Cựu Bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng Phủ Thủ tướng Phan Mỹ:

Tối đa cho công việc, tối thiểu cho bản thân

Thứ Hai, 30/06/2008, 09:15
Ông Phan Mỹ là cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng; một người giúp việc gần gũi và tin cẩn của Bác Hồ và của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhớ đến ông, những cộng sự gần gũi đều nhớ về một người thủ trưởng bao giờ cũng sống hết mình vì công việc, vì mọi người - "Tối đa cho công việc, tối thiểu cho bản thân".

Tôi được nghe nhiều người kể về ông với những chuyện cảm động về cách đối nhân xử thế trong công việc và cả về những chuyện hài hước, dân dã trong đời sống, có chuyện tưởng như đùa về sự "ở bẩn" của ông. Tất cả những lời kể đó đều chứa đựng những tình cảm tốt đẹp và sự quý trọng chân thành của mọi người đối với ông.

Nhớ đến ông, những cộng sự gần gũi đều nhớ về một người thủ trưởng bao giờ cũng sống hết mình vì công việc, vì mọi người - "Tối đa cho công việc, tối thiểu cho bản thân".

Ông là Phan Mỹ, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng; một người giúp việc gần gũi và tin cẩn của Bác Hồ và của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

"Ai ơi chớ vội khinh hai chú…"

Ông Phan Mỹ sinh năm 1914, quê ở làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng quê nổi tiếng "địa linh nhân kiệt".

Mồ côi mẹ năm mới 7 tuổi, ông cùng người anh trai là Phan Anh được cha là nhà nho Phan Điện, nổi tiếng chính trực, khí khái và ghét "Tây", dắt díu rời quê đi khắp nơi kiếm sống, bằng nghề "dạy chữ nuôi con".

Theo hồi ký của ông Phan Anh thì một lần, khi đến xã Đại Từ, huyện Thanh Oai, Hà Đông, Phan Mỹ mếu máo hỏi cha "đêm nay ăn gì, ngủ đâu?", thì gặp một người đàn bà đi qua hỏi một câu bâng quơ: "Đi đâu mà thất thểu như đi ăn mày thế?".

Nghe vậy, người cha bỗng cảm khái xuất khẩu thành thơ: "Hai chú đi đâu giống kẻ mày/Vì chưng dân nước gặp hồi Tây/Mắt trần nào kẻ người không biết/Óc trẻ còn mong học mọi hay/Trời đất năm châu dầu sóng gió/Anh em một bụng giữ tin ngay/Ai ơi chớ vội khinh hai chú/Xoay xỏa non sông cũng một tay" (Nguyễn Sơn Dương, ANTG cuối tháng 7/2007).

Lời nhắn nhủ của cụ Phan Điện không chỉ với người đàn bà vô tâm năm nào, về sau linh nghiệm đến mức kỳ lạ: cả hai người con của cụ đều là những người thành đạt, không ai có thể "khinh hai chú". Hai anh em Phan Anh, Phan Mỹ đều là trí thức nổi tiếng, đều là Bộ trưởng trong Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đều được mọi người quý mến, kính trọng. 

Năm 1937, ông Phan Anh đậu cử nhân luật tại Trường Đại học Đông Dương. Ông là luật sư nổi tiếng và từng là Bộ trưởng Thanh niên của Chính phủ Trần Trọng Kim. Ông còn là nhà báo, thành viên sáng lập báo Thanh Nghị, một tờ báo danh tiếng trước năm 1945.

Sau Cách mạng Tháng 8/1945, ông là Bộ trưởng Quốc phòng của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Sau đó, ông lần lượt giữ các chức vụ quan trọng trong Chính phủ, Quốc hội và nhiều tổ chức chính trị, xã hội.

Ông là Bộ trưởng các Bộ: Kinh tế, Công thương, Thương nghiệp, Ngoại thương; Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch đầu tiên của Hội Luật gia Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Hoà bình Thế giới của Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Hoà bình Thế giới… Ông mất năm 1990 tại Hà Nội.

Còn ông Phan Mỹ, đậu cử nhân luật trước năm 1945, từng là giáo sư, dạy trường tư thục Thăng Long; từng là nhà báo, viết nhiều bài cho tờ Thanh Nghị do anh trai là Phan Anh cùng một số vị trí thức danh tiếng lúc đó như Vũ Đình Hoè, Vũ Văn Hiền…, sáng lập.

Ông tham gia hoạt động cách mạng tại Hà Nội trước  ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, sau đó bị lộ, lên chiến khu Việt Bắc hoạt động. Tại Tân Trào, Tuyên Quang, ông được gặp Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng trong những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945. Ông thuộc lớp trí thức tiêu biểu, giàu lòng yêu nước đi theo cách mạng và Bác Hồ.

