Tiếng hát mãi còn xanh

Thứ Hai, 02/02/2009, 08:30
1...Tiếng hát Lê Dung còn ở lại, còn xanh vĩnh viễn với thời gian. Với không gian Hà Nội, với tấm lòng người Việt đầy nhớ nhung ân tình, dù chúng ta đang phải sống căng thẳng, bận rộn, âu lo ngay từ đầu thế kỷ XXI đầy biến động, cũng đầy thách thức khôn lường này…

Tôi từng nghĩ ngợi lan man thế, khi chầm chậm cùng bạn bè tiễn biệt, nhìn Lê Dung lần cuối trong mấy ngày Tết Nguyên đán Tân Tị 2001 tại Nhà tang lễ Quân y viện 108, kề cận sông Hồng.

Tiếng hát Lê Dung từ đĩa CD bỗng từ đâu bồi hồi xao xuyến vọng tới. Giọng nữ cao thánh thót, trong vắt như suối nguồn thiên thai chảy từ Đào Nguyên, run rẩy non mảnh như tơ chùng phím loan…

Không biết ai đó đã làm được cử chỉ quá lạ lùng: đặt vào máy những CD của Dung, phóng thanh tiếng hát Lê Dung trong suốt cuộc lễ tang người đàn bà hát, vào chính ngày tang lễ này?

Đâu rồi những chàng Kim Trọng, Từ Hải của Dung, từng "vò chín khúc", từng "chau đôi mày", cúi đầu nghe Dung hát trong khán phòng sang trọng Hà Nội, Moskva, Paris, Budapest, Bình Nhưỡng, Sài Gòn… hay trong nhóm nhỏ bạn bè ở một cuộc vui nào đấy, trên chiếu rượu thân mật như nghe đào nương đất Thăng Long - Hà Nội lảnh lót đa đoan hát ca trù?

Tiếng hát Lê Dung đằm thắm, quấn quyện đa tình, đầy nội lực thẳm sâu, đang tỏa lan, ngân rung run rẩy không dứt trong đám tang mình.

Tôi bỗng nghĩ, dường như Dung vẫn cứ cô đơn ngay cả khi nằm yên trong áo quan, dung nhan còn hồng tươi đầy ham muốn sống, ham muốn hát và cả ham muốn yêu. Nhưng vào lúc ấy, Dung đã chỉ còn lại chính tiếng hát của mình và cái chết.

 Cả một giờ đồng hồ đưa đám, tôi đã nghe Dung hát, hát mãi trong tang lễ mình, thân thương, thân mến như sinh thời, Dung thường hát mê đắm hết bài này đến bài khác cho bạn bè nghe, khi chúng tôi quây quần tụ họp ở nước Nga xa xứ những mùa lễ tết.

Tiếng hát ấy, giờ đây, hình như nhất định nấn ná, nhất quyết không chịu buông bỏ dương thế, nhất định quanh quẩn trong đám đông bạn hữu, người thân, đang cúi đầu chầm chậm viếng người đàn bà hát, mà hôm nay, số phận đã định phải bay về trời vĩnh viễn.

Nhưng không hiểu sao, người đàn bà sinh ra để hát ấy vẫn bướng bỉnh quyến luyến cõi trần ai tục lụy, đầy đớn đau khắc khoải này, hệt như quyến luyến người đàn ông mình yêu mà không nỡ dứt áo ra đi, chỉ muốn níu kéo bằng tiếng hát. Lê Dung, có lẽ từng trải cảm giác, như ai ai cũng đã từng cảm biết:  sinh ra ở đời, sự sống và sự chết đều không tránh khỏi.

Có lẽ vì thế mà Dung đã sống, đã hát, đã yêu hết mình, để khi bất chợt (ai học được chữ ngờ), về cõi khác, đã để lại niềm thương tiếc, niềm yêu đương và nhất là để lại những bài hát còn xanh mãi với thời gian. Bởi Dung đã hát bằng cả hồn cốt của cả một đời mình cho người dương thế.

Trong đám tang Dung, có lẽ ai cũng nghĩ thế, cũng tri ân Dung mà rưng rưng lệ giữ lại cho mình một mảnh ký ức về giọng ca vàng Lê Dung, để giọng ca ấy còn ngân mãi trong trái tim mình, khó có thể mờ phai, kể cả khi những người nhạc sĩ sáng tác bài cho Dung hát, đều đã gần như lần lượt về… cõi khác.

