Thủ lĩnh FiFa và vương quốc ngầm ở Zurich

Thứ Ba, 30/10/2007, 07:10
Trong thế giới hiện đại, bóng đá không đơn thuần là thể thao mà còn là lĩnh vực kinh doanh hái ra tiền, có ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhiều mặt đời sống, thậm chí cả chính trị. Vì thế nên Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) không chỉ là một tập hợp các câu lạc bộ túc cầu. FIFA hoàn toàn có quyền được coi như một trong những doanh nghiệp khổng lồ với thu nhập hằng năm lên tới cả tỉ USD.

Đại bản doanh FIFA hiện nằm ở TP Zurich, Thụy Sĩ. Chủ nhân đương nhiệm của FIFA cũng là một công dân Thụy Sỹ, ông Joseph Sepp Blatter. Theo mô tả của phóng viên tạp chí Nga "Itogi", trụ sở FIFA mới được khánh thành có kết cấu như các ngân hàng nổi tiếng của Thụy Sĩ: Mọi thứ quan trọng nhất đều nằm ở các tầng ngầm. Mọi bí mật bản hãng được gìn giữ cực kỳ cẩn thận.

Mê hồn trận

Trụ sở FIFA là một tòa nhà lớn, có hình dáng như một con tàu vũ trụ tới từ hành tinh khác. Những tấm phản quang màu sáng bạc tạo cho tòa nhà dáng vẻ thanh nhã và lịch lãm. Nội thất ở đây còn có thể khiến du khách tới thăm phải trầm trồ hơn nữa.

Phòng nghỉ rộng mênh mông tạo nên cảm giác như ta đang ở trong một ngôi đền - ngôi đền của bóng đá. Bệ thờ là bộ sưu tập vô số những chiếc cúp mà trong đó, nổi bật hơn cả là World Cup.

"Đế chế" FIFA của ông Blatter hiện có hơn 270 triệu thần dân - đó là con số đăng ký chính thức các cầu thủ, trọng tài và huấn luyện viên bóng đá trên thế giới. Và tất cả các mối dây điều hành hệ thống thể thao, tiền bạc và chính trị phức hợp này đều dẫn về tầng ngầm của tòa nhà FIFA.

Theo lời đại diện báo chí FIFA, để có được cơ ngơi như hiện nay với hai tầng nổi và năm tầng ngầm đã phải mất tới 200 triệu USD. Tại sao lại phải xây dựng nhiều tầng ngầm đến thế? Lý do rất đơn giản: Ở khu vực mà trụ sở FIFA nằm, luật pháp Thụy Sỹ không cho phép xây nhà cao quá hai tầng.

Hai tầng nổi của trụ sở FIFA được xây dựng từ thép và kính bao gồm các phòng làm việc dành cho 290 nhân viên, mỗi người có một bàn làm việc cạnh cửa sổ. 5 tầng ngầm được dành cho lưu trữ tài liệu, các công trình kỹ thuật, garage và phòng họp của Ủy ban Điều hành FIFA.

Theo ý tưởng của kiến trúc sư tòa nhà, các trí tuệ hàng đầu của nền bóng đá thế giới cần phải ngồi ở nơi xa cách hẳn những phù hoa trần thế để bình tĩnh thảo luận những vấn đề sinh tử của môn túc cầu. Dưới tầng hầm cũng có cả một phòng hành lễ để tất cả các tín đồ của các tôn giáo đều có thể cầu nguyện cho chiến thắng trên sân cỏ…

Các phòng ngầm được sắp xếp như một mê hồn trận mà nếu đi vào không có người hướng dẫn, ta rất dễ bị lạc. Mọi nhu cầu của con người đều được thỏa mãn trong trụ sở của FIFA, duy chỉ phòng ăn là không có. Cũng theo ý tưởng của kiến trúc sư, trong ngôi đền của bóng đá không thể nào có mùi của xúc xích nướng.

Tại đây chỉ có một quán cà phê nhỏ, còn các nhân viên FIFA khi tới bữa phải đi ra ngoài, tới những tiệm ăn ở xung quanh để "thanh toán" nạn đói. Đó có lẽ là điều bất tiện duy nhất trong trụ sở FIFA.

Nhưng với mức lương tháng của các nhân viên bình thường làm cho FIFA là 5 nghìn euro thì họ hoàn toàn có thể chịu được giá dùng bữa tại các nhà hàng ở Zurich (mức lương của các nhà lãnh đạo FIFA được coi là bí mật kinh doanh nên không được tiết lộ).

Người cầm chịch cứng đầu

Đương kim Chủ tịch FIFA Blatter được đánh giá là một nhân vật phức tạp. Công dân Thụy Sỹ nói tiếng Đức, năm nay 71 tuổi, ông đã từng trải qua nhiều sóng gió nhưng không một vụ việc nào, ngay cả những vụ tai tiếng liên quan tới tham nhũng cũng không thể loại ông ra khỏi vai trò người cầm chịch trong bộ máy điều hành FIFA.

