Tôi muốn giữ tâm hồn mình trong mãi

Thứ Tư, 24/05/2017, 08:56
Lớn lên, từng trải thêm, tôi tự thấy bút danh mình đặt hơi hoa mỹ, hơi bay bướm, đôi lần muốn bỏ, lấy lại tên thật hoặc tên nào khác, rồi vẫn giữ, bởi là kỷ niệm vụng về mà đáng yêu của thời niên thiếu...

Ngày 6-5-2017, tròn 6 năm nhà văn Trần Hoài Dương qua đời. Ông ra đi, để lại một khoảng trống không dễ lấp. Không chỉ bởi những tác phẩm đầy mơ mộng, trong trẻo và yêu thương như chính con người ông vẫn sống với thời gian, nổi bật là tự truyện "Miền xanh thẳm", mà nhân cách, văn cách quá tử tế của ông là sự hiếm biệt, thậm chí "lạc thời" giữa biết bao tranh giành, thực dụng.

Nhớ tới Trần Hoài Dương và cũng sắp đến Ngày Quốc tế thiếu nhi, tôi muốn công bố bài viết này - một tài liệu kèm trong những lá thư tay nhà văn gửi cho tôi, viết từ nhà riêng 56/38 đường Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú Nhuận. 

Hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, tro cốt nhà văn gửi tại Thanh Minh thiền viện, số 9, đường Trần Huy Liệu, phường 8, cùng quận, ở thành phố mà ông đã sống 30 năm. Một kiếp qua đi, dù chỉ còn nắm xương tàn, thì những nhân vật cống hiến vẫn còn tác phẩm, danh thơm để lại. Nghệ sĩ, người tài hơn người thường ở chỗ đó. 

Trong tôi vẫn còn nguyên nụ cười ấm áp, giọng nói nhỏ nhẹ mà nặng nỗi niềm của nhà văn. Còn nguyên dòng dòng câu chữ đẹp đẽ xúc động mà tôi đã đọc và nhớ từ trước khi đối diện tác giả. 

Hai chú cháu quý nhau, dù mới gặp lần đầu (không ngờ là lần cuối) tại Đại hội Nhà văn Việt Nam, tháng 7-2010. Thiên lương, lòng bác ái và khát vọng của ông cũng ảnh hưởng tới người con duy nhất là nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh (SN 1978 tại Hà Nội), tác giả những tình ca được công chúng yêu thích: “Cô gái đến từ hôm qua”, “Tuyết rơi mùa hè”, “Chân tình”...

Nổi tiếng khi còn trẻ, hiện anh là thạc sĩ, nhà báo, Phó ban Việt ngữ Đài BBC, định cư cùng vợ và hai con trai tại London, Anh. Trân trọng tưởng nhớ và ước ao có thêm "Trần Hoài Dương" viết cho tuổi nhỏ, tôi gửi bài viết này của nhà văn như một thông điệp chờ và tin được cộng hưởng của đồng nghiệp, các bậc làm cha, mẹ có con ở độ tuổi thiếu nhi. 

Trần Hoài Dương còn để lại nuối tiếc lớn bởi ông đầy ắp ý tưởng và nung nấu mãnh liệt viết cho tuổi thơ. "Huyền thoại về một loài chim cánh cụt" là tác phẩm cuối cùng của ông được viết, sửa kỹ trong những ngày tháng cuối cùng, xuất bản sau khi ông mất đột ngột, một cái kết không có hậu cho con người thánh thiện ấy. Song những thua thiệt của đời ông được bù đắp lại bằng chính di sản tinh thần mà ông cống hiến cho đời.

Nhà thơ Vi Thùy Linh


Tôi sinh ngày 8-11-1943, tại Thị Cầu, Bắc Ninh. Quê gốc của gia đình tôi là TP Hải Dương. Bố mẹ tôi có mấy năm sống ở Thị Cầu, Bắc Ninh và sinh ra tôi ở đó, nên đặt tên tôi là Trần Bắc Quỳ. Bắc là Bắc Ninh. 

Không biết có phải bố mẹ tôi đã linh cảm thấy cuộc đời tôi sau này sẽ không yên bình, sẽ phiêu bạt đến nhiều chân trời xa lạ, nên gán một chút quê hương vào trong tên gọi để tôi luôn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình? 

