Nhạc Sĩ Phạm Tuyên: Cất tiếng hát trong tình thân ái bao la

Chủ Nhật, 29/05/2016, 21:56
Ở tuổi 87, nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn thông thái, minh mẫn và những kỉ niệm ngày nào vẫn hiện lên rõ rệt trong tâm trí người nhạc sĩ tài hoa...

Những chùm hoa phượng đỏ rực của tháng 5 đang rầm rập kéo về, cả những chùm bằng lăng nhuộm tím khắp các con phố báo hiệu mùa hè đang đến. Nếu như với những kẻ mộng mơ thích mùa thu, hoặc các nhạc sĩ lang thang hoài trên phố để chứng kiến ngày đông hay các vãi già thích đi lễ chùa khi bước vào tiết xuân thì mùa hè lại là thời khắc trông ngóng nhất của con trẻ. Và, trong chúng ta, những người đã thành người lớn ai cũng đã qua thời thơ ấu. 

Có một người nhạc sĩ mà ca khúc của ông đã gắn bó thân thuộc với nhiều thế hệ trong một gia đình, ngay cả khi ta còn là một đứa bé thơ thì những ca khúc của ông đã nhẹ nhàng gieo vào tâm hồn những vần điệu lời ca để rồi theo ta suốt năm tháng sau này. 

Tác giả của ca khúc thiếu nhi: “Trường cháu là trường mầm non”, “Cô và mẹ”, “Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội”,  “Chú voi con ở Bản Đôn”… chính là nhạc sĩ Phạm Tuyên - người đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: “Nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc về thiếu nhi được phổ biến rộng rãi nhất”.

Hàng chục năm nay ông vẫn sống trong căn hộ ở khu tập thể trên con phố Vạn Bảo, con phố quy tụ nhiều gia đình thuộc dòng dõi danh gia. Khu tập thể đã cũ, nếu so với những khu chung cư cao cấp bây giờ đương nhiên nó không thể tiện nghi bằng, nhưng nơi đây lại là mảnh đất của những trí thức nổi tiếng sinh sống. 

Sau ngày vợ mất được mấy năm, nhạc sĩ Phạm Tuyên vẫn sống ở đây giữa không gian ăm ắp sách. Nơi làm việc của ông được đặt ở gian phòng sát hiên để đón nắng và gió. Ở tuổi 87 ông vẫn thông thái, minh mẫn và những kỉ niệm ngày nào vẫn hiện lên rõ rệt trong tâm trí người nhạc sĩ tài hoa.

Ông là nhạc sĩ có số phận đặc biệt, là con trai của học giả Phạm Quỳnh, một nhà văn hóa và là quan đại thần triều Nguyễn, một nhân vật của lịch sử mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói với hai người chị gái của nhạc sĩ Phạm Tuyên vào năm 1945: “Cụ Phạm là người của lịch sử sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Con cháu cứ vững tâm đi theo cách mạng”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết: “Cuộc đời Phạm Tuyên là một pho tiểu thuyết bề bộn với nhiều cung bậc. Có thể tóm tắt bằng hai câu thơ xuất thần của Phạm Tiến Duật, một trong những thính giả rất yêu âm nhạc của ông: “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay”. 

Khả năng không phải ai cũng có được của Phạm Tuyên là biến nỗi đắng trong cõi lòng mình thành sắc hoa vàng cho người đời chiêm ngưỡng. Ngắm sắc vàng lộng lẫy ấy, chẳng ai còn thấy vị đắng đau nữa, lại ngỡ như không hề có nỗi cay đắng trong cõi đời này”.

Trong cuốn hồi ký của PGS - TS Nguyễn Ánh Tuyết, vợ của nhạc sĩ Phạm Tuyên kể lại: “Lúc sinh thời, mỗi khi gặp nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhà thơ Phạm Tiến Duật thường ôm chầm lấy nhạc sĩ thật chặt mà nói: “Em mến anh kinh khủng!”. Đó chính là tấm lòng và sự thông cảm của Phạm Tiến Duật đối với cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Tuyên”. 

Không chỉ có những người như nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phạm Tiến Duật mà hàng trăm nghìn người khác đều có mối đồng cảm sâu sắc với ông, một con người tài năng, nhân cách. Chính cách sống sâu sắc, đôn hậu cộng với sự tài hoa của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã làm nên những tác phẩm nghệ thuật mang đến sự trong trẻo, gần gũi, giản dị, ấm áp, hiền hòa đến vậy. 

Trong hàng trăm ca khúc viết về Đảng, về Bác, nhạc sĩ có đến một phần ba ca khúc dành cho các cháu thiếu nhi. Một phần nguyên do nhà có hai cô con gái nhỏ đến tuổi đi học lớp mẫu giáo, lại thêm người vợ là một nhà tâm lý học, người tiên phong trong lĩnh vực giáo dục mầm non, nghiên cứu cái đẹp trong gia đình.

Quên đi nỗi buồn cá nhân để vào với công việc bằng một trái tim nồng ấm, nhiệt thành, nhạc sĩ Phạm Tuyên là người chỉ đạo các chương trình “Khắp nơi ca hát” từ năm 1960, sau trở thành phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. 