Thậm chí, cuộc đối đầu công khai với cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) Lennart Johansson cũng đã không mấy ảnh hưởng tới hoạn lộ của ông Blatter. Tài năng nổi trội của ông Johansson là công tác tổ chức hoàn hảo Champions League siêu lợi nhuận.

Có lúc tưởng như vụ phá sản của hãng marketing ISL đã làm kết thúc sự nghiệp của Chủ tịch FIFA. ISL đã nhận 25% tiền cò từ các hợp đồng của FIFA với các nhà tài trợ và các hãng quảng cáo. Thế nhưng, ISL mặc dầu được nhận những khoản béo bở như thế vẫn phá sản, không để lại cho ngân quỹ FIFA xu nào.

Nhà báo Anh Andrew Jennings đã tìm được bản sao những tài liệu cho thấy, ISL đã "lại quả" cho các nhân viên FIFA thông qua các luật sư của ông Blatter. Tuy nhiên, khi những chứng cớ chết người này được tung ra một cách dai dẳng, các đối thủ của ông Blatter đã quên tính tới một điều: Ông rất giỏi trong "công tác quần chúng".

Suốt 17 năm giữ vai trò Tổng Thư ký FIFA, ông Blatter đã đích thân đảm nhận việc tài trợ cho các Liên đoàn bóng đá các nước châu Á và châu Phi và vì thế, ông luôn nhận được từ đó sự ủng hộ không nhỏ. Còn ông Johansson dù có bên cạnh mình uy tín lớn của UEFA và ảnh hưởng của những câu lạc bộ bóng đá hùng hậu nhất châu Âu vẫn không thể thắng được ông Blatter trong cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA.

Họa vô đơn chí, sau đó ông Johansson còn bị mất luôn cả chức Chủ tịch UEFA. Ông Blatter đã tham gia rất tích cực vào cuộc bầu cử Chủ tịch UEFA hồi tháng giêng năm 2007 (việc này, thực ra là vi phạm các nguyên tắc ứng xử trong làng túc cầu). Đối thủ của ông Johansson là cựu danh thủ người Pháp Michel Platini.

Mặc dầu là người đã ba lần đoạt Quả bóng vàng châu Âu, vô địch châu Âu năm 1984 nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn, Platini chưa chắc đã chiến thắng được ông Johansson nếu sau lưng anh không có ông Blatter.

Trong các cuộc vận động tranh cử của Platini, ông Blatter đã đi theo anh như hình với bóng. Và khi Platini vượt lên trên ông Johansson gần như ngay ở phút cuối cùng của cuộc đua, ông Blatter đã cười rạng rỡ tuyên bố: "Tôi đã không hề hoài nghi chút nào vào chiến thắng của Platini!".

Khả năng thoát hiểm siêu phàm của ông Blatter được lý giải theo nhiều cách khác nhau. Một số người cho rằng, ông là chuyên gia số 1 về đấu pháp bên ngoài sân cỏ. Trong thời gian làm Chủ tịch FIFA (từ năm 1998), ông đã lần lượt loại được hết các đối thủ công khai hay ngấm ngầm của mình.

Tuy nhiên, theo đại diện báo chí của FIFA, quan niệm trên chẳng qua là ý kiến của những kẻ ghen ăn tức ở. Bóng đá là một lĩnh vực đặc biệt mà bất cứ một cổ động viên nào cũng cảm thấy mình là người hiểu biết sâu sắc, thậm chí hơn cả huấn luyện viên đương nhiệm.

Và bất cứ một nhà tài trợ nào cũng có cảm giác như mình có thể điều hành FIFA tốt hơn ông Chủ tịch đương nhiệm. Thực ra, để làm được cho bóng đá những việc như ông Blatter đang làm rất không dễ.--PageBreak--

Lãng mạn và thực dụng

Trong Đại hội FIFA diễn ra vào tháng 5 vừa qua tại Zurich, ông Blatter là ứng cử viên duy nhất cho chức Chủ tịch. Và ông đã được 100% số phiếu bầu. Trong bài phát biểu nhân dịp tái đắc cử lần thứ ba, ông đã nhắc tới rất nhiều về những thành tích mà FIFA đã đạt được dưới sự lãnh đạo của ông.

Và ông coi việc dựng lên được trụ sở mới của FIFA là thành tích chính của mình trong nhiệm kỳ vừa qua. "Ai đó gọi tòa nhà này là cung điện. Nó thật hoành tráng, đầy sức mạnh và năng lượng. Nó vừa đồ sộ vừa thân mật với từng người tới thăm" - ông Blatter nhấn mạnh. Cả đại hội đã vỗ tay hoan hô những lời nói này của ông Blatter.

