Ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam:

Thực tế, chứ không thực dụng

Thứ Hai, 19/03/2007, 15:00
Ông là con người nổi tiếng giỏi ngoại ngữ, nói được nhiều thứ tiếng với giọng điệu như thể đó là tiếng mẹ đẻ. Một nhân vật được đào tạo chu đáo để làm công tác ngoại giao. Trên cương vị Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Vũ Xuân Hồng thực sự đã khiến nhiều người nước ngoài yêu, hiểu Việt Nam hơn sau khi trò chuyện với ông.

Khó có thể chọn ai thích hợp hơn cho công tác ngoại giao nhân dân như Vũ Xuân Hồng. Cuộc trò chuyện cuối tháng 2 với ông, diễn ra ngay trong chiều mùng 5 Tết Đinh Hợi, cũng đã bắt đầu từ công việc mà ông đang làm.

Nhẹ nhàng nói thật

Phóng viên (PV): Chúng ta có Quân đội nhân dân. Chúng ta có Công an nhân dân. Và lĩnh vực hoạt động của ông là ngoại giao nhân dân. Đâu là sự khác nhau giữa ngoại giao nhân dân với ngành Ngoại giao theo khái niệm thông thường, thưa ông?

Ông Vũ Xuân Hồng (VXH): Về mục đích thì không có gì khác nhau. Ngoại giao nhân dân, ngoại giao Nhà nước hay công tác đối ngoại của Đảng đều hướng tới chung một mục đích là góp phần làm cho đất nước mình phát triển vững mạnh thông qua các mối quan hệ quốc tế. Nhưng về phương thức hoạt động và kỹ năng nghiệp vụ thì mỗi lĩnh vực mỗi khác, bởi lẽ đối tượng chủ đạo hướng đến cũng khác nhau.

Có người nói rằng ngoại giao nhân dân là ngoại giao không chính thống. Thực ra, theo tôi, nó lại rất chính thống. Có người nói rằng ngoại giao nhân dân là "ngoại giao du kích", thực ra nó rất chuyên nghiệp. Có người nói rằng ngoại giao nhân dân là ngoại giao "trang điểm", thực ra hoạt động của nó mang tính cốt lõi rất sâu đậm.

Bởi lẽ, ngoại giao nhân dân có sứ mệnh rất quan trọng, đó là gây dựng cơ sở nhân dân, nền tảng quần chúng cho quan hệ giữa nước mình với các nước khác.

PV: Đã bao giờ trong công việc của mình, ông tới gặp đối tác và họ bảo, chúng ta làm ngoại giao nhân dân, chúng ta hãy cùng nhau bỏ cái tác phong ngoại giao đi và hãy nói thành thực với nhau, "không ngoại giao"? Tức là trò chuyện với nhau không phải trên quyền lợi của chính quyền mà của nhân dân. Ông cũng biết rằng, không phải ở nước nào quyền lợi của chính phủ cũng trùng khít với quyền lợi của nhân dân như ở Việt Nam ta...

Ông VXH: Tôi hiểu vấn đề này. Đối ngoại nhân dân là tiếng nói thực của người dân nước mình tới người dân nước khác. Và đối ngoại nhân dân chính là cái kênh mà mọi người có thể đi tới với nhau, gạt bỏ những bất đồng hiện hữu mà tìm những điểm tương đồng có thể có trong ước mơ, trong nguyện vọng, trong cách ứng xử và trong văn hoá để tạo nên một mặt bằng nào đó có lợi cho cả hai bên. Đó là cái độc đáo của đối ngoại nhân dân.

Tôi đã từng gặp các chính khách rất nhiều nước, không phải trong không khí trọng thể chính thức mà trong không khí đầy tình người để nói với họ những câu chuyện rất thực, những cách nhìn rất thực của người dân ta mà họ còn chưa hiểu được. Đó là những câu chuyện chân thành, là tiếng nói thực sự xuất phát từ trái tim, không lảng tránh những bất đồng nhưng nhấn vào những điểm tương đồng...

