Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ: Nặng nợ nỗi đời
Dù đã nghỉ hưu nhiều năm nay, nhưng dường như, với trang viết, ông chưa bao giờ ngơi nghỉ. Chỉ trong vòng mấy năm qua, ông có tới 5 tác phẩm, thơ, ký sự xuất bản. Đó là những tác phẩm thể hiện được quan điểm của ông đối với cuộc đời, sự nghiệp và văn nghiệp của mình. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông.
- Thưa nhà văn, Thiếu tướng Khổng Minh Dụ, được biết ông vừa cho ra đời tập thơ mới “Nỗi niềm và Đồng đội” (NXB Văn học, 2014), đây là tập sách thứ 3 trong năm 2014 và là tập thứ 5 trong bốn năm qua. Được biết, công việc cố vấn cho Ban biên tập Báo Công an nhân dân rất bận rộn, vậy ông dành thời gian nào cho văn chương mà vẫn cho xuất bản đều đặn các tác phẩm của mình như vậy?
- Văn chương là nghiệp nên dù có làm nghề gì và có bận rộn đến đâu, tôi vẫn dành tâm huyết của mình cho cái nghiệp mình yêu thích. Tôi có thể sáng tác mọi lúc mọi nơi, có thể là một chuyến đi địa phương, một chuyến về quê hay những ngày nghỉ. Vả lại cuộc sống với bao nhiêu sự kiện diễn ra đã thôi thúc người cầm bút mà không viết ra thì mình sẽ mang nợ với đời. Ví dụ cuốn sách Nỗi niềm ai tỏ (Thời luận) với 24 vấn đề bức xúc, mỗi một vấn đề tôi chỉ viết trong một đêm; cuốn Những người ở ngôi nhà mật và Bí ẩn của ký ức (Ký sự nhân vật) mỗi cuốn dày gần 300 trang tôi viết về những người thầy, đồng chí, đồng đội mà tôi gắn bó với họ trên 40 năm qua, hiểu về cuộc đời họ, mang nặng nghĩa tình với họ, vì vậy gần 40 nhân vật trong hai tập sách tôi viết không lâu…
- Được biết ông là một sĩ quan từ lực lượng tình báo quân đội chuyển sang lực lượng An ninh nội bộ và Văn hóa Tư tưởng Bộ Công an, một nhiệm vụ hoàn toàn mang tính chất nghiệp vụ chuyên ngành, vậy duyên nợ ông đến với văn chương như thế nào, thưa Thiếu tướng?
- Tôi có quá trình 14 năm trong quân đội, trong đó có 10 năm ở chiến trường miền Nam trước năm 1975 (thuộc Cụm tình báo H67) và trên 32 năm trong lực lượng An ninh. Chính môi trường công tác đã tạo cho tôi được tiếp cận với mọi giai tầng xã hội, chính họ đã tạo cảm xúc cho tôi, khiến tôi cầm bút. Sáng tác đầu tay của tôi in trong tạp chí Văn nghệ quân giải phóng (năm 1971) đã nói lên điều đó. Đó là truyện về mưu trí của một thiếu nhi đánh giặc, truyện ngắn Cu Tèo và cái giàn thun, đây là một câu chuyện có thật mà tôi chứng kiến tại huyện Bến Cát, Bình Dương. Cu Tèo năm đó chừng 10 tuổi, vì căm thù giặc tàn sát gia đình, Tèo đã dùng chiếc giàn thun (súng cao su) lân la làm quen với một lính Mỹ gác tại Sở Cao su.
Lựa lúc tên lính mải mê với chiếc giàn thun, Tèo đã cướp cây súng dựng ở gốc cao su rồi bắn chết tên lính, mang súng về tặng du kích địa phương. Hay như truyện ngắn Vùng tử địa nhân chuyến công tác về xã Châu Bình, huyện Giồng Tôm, Bến Tre, tôi đã gặp một người phụ nữ bình dị như mọi phụ nữ khác, nhưng chị lại là Bí thư chi bộ, đã thể hiện tính bất khuất, kiên cường, ấy là khi bị địch bắt, tra tấn dã man rồi ép đưa về chỉ điểm căn cứ của chi bộ, chị đã dẫn lính đi, nhiều người lo sợ sẽ có rất nhiều cán bộ bị bắt, nhưng không ngờ, chị đã dẫn bọn lính đi ngay vào đám mìn đã gài sẵn được xác định là “vùng tử địa” làm bọn lính chết và bị thương nhiều tên. Truyện đã được in năm 1972 và được giải thưởng của tạp chí Văn nghệ quân giải phóng. Hoặc như bài thơ Chuyện mùa dâu chín sau này được soạn giả Minh Quân chuyển thể thành vọng cổ.
