hệ quốc tế tốt, hữu lợi đối với Bolivia là một trong những yếu tố quan trọng sống còn.

Những điều này tất nhiên được ông Morales hiểu rất rõ. Tuy nhiên, nhắm mắt đi theo cách chỉ lối từ bên ngoài không phải là điều mà ông Morales dự định. Sự thật thì với những nhà lãnh đạo quốc gia “thuần phục” Washington trước đây, Bolivia, cũng như đại đa số các nước Mỹ La tinh, vẫn không thoát ra được khỏi ách lạc hậu và đói nghèo của mình. Tư duy của đương kim Tổng thống mới ở Bolivia rất rõ ràng: muốn phát triển bền vững, cần phải dựa vào các điều kiện đặc thù của mình, tất nhiên, trên nguyên tắc là không để cái đặc thù đó gây ra tác hại cho cộng đồng quốc tế.

Có lẽ điều mà ông Morales suy nghĩ cũng là tâm sự chung của không ít các nhà lãnh đạo quốc gia hiện nay trên thế giới, đặc biệt ở “thế giới thứ ba”. Mặc dù thực tế trên chính trường quốc tế vẫn là cách hành xử đầy tính “ông kễnh” của những trung tâm quyền lực lớn nhưng đang ngày càng mạnh mẽ hơn cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết thực sự của các quốc gia vốn vẫn bị coi là “thấp cổ bé họng”.

Ngay tại châu Mỹ La tinh cũng đang trở nên rõ rệt hơn xu hướng muốn lìa xa đường lối chính trị nhất nhất tuân thủ các điều kiện từ siêu cường láng giềng phương Bắc. “Sân sau” truyền thống của Washington không còn là nơi mà người Mỹ có thể tự tung tự tác mọi chuyện theo ý mình. Những chính sách tự do kiểu mới mà các chuyên gia Hoa Kỳ muốn du nhập vào “sân sau” không những không cải thiện được tình hình chính trị, xã hội và kinh tế ở châu Mỹ La tinh mà trong không ít trường hợp, lại làm chúng trở nên trầm trọng hơn.

Đại đa số các nhà lãnh đạo ở đây đều hiểu rõ rằng, chính họ cần phải tự bắt mạch cho mình và tự tìm kiếm những phương thức thích hợp để có thể gây dựng và duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần làm tăng trưởng kinh tế bền vững nhằm giải quyết những bài toán xoá đói giảm nghèo cho dân chúng trên cơ sở củng cố công bằng xã hội... Một chi tiết có thể khiến Washington phải suy nghĩ là đang trở nên đông dần hơn các nhà lãnh đạo quốc gia có xu hướng thiên tả ở châu Mỹ La tinh.

Trong một bài phát biểu gần đây ở La Paz nhân ngày Phi thực dân hóa (đó là tên mà người Bolivia đặt cho lễ kỷ niệm ngày tìm ra châu Mỹ 12/10), Tổng thống Morales đã thẳng thắn tuyên bố: “Trước đây những ai có quan hệ tốt với sứ quán Mỹ đã là những nhân vật có quyền năng vô biên và rất được kính nể. Và nhiều sĩ quan quân đội cũng như cảnh sát đã lui tới đó chỉ để thiết lập những quan hệ tốt. Nhưng hiện nay, xin lỗi vì đã nặng lời, có quan hệ với sứ quán Mỹ thì chẳng khác gì dây với hủi.”

Cũng theo lời Tổng thống Morales, hiện nay các sĩ quan quân đội cũng như cảnh sát ở nước ông rất ngại dính vào sứ quán Mỹ vì người dân có cảm giác tiêu cực về những việc như thế. Người dân Bolivia hiện nay thường nhìn các nhà ngoại giao Mỹ ở La Paz như những kẻ thù của quốc gia và dân tộc. Các đời chính phủ trước ở Bolivia đã bị phụ thuộc hoàn toàn vào sứ quán Mỹ, tổ chức trong thực tế đã chi phối công tác xếp chỗ vào các vị trí béo bở trong bộ máy quyền lực sở tại. Chỉ từ khi ông Morales lên nắm quyền, thói tục này mới bị xóa bỏ.

Tổng thống Morales cho rằng: “Trong hơn 50 năm qua, nước Mỹ đã áp đặt cho Bolivia những mối quan hệ bất bình đẳng, thiếu tôn trọng và đầy bá quyền”. Washington đã không bao giờ quan tâm tới sự phát triển thực sự của Bolivia mà chỉ muốn đất nước này phụ thuộc ngày một nhiều hơn vào họ…

Thi Long
.
.