Và rốt cục là, những câu chuyện như thế về sau đều ít nhiều có tác động đến quan niệm và cách ứng xử của họ trong quan hệ chính thức với Việt Nam...

PV: Tức là ngoại giao nhân dân có nhiệm vụ chính là làm các dân tộc, các quốc gia gần nhau hơn trên căn bản những quyền lợi thực mang đậm tính người. Hiểu như vậy có đúng không, thưa ông?

Ông VXH: Đúng thế. Và để làm vậy, cần biết cách nói ra sự thật dù có cay đắng đến mấy với giọng điệu nhẹ nhàng, thuyết phục nhất.

PV: Tất cả chúng ta đều biết một câu nói nổi tiếng của một chính khách Anh từ một vài thế kỷ trước: Không có bạn bè vĩnh viễn và cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi dân tộc vĩnh viễn. Tôi cũng rất tán đồng ý tưởng cho rằng, về mặt tiền đề, không nên coi bất cứ quốc gia nào là kẻ thù vĩnh viễn, cũng không nên ngây thơ tin tưởng rằng có quốc gia nào đó lại là bạn bè vĩnh viễn một cách vô điều kiện.

Quan trọng là cần sắp xếp sao cho quyền lợi của dân tộc mình không trở nên đối nghịch với quyền lợi của các dân tộc khác, quan trọng là làm sao để sự phát triển của mình không trở thành nguyên do khiến dân tộc khác cảm thấy họ bị thiệt thòi... Và phải biết cách chuyển thù thành bạn...

Nhưng làm thế nào để đạt được mục tiêu đó, thưa ông?

Ông VXH: Chỉ có cách duy nhất là cố gắng và luôn luôn tìm ra được điểm đồng thuận với nhau. Tôi lấy ví dụ như trong quan hệ với Mỹ. Người Mỹ rất thích nói về nhân quyền, về tôn giáo...

Bản thân xã hội Mỹ và cuộc sống của nước Mỹ khiến cho dân Mỹ  tin vào các giá trị nhân văn của họ. Cộng thêm tiềm năng kinh tế, quân sự rất hùng hậu và hơn hẳn các nước khác càng khiến cho người Mỹ dễ nhiễm tư duy muốn áp đặt cho thế giới những tiêu chí, quan niệm của họ về nhân quyền, về tôn giáo.

Chuyện này cũng chẳng có gì lạ vì xưa nay, ai mạnh cũng muốn át người khác và muốn người khác chấp nhận các giá trị của mình như những giá trị...

PV: Tuyệt đối!

Ông VXH: Tuyệt đối và duy nhất đúng. Trong trường hợp đó, theo tôi, ta không thể chỉ nói chuyện với họ bằng cách cao giọng được, mà phải thủ thỉ, nhẹ nhàng, với những dẫn chứng thực từ cuộc sống của chính chúng ta để họ hiểu rằng, hành động không giống họ không phải là không tôn trọng nhân quyền, không phải là không có tự do tôn giáo...

Tôi nhớ một chuyện mà chính tôi đã chứng kiến. Một đoàn người Mỹ về Vĩnh Linh, vùng đất rất khắc nghiệt trong chiến tranh. Gặp một bà mẹ già, họ hỏi: Thưa mẹ, ở đây có vấn đề gì là có vi phạm nhân quyền không? Bà mẹ ấy quay sang hỏi chúng tôi xem các vị khách nước ngoài từ đâu tới, có phải là người Mỹ không? Khi biết họ là người Mỹ, bà mẹ nói với chúng tôi, các con hãy dịch hộ cho họ nghe rằng, hãy trả lại cho mẹ ba đứa con của mẹ mà họ đã giết, hãy dựng lại cho mẹ ngôi nhà mà họ đã 5 lần đốt trụi rồi thì chúng ta nói chuyện với nhau về nhân quyền...