Nhân chuyến công tác từ huyện Giồng Tôm về Châu Thành (Bến Tre) vào một buổi trưa hè 1970, chúng tôi nghỉ bên một con rạch trong rừng dừa An Phước, tình cờ gặp hai chị em cô gái đi thu hoạch cây trái trong vườn, họ mang một nón dâu mời chúng tôi. Một lời mời giữa miền đất lạ đã tạo cho tôi một cảm xúc đặc biệt, và đêm ấy về tôi đã sáng tác bài thơ Chuyện mùa dâu chín trong đó có những câu như: Chùm dâu vị ngọt hương thơm/ Chắc chưa bằng lời chào em gái. Bài thơ in trên Văn nghệ Đồ Chiểu Bến Tre năm 1970, Văn nghệ khu 8 năm 1971. Tôi nghĩ rằng, cuộc đời tôi rất may mắn vì đã được gặp gỡ, tiếp xúc nhiều câu chuyện cuộc đời, và đó là động lực tạo cảm xúc, cảm hứng cho chặng đường văn nghiệp của mình.
- Trong “gia tài” văn chương 11 tập sách của ông thì đã có tới 6 tập thơ. Nhìn bên ngoài, thì nhà văn Khổng Minh Dụ khá nguyên tắc và nghiêm khắc, nhưng đọc các tập thơ ấy, đặc biệt là tập Thơ tình một thuở thì lại gặp một Khổng Minh Dụ đầy lãng mạn, bay bổng. Ông có thể chia sẻ về cảm xúc của mình đối với thơ ca?
- Mong độc giả thông cảm cho một điều, dường như những người làm thơ đều có tâm hồn lãng mạn và bay bổng. Có nhiều khi từ số phận mình và do cảm xúc cuộc đời mà thành thơ. Tôi có anh bạn có một mối tình thật đẹp, họ chớm yêu nhau thì cô người yêu đi nước ngoài và mỗi ngày họ viết cho nhau một lá thư, được 2 năm thì thư nhạt dần rồi 4 năm sau cô gái về nước mà anh bạn tôi chưa biết. Một chiều thu, nhuốm tâm trạng buồn của bạn, tôi rủ anh ra quán bia vỉa hè tâm sự và tôi đã viết bài thơ tặng bạn với tiêu đề Xa và gần: Em đi phượng đỏ đường làng/ Em về cúc đã trải vàng chợ quê/ Cỏ may rắc trắng triền đê/ Gió quê vi vút thổi se lúa đồng/ Em đi những nhớ cùng mong/ Em về có kẻ mủi lòng thương thân/ Em đi xa vẫn tưởng gần/ Em về gần ngỡ vạn lần cách xa/ Chớm thu ngọn gió la đà/ Ta ngồi nhung nhớ người xa đã về.
Có một câu chuyện thú vị liên quan đến bài thơ Hoài niệm tôi viết năm 1985 có những câu thơ như: Tôi về với kỷ niệm xưa/ Với bờ tre gió đung đưa mỗi chiều/ Với tuổi thơ một xóm nghèo/ Dòng sông, bãi cát, cánh diều ước mơ/ Tôi về chuốc lấy ngẩn ngơ/ Người ngày xưa ấy bây giờ nơi đâu/ Giá như ngày ấy hiểu nhau/ Tôi đâu phải nhận nỗi đau cuộc đời/ Tôi về để gánh ngậm ngùi/ Để đong nỗi nhớ một thời xa xăm/ Tôi về tắm gió triền sông/ Gội mưa xuân giữa cánh đồng quê tôi. Sau khi bài thơ được in báo, có một lần tôi về quê, nghe bạn bè kể lại, trong một cuộc hội ngộ của gần chục cô gái, người ta đã truy nhau “Ai trong số đó là nhân vật của nhà thơ Khổng Minh Dụ”. Thực ra bài thơ này tôi viết dành tặng cho một mối tình, vì một sự hiểu lầm mà không đến được với nhau, nhân vật không phải là những cô gái nói trên. Vì vậy, xin độc giả đừng đi truy nhân vật trong những bài thơ tình và hiểu rằng đôi khi số phận nhân vật trong các bài thơ không liên quan tới cuộc đời tác giả.
- Hơn 40 năm qua, ông đã đặt chân tới mọi miền đất nước, tiếp xúc với rất nhiều giai tầng xã hội, từ những nhà lãnh đạo cao cấp, trí thức văn nghệ sĩ cho đến những người công nhân, nông dân và ông đã thể hiện điều đó trong hai tập ký sự nhân vật. Vậy trong hai tập sách ấy, ông cảm thấy tâm đắc với những nhân vật nào?
