Thử vẽ lại Chính (nhà văn Nguyễn Đình Chính): Chân dung kẻ quen mà lạ

Thứ Ba, 02/12/2008, 16:00
Tôi biết Chính vào lúc gã đã khá nổi tiếng với hàng loạt kịch bản phim mà có thể nói cho đến nay ít có tác giả viết kịch bản phim nào ở xứ ta bộc lộ được miếng và ý đồ một cách có nghề như gã…

1.  Lần đầu tiên gặp Chính đâu như vào đầu thập niên cuối cùng của thế kỷ XX trong một hàng lòng lợn tiết canh ồn ào và nhốn nháo ngay bên cạnh đường tàu phố Cửa Nam. Sau này chơi với Chính mới biết quầy hàng đó rất gần nhà Chính. Gã có thể đi bộ ra.

Hôm ấy Chính đi với Trần Dũng. Nhà văn thuần công nhân từng nổi một lứa với Đoàn Trúc Quỳnh, Lưu Nghiệp Quỳnh… Tôi thực sự cơ duyên với Dũng từ đầu năm 1973 khi cả hai đều được nhận giải thưởng cuộc thi văn học. Một cuộc thi do Bộ Nội thương lúc đó tổ chức nhưng giám khảo là hàng loạt các nhà văn đã có tên tuổi và có ghế ngồi trong chiếu trên của văn học Việt Nam đương thời như Xuân Diệu, Lộng Chương, Bùi Huy Phồn...

Hồi ấy có lẽ do trẻ, lại hoạt bát nên trông bề ngoài Dũng ngổ ngáo phù hợp với nghề lái xe, và có vẻ bặm trợn theo lối của một nhà văn chuyên đi thực tế ở những chốn bụi đời. Sau này chơi với Dũng tôi mới nhận ra đằng sau vẻ bụi bặm và cách nói bỗ bã còn sót lại của một tài xế, Dũng là một người Hà Nội quan phương và cổ điển. Câu nói quen thuộc để kháng lại mọi lời rủ rê chơi bời của bạn bè là "tao làm lái xe, mọi thứ chơi bời tao đã trải hết rồi. Lạ quái gì. Các chú  chưa biết gì thì cứ việc. Còn tao xin cho cáo".

Chơi với Dũng gần bốn mươi năm từ lúc là lái xe trơn đến Giám đốc NXB Lao động, tôi có thể khẳng định, đó là câu nói phét để ra điều từng trải của tay nhà văn ở phố Hàng Bún này. Tuy Trần Dũng bạo nói và luôn bảo vệ mạnh mẽ ý tưởng ngông ngạo nhưng xét thấy chân chính của bạn bè, trước sau như một với người tốt nhưng lại rất cáy trước mọi thứ chơi bời, du hý kể cả vào những năm giữa 90 của thế kỷ trước khi cả Hà Nội như phát rồ lên vì những trò chơi thời mở cửa… 

Đến nhà Chính ở Cao Bá Quát, tôi thấy ngàn ngạt một không khí văn chương và nghệ thuật. Bắt đầu là đám bạn bè khá đông dặt màu văn nghệ sĩ. Những Lê Huy Quang, Nguyễn Trọng Tạo, Hòa Vang, Vũ Hà, Lê Chức… Sau này thấy cả Đồng Đức Bốn đến "em em anh anh" với Chính. Người nào người nấy nói to, ồn ào "thằng nọ, con kia" giọng đầy khinh bạc và xem thường mọi sự trên đời. Thỉnh thoảng họ lại cười hô hố không rõ vì cớ gì. Thảng hoặc tôi thấy nhà văn danh tiếng tác giả "Con nai đen" và ca khúc "Người Hà Nội", thân sinh ra Chính rẽ vào. Cụ Thi thường ngồi yên lặng bên cạnh đứa cháu đích tôn có thân hình to hơn tuổi và khuôn mặt hiền lành cố giấu sự buồn cười vì quá quen với lời ăn tiếng nói lỗ mỗ của đám bạn bè của bố.

