Rudofl Hess, "phó tướng" của trùm phát xít Hitler trong Đảng Quốc xã:

Tiệt nòi dấu tích

Thứ Hai, 08/08/2011, 15:08
Đêm 20/7 vừa qua, chính quyền Đức  đã cho phép đào mộ của Rodolf Hess, một trong những chiến hữu thân cận nhất của trùm phát xít Hitler, nguyên là Phó Chủ tịch đảng Quốc xã (NSDAP). Với sự đồng ý của thân nhân, phần hài cốt còn lại  của Hess đã được hỏa táng rồi tro được rắc ra hồ nước.

Hành động này được thực hiện để chống lại việc các phần tử phát xít mới muốn biến ngôi mộ của Hess tại Wunsiedel (bang Bavaria) thành chốn hành hương truyền thống của chúng. Hess đã làm những gì mà những kẻ tội đồ theo dấu chân y lại sùng mộ y đến vậy?

Phát xít từ trong máu

Rudolf Hess sinh ngày 26/4/1894 ở thành phố Alexandria (Ai Cập), trong gia đình một thương gia, chủ nhân của một công ty xuất khẩu. Từ năm 1908, Hess theo học tại trường thương mại cao cấp tại Thụy Sĩ.

Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Hess phục vụ trong không quân và từng chiến đấu trong đơn vị  dưới quyền chỉ huy của Hermann Goring, người về sau đã trở thành nhân vật thứ hai của nước Đức Quốc xã, chỉ đứng sau Hitler.

Ngay từ giai đoạn đó, Hess tỏ ra là một chiến binh liều lĩnh và rắn đầu. Khi kết thúc thế chiến thứ nhất, ở tuổi 22, y đã mang quân hàm trung úy. Ngay từ thời điểm đó, Hess tham gia vào lực lượng tình nguyện bao gồm những binh lính và sĩ quan mang nặng tư tưởng dân tộc cực đoan. Rồi y trở thành thành viên của Hội Thule, tiền thân về tư tưởng của đảng Quốc xã sau này. Khi NSDAP chính thức được thành lập, Hess rất mau mắn leo lên được chức Phó Chủ tịch đảng.

Các tội phạm phát xít tại phiên tòa Nuremberg.

Hess là một trong những viên đầu lĩnh của chế độ phát xít được nhắc tới nhiều vì trong thời gian cúc cung tận tụy phục vụ trùm phát xít Hitler, y đã từng thực hiện một phi vụ bí mật sang Anh với mục đích bắt tay thương thảo với London thiết lập hòa bình cục bộ. Nhiều chi tiết của phi vụ này cho tới hôm nay vẫn chưa rõ ràng và vì thế, tạo cơ sở cho rất nhiều giả thuyết khác nhau.

Phi vụ bí hiểm

Theo những gì đã được ghi lại, ngày 10/5/1941, Phó Chủ tịch NSDAP Rudolf Hess bay qua eo biển sang Anh. Mục đích của chuyến đi là đề nghị Chính phủ Anh ký hòa ước và cùng tham gia vào cuộc chiến chống lại Liên Xô.

Các điều khoản trong văn bản hòa ước được Hess mang theo bao gồm đề nghị ngừng tiến hành các hoạt động quân sự chống lại nhau; đề nghị London đồng ý đứng vào đội ngũ chống lại Moskva; đổi lại, Đức cho phép chính phủ Anh toàn quyền hành động trong khuôn khổ Liên hiệp Anh. Berlin còn đề nghị trả lại cho những thuộc địa cũ của nó mà hòa ước Versailles đã tước đi, đồng thời, Anh cũng phải rút các đơn vị quân đội ra khỏi Iraq; ký hòa ước với Italia (khi đó là đồng minh thân cận của nước Đức phát xít).

Berlin cũng muốn buộc ông Winston Churchill từ chức Thủ tướng vì Hitler không thích thương lượng với ông này và cuối cùng, muốn thành lập Liên minh Thống nhất châu Âu.

