Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy:

Tìm chiếc la bàn cho một hành trình thám mã

Thứ Sáu, 12/06/2015, 16:22
Những ngày nắng gặp nhà phê bình Đỗ Lai Thúy, tóc ông cột đuôi gà, áo phông Lacoste ngồi trong một quán cà phê vắng… Ông vẫn thế, trẻ trung, năng động hơn so với tuổi của mình, thâm trầm, lặng lẽ, luôn không giỏi diễn giải và không biết cách “hâm nóng” cuộc đối thoại, dù ông luôn là một nhà phê bình được đánh giá cao với việc am hiểu tường tận về lý thuyết và thực tiễn trong phê bình văn học.

Một điều khiến tôi luôn kính phục ông, là dù bận rộn với lịch dạy học, hướng dẫn luận án, luận văn, lịch chăm sóc và đưa đón hai cô con gái bé nhỏ của mình, nhưng ông vẫn viết sách và ra sách đều đặn hàng năm, những cuốn sách phê bình dày dặn, với hàm lượng kiến thức rộng và sâu.

Phê bình, trong quan niệm của ông, có 2 kiểu: phê bình báo chí và phê bình học thuật. Phê bình báo chí hướng dẫn cho người đọc chọn sách, định hướng thẩm mỹ cho họ, tạo nên dư luận và đời sống xã hội của văn học. Còn phê bình học thuật thì lặng lẽ vì thường nằm ở bề sâu, bề xa của các sự kiện nhưng nó lại góp phần quan trọng vào việc xây dựng hệ thẩm mỹ mới, nhất là khi các giá trị thẩm mỹ cũ “có vấn đề”. Tuy nghề “nhà nước” của ông là làm báo, nhưng “nghề riêng” thì lại là phê bình văn học theo lối học thuật. Điều này do cái tạng của ông nó quy định như vậy, chứ với ông phê bình nào cũng đáng trân trọng cả, miễn là người làm nghề trở thành một nhà nghề.

Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy là người ra sách và bán được sách. Sách của ông kén độc giả, nhưng lại gây được sự tò mò cho hầu hết bạn đọc trong và ngoài giới. Tôi cho rằng, sách phê bình của ông… đắt hàng trước hết là vì người đọc tò mò với những nhan đề tác phẩm. Thực sự, đặt tên sách sáng tác đã khó, sách phê bình hẳn còn khó hơn. Nhưng các “tít” sách của ông quả thực đã tạo nên một ấn tượng sâu sắc, như Mắt thơ; Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực; Chân trời có người bay; Bút pháp của ham muốn; Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy; Thơ như là mỹ học của cái khác; Vẫy vào vô tận và sắp tới, cuốn sách Vọng hải đài sẽ ra mắt bạn đọc. 

Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy chia sẻ: “Tôi không thích đặt tên sách kiểu “thật thà” quen thuộc của các cụ trước đây như “phê bình và tiểu luận”, hoặc “góp phần nghiên cứu...”. Nhưng cũng không vì thế mà sa vào thói chuộng lạ, làm hàng. Những tên sách của tôi gây bất ngờ cho người đọc ở cách nói, ở hình ảnh độc đáo, kích thích ham muốn đọc. Rồi khi đã đọc thì vẫn thấy bất ngờ vì tên ấy thể hiện đúng nội dung sâu xa của cuốn sách, tư tưởng chủ đạo của nó, hoặc quan niệm nghệ thuật hay học thuật của tác giả. Cái tên, bởi thế, là chìa khóa để bạn đọc mở vào tác phẩm hoặc chiếc la bàn cho một hành trình thám mã. Có điều tôi không đặt tên trước cho tác phẩm để rồi sự viết chỉ là việc chứng minh cái tên đó. Thường thì cái tên xuất hiện đột ngột trong quá trình viết và thôi thúc tôi phải làm giấy khai sinh cho nó. Đó là của trời cho nằm ngoài sự suy tính đầu óc. 