Có lần tôi rẽ vào. Chính giới thiệu tôi với bác Thi giọng bả lả khiến sau đó tôi nổi cáu bảo: "Mày mà gọi cụ thế bận sau tao không chơi với mày nữa". Chính toét cười: "Mày viết văn thì cách tân nhưng sống thì cổ điển quá. Thôi được tao sẽ sửa cho hợp lỗ nhĩ của mày".

Gia cảnh nhà Chính cũng lộ rõ chất văn nghệ con nhà nòi. Vợ Chính, nàng Lan béo tốt con gái họa sĩ lừng danh Mai Văn Hiến. Thấy bè bạn của chồng đến vẻ mặt Lan luôn đọng nụ cười chiều khách để rồi thì thào với chồng sau đó chui vào khoang bếp chỉ đủ một người đứng hay cập rập ra chợ để một lúc sau mang về một bọc giấy loang ướt mỡ đựng thức nhắm cho chồng và bạn. Lan là người vợ yêu chồng và quảng đại. Cô sẵn sàng tha thứ mọi khuyết tật của người đàn ông ở Chính. Cô đúng là kiểu đàn bà "phúc đức tại mẫu". Chính thực sự may mắn có được người vợ như Lan.

Hôm vợ chồng Lan Chính đến nhà tôi. Sau khi khen bếp nhà tôi rộng, Lan lập tức lao vào cùng vợ tôi vừa nấu đồ ăn vừa léo xéo bàn đủ chuyện thường nhật của đàn bà. Lắm khi tôi ngẫm, mọi thứ Chính đạt được, và kể cả mọi sự hóa giải điều nọ tiếng kia trong đời gã chồng tài hoa và phức tạp kia đều do cái đức của cô mà ra. Về uống, Chính hoàn toàn khác hẳn đến độ gần như ngược lại với cách ăn nói văng mạng của gã. Dù rượu hay bia, gã đều uống một cách tiết chế và chủ động. Vì thế chưa bao giờ tôi thấy gã say.

Không gian nhà Chính cũng tràn chất nghệ thuật. Chiếc đàn piano dợm mầu thời gian đặt ở góc phòng. Phòng và tường thì đầy ắp tranh do Chính vẽ một cách tuỳ hứng đủ mọi chủ đề, trong đó nhân vật nổi nhất là ngưòi đàn bà hừng hực vẻ đẹp thể xác khỏa thân ở mọi tư thế. Một bức sơn dầu treo ngay tường phòng khách có gam vàng chủ đạo thể hiện thân thể người đàn bà phì nhiêu bên cạnh cuốn sách hình như là Thánh Kinh mở ngửa. Nhân vật đang nhìn về cõi xa xăm có hình chiếc thập ác. Chính khoe với tôi bức này có bà Thụy Điển đã trả giá 500 đô. Thấy tôi có vẻ thích, gã lột ngay xuống tặng tôi với lời đề nghị: "Cậu phải vòng ra đường Nguyễn Thái Học, cạnh nhà bố Lan mua cái khung. Không nó phí tranh ra". Tôi phải bỏ ra một món tiền kha khá để mua chiếc khung và được Chính tặng kèm thêm một bức tranh có hình tương tự, kể cả cuốn sách mở ngửa, chỉ có điều tóc nhân vật đỏ ỏm và cô có dáng kỹ nữ mệt mỏi và rầu rĩ.