Tôi nghĩ rằng đối thoại với người Mỹ theo kiểu đó là rất thuyết phục. Thế mạnh trong vấn đề nhân quyền của Việt Nam là dân tộc mình đã đấu tranh chống thực dân, đế quốc vì độc lập, vì tự do dân tộc, vì quyền được làm người như mình muốn.

Đó chính là cái quyền thiêng liêng nhất của con người. Những ai ở nước Mỹ hiểu ra được điều đó thì họ ngồi đối thoại với chúng ta về nhân quyền bình tĩnh và thiện chí lắm.--PageBreak--

Ai cũng yêu Tổ quốc mình trước nhất

PV: Tôi luôn nghĩ rằng, có những tiêu chí và quan niệm phát huy vai trò tích cực với người Mỹ, trên lãnh thổ Mỹ nhưng khi mang sang một xứ sở khác, tới với những dân tộc khác thì kết quả không mấy khi được như ý muốn. Ngay trên thế giới bây giờ, nhìn nhận một cách cực kỳ khách quan, ở những nơi có sự can thiệp của người Mỹ thì thường là mọi sự trở nên căng thẳng hơn, thậm chí mất an ninh hơn.

Đó là điều cực kỳ dễ thấy. Tuy nhiên, nói thật là tôi vẫn không hiểu, tại sao vẫn còn những người Mỹ, có văn hóa cao hẳn hoi, có tấm lòng nhân văn hẳn hoi lại không chịu hiểu ra điều này. Họ cứ nghĩ rằng cái gì tốt với họ thì mặc nhiên tốt với phần còn lại của thế giới. Ông từng tiếp xúc với nhiều người Mỹ, liệu ông có thể lý giải cho tôi về hiện tượng này được không?

Ông VXH: Theo tôi, đang đến một thời điểm mà có rất nhiều giá trị của nền văn minh Mỹ đang được chính người Mỹ xem lại. Chúng ta cũng cần phải nhớ rằng, nền văn minh Mỹ được hình thành trong “melting pot”, cái nồi hầm nhừ nhiều bộ phận cấu thành từ các chủng tộc, các nền văn hóa khác nhau và tạo nên một loạt những giá trị đã thấm thực sự vào người Mỹ. Thấm vào cả những nhà văn vĩ đại, cả những nhà sáng chế vĩ đại, cho đến những người bình thường.

Và chỉ có những cú sốc lớn mới có thể buộc người Mỹ xem xét lại những giá trị mà họ từng cho rằng vĩnh viễn đúng, duy nhất đúng. Chiến tranh Việt Nam từng là một cú sốc lớn như thế. Nhưng chúng ta cũng cần phải hiểu rằng, ngay cả những người Mỹ xuống đường biểu tình chống chiến tranh trước kia cũng trước hết là vì họ yêu nước Mỹ của họ.

PV: Thật ngây thơ nếu ta nghĩ rằng họ chống chiến tranh ở Việt Nam chỉ vì họ yêu đất nước chúng ta hơn Tổ quốc của họ.

Ông VXH: Câu chuyện liên quan tới Việt Nam là cơ hội để người Mỹ nhìn lại những giá trị của đất nước họ một cách đầy đủ và rõ ràng hơn.

PV: Những người Mỹ chân chính biết ơn Việt Nam bởi vì chúng ta đã tạo ra một cơ hội cho họ nhìn nhận lại bản thân mình và làm cho đất nước của họ trở nên tốt đẹp hơn, hữu lý hơn?

Ông VXH: Chiến tranh Việt Nam đã tạo cho người Mỹ có một cơ hội nhìn lại những giá trị của nước Mỹ, nhìn lại những cái chưa hoàn thiện của nước Mỹ, nhìn lại những vấn đề hạn chế rất cơ bản của nước Mỹ. Tôi nghĩ rằng, câu chuyện giữa Mỹ và Việt Nam hiện nay vẫn đang tiếp tục diễn ra, ở một cường độ khác và có sự giao lưu hơn trước rất nhiều.

