Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ: Món nợ chiến trường chưa dứt

Thứ Ba, 26/04/2005, 07:17
Chính những tấm gương hy sinh quả cảm của đồng đội và nhân dân đã khiến ông bàng hoàng mỗi lần nghĩ về họ. Những tác phẩm đầu tiên là ông viết về họ, những con người thật, việc thật như các truyện ngắn “Liêm và chiến công của tôi”, “Tiếng hú ven đồng”, “Chuyện mùa dâu chín”…

Nhà văn Khổng Minh Dụ sinh năm Quý Mùi (1943), quê Xứ Đoài, vùng Thạch Thất, Hà Tây. Năm 1961 ông vào bộ đội pháo binh, làm Trung đội trưởng rồi giải ngũ về quê năm 1964. Cũng năm đó ông được tỉnh Hà Tây cử đi học lớp đào tạo cán bộ sứ quán của Văn phòng Trung ương. Ngồi vào học chưa được bao lâu, theo yêu cầu của cấp trên, ông tái ngũ và trở thành cán bộ của cơ quan tình báo quân đội.

Cuối năm 1964, với tấm thẻ căn cước giả mang tên Đỗ Văn Nga, tổ chức bố trí đưa ông vào Sài Gòn, rồi ra sống hợp pháp ở Lai Khê, Bến Cát, Bình Dương, ngụy trang bằng nghề dạy học. Nhiệm vụ của ông lúc đó là nhận và xử lý biên tập các tin tức tình báo của cơ sở nội thành Sài Gòn và khu vực lân cận để chuyển lên Miền và chuyển ra Bắc.

Từ năm 1965 - 1969, cụm tình báo chiến lược của ông hoạt động chủ yếu ở khu vực từ vùng ven Sài Gòn đến các tỉnh Miền Đông Nam Bộ, trong đó Bình Dương và Tây Ninh xây dựng được nhiều cơ sở nhất.

Cùng vợ và cháu nội.

Sau Tết Mậu Thân, tình hình trở nên khó khăn hơn, thấy các cơ sở quanh địa bàn Sài Gòn hoạt động không an toàn, nên cấp trên ra lệnh cho các cụm tình báo của ta chuyển địa bàn. Cuối năm 1969, đơn vị H67 của ông rời cánh rừng Bời Lời (Tây Ninh) về xây dựng căn cứ tại xã An Phước huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, dưới danh nghĩa là đoàn nghiên cứu địa hình của tỉnh.

Hàng chục năm trời hoạt động bất hợp pháp giữa vùng địch kiểm soát, ông và đồng đội của mình thường trực phải đối mặt với bao thử thách, hiểm nguy. Các cuộc chống càn cứ diễn ra liên miên. Nhiều phen giữa cái sống và cái chết chỉ cách gang tấc. Cho đến bây giờ, ông vẫn không thể quên cái ngày 7/3/1969. Hôm ấy đoàn công tác của ông xuống xây dựng cơ sở ở xã An Phú, huyện Củ Chi, bị địch đi càn phục kích. Đoàn ông 8 người chỉ còn có 3.

Phải chôn cất một lúc 5 đồng chí mình, tổn thất ấy không gì sánh được. Ông không bao giờ quên người bạn thân cùng đi chiến trường với ông một ngày, liệt sĩ, anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Giai quê ở xã Liễu Khê, Thuận Thành, Bắc Ninh. Khi nằm hầm ở xã An Tịnh, Trảng Bàng, Tây Ninh, hầm bí mật bị lộ, trước khi hy sinh, anh Giai đã kịp thủ tiêu toàn bộ tài liệu. Địch trả thù tàn bạo bằng cách dùng xe kéo lê thi thể anh trên đường….

Còn đối với nhân dân xã An Phước và huyện Châu Thành (Bến Tre) suốt đời ông đã mang ơn họ. Chính họ đã đùm bọc, che chở cho ông và đồng đội trong những ngày ác liệt chống dịch càn quét ở bốt Cầu Đình, họ cùng sẻ chia những mất mát hy sinh, đồng cam cộng khổ. Cái tên Ba Dương ông mang, đến giờ bà con vẫn gọi với tấm lòng yêu mến.

Ông đã có nhiều tác phẩm về những người đồng đội, đồng chí, đồng bào của mình trong đó truyện “Đám cưới lặng thầm” viết về đồng chí Chín Cường, sau này là Phó giám đốc CA Tp. Hồ Chí Minh. Còn đối với Anh hùng LLVTND, liệt sĩ Nguyễn Văn Giai (người bạn thân thiết của ông) ông có truyện ngắn “Trầm hương” và bài thơ “Tìm bạn”… Bao lần trở lại Trảng Bàng/ Bấy nhiêu lần lòng se thắt/ Tôi đốt bao nhiêu trầm nhang/ Bấy nhiêu lần rơi nước mắt…

Ông kể sau khi các truyện ngắn “Cu Tèo và cái giàn thun”, “Vùng tử địa” in trên tờ “Văn nghệ giải phóng” năm 1971, lúc đó nhà thơ Thanh Giang và nhà văn Nguyễn Trọng Oánh cứ ngỡ ông là người Bến Tre, bởi lối tư duy, ngôn ngữ Nam Bộ không chê vào đâu được, liền xin ông về Báo “Văn nghệ giải phóng”, nhưng không được tổ chức đồng ý.

Sau ngày 30/4/1975, Khổng Minh Dụ chuyển về công tác ở ngành An ninh và giữ nhiều trọng trách khác nhau. Tuy bận rộn công việc chuyên môn nhưng ông vẫn sáng tác đều. Ông trở thành vị tướng đầu tiên trong đội ngũ các nhà văn công an.

Các tác phẩm: “Miền quê yêu dấu” (1995), “Tiếng sóng biển xa” (1997), “Nối dài thương nhớ” (1997), “Màu nhớ” (1998), “Lặng thầm” (2000) “Năm tháng đi qua” (2002)… có nhiều bài thơ, truyện ngắn viết từ trong cuộc chiến được tập hợp lại vẫn còn nguyên hơi thở của chiến trường. Ông tâm sự: “Mình còn nợ đồng đội nhiều lắm, mà chưa làm được gì nhiều”

Hà Văn
.
.