Còn Quỳ là hoa quỳ, tức hoa hướng dương, một loài hoa mà mẹ tôi rất yêu. Loài hoa có một đặc tính là luôn hướng về phía mặt trời, phía ánh sáng chói lòa. Chắc mẹ tôi thầm mong tôi lớn lên cũng giống như loài hoa ấy, luôn hướng về phía ánh sáng, phía tốt đẹp, phía Chân - Thiện - Mỹ.

Bút danh Trần Hoài Dương là do tôi tự đặt, khi 13-14 tuổi, giai đoạn cháy bỏng niềm khao khát viết văn, mong phấn đấu trở thành một nhà văn tương lai. 

Hoài Dương, theo ý nghĩ thơ ngây của tôi lúc đó, bao hàm nhiều ý nghĩa: Là luôn luôn nghĩ về loài hoa đẹp và cao quý mà mẹ mình hằng yêu và kỳ vọng ở mình; Là luôn nhớ về Hải Dương quê cha đất tổ; Là có hoài bão lớn như biển cả; Là có một tâm hồn sáng trong, hướng tới cái Đẹp, cái Thiện mãi mãi... 

Về sau lớn lên, từng trải thêm, tôi tự thấy bút danh mình đặt hơi hoa mỹ, hơi bay bướm, đôi lần muốn bỏ, lấy lại tên thật hoặc tên nào khác, rồi vẫn giữ, bởi là kỷ niệm vụng về mà đáng yêu của thời niên thiếu, thời cháy bỏng những nung nấu khát vọng về văn chương của "chú nhóc" mười bốn tuổi là tôi những ngày xa lắc...

Nhà văn Trần Hoài Dương với các cháu thiếu nhi tại phòng thu của Đài Phát thanh năm 2010.

Cái khát vọng ấy, tôi tự đặt ra cho mình ngay từ thuở ấu thơ và cho đến bây giờ, ở giai đoạn cuối của cuộc đời, đôi khi nhìn lại, tôi vẫn luôn tự hào là mình đã tuyệt đối trung thành với nó, đã sống chết vì nó, đã gạt bỏ hết mọi sự cám dỗ về chức vị, tiếng tăm, lợi lộc để chỉ được sống với cái Đẹp của văn chương, với những trang viết trong trắng thơ ngây dành cho trẻ em.

Tâm sự trên đây, biểu hiện rất rõ suốt những năm tháng đã qua của đời tôi:

Tôi tốt nghiệp loại ưu báo chí, Trường Tuyên giáo Trung ương khóa I (1959 - 1961), được nhận về công tác ở Tạp chí Học tập, sau đổi tên là Tạp chí Cộng sản. Tôi là biên tập viên ở đây 8 năm (1961 - 1968). 

Hồi đó, được làm việc ở một cơ quan danh tiếng bậc nhất như vậy là một vinh dự lớn, nhiều người mơ ước không được. Nhưng tôi vẫn không nguôi khát vọng muốn viết văn, đặc biệt viết cho trẻ em, nên tôi muốn được chuyển đến một nơi nhiều gian khổ khó khăn hơn, với hy vọng mình sẽ có thêm nhiều vốn sống để viết. 

Tôi sợ cứ sống mãi với những lý luận khô cứng, với cuộc sống yên tĩnh bên sách vở, xa rời cuộc sống sôi động ngoài đời, tâm hồn mình sẽ nghèo nàn  chẳng có gì đáng viết. 

Vì thế, cuối năm 1968, tôi đã có một quyết định "động trời", nhiều người cho là dại dột, là hoang tưởng, là mơ mộng hão huyền, không thực tế. Đó là việc tôi xin chuyển công tác khỏi Tạp chí Cộng sản, nơi danh giá theo quan niệm của mọi người, để về làm việc ở trường giáo dục trẻ em phạm pháp heo hút mãi tận huyện Lục Nam, Bắc Giang. Tôi đã cắt hộ khẩu khỏi Hà Nội để lên đó sống, một điều thời đó hầu như không ai dám liều lĩnh như vậy. 