2. Hát hết sức đắm say và yêu cực kỳ đắm đuối là hai mặt thống nhất trong một tính cách người-đàn-bà-sinh-ra-để-hát-để-yêu: Lê Dung.

…Chúng tôi nhận nhau chị em, chỉ từ khi tôi sang Nga du học cuối năm Bính Dần 1986, sau Dung mấy tháng. Trước đó, khi còn ở Hà Nội, dù Dung đã làm lễ nhận con nuôi - môn sinh nghề hát của bác ruột tôi: NSND Thương Huyền từ nhiều năm trước, Dung từ vùng than Quảng Ninh về Hà Nội lập nghiệp hát và dần dà nổi tiếng, nhưng tôi vẫn không thích tính cách Lê Dung. Tôi cho Dung là phụ nữ ngạo mạn, cậy mình hát hay, tự cho mình cái quyền nhìn người bằng nửa con mắt ("mục hạ vô nhân").

Thêm nữa, trước khi làm thực tập sinh ở Nhạc viện Tchaikovsky, từ Hà Nội, Dung cao hứng  tuyên bố: Khỏi mua vé khứ hồi, chắc tôi không về! Vì thế, lẽ ra Dung phải được du học Nga từ cuối 1985, song chỉ vì lỡ mồm lỡ miệng, mà Dung phải ở lại Hà Nội thêm một năm để chứng tỏ mình là sĩ quan quân đội, hàm cấp tá, chẳng qua chỉ "nói đùa cho vui", rồi mới được Bộ Văn hóa -Thông tin lúc đó tái cử đi học vào mùa thu 1986 ở Moskva.

Tôi sang sau Dung, đi thẳng tàu hỏa xuống nhập học năm thứ nhất nghiên cứu sinh ở Viện Đại học Âm nhạc - Sân khấu - Điện ảnh Leningrad, nay là Saint Peterburg. Sau một năm, khi có việc sang Pragua, Tiệp Khắc, tình cờ gặp Dung ở Sứ quán Việt Nam tại Moskva, chúng tôi mới thành chị em.

Đó là nhờ bác tôi, Thương Huyền, truyền qua chị Ngọc Minh, con gái thứ của bác, ca sĩ Dàn nhạc Giao hưởng hợp xướng Việt Nam, chị họ tôi. (Bố tôi, ca sĩ Văn Hanh là em trai ruột, sau bác Huyền một đốt. Hai chị em cả đời hát ở Đoàn Ca nhạc Đài TNVN).

Chị tôi dặn dò cả Dung lẫn tôi trước khi đi: "Hai đứa phải là chị em. Phận số đã bảo phải như thế. Bác và chị đều muốn các em thương mến nhau, giúp nhau học ở nước Nga cho thành tài!". Những lời dặn như thế,  lúc ấy, với chúng tôi thật thiêng liêng và cảm động!

Gặp nhau ở Sứ quán, phố Abalenxki, trong phòng Quản lý lưu học sinh, cùng nhớ lời bác Thương Huyền, hai chị em thân quý nhau ngay.

Tôi nhớ khi đó, Dung gọi ngay tôi bằng chị, cư xử rất niềm nở dịu nhẹ và nhanh nhảu sống động. Người thanh mảnh. Váy dạ đen, áo len xanh dương bó sát, trên tóc cài nơ duyên dáng, giọng ngọt ngào, đưa ngay tôi về ký túc xá Nhạc viện Tchaikovsky và ngay đêm đó đã mời bè bạn đến cùng hát với nhau, cho chị, là tôi đấy, đỡ nhớ Hà Nội và nhớ con.

Hát dứt câu cuối bài "Đêm đông", mọi người lặng đi. Mắt Dung chợt xa vắng, nghiêng vào tai tôi, thì thào bỏ nhỏ: "Em đang nhớ thằng cu con xót ruột xót gan đây!". Vẻ cứng cỏi, hơi ngạo mạn vậy thôi, thực tình, Dung là người rất mong manh, dễ mủi lòng, rơi lệ. (Cắt nghĩa về chuyện mình đa cảm, hay tủi thân ngầm, Dung bảo: "Em phận vợ lẽ con thêm mà".