Và rõ ràng là cũng tốt hơn trước rất nhiều. Tổng thống George Bush chẳng hạn, khi chuẩn bị sang đây đã rất băn khoăn vì không hiểu ông sẽ được đón tiếp thế nào. Nhưng tới Việt Nam rồi thì ông ấy đã thu nhận được những ấn tượng rất tốt, hữu nghị, rất thân thiện !

Tôi nhớ, cách đây 7 năm thôi, khi ông Bill Clinton sang và đứng chụp ảnh dưới cờ và chân dung lãnh tụ của chúng ta thì việc đó đã trở thành một câu chuyện rất ầm ĩ ở Mỹ. Mới đây, ông Clinton sang Việt Nam và xin phép được vào Lăng viếng Bác Hồ. Lần này tại Mỹ không có ai làm ầm ĩ lên cả. Ngược lại có tờ báo lại đánh giá đó là một hành động rất có văn hóa, rất biết "nhập gia tuỳ tục" của ông Clinton.

Thế là đã có sự thay đổi tư duy tích cực về quan hệ Việt - Mỹ ở chính nước Mỹ rồi.

PV: Người Mỹ bây giờ đã hiểu về chúng ta đúng hơn trước.

Ông VXH: Những sự mất mát của chúng ta trong chiến tranh và hậu quả của nó đến tận bây giờ, cũng như thiện chí hòa hiếu rất Việt Nam ta đã giúp cho người Mỹ hiểu hơn về ta. Tôi nhìn câu chuyện của nước Mỹ với Việt Nam là như vậy. Cho nên, tăng cường giao lưu, tăng cường hợp tác, tăng cường nâng cấp quan hệ hai bên lên là rất cần thiết cho chúng ta và cần thiết cho cả nước Mỹ.

PV: Thực ra, mình xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia thì mình được lợi cho chính bản thân mình hơn. Và chúng ta đừng lo lắng, nếu chúng ta đối xử tốt đối với quốc gia này hay quốc gia khác nhiều hơn trước thì chúng ta dễ bị mất chất của chúng ta. Dù có thể rất yêu hay rất thích một nước nào đó nhưng những người Việt chân chính bao giờ cũng yêu Tổ quốc của mình nhất...

Ông VXH: Đấy cũng chính là điều mà tôi muốn nói.

PV: Khi biết yêu người khác, biết tôn trọng người khác, dù có thể đồng tình hay không đồng tình với quan điểm của họ, ta càng có thêm cơ hội để họ hiểu và yêu Tổ quốc của ta hơn.

Ông VXH: Quan hệ giữa con người với con người, giữa cá nhân với cá nhân là vấn đề đơn giản, nhưng trong rất nhiều trường hợp, đằng sau đó lại là lợi ích của dân tộc, của quốc gia. Mình yêu dân tộc mình, mình muốn nâng vị thế của dân tộc mình lên, thì mình hãy hiểu rằng các dân tộc khác cũng có nguyện vọng như vậy. Và tốt hơn hết là tiến lại gần nhau, trở thành bạn của nhau.

Không ngẫu nhiên mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X lại khẳng định rằng, chúng ta sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Thực sự là bây giờ, chúng ta đồng hành cùng các nước trên thế giới, hiểu được lợi ích của các nước khác hơn và họ cũng hiểu được lợi ích của ta hơn, tôn trọng ta hơn. Và như thế lợi ích chung của từng nước cũng sẽ gia tăng thêm nhiều so với trước.

PV: Tư duy một cách biện chứng, nếu muốn yêu nhân loại một cách thực sự thì phải yêu dân tộc mình hơn tất cả. Nhưng nếu muốn yêu dân tộc mình hơn tất cả phải biết yêu toàn bộ nhân loại, biết tiếp cận với nhân loại, biết kết bạn với cùng các dân tộc khác.