2. Nguyễn Đình Chính tuổi Tuất (1946). Mặc dù với chiều cao xấp xỉ 1m70 và cân nặng hơn 70 ký, trên cái cổ to vững trãi là cái đầu hiển hiện khuôn mặt vuông chữ điền cùng làn da ngăm đen khiến bề ngoài của Chính thực sự đàn ông và có vẻ hợp với chính nghề gã được đào tạo bài bản - kỹ sư cầu đường nhưng cả cuộc đời gã lại gắn bó với sự sáng tạo nghệ thuật. Sự quyết định khả năng của Chính có thể do đứng ở tuổi Tuất. Người tuổi Tuất đa phần linh hoạt, có tài kinh bang tế thế, và nhiều tài, nếu gặp giờ phát cũng có thể được xếp vào một vị trí lãnh đạo quan trọng.

Chính cũng từng giữ một vị trí "oách" ở một tạp chí hình như dư luận gì đấy nhưng ngồi chưa nóng chỗ thì gã lại trở về thân phận của tay nhà văn chân trắng. Khi tôi gặp gã thì Chính đã xưng xưng nói một cách khoái chí rằng: "Bây giờ tao là nghệ sĩ tự do".

Chính có cung số tuổi hay do được truyền cái gien đa tài của cụ thân sinh nên gã có thể viết văn, viết kịch bản cả phim lẫn kịch, sử dụng được sơn dầu, màu nước để vẽ, thỉnh thoảng Chính cũng nổi máu lên làm thơ (cách đây 5 năm gã đã khoe tôi vài bài thơ đăng trên Người Hà Nội. Giọng thơ cũng gập ghềnh và cách tân ra phết). Gần đây không hiểu đốc chứng hay làm ra vẻ phá phách, tìm đường sáng tạo nên tung lên mạng hàng đống thơ mà đọc lên người kỹ tính, nhút nhát đỏ mặt (riêng tôi nghĩ khi người ta đã ngoài sáu mươi mà còn tìm đến cách tân, phá cách như vậy trong nghệ thuật thì đáng nể, còn những bài thơ đó của Chính thì…). Gã sử dụng được kỹ xảo pêđan khi chơi piano.

Ở góc nhìn của mình đôi khi tôi lấy lạ rằng kịch bản phim của Chính hay, lạ là thế mà kịch bản sân khấu của tay này lại không được như ý lắm. (Kể cả "Duyên lạ trần gian" thấy bảo được giải tận Hàn Quốc). Tôi lấy cái kịch được Nhà hát Kịch Việt Nam dựng làm ví dụ. Kịch này dựng cách đây hơn hai mươi năm thuở sức viết của gã đang sung, có đầu đề đâu như "Bài ca chiến sĩ" thì y hệt như một xã luận được thể hiện bằng hình thức kịch. Cái giỏi là một kịch bản như thế mà lại được một đoàn kịch hàng đầu dựng.

Một thể loại văn chương nữa của Chính mà tôi rất thích đọc, ấy là vẽ chân dung bạn bè. Điều này tôi đã từng thấy hồi cần tiền, Chính đã bỏ ra ba bốn tháng trời để viết cả một roman về anh hùng Nguyễn Hải Thoại, Tổng Giám đốc TCTXD Cầu Thăng Long dày cộp. Theo tôi cuốn này không thành công lắm dù được lấy tài liệu và viết khá công phu. Bù lại đọc những chân dung ngắn về đám nhà văn bạn bè thì thấy giọng văn của Chính thật sướng mồm vì sự linh hoạt, nhanh nhạy của ngôn từ và sự nắm bắt thật nhanh cái thần của người được vẽ. Chỉ cần đọc vài dòng này thì người đọc thấy ngay Chính vẽ chân dung ai "Đội tuổi Mậu Tý (1948). Tuổi rất có duyên nổi tiếng văn chương. Trán hói. Mắt ranh như mắt chuột. Đã có tật nói lắp mà lại hay quát tháo nhặng xị luôn mồm (tất nhiên quát đùa thôi). Quanh năm (trừ mùa đông) diện áo thổ cẩm cổ tròn, không khuy, buộc dải. Giày da mõm vuông sành điệu. Rất quảng giao…".