Bố Dung là ông cai Lỳ ở mỏ than Quảng Ninh, mẹ Dung lẽ mọn, chỉ độc nhất cô con gái Lê Dung. Bố chết, Dung chỉ còn mẹ già, đang ở Hà Nội, ở tạm nhà một chị bạn kết nghĩa, nghệ sĩ chèo, trông nom giùm). Ra đường nhanh như sóc, miệng nói tay làm, khéo ăn khéo nói, lúc nào Dung cũng có vài nhân vật đàn ông mộ điệu theo sau.

Rồi Dung cũng phải lòng một người hơn Dung vài tuổi, chín chắn, chu đáo, yêu thương lo lắng cho Dung như huynh trưởng trong nhà. Dung bảo: "Bây giờ em chỉ có thể nương tựa vào người như thế, em không thể phiêu lưu cùng một chàng trai trẻ. Em nặng gánh gia đình. Em muốn được yên tâm".--PageBreak--

Mùa hè 1989, Dung cùng người ấy xuống Saint Peterburg chỗ tôi, ký túc xá sinh viên ở đảo Vaxili chơi đêm trắng huyền diệu, mà cả nước Nga, ngoài kinh thành cũ ấy của vua Piotr đệ nhất, không một nơi nào có được. Những đêm trắng huyền ảo lộng lẫy ấy khiến cả hai thật hạnh phúc.

Dung hát cho sinh viên chỗ tôi nghe, rồi sang Bulgaria thi hát opera quốc tế. Tchaikovsky là Viện Đại học âm nhạc Nga Xôviết có tiếng về phương pháp đào tạo mẫu mực của Đông Âu. Lê Dung đã học xuất sắc, về nước 1990, trở thành giảng viên thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội, với tấm bằng thạc sĩ.

Tôi mừng cho Dung, theo cách của Dung, tự biết mình đã trọn cả phần Đạo: tốt nghiệp xuất sắc Nhạc viện lừng danh châu Âu, trở thành người hát opera số một bấy giờ.

Đạt đẳng cấp quốc tế, bởi các danh hiệu được trao trong các cuộc thi hát opera quốc tế. Về phần Đời, Dung đã có một người đàn ông của mình. Dung về Việt Nam trước tôi, rồi phải khóc mẹ mất, viết thư sang cho tôi, lá thư nhòe nước mắt…

3. Song, cuộc đời là thế, đầy những bất ngờ, những quà tặng số phận.

Năm 1991, Dung thi hát opera quốc tế ở Bình Nhưỡng. Tôi lên Moskva về Hà Nội thăm con, Dung cũng ghé ngang đó. Chúng tôi lại tình cờ gặp nhau, cùng ăn tối chia tay bạn bè ở tiệm ăn Hà Nội, gần quảng trường Hồ Chí Minh ở Moskva, và về Hà Nội cùng chuyến bay.

Suốt chuyến bay dài hơn nửa ngày trời, Dung lại kể chuyện với tôi về mối tình mới "sét đánh" với một thi sĩ trẻ, nhỏ hơn Dung đến gần một con giáp, và băn khoăn, không biết nói lời chia tay với người ấy thế nào. Tôi chỉ biết nghe Dung, như bao giờ cũng biết tính Dung, ngay cả trong yêu: "Em muốn là trời muốn".

Suốt chuyến bay không ngủ, mắt Dung long lanh hạnh phúc, kể chuyện, rồi khóc, cười, hát nho nhỏ, rồi đọc thơ của thi sĩ trẻ. Đến sân bay, hai chị em đang hồi hộp đứng chờ trước cửa khẩu hải quan Việt, đã từ đâu ào tới một dáng trẻ trai. Ôm chầm lấy Dung.

Nhấc bổng. Quay một vòng trên cánh tay rắn chắc. Hạ xuống đất nhẹ nhàng. Hôn đắm đuối. Người ấy là thi sĩ, nhà báo, chuyên viết mục "Nhìn từ Hà Nội" hấp dẫn một thời trên trang Quốc tế Báo Quân đội Nhân dân Thứ Bẩy và Quân đội Nhân dân Cuối tuần.