Đầu năm 1947, ông được cử làm Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng và từ tháng 8 năm 1947, Bác Hồ bổ nhiệm ông làm Chánh Văn phòng Chủ tịch phủ. Suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp và cả sau này, Bác Hồ là Chủ tịch nước kiêm Thủ tướng Chính phủ, nên ông Phan Mỹ kiêm nhiệm chức Chánh Văn phòng Thủ tướng phủ. Vì thế, ông là một trợ thủ đắc lực và là người giúp việc gần gũi, tin cẩn của Bác Hồ và của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Kỷ niệm của một ông Bộ trưởng

Ông Vũ Đình Hoè, nguyên Bộ trưởng Tư pháp trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến (2/3/1946), và ông Phan Mỹ là đôi bạn thân từ trước Cách mạng Tháng 8/1945, cùng học Đại học Luật, cùng hoạt động trong Tổng hội Sinh viên ở Hà Nội, cùng dạy tư Trường Thăng Long, cùng viết Báo Thanh Nghị và cùng tham gia nhiều hoạt động xã hội khác.

Trong kháng chiến chống Pháp gian khổ, ông Phan Mỹ với mật danh là "ông Bảy" phải lo đủ mọi việc, từ chương trình, nghị sự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ đến các chuyện "bếp núc", cơm áo, gạo tiền, điều kiện sinh hoạt của từng thành viên Chính phủ và gia đình họ.

Ông phải đôn đốc nhân viên Văn phòng và đích thân lo cả chuyện đưa gia đình một số thành viên Chính phủ là nhân sĩ, trí thức… đi sơ tán khi bị địch ném bom, càn quét, lo cả chỗ ăn, chỗ ở cho những gia đình này. Khi ấy, ông cũng chân đất, cũng áo mảnh chăn đơn, cũng bữa no bữa đói như tất cả mọi người, đi xuyên từ rừng này sang núi khác giao việc cho từng đơn vị, từng người.

Trong một bài viết đăng trong cuốn sách “Văn phòng Chính phủ 56 năm xây dựng và trưởng thành”, ông Vũ Đình Hòe kể lại một kỷ niệm đầy tình người mà ông không bao giờ quên đối với người bạn thân Phan Mỹ. --PageBreak--

Cuối năm 1950, trong tâm trạng khá nặng nề vì có vướng mắc trong công việc, ông Vũ Đình Hòe làm đơn xin từ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Được tin, ông Phan Mỹ đến thăm. Năm trước, chính tay ông Phan Mỹ nhận và chuyển thư cùng giỏ cam ông Vũ Đình Hoè gửi biếu Bác Hồ sau một chuyến công tác dài ngày ở ba tỉnh Đông Bắc về.

Sau đó, ông đến tận cơ quan của ông Vũ Đình Hoè, cách Văn phòng Thủ tướng phủ hàng chục cây số đưa tận tay ông Hòe lá thư viết tay của Bác: "Cám ơn chú về cam, ngọt lắm. Mong chú gửi báo cáo về cuộc kinh lý và mong gặp chú ở kỳ họp Hội đồng sau…".  Lần này, trong tâm trạng rối bời, nhiều đêm mất ngủ, ông Vũ Đình Hòe lại được bạn đến thăm. Ông rút lá đơn từ túi áo ra, chần chừ một lát rồi đưa cho ông Phan Mỹ. Đọc xong, ông Phan Mỹ nói luôn:

- Cậu điên à? Xin từ chức? Có muốn ông Cụ phang cho một trận không?

Biết được tâm sự của bạn, ông Phan Mỹ an ủi ông Vũ Đình Hòe, rồi đưa cho bạn mình tấm danh thiếp của Bác Hồ, có dòng chữ: "Chúc chú Hòe chóng mạnh. Có miếng sâm đây, chú mài ra mà uống". Tấm danh thiếp và món quà của Bác Hồ như một liều thuốc chữa khỏi “bệnh” của ông Vũ Đình Hòe

Và lá đơn xin từ chức Bộ trưởng của ông Vũ Đình Hoè đã không được gửi lên Bác. Ông Vũ Đình Hòe tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp thêm 9 năm nữa.

Chiếc đồng hồ "giải thưởng" và lời của người Thư ký riêng

Những người quen biết ông Phan Mỹ đều có ấn tượng sâu sắc về tính hài hước, sự lạc quan, yêu đời của ông trong công việc và đời sống, kể cả khi ông lâm bệnh hiểm nghèo.