Chẳng hạn, nghiên cứu Hồ Xuân Hương thì ai cũng phải đối diện với cái dâm tục trong thơ bà. Ý kiến thì đại để có thể chia thành hai: hoặc là coi thơ Hồ Xuân Hương có dâm tục, hoặc là không. Nhưng cả hai đều lúng túng. Tôi tìm một lối đi khác: Thơ Hồ Xuân Hương vừa là dâm tục vừa là không dâm tục. Để chứng minh được lối tư duy A vừa là A vừa là không A này, tôi phải đẩy thơ bà ngược dòng lịch sử về với tín ngưỡng phồn thực qua một hệ pháp: Thơ Hồ Xuân Hương - văn hóa dâm tục (thời bà) - lễ hội phồn thực - tục thờ cúng sinh thực khí - tín ngưỡng phồn thực. Mà ở thời của tín ngưỡng phồn thực (thời Đá mới) thì thiêng - tục là một, trong thiêng có tục, trong tục có thiêng. 

Nguồn gốc thơ Hồ Xuân Hương ở tín ngưỡng phồn thực nên thơ bà thanh tục cũng là một, trong thanh có tục, trong tục có thanh. Nhưng thời nữ sĩ, tín ngưỡng phồn thực chỉ còn lại là những dư sinh, ảnh xạ, nên thơ bà chỉ là sự hoài niệm: Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực. Ở Bút pháp của ham muốn, tôi nghiên cứu sáu nhà thơ: ba nhà thơ cổ điển là Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, ba nhà thơ hiện đại là Hoàng Cầm, Chế Lan Viên, Xuân Diệu. Họ đều là những thi nhân có bút pháp độc đáo. Ngoài việc mô tả bút pháp đó như thế nào, tôi còn muốn đi tìm cái gì đã tạo nên bút pháp đó, tức tại sao? 

Qua việc phân tích ngôn ngữ văn bản, tôi đều thấy động lực sáng tạo của họ ở một ham muốn vô thức nào đó, như Hoàng Cầm là mặc cảm Oedipe, Chế Lan Viên là rối loạn đa nhân cách, Xuân Diệu là tình yêu đồng giới… Chính những ham muốn vô thức này, xét cho cùng, đã tạo nên bút pháp của họ, thế giới nghệ thuật của họ. Tôi lấy tên chung cho cả tập là Bút pháp của ham muốn.

Thực ra, ở ta từ năm 1936, Nguyễn Văn Hanh và Trương Tửu đã sử dụng học thuyết Freud để nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương. Sau đó, nó bặt đi một thời gian dài. Tôi chỉ là người phục dựng lại và đẩy nó lên một bước cao hơn nhờ sự cập nhật phân - tâm - học - sau - Freud. Hơn nữa, phương pháp xã hội học mácxít khi nghiên cứu con người chỉ nghiên cứu mặt xã hội, hữu thức của nó, còn phân tâm học thì chuyên nghiên cứu mặt vô thức của con người, tức “con người trong con người”, nên đó là một bổ sung cần thiết, làm đa dạng vốn phương pháp phê bình văn học của ta. 

Còn tên cuốn sách vừa in năm 2014 Vẫy vào vô tận được bắt nguồn từ hai câu thơ của Phạm Hầu trong bài Vọng hải đài: “Giơ tay ta vẫy vào vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai”. Những nhân vật trong Vẫy vào vô tận là những người có số phận khuất lấp, bi kịch đó thường do xã hội, con người mang lại nhưng có một bi kịch khác xuất phát từ chính thân phận làm người. Bởi thế tôi thích viết về các nhà nghiên cứu, nhà tư tưởng. Họ là những người bị đời thường che khuất, thậm chí chịu oan khiên. Cái oan khiên của những người nguyện đem cuộc đời mình cho sự kiếm tìm sự thật, mà sự thật nào thì cũng là một cái khác, hay ít nhất cũng làm đổi khác một nếp cảm, nếp nghĩ, hay một cái nhìn đã đóng cặn. Điều này gây sự bất ổn cho đám đông. Tuy nhiên, bi kịch thực sự của họ nằm trong chính con người. Một sinh thể hữu hạn, bị quy định ở đây và bây giờ, lại ham muốn cái vô hạn, sự toàn diện, nằm ngoài không gian và thời gian. Chính cái cuồng vọng ấy mới làm cho con người trở thành con người, cho dù công sức của họ, xét cho cùng, cũng chỉ là một cái vẫy tay vào vô tận. Nhưng là những cái vẫy tay của người bay ở chân trời”.