Chỉ với ý nghĩ: được lăn lộn trong cuộc sống, có cái mà viết sau này. Và quả thật, thời gian sống ở đây đem lại cho tôi nhiều vốn hiểu biết, tôi cảm thấy đời mình phong phú hơn rất nhiều. 

Do tôi quá nhiệt tình muốn đi vào nơi gian khổ hơn, hy vọng sẽ cống hiến được nhiều hơn, không được lòng tổ chức, nên chỉ chút xíu nữa người ta khai trừ tôi ra khỏi Đảng. Chỉ vì tổ chức muốn giữ tôi lại làm việc, cho là tôi đang nhiều triển vọng trong tương lai, tôi vẫn cương quyết xin đi, tổ chức giữ không được, nên cố tình gây khó dễ cho tôi, muốn cho tôi bài học. Tôi đã gặp lắm khó khăn vì hậu quả của vụ này...

Đáng lẽ tôi còn ở với các em có hoàn cảnh đặc biệt này lâu hơn nữa, nhưng sau nhà trường giải thể, tôi đành trở lại Hà Nội sau 2 năm xa cách. Cuối năm 1969 đầu 1970, tôi về công tác tại Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Ban đầu là biên tập viên Ban Văn xuôi, sau làm Phó ban (nhà văn Võ Huy Tâm làm Trưởng ban). 

Sau khi anh Võ Huy Tâm đi sáng tác, tôi phụ trách Ban Văn xuôi thay anh. Tôi làm việc ở Báo Văn nghệ được gần 12 năm (1969 - 1981). Con đường thăng tiến đang mở ra khá thênh thang, thuận lợi thì đột nhiên mọi người lại ngỡ ngàng khi thấy tôi quyết định xin chuyển khỏi Báo Văn nghệ để vào sống ở Sài Gòn. 

Việc chuyển vào Nam này có lý do quan trọng là tôi muốn thêm vùng đất mới cho sáng tác. Miền Nam đã giải phóng lúc đó biết bao đề tài phong phú hấp dẫn. Tôi quyết chuyên sâu hơn vào lĩnh vực văn học thiếu nhi, muốn dành hết tâm sức, nhiệt huyết cho những trang viết cho trẻ em. 

TP HCM vừa mới lập một nhà xuất bản (NXB) chuyên in sách cho thiếu nhi, mang tên NXB Măng non. Đang thiếu cán bộ chuyên môn vững, họ xin tôi vào, nói rõ: sẽ bổ sung vào ban lãnh đạo NXB. Tôi vào, thấy nội bộ NXB đang có nhiều bất ổn, tôi từ chối mọi đề nghị liên quan đến chức tước, đãi ngộ hậu hĩnh, chỉ nhận làm công tác chuyên môn, làm Trưởng ban Văn học, lo mảng sáng tác trong nước và truyện dịch nước ngoài. 

Nhiều lần tổ chức mời tôi làm việc, ý định phân công tôi làm Phó Giám đốc kiêm Tổng Biên tập NXB, tôi đều từ chối. Tôi muốn tránh xa mọi cuộc họp hành đấu đá triền miên vô bổ, chỉ mong tập trung vào công việc chuyên môn, ngoài ra tranh thủ tìm hiểu cuộc sống vùng đất mới với hy vọng lớn nhất: cuối cùng sẽ viết được cái gì thật xứng đáng. 

Tôi làm việc ở NXB Măng non, sau chuyển thành NXB Trẻ từ cuối năm 1981 đến giữa năm 1991. Nhiều lý do, trong đó một số lý do tế nhị và nhạy cảm chưa tiện công bố, tôi xin thôi hẳn công tác ở đây, chấm dứt cuộc đời cán bộ nhà nước để thành công dân tự do, sống bằng ngòi bút lương thiện của mình. Tôi muốn dành hết tâm sức cho sáng tác văn học cho trẻ em. 

Tôi muốn thoát khỏi mọi ràng buộc phức tạp, mọi cuộc tranh giành vô bổ và thiếu nhân cách, tôi muốn giữ cho tâm hồn mãi mãi trong trẻo, nhân hậu, còn biết tin yêu vào lòng tốt của con người, để cuối cùng viết được những trang văn trong ngần và tâm huyết dành cho trẻ em. 