Nhạc sĩ cũng là người đề ra cuộc thi “Tiếng hát hoa phượng đỏ” từ năm 1977 trên sóng phát thanh được thiếu nhi cả nước hưởng ứng nhiệt tình. Năm 1978, nhạc sĩ được cử sang phụ trách Ban Văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam và cũng là người khởi xướng việc tổ chức Liên hoan Văn nghệ Truyền hình toàn quốc.  Sau này ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong lĩnh vực âm nhạc Việt Nam. 

Nhưng, cuộc sống không đơn giản, trên con đường âm nhạc của mình, người nhạc sĩ cũng đôi khi gặp những vật cản. Có vật cản hung dữ, đó xuất phát từ sự hẹp hòi của người đời. Trong hồi kí của mình, PGS Ánh Tuyết kể lại: Do thành phần bất lợi, ông thường bị cấp trên “cảnh giác”. 

Có người còn đặt vấn đề tại sao lại để cho Phạm Tuyên “giữ tay hòm chìa khóa” về âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi mà lúc đó được coi là trung tâm âm nhạc lớn nhất của cả nước với hai nhiệm vụ quan trọng là đem tiếng hát động viên quân và dân ta trong công cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước thống nhất nước nhà và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hậu phương lớn của miền Nam?

Nhưng khi thấy nhạc sĩ luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với trọng trách, cấp trên thực sự yên tâm, tin tưởng và đánh giá cao. Dù bước đường đời có gập ghềnh, sóng gió, nhưng người nhạc sĩ vẫn như chú hải âu dang đôi cánh tung ra biển, nhạc sĩ vẫn miệt mài cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà. Những lời ca tiếng hát vẫn vút cao bay xa để cho mọi người mỗi khi nghe những ca khúc của ông thì thấy một dòng suối mát lành trong trẻo. 

Năm 2012, ông - tác giả của loạt ca khúc nổi tiếng: Từ làng Sen, Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng... nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. 

Nhạc sĩ Phạm Tuyên xúc động nói: “Mục đích của cuộc đời tôi là sáng tác, đem niềm vui đến cho mọi người. Những ca khúc được công chúng yêu mến và đón nhận đối với tôi là vô cùng ý nghĩa. Nay được Nhà nước công nhận nữa thì còn niềm hạnh phúc nào bằng”.

Cuộc đời của ông, nỗi buồn của ông, được tắm trong dòng âm nhạc của đức tính từ bi, cái nhìn nhân văn, nhân ái. Ở đó ta thấy sự hiền hòa, bình an, trong trẻo, tất cả những chấm đen của đời sống, những tận cùng đắng đau, đều được gột rửa bằng âm nhạc.  

Âm nhạc của ông đến với mọi người, mọi nhà, được truyền tụng qua nhiều thế hệ trong một gia đình. Nếu không phải vì trái tim bao dung và lòng nhân ái cộng với nét tài hoa thiên bẩm thì âm nhạc người nghệ sĩ làm sao có thể đến được với sự rung động mạnh mẽ của mọi người. 

Con đường từ trái tim đến với trái tim, từ tâm hồn đến với tâm hồn được truyền tải qua âm nhạc chỉ bằng một sự chân thành tha thiết, giản dị nhất.  Đã qua đi nhiều thập kỉ, đất nước với muôn vàn đổi thay, thành phố với những cảnh quan khác lạ nhưng kí ức về bài hát của tuổi thơ vẫn nâng giấc bao người.

Ông có tình yêu sâu sắc với trẻ nhỏ, chỉ có người có tình thương con trẻ mới có thể gia nhập với trẻ nhỏ. Và ngay cả đến bây giờ ông vẫn luôn nhắc lại lời của danh họa Picasso: “Phải mất nhiều thời gian để trở thành trẻ thơ”. 

Nắng hè nhuộm đỏ cả một vòm trời. Ông sống một mình trong căn hộ nhiều phòng khá rộng, căn phòng ăm ắp tứ bề là sách, chị giúp việc hằng ngày đến nấu nướng dọn dẹp. Ông vẫn đều đặn với những công việc nghe đọc xem thông tin, vẫn miệt mài bên những trang bản thảo dở dang để  nghiền ngẫm, chú thích một cách tỉ mỉ, rành rẽ…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng viết về nhạc sĩ Phạm Tuyên: “…Ông vẫn đang đi. Thấp thoáng trước mặt tôi kia vẫn là tấm lưng của ông. Tấm lưng vạm vỡ của một người đang vượt núi…”. 

Còn vợ ông, PGS-TS Nguyễn Ánh Tuyết thì nghĩ rằng: “Ông đang cố gắng để tiếp tục vượt cho hết chặng cuối cùng”. Còn bản thân tôi, chỉ cần qua những ca khúc của ông, tôi nghĩ rằng ông đã từ lâu chứng đắc ngộ thành tựu Phật quả, bằng tâm trong sáng, tinh khiết nhất. 

Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã gieo duyên lành xuống cõi nhân gian và hạt giống bồ đề đang ngày đêm sinh trưởng. Bên chiếc dương cầm nằm im, nắng vàng lung linh chiếu qua ô cửa sổ, âm nhạc của ông vang lên thanh âm mượt mà trong vô thức: “Hãy cất tiếng hát nhịp nhàng cùng múa ca/ Hãy cất tiếng hát trong tình thân ái bao la”.

Trần Mỹ Hiền
.
.