Tình thơ Huy Cận
Khi đã ở tuổi ngoại bát thập, trong một lần dốc bầu tâm sự với chúng tôi, những phóng viên của Chuyên đề
Cũng theo lời của Huy Cận, ông thực sự đã có trong đời “những cái tình yêu hấp dẫn...”. Một trong những tình yêu “hấp dẫn” như thế đã tới với ông năm 1940, khi tập Lửa thiêng chưa được in nhưng trên báo Ngày nay liên tục đăng thơ của ông. Những bài thơ đó đã làm nao lòng một cô gái và thế là Huy Cận liên tục nhận được thư tình, dù ở Hà Nội hay ở Sài Gòn, những nơi mà chàng sinh viên Canh nông này phải tới để học. Thư không ký tên nên Huy Cận không biết là của ai. Nét chữ như của con giai, mà giọng điệu lại như của con gái. Chẳng biết đâu mà lần! Điều gây ấn tượng nhất với ông là câu chữ trong thư, ai viết mà hơn 60 năm sau vẫn khiến ông phải trầm trồ: “Thư viết hay lắm, mê lắm, xúc động lắm!”. (Tiếc thay, trong kháng chiến chống Pháp, tập thư đã bị cháy mất, điều làm Huy Cận ngơ ngẩn tiếc). Không chỉ gửi thư, người không quen biết còn gửi cả áo len cho Huy Cận: “Có một hôm, tôi sắp sửa xách xe đạp đi học (Trường Canh nông hồi ấy là ở Bách thảo, gần Lăng Bác Hồ bây giờ), thì có một cái bưu phẩm gửi đến. Mình mở ra. Trời ơi! Một cái áo len rất đẹp.
Đằng sau cổ thêu một câu thơ của tôi trong bài Tình tự: “Hồn nhớ thương em dệt áo dâng anh”. Nhưng mà mình mở ra thì mặc không vừa, dù mình chưa béo như bây giờ... Thì mình cũng chả trách, vì đã bao giờ người ta ôm mình đâu, mà mình cũng đã ôm người ta đâu mà biết vừa hay không. Thành ra, áo thì rất đẹp nhưng mà phải gói lại cho vào hòm rồi lại xách xe đạp đi. Hôm ấy, trời rét nhưng mình cảm thấy ấm vô cùng”.
Cuối cùng, mùa đông năm 1940, duyên kỳ ngộ cũng đã giúp Huy Cận gặp lại được tác giả của những bức tình thư ấy, sau khi ông nhận được áo len vài tuần. Một hôm, ngõ Tân Hương (Tức Mạc bây giờ, nơi Huy Cận đang trọ học ở Hà Nội), bất ngờ được đón một vị khách nữ.
Huy Cận kể: “Hôm ấy, bỗng nhiên có một cô mặc áo trắng bằng lụa Hà Đông rất đẹp tự dưng xuất hiện. Cô ấy nói chuyện với tất cả mọi người nhưng trong đối xử có vẻ như hơi biệt đãi tôi. Thế là mình cũng đủ thông minh và đủ linh tính phán đoán rằng, thôi, chắc người này viết thư cho mình rồi. Cô ấy là sinh viên Đại học Y, học sau tôi một lớp, thua tôi một tuổi. Thế là hết buổi nói chuyện, cô dắt xe đạp ra về, thì tự nhiên cái chân tôi đi theo. Tôi xin nói là cái chân tôi đi theo chứ không phải tôi đi theo... Ra đến cửa ngõ, tự nhiên cô ấy dừng lại. Lúc bấy giờ, cô nói như thế này: “Anh có nhận đủ thư em không?”. Tôi bảo: “Có!”. Thế là cô lên xe đi, không kịp nói câu gì nữa. Cách đó mấy hôm, tôi nhận được một cái thư viết như một chỉ thị: “Chủ nhật tới, anh đến gặp em”. Thế là mình cứ ngoan ngoãn mình nghe thôi...”.
Và lần gặp gỡ ấy đã diễn ra thực cảm động, đủ để nhớ suốt đời. Hơn 60 năm sau, Huy Cận nhớ lại: “Hẹn 9 giờ, 9 giờ kém 10, mình đến đã thấy cô ấy cũng đứng ở đấy rồi, ở trước Trường Thú y, trên đường Bạch Mai. Bây giờ biết gọi nhau thế nào? Tiếng Việt Nam tài lắm, mình định gọi em nhưng mà chưa đủ tình cảm để gọi em, gọi nàng thì “Tự lực Văn đoàn” quá (cười), gọi cô thì lại khách sáo. Không cô, không nàng, không em thì phải gọi thế nào đây? Thế là mình bảo: “Đi đâu bây giờ?”. Đây là một câu không có chủ từ. Nhưng cô rất chủ động: “Anh đi theo em”. Thế là cô ấy lên xe đạp đi. Chỗ nào đường đông thì cô đi trước, mình lẽo đẽo theo sau; chỗ nào đường hơi rộng thì đi song song. Từ đó đi vào Thanh Xuân bây giờ đấy, trên đường vào Hà Đông thì dắt qua bờ ruộng đi vào một cái khóm cây, một cái rừng nhỏ, có một cái nhà thờ họ đạo nhỏ. Nói chuyện với nhau trên trời dưới đất, không đả động đến tình yêu.