Ông VXH: Tôi nghĩ ý kiến của anh là rất hoàn toàn chính xác, tôi chia sẻ hoàn toàn ý kiến đó với anh. Mình muốn yêu dân tộc mình thì mình phải biết yêu nhân loại. Và trong nhân loại đó có những lợi ích của dân tộc khác nhau, mình cũng phải biết tôn trọng.

Hội nhập với thế giới, không bao giờ chúng ta đánh mất chúng ta được đâu. Ngay cả khi tới đây những thách thức mới ập đến, dân tộc Việt Nam mình vẫn có đủ bản lĩnh và sức lực để vượt qua, để tiếp tục đi tới đỉnh. Cốt cách của chúng ta là thế!--PageBreak--

Cân đối các mối quan hệ

PV: Cũng như ông, tôi đã từng học ở Liên Xô cũ 6 năm. Bây giờ, mỗi khi có ai hỏi tôi, có phải vì Liên Xô cũ quá tuyệt vời nên anh yêu nước Nga như thế không, thì tôi đều trả lời, tôi yêu nước Nga không phải vì nước Nga quá tuyệt vời. Nói chung, tôi vẫn nghĩ rằng, nếu ta từng đi du học suốt cả thời tuổi trẻ ở bất cứ một quốc gia nào khác thì ta cũng sẽ yêu quốc gia ấy như tôi yêu nước Nga.

Nói vậy để thấy rằng chúng ta không nên thiên vị bất cứ một nước nào khác ngoài Tổ quốc mình. Khác đi, nếu quá lụy quá khứ, có thể chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội để có thêm những người bạn mới... Ông nghĩ thế nào về quan niệm đó?

Ông VXH: Tôi có thể chia sẻ quan niệm với anh và tôi muốn trở lại câu chuyện rất chính thống về nền ngoại giao nước ta: Nếu hôm nay chúng ta đa dạng hoá quan hệ quốc tế thì không có nghĩa là chúng ta quên bạn bè cũ và đồng thời rất không nên chỉ vì quan hệ truyền thống mà bó tay mình.

Cần phải gìn giữ và nuôi dưỡng các mối quan hệ truyền thống nhưng đồng thời cũng phải mạnh dạn mở ra các quan hệ mới, bởi trong sự phát triển chung của thế giới, các nước đều cần một không gian quan hệ rộng lớn hơn, có mối quan hệ đa dạng hơn và thông qua những quan hệ đa dạng đó, mình mới tìm được con đường tối ưu cho lợi ích của dân tộc mình, đặt ở tầm cao hơn.

Trở lại vấn đề của nước Nga, tôi với anh cùng học ở nước Nga, trong lòng chúng ta cũng đau đáu một tình yêu nước Nga. Đã có thời chúng ta rất buồn vì Liên bang Xôviết tan vỡ, vì các mối quan hệ với nước Nga không được như thời Xôviết.

Nhưng nếu chúng ta cứ ủy mị, cứ quá trông đợi vào "chú gấu Nga" đang trong mùa ngủ đông kéo dài thì không được. Chúng ta vẫn sẵn sàng dành cho nước Nga những cơ hội tốt, những ưu ái để xây dựng những mối quan hệ làm ăn tốt, nhưng chúng ta không thể khoanh tay chờ đợi mà bỏ lỡ những cơ hội khác.

PV: Trong bất cứ trường hợp nào cũng không nên chỉ sống trong hoài niệm. Phải sống với hơi thở, nhịp thở của ngày hôm nay...

Ông VXH: Đúng vậy. Và câu chuyện đó là câu chuyện rất mới về mặt tư duy. Có người lo rằng, như thế là thực dụng quá. Tôi thì bảo, không phải chúng ta thực dụng mà là chúng ta đã sáng suốt và khôn ngoan hơn.