Thêm vào đó, vốn chịu ảnh hưởng từ những lý thuyết địa - chính trị của ông thầy từ thời học đại học Karl Haushofer, Hess  còn cho rằng, sẽ là bi kịch nếu hai dân tộc "anh em theo dòng giống Arya" lại cầm súng tiêu diệt lẫn nhau. Năm 1938, trong thời gian diễn ra Thế vận hội ở Berlin, Hess đã làm quen được với Lord Douglas Hamilton, thành viên của Hoàng gia Anh nên đã nảy ra ý định thông qua ông này trình lên Quốc hội Anh những luận điểm mà y đã soạn thảo.

Sau những chuẩn bị rất kỹ lưỡng và thực hiện một số chuyến bay thử an toàn, ngày 10/5/1941, Hess rời sân bay ở Augsburg trên chiếc Messerschmitt Bf.10 với dự trữ nhiên liệu đủ cho một chiều đi. 

Khi lên máy bay, Hess mặc quân phục của một trung úy không quân và có mang theo mình tấm bản đồ hành trình bay định sẵn. Hess đã định cho hạ cánh ở Scotland, gần điền trang của Lord Hamilton mà y quen biết. Thế nhưng, khi bay tới nơi mà vẫn không nhìn thấy mục tiêu cần hạ cánh, y đã nhảy dù xuống và ra đầu thú với những chủ trang trại Anh trong khu vực đó.

Theo một giả thuyết được tuyên truyền khá rộng rãi, khi được giải tới Glasgow, thoạt tiên viên đầu lĩnh phát xít này xưng tên giả nhưng rồi đã thú nhận, chính y là Rodolf Hess. Y đã rất kinh ngạc khi giới chức Anh mãi vẫn không thể hiểu nổi, vì sao một nhân vật như y lại bay sang Anh như thế và họ cứ nhất mực chối từ trò chuyện với y.

Cuối cùng, một viên chức của Bộ Ngoại giao Anh bất đắc dĩ đành phải ngồi nghe Hess trình bày các quan điểm của y. Và Hess đã nhân danh Hitler tuyên bố rằng, nước Đức Quốc xã muốn ký hòa ước với nước Anh, ngừng chiến sự và cùng nhau hợp lực để chiến đấu tiêu diệt nước Nga Bolshevich(?!).  Nội dung tiếp theo vẫn đúng như văn bản y đã soạn thảo.

Người Anh đã không nhịn được cười trước một kế hoạch siêu tưởng và lố bịch như thế. Mặc dầu vậy, Thủ tướng Anh Churchill vẫn ra lệnh đối xử với y một cách tử tế: đưa y tới London, nhốt vào nhà tù Tower, nơi y được hưởng chế độ dành cho một tù nhân cao cấp cho tới ngày 6/101945, sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Từ đó, Hess được chuyển tới nhà tù Nuremberg.

Tất cả những điều vừa được trình bày ở trên thực ra không thể làm thỏa mãn những ai thực sự muốn biết về điều bí ẩn sau phi vụ bất thành của Hess. Theo nhà sử học Nga Liev Bezymensky, "Hess đã được trao nhiệm vụ thử lần cuối việc cố gắng thành lập ra một liên minh chung của châu Âu nhằm chống lại Moskva".

Thủ tướng Anh Churchill đã hiểu rất rõ rằng, nếu nước Đức tập trung lực lượng vào cuộc chiến đấu chống lại London thì hiển nhiên nước Anh sẽ bị đánh bại. Chính vì thế nên Churchill đã buộc phải hành xử để Berlin phải tự tuyên chiến với Moskva.

Tình báo Anh ở thủ đô nước Đức Quốc xã khi ấy đã thiết lập được mối liên hệ với Hess và với sự giúp đỡ của y, đã tìm được đường tới Hitler. Hess đã được các điệp viên Anh ở Berlin thông báo rằng, nếu nước Đức tuyên chiến với Liên Xô thì London sẽ ngưng chiến.