Sau hơn 20 năm làm phê bình văn học, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy khẳng định rằng, ông đã được “nghề chọn” chứ không phải “chọn nghề”, bởi xuất phát điểm, ông không phải là một người đi theo văn học ngay từ đầu. Vốn là người học ngoại ngữ, ông đi bộ đội khi còn năm cuối đại học và tấm bằng “lấy vội”, ông những tưởng mình sẽ miệt mài gắn bó với quân ngũ, thì được nhận về làm biên tập viên Nhà xuất bản Ngoại văn. Điều hạnh phúc nhất là ông được gặp người bạn thơ Trúc Thông, người anh gắn bó nhiều năm luôn đau đáu với nghề.

Người làm thơ gần 20 năm mới được in chung tập thơ đầu tiên Chầm chậm tới mình trong niềm vui đầy nước mắt. Người bạn yêu thơ đã khiến nhà phê bình Đỗ Lai Thúy động lòng trắc ẩn, và khi đọc tập thơ, chỉ trong một đêm, bài viết cảm nhận đã ra đời, rồi được in, được chia sẻ, được bạn bè ngợi khen, và ngay từ cái khởi đầu tưởng như ngẫu nhiên đó, đã có một nhà phê bình Đỗ Lai Thúy sinh ra ở trên đời với cái nghề “đồng sáng tạo” không ít niềm vui và nỗi buồn. Sau tất cả những thăng trầm, ông bảo, đã thấy đến lúc mình nên nhìn lại công việc phê bình của mình, của các đồng nghiệp đi trước cũng như đang đồng hành với mình, nhất là nhìn lại sự phê bình như là một đối tượng tự thân. Đó là phê bình sự phê bình. Nếu phê bình là sự tự ý thức của sáng tác, thì phê bình sự phê bình là sự tự ý thức của phê bình.

Ông viết cuốn sách này để mô tả sự tiến triển của phê bình văn học Việt Nam thông qua sự thay đổi các hệ hình phương pháp của nó: Từ tiền hiện đại - tiền văn bản đến hiện đại - văn bản sang hậu hiện đại - hậu văn bản. Tuy nhiên, đây không phải là cuốn lịch sử phê bình theo nghĩa thông thường, đúng hơn nó là cuốn lịch sử tư tưởng phê bình qua các lý thuyết và phương pháp của nó. Với ông phê bình lại là “con vật lưỡng thê”: Con vật lưỡng thê là một sinh vật - thực thể sống, tồn tại ở hai môi trường có khi đối nghịch nhau, như trên cạn - dưới nước. Vì thế, nó phải phong phú hơn (vừa có phổi lại vừa có mang), mềm dẻo hơn… Phê bình văn học, trong quan niệm của ông, là một sinh thể như vậy. Nó vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, vừa là nghiên cứu vừa là sáng tạo, vừa là ngôn ngữ vừa là siêu ngôn ngữ…

Ông khẳng định, nếu được làm lại cuộc đời một lần nữa, hẳn ông vẫn sẽ muốn làm một nhà phê bình. Phê bình với ông là cả một say mê, thậm chí trên cả say mê, nó gần như là bản mệnh của ông. Tôi sống bằng - nhờ - qua cái bản mệnh phê bình ấy. Tuy nhiên, càng đam mê, càng “chân không chạm đất” bao nhiêu thì lại càng cần một “mặt đất” vững chắc bấy nhiêu. Nếu không có người phụ nữ sống cùng với ông, “cam tâm” làm mặt đất âm thầm và vững chắc như vậy thì ông khó làm việc có hiệu quả. Và nhà phê bình Đỗ Lai Thúy, sau một lần đổ vỡ hôn nhân ông vẫn có neo giữ trên mặt đất bởi hai người con trai giỏi giang, thành đạt. Và hiện tại ông đang yên ổn vì có một “mặt đất âm thầm” là người vợ trẻ yêu sách và yêu nghề của chồng, cả hai cô con gái bé bỏng mới chỉ học cấp một cùng tình yêu thơ ngây và trong trẻo nhất dành cho bố…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.