Ông Vũ Đình Hòe coi tính xuề xòa, hay đùa nghịch và rất gần gũi mọi người là một nét đặc sắc trong cá tính của ông Phan Mỹ. Trong kháng chiến chống Pháp, có rất nhiều giai thoại về sự "ở bẩn" của ông Phan Mỹ. Áo quần ông mặc hàng tuần mà không chịu thay, hôi xì. Khi anh em nhắc, ông thay ra nhưng lại vo vo, dúi vào dưới chiếu nằm, "quên" giặt! Đến chục ngày sau, đi đâu về, áo ướt sũng mồ hôi, ông cởi chiếc áo đang mặc, lật chiếu, lôi cái áo cũ ra, ngửi ngửi, tặc lưỡi: "Còn sạch", rồi cứ thế mặc vào!

Còn ông Nguyễn Chính, Thư ký riêng của ông Phan Mỹ, sau này là nhà báo, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ Quốc, nhớ lại: Trong kháng chiến chống Pháp, ở cơ quan hầu như ai cũng có thể trêu chọc ông Phan Mỹ về chuyện "ở bẩn" đã thành giai thoại của ông.

Điều đáng nói, là nhiều giai thoại lại do chính ông Phan Mỹ "đầu têu sáng tác" nhằm tạo không khí vui vẻ trong những ngày có quá nhiều khó khăn, gian khổ. Trong đó có câu chuyện ông đã giật được giải thưởng là một chiếc đồng hồ đeo tay, do "một thằng cha có cái chuồng dê để hàng tháng trời không quét dọn, hôi thối lắm" treo giải.

Ai vào đấy ngồi liền một giờ với bầy dê sẽ trúng thưởng. Bao nhiêu người ham thưởng chui vào, nhưng chỉ được mươi phút là chịu không nổi phải bổ ra ngay. Đến lượt ông, không chỉ ở liền một giờ mà những… ba giờ, đến mức cả bầy dê không chịu nổi mùi hôi của chính ông nên đã phá chuồng chạy ra! Sau này, trong một lần chỉ huy chống lụt, suýt chết đuối, ông Phan Mỹ hài hước kể với mọi người rằng, lẽ ra Hà bá đã lấy ông đi, nhưng vì ông ở quá bẩn, Hà bá không chịu nổi mùi hôi của ông nên đã… tha cho ông! 

Ông Phan Mỹ là tấm gương về sự xả thân, quên mình vì công việc và là người luôn quan tâm, chăm sóc cán bộ, nhân viên trong cơ quan. Ông không bao giờ nổi nóng, trách móc hay mắng nhiếc cấp dưới mỗi khi cấp dưới có lỗi. Ông quan tâm, giúp đỡ mọi người nhưng không bao giờ lạm dụng quyền chức của mình để ban ơn cho người thân tín.

Cấp dưới gặp khó khăn, ông lấy tiền riêng ra giúp đỡ. Ông từng thu xếp cho gia đình một cán bộ đã không còn làm việc dưới quyền ông từ quê ra ở tại nhà ông để đưa cha mẹ đi chữa bệnh hàng tháng. Có cán bộ không có chỗ ở, ông cho đến ở với ông…Cán bộ dưới quyền hay cãi hoặc có phản ứng với ông về công việc, ông bỏ qua, nhưng dối trá, nịnh nọt thì ông không bao giờ dung thứ. Ông là người "rất tinh và rất tỉnh" trước những cán bộ dưới quyền hay nịnh bợ!

Tháng 10/1981, ông Phan Mỹ bị ung thư dạ dày, phải mổ. Những ngày cuối cùng nằm trong Bệnh viện Việt Xô, ông lạc quan, yêu đời đến tận những giờ phút cuối.

Hôm ông Vũ Đình Hòe vào thăm, nhìn thấy ông Hòe, ông nhoẻn miệng cười:

- Phăng teo rồi, Hòe ạ!

Ngay đêm hôm ấy, ông Phan Mỹ qua đời, để lại trong lòng ông Vũ Đình Hòe hình ảnh "Người chiến sĩ Văn phòng kiên cường, vui tính của Bác Hồ, trong thời chiến và cả thời bình, đã theo Bác ra đi!".

Tôi mượn lời ông Nguyễn Chính để kết thúc bài viết này về ông Phan Mỹ, "một trong những người noi gương Bác Hồ một cách thực sự và nhuần nhuyễn nhất, nếu không toàn diện thì cũng về đạo đức, tác phong… Ông là Chánh Văn phòng liên tục hơn hai mươi năm (1947-1969) của Bác Hồ (dù có lúc mang chức danh khác nhau), và cứ làm theo Bác mà không cần nói ra, không cần ai biết rằng hơn hai thập kỷ ấy ông luôn luôn là một trong những người cộng sự gần gũi nhất của Bác Hồ"

Dương Đức Quảng
.
.