- Nhân vật trong các tác phẩm của tôi đều là những nhân vật tôi yêu thương và quý trọng, nếu như không viết về họ thì tôi sẽ mang một nỗi day dứt của người cầm bút. Trong số đó, có một người tôi viết về ông hơi muộn vì trước đó, tôi chưa dám viết. Nhưng khi hiểu về ông, chỉ trong một đêm thức trắng, tôi đã hoàn thành bản thảo với một tiêu đề rất “liều”: “Tướng không sao miền sơn cước”, đó là Đại tá Đào Đình Bảng, một người đã có 28 năm làm Trưởng Ty và Giám đốc Công an ở 3 tỉnh miền núi. Từ Yên Bái tới Cao Lạng, Lạng Sơn. Tôi đã gặp một số cán bộ lão thành của Yên Bái và Lạng Sơn thì tất cả đều ca ngợi Trưởng Ty, Giám đốc Đào Đình Bảng, một người đã tận tâm, cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp bảo vệ An ninh Tổ quốc, gắn bó với đồng bào các dân tộc miền núi. Người ta đã coi ông như là người của dân tộc họ.
Nghe kể về quá trình công tác của ông, tôi vô cùng cảm phục và mường tượng ông tầm cỡ một vị tướng, xứng đáng là một anh hùng và tôi đã viết về ông trong tâm thế của một người học trò, của một đồng đội, đồng chí. Rất mừng mấy năm sau đó, Đại tá Đào Đình Bảng đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Tôi cảm thấy hạnh phúc của người cầm bút đôi khi cũng giản dị lắm, đó là được tái hiện lại cuộc đời, số phận của những những người mà họ đã cống hiến tuổi trẻ, công sức của mình cho cuộc chiến tranh vệ quốc và xây dựng đất nước.
- Ông từng làm Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng (A25 - bây giờ là A83 và A87), vậy khi xử lý những tác phẩm văn học nghệ thuật có những vấn đề gay cấn trong dư luận xã hội, khi đó, ông thường đặt mình ở vai trò là một cục trưởng hay là một nhà văn?
- Cố nhiên tôi phải đứng ở cả hai vị trí, nhưng về nghề, về nghiệp vụ mà nhà nước giao cho tôi thì điều trước tiên tôi phải đứng ở vị trí là Cục trưởng. Phải căn cứ nội dung của tác phẩm để xử lý chứ không phải căn cứ vào dư luận, do đó chúng tôi phải nghiên cứu một cách hết sức công tâm, bởi không ít dư luận về một tác phẩm nào đó, nội dung của nó hoàn toàn không đúng như dư luận đang “bàn tán”. Ví như trong giai đoạn đổi mới, có những tác giả họ hiểu đổi mới thì phải sáng tác như vậy, thì đó là sự ngộ nhận. Có những tác phẩm “có vấn đề” nhưng khi nghiên cứu kỹ thì không có gì đáng phê phán, mà chỉ sơ suất về kỹ thuật; và, có những tác phẩm có nội dung chống lại lợi ích dân tộc, xuyên tạc tình hình đất nước thì tùy theo mức độ sai phạm mà xử lý. Ngoài trách nhiệm của Cục trưởng, tôi còn là một nhà văn và đây là thuận lợi cho vị trí Cục trưởng của tôi. Vì nghiên cứu về một tác phẩm, tôi luôn đồng cảm với trăn trở của tác giả, nó trở thành kinh nghiệm để đồng đội nối tiếp tôi đều thống nhất như vậy.
- Được biết, ông đang ấp ủ nhiều ý tưởng cho chặng đường sáng tác sắp tới, ông có thể chia sẻ phần nào được không thưa Thiếu tướng?
- Là một nhà văn trong lực lượng vũ trang, trong suốt chiều dài trên 40 năm cầm bút với hơn 10 tác phẩm đã viết, tôi cảm thấy mình còn “nợ” nhiều nỗi ân nghĩa trong cuộc đời mà chưa có dịp đề cập tới. Đối với những đơn vị tôi từng sống, công tác và chiến đấu, đặc biệt là trong thời chiến tranh, đơn vị trở thành anh hùng, thủ trưởng đơn vị là anh hùng như cụm tình báo H67 thuộc đoàn tình báo J22 tôi đã gắn bó ở đó hơn 6 năm mà chưa có một tác phẩm nào dày dặn để nói về đơn vị, về đồng đội của mình. Vì vậy thời gian tới tôi sẽ cố gắng để viết một cuốn riêng về đơn vị mình đã sống. Thực ra, tác phẩm Những người mang mật danh H viết về những điệp viên của H67 mà tôi đã in trong cuốn Những người ở ngôi nhà mật đã có thể là một chương của cuốn sách đó.
- Xin cảm ơn Thiếu tướng Khổng Minh Dụ!