Tiếng trăng lách tách

Thứ Sáu, 14/03/2014, 10:06

Anh là một người anh, người đồng chí của tôi theo nghĩa trọn vẹn nhất. Công tác với anh cùng một cơ quan tròn mười năm, tôi đã tự lý giải được điều giản dị ấy. Mười năm ở cùng anh, với tôi là mười năm đầu tiên, bắt đầu và bắt nhịp với nghề báo, báo hình, Truyền hình Quân đội Nhân dân.

Còn nhớ những ngày chập chững ấy, tôi, chàng trai hơn hai mươi tuổi, ngây thơ, ngờ nghệch và hiếu thắng, tự phụ vào những tác phẩm vặt vãnh của mình, và hay dỗi. Cứ luôn tưởng xung quanh mình o ép, bắt nạt người trẻ tuổi, thành kiến, lạnh nhạt với người mới vào nghề, nghề báo, cái nghề mà sau đó, tôi sống chết với nó hơn chục năm, cùng với nghề văn, đang sống chết với nó hết cuộc đời này.

Anh Nam, tôi xin gọi anh thân mật như thế, là một bậc đàn anh của tôi trong làng báo, trong làng truyền hình. Nghề truyền hình, khốc liệt và luôn đào thải, ít ra là đối với tôi. Tôi không đủ tài, đủ kiên nhẫn để sống chết với nghề. Tuổi trẻ là vậy, tôi có những ước mơ khác. Còn anh Nam, đương nhiên là khác, anh có những đam mê của anh, ứng xử của anh, với nghề nghiệp, với cuộc đời.

Tôi luôn suy nghĩ về anh với những điều tích cực, những kỷ niệm sâu và chia sẻ thật, có khi là đau đớn, khôn khuây trong chừng ấy năm công tác. Anh hiền, giản dị và xuề xòa, một tác phong chỉ huy không ưu thời với thời cuộc hôm nay, dễ bị khu biệt, lợi dụng và đưa ra bình phẩm. Làm lãnh đạo không nhất thiết phải khôn ngoan, lọc lõi và gia trưởng. Làm lãnh đạo càng không nên toan tính, mưu mô và dọn đường cho mình, cho ai đó, lên hoặc xuống, vui hoặc buồn. Anh khác. Anh sống thật, lao động thật, làm nghề thật, yêu ghét thật, và đương nhiên, vướng vào những nỗi đau thật, những nỗi đau của con người.

Hẳn anh còn nhớ, một buổi rất buồn, rất đau, ấy là khi anh Duy Thanh, một đàn anh, một đồng nghiệp của chúng ta hy sinh ngay trong thời bình này, hy sinh cùng đoàn Quân sự cấp cao thăm Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào năm 1998. Khi ấy, trong đám tang tập thể, anh im lặng rất lâu và nói nhỏ với tôi về sự vất vả, hy sinh của đời phóng viên, đặc biệt là phóng viên chiến trường, phóng viên quân đội nhân dân. Và anh siết tay tôi, rất chặt.

Tôi hằng nghĩ rằng chưa bao giờ anh hết gặp khó khăn. Những khó khăn như từ trên trời rơi xuống, khoác vào anh, thắc mắc, thầm thì, o ép và mặc cả. Hơn ba mươi tuổi quân, gần ba mươi tuổi Đảng và cũng chừng ấy năm cầm bút, cầm máy, bao nhiêu thăng trầm và không ít nực cười để hiểu rằng ở đời khó nhất là chịu thiệt, mà điềm nhiên trong các lao động sáng tạo với nghề, nghề mình đang theo đuổi.

Tôi cũng hằng nghĩ, làm nghề thuần túy có lẽ phù hợp với anh hơn. Khi ấy, hẳn anh sẽ nổi trội phần nghệ sĩ của mình, sống và thể hiện, vui và buồn hết mình hơn, cạn kiệt hơn với đời sống. Và, tôi luôn tin khi ấy, từ tâm huyết của anh, những người lính sẽ có những tác phẩm mà chúng ta hằng chờ đợi.

Trong 10 năm công tác, là lính của anh, từng có những lúc tôi muốn kêu ca về phần việc của mình, rằng nó quá nặng, nó quá sức với tư duy và sức lực của tôi, sẽ dẫn đến việc tôi ẩu nghề, làm việc chống chế, đại khái, điều tồi tệ đã diễn ra ở không ít những cơ quan báo chí, kể cả là báo hình, kể cả là Truyền hình Quân đội.