Nếu ông Blatter ngồi được trên vị trí Chủ tịch FIFA tới hết nhiệm kỳ thứ ba thì tức là ông sẽ tròn 30 năm giữ những vị trí cao nhất (Tổng Thư ký và Chủ tịch) của tổ chức túc cầu thế giới này. Đó là cả một thời đại. Tính chất thời đại đó như thế nào? Không có câu trả lời đơn giản.

Thoạt nhìn, có vẻ như ông Blatter cổ xuý cho ý tưởng của cựu danh thủ Platini nhằm hạn chế ảnh hưởng của doanh nghiệp lớn tới bóng đá. Tuy nhiên, như một quan chức cao cấp của FIFA nhận xét, Michel Platini là hiệp sĩ túc cầu và ông Blatter chỉ sử dụng anh như một yếu tố nhằm loại bỏ ông Johansson.

Về thực chất, ông Blatter không thể nào chống lại giới doanh nghiệp lớn vì bản thân FIFA hôm nay nói cho cùng cũng đã là một doanh nghiệp lớn rồi. Chỉ tính riêng thu nhập của FIFA trong World Cup tại CHLB Đức vừa qua từ tiền bán vé, bán quyền truyền hình, đồ lưu niệm, quảng cáo… đã lên tới 1,86 tỉ euro.

Trong khi đó chi phí để tổ chức World Cup chỉ ở mức 755 triệu euro. Cộng thêm vào đó là tiền trả cho các liên đoàn bóng đá quốc gia. Trừ tất cả những khoản chi đó, còn lại trong ngân quỹ của FIFA ít nhất cũng là 400-600 triệu euro. Và đó chưa phải là tất cả.

Mới đây, vị trí lãnh đạo bộ phận marketing của FIFA đã được phân cho cựu nữ thủ môn đội tuyển Hoa Kỳ Marie Harvey. Tân quan tân chính sách, Harvey đã gần như thay đổi toàn bộ định hướng marketing của tổ chức này, giúp nó trở nên năng động và tích cực hơn trước rất nhiều.

Từ nay, không một món quà lưu niệm, không một huy hiệu nào, ngay cả từ giải vô địch thế giới dành cho các cầu thủ trẻ, được bán ra nếu không có khoản phí trả cho FIFA. Trong thời gian diễn ra World Cup ở Đức, Harvey đã làm tất cả mọi việc có thể để ngăn chặn các doanh nghiệp bên ngoài có thể kiếm lời từ quảng cáo.

Nhân viên của chị đã đăng ký bản quyền hơn 800 từ đồng nghĩa với tập hợp từ "World Cup", Cúp thế giới, Mundial… bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Với mức thu nhập như vậy nhưng FIFA chỉ phải nộp thuế ở mức 4,25%. Bởi lẽ tại Thụy Sỹ, tổ chức này được đăng ký như một tổ chức phi lợi nhuận.

Lẽ dĩ nhiên là công việc làm ăn nhộn nhịp như vậy của FIFA không thể không khiến tổ chức này gặp phải những lời phê phán. Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Đức Theo Zwanziger chẳng hạn, đã nhận xét: Trong quá trình chuẩn bị cho World Cup vừa qua, công tác marketing đã vượt ra khỏi mọi giới hạn cho phép.

Đã xảy ra cả những tình huống tức cười. Thí dụ, các nhân viên của một hãng bia được chọn là nhà tài trợ chính thức của World Cup đã từng bắt các cổ động viên Hà Lan phải cởi quần soóc ra mới được xem trận đấu giữa đội tuyển Hà Lan với đội tuyển Bờ Biển Ngà.

Số là, một hãng bia nổi tiếng của Hà Lan đã trang bị cho các cổ động viên nước mình những chiếc quần soóc dân tộc bằng da mà trên đó, dĩ nhiên là có logo của họ. Khi nhìn thấy trên khán đài sân vận động những cổ động viên Hà Lan với những chiếc quần soóc đó, đại diện hãng bia là nhà tài trợ chính thức đã đặt vấn đề một cách quyết liệt: Hoặc người Hà Lan phải bỏ quần soóc, hoặc họ sẽ không được vào xem.

Cuối cùng một phương án thỏa hiệp: Các nam cổ động viên Hà Lan phải ngồi trên khán đài trong quần lót. May thay, nhiều người trong số họ mặc quần lót cũng có màu da cam truyền thống!

Rõ ràng là nền bóng đá hiện đại đang phải phân vân: Tiếp tục là một môn thể thao lãng mạn hay sẽ ngày càng bị doanh nghiệp hóa? Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào suy nghĩ của những nhà lãnh đạo FIFA như ông Blatter

Trọng Thương
.
.