Thảo nào, với thẻ nhà báo, chàng thi sĩ đã vào đến tận đây đón Dung. Ngay chiều hôm ấy, chúng tôi đi café phố Hàm Long. Dung và thi sĩ trẻ âu yếm nắm tay nhau không rời, bên ly café đen không đường nóng rẫy vị Hà Nội.

Thi sĩ tóc bềnh bồng, mắt mơ màng sau cặp kính trắng, nắm tay Dung, nhỏ nhẹ, run run nói với tôi: "Với em, Lê Dung bao giờ cũng 17 tuổi". Tình yêu "như trái phá con tim mù lòa" (ca từ Trịnh Công Sơn) ấy đã làm Dung trẻ lại đúng tuổi 17 đáng ao ước: "17 tuổi lòng ai không hồi hộp, ngồi trong rạp hát đợi màn lên" (thơ Lưu Quang Vũ).

Và từ đấy cho đến khi về cõi, (dù tình yêu với thi sĩ trẻ, khi thành tình chồng vợ, đã dẫn đến cuộc chia tay định mệnh sau đó), vẫn đã là cả một quãng sống trữ tình và thăng hoa nhất của Dung trong nghiệp hát. Không ai có thể hát hay, nồng cháy, đa tình, kỹ thuật hoàn hảo hơn Dung và như Dung và được phong tặng danh hiệu cao quý: NSND, ngay  khi còn là ca sĩ trẻ như Dung hồi bấy giờ và có lẽ cho đến hôm nay.

Dung mê say hết lòng lối hát dân ca độc đáo, đặc hiệu của NSND Thương Huyền. Dung ngấm sâu vào lòng chất lãng mạn cách mạng và chất lãng mạn đồng quê Việt vốn có, quấn quyện rất hài hòa trong giọng nữ cao trời cho của Thương Huyền.

Chính Lê Dung đã học được cách hát, cách buông câu nhả chữ thần kỳ, cách rung hột vô cùng nhẹ nhõm tinh tế của Thương Huyền, để trở thành người hát opera số một Việt Nam, với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trong suốt hai thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX.

Nhờ có sự học thông minh sáng láng này, cùng những tháng ngày tập luyện gian khổ ở Tchaikovsky, Dung đã có lối hát nhẹ như bấc, giọng hát trong vắt du dương, đẫm đầy tình cảm.

Lạ nhất là Dung đã mang theo hành trang hát của mình tất cả những gì học được của thế hệ trước: Thương Huyền, Minh Đỗ, Kim Ngọc, Thái Thanh, Khánh Ly… vào opera vốn của Tây phương. Dung đã phả vào opera phương Tây một tình điệu thuần Việt, khi sử dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật cao cường của một lối hát "rặt" Tây.

Từng hầu như chinh phục công chúng TP HCM trong lần đầu tiên gặp mặt 1992, và sau đó hoàn toàn chinh phục họ, và không chỉ họ, với lối hát opera rất đặc sắc, cách xử lý tài năng về kỹ thuật hát và độ chín tình cảm của Lê Dung trong âm vực cao nhất của giọng nữ cao (soprano), đã làm công chúng yêu giọng hát vàng Lê Dung bỗng dưng chỉ muốn… khóc.

Đã trải nhiều thập kỷ nghe hát, quá yêu mến nghệ sĩ Thương Huyền và Lê Dung, tôi đã e rằng, sau Thương Huyền, đã mất 1989, chỉ có thêm Lê Dung, ở thế hệ sau, đã đưa công chúng Việt yêu nhạc, vào những vùng âm thanh đỉnh của tác phẩm âm nhạc, bằng sự trong vắt của ngân rung cao vời, không mảy may gợn chút tạp âm, mà trong trẻo thông suốt như đường lên trời.

Lê Dung quả là giọng hát đầy nội lực đến mức có thể hoàn toàn tự sinh, càng hát càng chín, càng tươi thắm, càng mặn mòi như muối đọng dưới ánh sáng mặt trời. Vậy mà chính lúc đó, cung đàn đứt ngang dây.

Lê Dung đã ra đi, để lại một giọng hát còn xanh mãi…

.
.