PV: Đúng, chúng ta thực tế, chứ không thực dụng.

Ông VXH: Chúng ta hôm nay nhìn ra thế giới với tầm nhìn rộng hơn và chính cái đó làm cho chúng ta vượt qua được những khó khăn. Nếu chúng ta cứ tiếp tục tư duy cũ và giậm chân tại chỗ để chờ đợi, thì chúng ta không thể có thế và lực như ngày hôm nay để đi ra biển lớn.

Tôi cho rằng, chúng ta đã có những thành công rất quan trọng trong thay đổi tư duy đối ngoại của đất nước ta thời kỳ đổi mới.

PV: Tư duy chính trị cổ truyền phương Đông ngày xưa cho rằng, là bạn của kẻ thù cũng là kẻ thù của ta, kẻ thù của bạn cũng là kẻ thù của ta. Xem ra, tư duy đó rất anh minh nhưng trong thời hiện đại thì không hẳn đã đúng trong mọi trường hợp nữa.

Trong công tác đối ngoại có lẽ chúng ta không quá câu nệ với quá khứ mà cần có một tư duy mới thích ứng với các biến động của thời cuộc.

Ông VXH: Thế giới bây giờ phát triển rất nhanh, rất mạnh và phức tạp; các lợi ích đan xen nhau. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta vẫn tiếp tục giữ tư duy cũ và chỉ co cụm lại, coi phần thế giới còn lại là xa lạ, là đối thủ thì quả là không thông minh. Nhưng để vượt qua được tâm lý đó cần có một bản lĩnh chính trị vô cùng mạnh mẽ và sự đồng thuận triệu người như một.

Chúng ta bây giờ không coi ai là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Ngay cả nếu như đối tác có cái gì đó xấu với chúng ta, thì một mặt chúng ta sẵn sàng đấu tranh nhưng mặt khác, chúng ta vẫn cố gắng khuyến khích bước qua những bất đồng để cổ vũ cho những cái tốt đẹp ngày càng nảy nở nhiều hơn. Cần phải biết tận dụng các lợi ích về kinh tế, về chính trị, về mối giao lưu văn hoá, tăng cường hiểu biết để giúp cho nhau giải quyết những vấn đề với nhau, giảm bớt những điều xấu trong quan hệ.

Tôi thấy cũng cần phải nhắc lại một điều, dù thế và lực ta hơn trước rất nhiều, nhưng nước ta vẫn là một nước  đang phát triển, còn nghèo.

PV: Cần có cách ứng xử thích ứng với nội lực của mình?

Ông VXH: Đúng thế. Mỗi bước đi phải vững chắc nhưng cũng phải khôn khéo. Làm gì thì trước hết chúng ta cũng phải tính tới lợi ích của dân tộc chúng ta.

PV: Và cân đối các mối quan hệ.

Ông VXH: Và đừng quên những câu chuyện ngày xửa ngày xưa. Ông cha ta đã nói: láng giềng gần là cận thân.

PV: Và nước xa không cứu được lửa gần...

Ông VXH: Vấn đề bây giờ là làm thế nào làm sâu sắc hơn, làm vững chắc hơn những mối quan hệ cũ bằng những nội dung mới, tinh thần hợp tác mới và sự tin cậy lẫn nhau.

PV: Tôi nhớ, người xưa cũng từng nói là, đừng quá cận kề cao nhân vì làm thế, mình dễ phải a dua theo cao nhân. Và cũng đừng quá xa lánh tiểu nhân, vì làm thế dễ khiến tiểu nhân oán hận. Trong quan hệ quốc tế, đôi khi cũng cần làm sao không để mâu thuẫn nhỏ trở thành thù địch và cũng không vì cái thuận lợi có thể là lớn để mặc nhiên cho mình rơi vào hoàn cảnh phụ thuộc...