Tóm lại, Nguyễn Đình Chính đúng là tay nhà văn nhiều khả năng và cũng nhiều thành tựu. Ví thử có nhà xuất bản nào định làm một toàn tập hay một tuyển của gã thì cũng phải có ngót chục tập với hàng nghìn trang cùng nhiều thể loại….

3. Người đời, trong giới nói nhiều về Chính theo những dư luận trái chiều, có lúc không mấy thiện ý. Với tôi, Chính là một nhà văn đích thực, một người có tâm tốt. Một thằng bạn nhiệt tình. Làm cho bạn bè cái gì là Chính làm hết mình… Cái tốt của Chính đối với bạn bè tôi nhận ra là sự đồng cảm và ít nhiều có sự quí mến chất sáng tạo trong nghiệp văn chương. Tất nhiên cuộc đời là bảng màu đa sắc. Chính màu đỏ, xanh, vàng, tím bên cạnh sự nhờ nhờ, nhàn nhạt của những màu pha. Mỗi người là một thứ màu và vì khác nhau nên có kẻ thích, kẻ ghét. Sự ghét, sự yêu ngoài sự đồng điệu, am hiểu thông cảm còn bắt đầu bởi lòng dạ thánh thiện hay ghen ghét.

Chơi với Chính, tôi nhận ra điểm mạnh nhất của gã là một khả năng ưa sáng tạo và không muốn mình bị làng nghề quên mình. Từ của gã là đôi lúc "đánh bóng" mình lên. Cũng bởi vì hai đặc trưng đó thỉnh thoảng trên con đường ray của đời mình, người ta lại nhắc đến gã vì những sự cố do chính gã vô tình hay cố ý gây ra. Lúc thì do tài năng của gã bột phát, lúc lại do tính cách sồn sồn bộc trực của mình…

Ngay trong tình yêu cha cũng vậy. Chính yêu người cha vĩ đại của mình theo lối riêng đầy tính cách. Tôi còn nhớ, ngày kỷ niệm sinh nhật bác Thi, đâu như vào năm 1999 hay 2000 gì đấy, tôi thấy Chính gọi điện bảo tôi đến khách sạn Phú Gia. Đến nơi thấy khách mời có nhạc sĩ Văn Dung, Tiến sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Xuân Đào, con trai nhà văn Nguyễn Tuân đang ngồi lâm râm trò chuyện theo giọng tâm sự ở góc kín đáo trong ánh nến chung chiêng. Thấy bảo Chính đề nghị nhà hàng để như vậy.

Thêm một điều lạ nữa là chả biết gã nói thế nào mà bác Thi bảo tối ấy muốn nghe tôi hát "Người Hà Nội" với piano đệm. Rất may pianist của khách sạn Phú Gia hôm ấy không đến. Mấy bác cháu, anh em chúng tôi đi đến hai nhà hàng khác đều không có đĩa "Người Hà Nội". Nhìn vẻ mặt ái ngại của Chính, tôi biết gã rất yêu cha và muốn ngày vui của bố hôm ấy có một thứ chơi lạ. Chính vì tình yêu với bố như vậy nên dường như Chính muốn đến thế hệ của gã cũng muốn ghi dấu thật sâu đậm văn tài của mình. Văn tài này phải hoàn toàn khác hẳn, riêng biệt một khoảng trời riêng so với những đền đài trong thơ, trong tiểu thuyết và trong nhạc cụ thân sinh đã tạo ra. Ý thức như vậy nên gã càng có tuổi, sự nôn nóng của gã càng bộc lộ với nhiều nỗ lực đến độ xoay xỏa và quay cuồng trong sự hạn hẹp bởi khả năng của mình. Nghĩ mà phục Chính, mà thương Chính và với tư cách của kẻ ngày ngày cầm bút, gõ máy tính như một rôbốt thấy đồng cảm hơn với thằng bạn tài hoa mà đa đoan luôn luôn choang choác của mình.

Cuối tháng 11/2008

Nguyễn Hiếu
.
.