Gặp nhau lúc 9 giờ, đi đến nơi 10 giờ, từ 10 giờ đến 12 giờ không nói đến tình yêu. Trước khi đi, cô ấy có mang theo bánh mỳ xúc xích. Đến 12 giờ, thì chuông nhà thờ đổ. Nghe chuông nhà thờ đổ, tôi cũng xúc động đấy nhé, mà chuông chùa cũng thế! Lúc ấy cô ấy hỏi: “Anh có thuộc bài hát cinema không?”. Tôi bảo có thuộc, để tôi hát cho cô nghe. Cô ấy bảo để em hát trước. Một bài hát rất hợp với cảnh chúng ta, một bài hát mà trong đó có một cái thôn nhỏ, một cái nhà thờ nhỏ, một buổi sớm mùa xuân. Cô ấy hát xong thì khóc nức nở... (Huy Cận hát: “Tình yêu ơi, ta thấy mặt em trong một sáng mùa thu... Tình yêu ơi, ta được thấy mặt em và cả lòng phản bội của ta...”).
Nói thật là, lúc bấy giờ tôi chưa đủ tình cảm, thế nhưng người ta hát vì mình, người ta xúc động vì mình! Tôi ôm cô ấy, xúc động, một hồi lâu. Rồi khi cô ấy hết khóc thì lại nói chuyện trên trời dưới đất, không đả động gì đến tình yêu, rất lạ!
Buổi chiều chúng tôi về theo đường
Có lẽ ký ức về buổi chiều hôm đó rất quý giá đối với Huy Cận nên sau hơn nửa thế kỷ ông vẫn nói về nó bằng sự hồn nhiên và chân thành hiếm thấy.
Về sau, Huy Cận đi theo cách mạng, còn người phụ nữ đó sang Pháp, làm nghề bác sĩ. Huy Cận từng không chỉ một lần tới Pháp công tác nhưng ông đã không tìm lại người xưa dù biết địa chỉ. Thi sĩ chỉ muốn giữ cho mình hình ảnh thanh tân một thuở, chứ không muốn chứng kiến dấu thời gian in trên gương mặt và tâm hồn người bạn cũ. Ông kể: “Sau này tôi đi hoạt động ở
Đôi khi những mối tình không tiến tới hôn nhân lại có thể làm cho ta lưu luyến suốt đời, cho tới tận ngày sau cuối của kiếp người... Khi chúng tôi theo thói quen tò mò của người đang còn trẻ, hỏi: “Cô ấy có đẹp không?”, thì Huy Cận đã trả lời: “Tôi nói rất công bằng. Cô ấy không xấu, không đẹp, nhưng mà xinh, có một cái duyên. Đẹp khác, xinh khác, nhưng cô ấy có một cái tâm hồn làm cho mình mê...”. Chúng tôi đã hỏi ông: “Bác có phải là một người đa tình không?”. Huy Cận đáp: “Anh đánh giá như thế nào thì đánh giá, nhưng qua cuộc đời thì tôi cảm thấy tôi đa tình. Đam mê...”.
Cũng phải nói rằng, ở tuổi quá “cổ lai hy” rồi, dù còn bồi hồi với quá vãng, nhưng Huy Cận vẫn rất yêu thương và trân trọng người vợ đang sống cùng ông. ông nói: Tôi có 2 đời vợ, đời trước là em ông Xuân Diệu, người vợ hiện nay vốn là một cô giáo. Có hôm bà ấy nói với tôi thế này: “Chỉ cần anh còn yêu em là được. Bây giờ nếu anh yêu ai thì yêu nhưng miễn đừng quên em”. Vợ tôi là một người rất có thẩm mỹ. Bà ấy không làm thơ nhưng bà ấy đánh giá thơ một cách rất thẩm mỹ. Bài thơ nào tôi làm xong tôi đều đọc cho bà ấy nghe. Có bài nghe xong thì bà ấy bảo, phải chữa chữ này, phải chữa chữ kia. Có bài thì bà ấy bảo, phải làm thêm chứ để thế này thì chưa xong đâu...”