Ông VXH: Trong đối ngoại nhân dân chúng tôi rất thấm thía phương châm ngoại giao của Bác Hồ: biến đại sự thành tiểu sự, biến tiểu sự trở thành vô sự. Theo Bác, trong quan hệ với các nước khi có trục trặc, cần cố gắng để biến chuyện lớn trở thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ trở thành chuyện không thành gì. Thế mới gọi là cái thế lớn của cả một dân tộc, lấy đại cục làm trọng!

PV: Với tiềm năng của mình như thế này thì luôn cần phải làm như vậy!

Ông VXH: Biết giải quyết những chuyện cụ thể trên một nền tảng tổng thể lớn các lợi ích của đất nước thì mới vững, mới bền, mới yên, mới lành. Tôi vẫn cứ hay nói với các bạn quốc tế rằng, trong lúc cả thế kỷ XX mọi người cứ thay nhau xây dựng đất nước phát triển thì chúng tôi chỉ đúng ngót nghét chục năm trọn vẹn hoà bình, bởi vì mãi tới năm 1994 Mỹ mới bỏ cấm vận với Việt Nam, mà cấm vận thì cũng là một dạng chiến tranh kinh tế.

Thế nhưng, chỉ trong vòng 10 năm hòa bình thực sự, chúng tôi đã nâng được tổng thu nhập lên gấp đôi. Hãy cho đất nước của chúng tôi điều kiện phát triển bình thường và thân thiện, chúng tôi cũng sẽ chứng minh cho các vị rằng, chúng tôi là đối tác rất tiềm năng và đáng tin cậy được.

PV: Chúng ta không tuyệt đối hoá những thành tựu đã đạt được, nhưng chúng ta càng không nên coi thường những thành tựu ấy. Nếu thích so sánh thì hãy cứ so sánh với chính bản thân mình chứ không nên đứng núi này trông núi nọ.

Ông VXH: Mình hãy so sánh với chính mình, với mấy năm trước thôi để thấy được sự phát triển đúng đắn của đất nước.

PV: Để không mất niềm tin!

Ông VXH: Đúng, để không mất niềm tin vào con đường phía trước vào tương lai mà chúng ta đã lựa chọn!--PageBreak--

Không kỳ vọng, sẽ không thất vọng

PV: Cách đây vài tháng, tôi có dịp đi ngang qua nước Nga. Tất nhiên, tôi vẫn thấy nước Nga có nhiều điều tốt đẹp nhưng nói thực, tôi có cảm giác như xã hội Nga hiện nay đang bị trở nên khép kín hơn so với thời Xôviết và người Nga có vẻ bớt thân thiện hơn đối với người nước ngoài. Theo ông, cảm giác này của tôi có đúng với thực tế không?

Ông VXH: Cảm giác đó là cảm giác đúng, nhưng chỉ đúng về mặt hình thức. Vâng, nước Nga đã thay đổi, cá biệt có những người Nga trở thành các phần tử phát xít mới, có những người Nga bị nhiễm tư tưởng kỳ thị chủng tộc, rất ghét người nước ngoài. Trên bề mặt, xã hội Nga có vẻ lộn xộn hơn xưa.

Nhưng nhìn sâu vào bên trong, thì tôi lại cho đấy chính là sự thể hiện bản năng tự vệ của nước Nga, để tồn tại, để củng cố nội lực của mình để trở lại vị thế cường quốc của mình trong tình thế hiện nay. Lãnh đạo đất nước thì có cách của lãnh đạo, còn dân chúng Nga thì có cách phản ứng của dân chúng.