Tôi rất yêu kính H.C. Andersen (1805-1875) và tôi không bao giờ quên một câu nói nổi tiếng của ông, đã được nhà văn người Nga C. Paustovsky (1892-1968) thuật lại trong một truyện ngắn viết về ông. Tôi mạn phép mượn lời Andersen, bởi tìm thấy ở trong đó phần nào tâm sự của chính mình. 

Ít lâu trước khi nhắm mắt, Andersen nói với một nhà văn trẻ: "Tôi đã trả bằng một giá đắt, có thể nói là đắt vô cùng, cho những chuyện cổ tích của tôi. Vì chúng, tôi đã chối bỏ hạnh phúc mà lẽ ra tôi được hưởng và đã bỏ lỡ mất khoảng thời gian mà đáng lẽ trí tưởng tượng, dù cho có mạnh mẽ và hào nhoáng đến mấy, cũng phải nhường chỗ cho thực tế. Anh hãy gắng sao cho có được trí tưởng tượng, không phải để tạo ra đau buồn mà để mang lại hạnh phúc cho mọi người và cho anh".

Hiện tôi là nhà văn tự do. Đã in trên 20 quyển sách cho trẻ em. Đã nhận trên 10 giải thưởng văn học. Song đối với tôi, không giải nào làm tôi tự hào và sung sướng như giải thưởng sau đây:

Tôi mới quen một gia đình trí thức, hai vợ chồng đều là tiến sĩ khoa học. Tôi tặng họ tập Truyện chọn lọc của tôi do NXB Văn học in. Sau đó ít lâu, họ cứ nài nỉ tôi đến nhà chơi, nói là hai cô con gái học cấp hai của họ rất thích tập truyện tôi tặng, cứ đòi bằng được bố mẹ phải mời chú Trần Hoài Dương đến nhà, cho chúng được biết mặt. 

Trước thịnh tình của anh chị và hai cháu, tôi đã đến thăm gia đình họ. Hai cô con gái 10-12 tuổi xinh xắn quá nhút nhát, bố mẹ gọi mãi mới chịu ra, bẽn lẽn khoanh hai tay và lí nhí chào tôi, mắt không dám nhìn lên rồi chạy biến vào giữa đám đông đến cả chục cháu nhỏ đang chen lấn bíu song cửa sổ, xì xầm với nhau, chỉ trỏ một cách kín đáo về phía tôi. 

Anh chị bạn bảo tôi: "Bọn trẻ đó đều là các "fan" hâm mộ của anh đấy. Chúng chuyền tay nhau đọc quyển sách anh tặng, tỏ ra thích thú lắm". 

Thỉnh thoảng, cô bé lại vẫy vẫy tay ra hiệu gọi mẹ ra cho mình gặp. Người mẹ cúi xuống cho con gái ghé tai thì thào, vẻ bí mật lắm.

Rồi chị trở lại, tươi cười: "Anh biết không? Cho đến giờ, mấy đứa vẫn chưa chịu tin anh là nhà văn Trần Hoài Dương. Con bé vừa hỏi đi hỏi lại mẹ: Có thật đó là nhà văn Trần Hoài Dương, người đã viết tập truyện mà mẹ đã đưa con đọc không?".

Tôi xúc động, quay về phía các cháu, gật đầu chào, tỏ lòng cảm ơn. Một lúc sau, cô bé lại vẫy vẫy gọi mẹ ra. Lại thì thầm. Người mẹ lại cười cười, nói với tôi: "Nó lại vừa cật vấn tôi: Thế tại sao bố mẹ quen được chú Trần Hoài Dương? Hôm nào anh đến chơi lâu, trò chuyện với chúng nó một buổi, cho chúng nó thật sự tin anh là nhà văn Trần Hoài Dương của chúng nó, anh ạ".

Trong cả cuộc đời sáng tác của tôi, tôi nghĩ, đây là phần thưởng cao quý đáng trân trọng nhất mà tôi đã vinh hạnh được nhận.

Xin chân thành cảm ơn những bạn đọc nhỏ tuổi yêu quý của tôi!

Trần Hoài Dương
.
.