Đại tá Man -xép Xéc - gây Lê -ô - nhi - đô -vich, Giám đốc Trung tâm Truyền hình Quân đội Bê - la - rút trao đổi với Trung tướng Lê Phúc Nguyên (bìa trái), Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân và Thiếu tướng Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội nhân dân Việt Nam trong chuyến công tác tại Bê - la -rút.

Tôi ngẫm ngợi, nghĩ suy. Nhìn vào anh, sự lao động của anh, cách ứng xử của anh, nhân cách của anh, tôi đã không có ý kiến nữa. Không phải vì tôi khôn ngoan, càng không phải là tôi yêu mến gì anh khi ấy mà là lòng tự trọng đã không cho phép tôi, một người lính, có những suy nghĩ và hành động hèn nhát như thế. Lúc này đây, khi viết những dòng này, tôi vẫn thấy như in những lần tôi tranh cãi với anh, phản ứng anh, thậm chí là đúng hoặc vô lối, về một điều gì đó, thì vẫn luôn ở đấy, là sự chân tình, sự ứng xử với nhau tuyệt đối bằng tự trọng nghề nghiệp.

Hiện nay, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hoài Nam đang là Giám đốc Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội, trực tiếp làm Giám đốc - Tổng biên tập kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam. Ngần ấy thời lượng phát sóng, các chương trình VTV1, VTV2, VTV3 và chuyên mục Nhắn tìm đồng đội, các chương trình phát thanh trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam với hình ảnh, âm thanh, lời bình, tiếng động, màu sắc, đúng sai, xấu tốt, hay dở, bao quát đời sống sinh hoạt mọi mặt của người lính và các hoạt động toàn quân, toàn quốc, quốc tế phải làm cho hay quả thật là điều không tưởng. Từng là cộng sự với anh, mười năm tôi làm trợ lý VTV3, quả đã cống hiến kiệt sức mình, mà không ít chương trình vẫn chưa đến đầu đến đũa, vẫn bị tẻ nhạt, đại khái, nông nổi dằng dai, nghiệp dư, chê nhiều hơn khen, khuyết điểm nhiều hơn ưu điểm. Thế mà anh phải gánh vác từng ấy chương trình, luôn phát sóng thường kỳ, hay không ai biết nhưng nếu dở, nếu không vừa lòng một ai đó là lập tức nửa đêm, gà gáy họ điện thoại mát mẻ, chê trách.

Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hoài Nam đã đạt các giải cao nhất về phim tài liệu tại các kỳ Liên hoan truyền hình toàn quốc, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị. Bản thân anh đã từng đề xướng, khai mở những chương trình, chuyên mục, tiểu mục của Truyền hình Quân đội Nhân dân. Những chương trình mà anh làm đạo diễn, biên tập, khiêm nhường và thường xuyên hơn là duyệt chương trình hàng tuần, hàng tháng, hàng năm, nhiều năm, một công việc lặng thầm không mấy ai biết đến, đủ thấy sức lao động bền bỉ, kiên tâm và hằng tâm của anh, một người lính làm báo hình Quân đội. Những bộ phim như “Trường Sa trong ta”, “Đi tìm đồng đội”, “Súng thức”... mà anh làm đạo diễn đã đoạt những giải cao nhất cấp toàn quốc hẳn là những suy nghĩ, ngẫm ngợi và tri ân của tấm lòng mình với đồng đội, với quê hương và với nghề nghiệp của mình.

Nói về nghề nghiệp, anh là một nhà báo say nghề, cái nghề truyền hình đào thải khốc liệt và luôn phụ thuộc khá nhiều vào thiết bị kĩ thuật. Ở cương vị Tổng biên tập, chịu trách nhiệm tất thảy những chương trình phát sóng, có những chương trình, có những đêm, đã khuya lắm, anh còn gọi điện đến nhà riêng của tôi, bảo sửa chữ này, bỏ hình kia. Nhiều khi băng đã nộp phát sóng rồi, anh vẫn yêu cầu tôi rút ra, chỉnh sửa bằng mọi cách. Và đã phát sóng rồi, có những hình, những câu chưa đúng, chưa hay, anh vẫn đề nghị sửa bằng được, có khi mất lòng không ít các biên tập viên.

Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hoài Nam (áo đen) chỉ đạo làm phim ở Điện Biên năm 2004.

Do điều kiện về nghề, tôi luôn được đi công tác cùng anh, dài ngày, ngắn ngày, từ Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, Cà Mau, Cần Thơ, biển đảo, biên giới… ở đâu và khi nào, anh cũng luôn coi những người đi cùng là đồng nghiệp, là cộng sự, ai làm việc nấy, tôn trọng tự do, sáng tạo của nhau, vì công việc, vì cái chung, vì đời sống người chiến sĩ. Còn nhớ lần đi làm chương trình Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, khi bị lũ quét ập đến ở cầu Tạ Khoa - Sơn La, anh vẫn bình tĩnh chỉ huy đoàn công tác vượt lũ, băng đèo, kịp thời triển khai máy móc để làm chương trình. Còn nhớ như in khi anh giao cho tôi làm kịch bản Kỷ niệm 60 năm truyền thống Tổng cục Chính trị, họp nhiều đến phát sốt, tôi đã nản, định thoái thác, anh đã động viên tôi, thủ thỉ, tâm tình như người anh, người chị ruột thịt.

Nói đến Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hoài Nam cũng phải nhắc đến 10 kỳ Liên hoan truyền hình toàn quân với biết bao khó khăn, thử thách. Ở những kỳ Liên hoan đầu, chung vai, gánh vác với Nhà văn, Nghệ sĩ ưu tú Chi Phan; ở những kỳ liên hoan sau, ở cơ quan, anh là người chủ trì, góp phần quan trọng trong thành công của các Liên hoan, để từ đó góp phần quyết định việc hình thành đội ngũ làm truyền hình toàn quân, đội ngũ đang gánh vác những công việc tuyên truyền bằng báo hình của Lực lượng vũ trang vốn luôn có mặt nơi đầu sóng ngọn gió.

Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội - Tổng biên tập kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam vừa được phong quân hàm Thiếu tướng đợt vừa qua. Đó cũng là sự vinh danh của Quân đội dành cho một người làm báo tâm huyết, được đào tạo bài bản và đặc biệt rất gần gũi, giản dị. Đối với tôi, khi anh nhận quân hàm tướng, trong thâm tâm tôi nghĩ điều đó thật trọn vẹn và ấm áp. Không phải chỉ cương vị và cấp chức mà nó còn là lẽ công bằng trong đời sống vốn nhiều sôi động, thậm chí phức tạp hôm nay. Với tôi, điều đó như một món quà ấm lòng nhất.

Nghĩ về anh Nam, tôi không thể quên lần thưa chuyện với anh khi xin chuyển công tác sang Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Khó khăn lắm để nói với nhau những lời ấy. Nói gì bây giờ khi mình xin rời khỏi đội ngũ Truyền hình Quân đội, nơi đã gắn bó từ tấm bé nghề làm văn, làm báo. Nói gì khi anh đã ứng xử với mọi người, với tôi chân tình, ấm áp và thực tâm, gan ruột. Là một người lính, tôi sẽ nói với người chỉ huy, với người đồng đội, người anh, người đồng nghiệp mà mình kính trọng như thế nào. Tôi đắn đo, suy nghĩ và cân nhắc. Cuối cùng, tôi nói thẳng vấn đề với anh. Với anh, tôi không thể nói khác. Anh im lặng. Anh trầm ngâm và anh đồng ý. Cả tôi và cả anh, lúc đó, có mấy phút im lặng. Tôi tự thấy mình có lỗi, như không phải với đồng đội, với anh trước quyết định ấy. Anh Nam, các anh các chị, hãy tha lỗi cho tôi.

Nghĩ về anh, đã từ lâu, tôi luôn nghĩ đến tiếng trăng, tiếng trăng lách tách, lặng lẽ, thấm sâu ở cuộc đời. Tiếng trăng ấy luôn ẩn mình, khiêm nhường, yên bình, le lói sáng. Tiếng trăng ấy, mỏng như tơ, trong như nước, ân cần, nhẫn nhịn và kiên cường trước mọi khó khăn, thử thách. Tiếng trăng ấy chí nghĩa, chí tình.

Tiếng trăng lách tách…

Phùng Văn Khai
.
.