Có một bộ phận rất nhỏ dân chúng nào đấy cũng manh động, họ nghĩ bài xích người nước ngoài là cách duy nhất để họ bày tỏ tình yêu nước Nga nhưng thực ra họ đang rất hại cho hình ảnh của nước Nga. Nhưng chúng ta cần phải thấy rằng, chính vì bản năng tự vệ mà nước Nga phải đang gồng lên chống chọi với áp lực từ bên ngoài, như là NATO tiến về sát biên giới; những khó khăn trong nền kinh tế, trong đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật; rồi tất cả câu chuyện ở trong không gian hậu Xôviết, khi mà những người đồng minh anh em SNG một thời thân thiết hôm nay bỗng trở lưng lại.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải nhìn tất cả câu chuyện một cách bình tĩnh. Và với tình yêu trước đây với nước Nga, hãy tôn trọng nước Nga, hãy để nước Nga tự quyết định xem nên viết câu chuyện của mình như thế nào. Nước Nga chắc chắn cũng không đến nỗi gì để mà làm chúng ta thất vọng. Nhưng chúng ta cũng đừng kỳ vọng gì ghê gớm lắm để rồi sẽ phải thất vọng!

PV: Ông hẳn cũng biết chuyện chính quyền Nga mới đây đã thi hành nhiều biện pháp để lập lại trật tự người nước ngoài bán hàng ở các chợ. Việc này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới cộng đồng người Việt bên đó...

Ông VXH: Câu chuyện nước Nga muốn lập lại trật tự đối với người nước ngoài cư trú tại Nga là cái đúng quá rồi. Nước nào mà chẳng muốn làm được điều đó. Việc ấy không phải nhằm vào người Việt, và không phải do người Việt gây ra. Nhưng người Việt ta đã bị ảnh hưởng bởi việc đó.

Tôi đã nói với các bạn Nga, những người cũng có thế lực, quyền lực chính thức ở Moskva, rằng, chúng tôi sẽ theo dõi rất chặt chẽ việc này, chúng tôi tôn trọng pháp luật của nước Nga và mong muốn nước Nga có ổn định và sống trong pháp luật. Nhưng câu chuyện của hai nước mình còn là câu chuyện của tình nghĩa nữa, nó không đơn giản câu chuyện có tính pháp luật, mà đấy là con người.

Tôi nhớ như in khi lãnh đạo LB Nga cực chẳng đã có lúc phải quyết định tạm thời vặn van đường ống dẫn khí đốt đối với Ucraina, thì Tổng thống Putin đã nói: Đây là một câu chuyện hết sức nghiêm trọng, bởi vấn đề không phải là giá cả, mà vấn đề là ứng xử của chúng ta với hàng chục triệu người anh em Ucraina của chúng ta...

Tôi nghĩ, với một người như ông Putin thì người Việt chúng ta ở Nga sẽ không thể bị đối xử tồi tệ. Tuy nhiên, tôi cũng phải nói với các đồng chí Nga rằng, các đồng chí đang làm vì lợi ích của các đồng chí, các đồng chí đang làm vì luật pháp của các đồng chí nhưng nếu các đồng chí đẩy một vài trăm người Việt Nam đang cư trú tại Nga về nước, thì điều này làm chúng tôi rất khó ăn nói với nhân dân chúng tôi. Đây đã là câu chuyện của tình cảm rồi, nó không còn chuyện thuần túy lý trí nữa. Các đồng chí cần cân nhắc tính toán thế nào đó để cho nó tốt nhất, đừng để lòng biết ơn sâu rộng và tình yêu chân thành của chúng tôi với nước Nga bị tổn thương.

Cách ngoại giao nhân dân của chúng tôi chỉ nói được đến thế thôi, tôi không thể thay được các đồng chí khác để nói chuyện khác, tôi muốn nói câu chuyện này nó ảnh hưởng đến tình cảm của nhân dân Việt Nam như thế nào và hãy vì lợi ích trên cơ sở chiến lược lâu dài đó xử lý một vấn đề, tuy nhỏ thôi nhưng mà liên quan đến con người cho thật êm, thật tốt...

PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Thanh Quang (thực hiện)
.
.