Tin vào điều này, Hess với vị trí gần gụi của mình đã thuyết phục được Hitler tin theo. Tình báo Anh đã làm giả giấy mời Hess sang Anh với chữ ký giả của Churchill rồi gửi cho y. Và thế là Hess đã có mặt ở Scotland sau khi bay qua eo biển và ở đó, đã gặp được những nhân vật đại diện chính thức của London. Y tuyên bố rằng, Hitler sẽ tấn công Liên Xô.

Và y nhận được lời cam đoan rằng, nếu Hitler tấn công Liên Xô thì Anh sẽ thực hiện phần trách nhiệm còn lại của mình như trong thỏa thuận. Nội dung thương lượng này đã được ghi lại và sau được chuyển về nơi cần tới. Thế là Hitler đã khởi sự và vài tuần sau chuyến công du của Hess sang Anh, đã ra lệnh tấn công Liên Xô vào rạng sáng ngày 22/6/1941.

Thế nhưng, sau khi tin tức về việc Hess bị bắt giữ ở Anh được đưa lên đài phát thanh, chính phủ Quốc xã lại chính thức thông báo rằng, Hess đã bị mất trí! Hitler thậm chí còn ra lệnh cho Bộ trưởng Thông tin Goebbels phải khua chuông gõ mõ cho cả thế giới biết rằng Hess đã bị điên.

Trong thông báo báo chí được Berlin truyền đi có đoạn: "Có lẽ đảng viên NSDAP Hess đã sống trong thế giới của những ảo ảnh nên đã  tưởng tượng rằng ông ta có thể tìm ra được sự hiểu biết lẫn nhau giữa nước Đức và nước Anh… Đảng Quốc xã cho rằng, ông ta là một nạn nhân của bệnh mất trí.  Và bởi thế nên hành động của ông ta không hề tác động được gì tới việc tiếp diễn cuộc chiến tranh mà nước Đức buộc phải tiến hành…".

Những tài liệu mà Berlin công bố khi ấy cho rằng, Hitler không hề biết gì về kế hoạch của Hess nên khi hay tin, trùm phát xít đã nổi giận dữ dội.

Hậu vận hẩm hiu

Tại phiên tòa quốc tế Nuremberg xử tội các đầu lĩnh phát xít trong những năm 1945-1946, Hess đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách các bị cáo, sau Goring. Các luật sư trong phòng xử án tuyên bố rằng Hess đã mất trí mặc dù y đưa ra những lời khai nhìn chung là minh mẫn.

Hess đã bị kết án tù chung thân và phải vào nhà tù Spandau ở Berlin (từ năm 1965, y đã là tù nhân duy nhất trong nhà tù này). Y tỏ ra không hề ân hận gì: lời cuối cùng y đã nói ở phiên tòa Nuremberg cũng là: "Tôi không hề ân hận gì cả".  30 năm sau đó, y cũng viết câu này trong lá thư gửi cho con trai. Y đã trung thành với Hitler tới cuối đời y.

Sau khi Chính phủ Liên Xô vì lý do nhân đạo đã quyết định thả y ra khỏi tù thì ngày 17/8/1987 người ta lại tìm thấy xác y chết trong sân nhà tù với một dây điện thắt cổ. Khi đó, Hess đã ở tuổi 93. Y là kẻ cuối cùng trong số những đầu lĩnh của chế độ Quốc xã rời khỏi cõi đời này.

Rudolf Hess được chôn tại nghĩa địa Wunsiedel (bang Bavaria). Từ năm 1987, ngày chết của y đã trở thành ngày tụ tập của những phần tử phát xít mới ở  Đức. Điều này gây nên sự phản cảm và phản đối của nhiều tầng lớp xã hội.

Chính vì thế nên sau một quá trình thương thảo kéo dài, chính quyền địa phương cuối cùng cũng đạt được sự đồng ý của những thân nhân còn lại của Hess để hỏa táng nắm xương cốt tàn lụi của y và ném ra ngoài hồ nước ngày 20/7/2011. Không còn dấu tích ngôi mộ, không còn nơi để những kẻ cực đoan theo tư tưởng phát xít bày trò bạo ngược nhân tình

Kiều Hương
.
.