Thiếu tướng Trần Văn Thảo: Để dân quý dân tin

Thứ Ba, 13/09/2005, 09:44

“Theo tôi, việc thực hiện tốt nhiệm vụ để cho dân tin, dân mến, dân yêu luôn đòi hỏi một sự phấn đấu cực kỳ vất vả của mỗi người cán bộ, chiến sĩ Công an nói chung và lực lượng Cảnh sát nói riêng. Đặc thù công tác của lực lượng CSND là ở chỗ, tất cả những công việc đều gắn bó với dân hàng ngày, trên mọi phương diện.”, Thiếu tướng Trần Văn Thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục II, Bộ Công an, nói.

-  Sử dụng thuật ngữ của quân đội, có thể nói là cùng đứng trong đội ngũ lực lượng CAND nhưng chúng ta đang có nhiều quân, binh chủng khác nhau. Mỗi quân, binh chủng có những nhiệm vụ đặc thù của mình. Lực lượng CSND là một trong những quân chủng đặc biệt vì chúng ta phải tiếp xúc với dân nhiều nhất và làm nhiều công việc phức tạp nhất, rất nhạy cảm đối với đời sống ngày thường. Lực lượng CSND luôn sống cùng dân, lúc buồn, lúc vui, lúc sướng, lúc khổ, lúc thăng lúc trầm. Nói gọn lại, va đập đời thường rất lớn và liên tiếp. Theo đồng chí, phải làm thế nào để giữ được bình yên cuộc sống vừa để nhân dân tin yêu hơn đối với sắc phục của chúng ta?

- Chuyện này nói có vẻ giản đơn nhưng theo tôi, việc thực hiện tốt nhiệm vụ để cho dân tin, dân mến, dân yêu luôn đòi hỏi một sự phấn đấu cực kỳ vất vả của mỗi người cán bộ, chiến sĩ Công an nói chung và lực lượng Cảnh sát nói riêng. Đặc thù công tác của lực lượng CSND là ở chỗ, tất cả những công việc đều gắn bó với dân hàng ngày, trên mọi phương diện. Và công tác của người Cảnh sát cũng gắn với mặt trái của xã hội, phải đối mặt với nhiều loại tội phạm, rất nhiều côn đồ... Đây là lĩnh vực đòi hỏi lực lượng CSND vừa phải biết tôn trọng, lễ phép với nhân dân, vừa phải có tinh thần đấu tranh kiên quyết và khôn khéo với tội ác. Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, mỗi người Cảnh sát phải làm thế nào để quần chúng hiểu, được quần chúng tin và làm theo mình. Có trình độ chuyên môn tốt thuần túy thôi thì chưa đủ. Có những công việc tưởng như đã hoàn thành nhưng nếu không được lòng dân thì tôi cho rằng, cũng chưa thể coi là hoàn thành tốt.

-  Có một số người nói rằng, sống trong thời bao cấp tốt đẹp hơn thời bây giờ, và dường như cán bộ thời bao cấp hay hơn, trong sạch hơn thời bây giờ. Cá nhân tôi thì không đồng ý như vậy. Tôi nghĩ, không nên vụng múa chê đất lệch. Một khi anh là người không tốt thì sống ở thời nào anh cũng dễ mắc phải những việc xấu. Còn nếu như ta thực sự là người có phẩm chất hay ho thì ta sẽ không dễ bị xung quanh làm cho tha hóa nhanh chóng... Đồng chí nghĩ thế nào về chuyện này?

- Ta hãy thử hình dung thế này nhé, có người sống trong hoàn cảnh bình thường, không phải trực tiếp đối mặt với mọi cái xấu, không bị dụ dỗ, mua chuộc nhưng vẫn sa ngã, đó là trường hợp hết sức đáng trách. Có những công việc buộc người ta thường xuyên, liên tục bị những loạt “đạn bọc đường” nhằm vào, phải chống chọi với đủ thứ cám dỗ, đủ những mưu mô lừa đảo... Và không phải ai cũng vững lòng được từ đầu đến cuối. Tất nhiên, ngay cả trong cái nghề của chúng ta, trường hợp yếu lòng nào cũng phải bị xử lý thích đáng. Nhưng nếu đánh giá hai trường hợp sa ngã trên thì phải thấy rõ sự khác nhau...

- Và phải thấy rằng, thực sự là có một, hai, ba... trường hợp cán bộ của chúng ta dính “đạn bọc đường”, thì đó chỉ nói lên một điều: chúng ta đã cố gắng hết mình để giữ gìn đội ngũ của mình trong sạch. Khác thế, tỉ lệ “thương vong” còn lớn hơn nhiều?

- Môi trường hoạt động của người cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giống như thanh sắt trong môi trường axít. Vì thế mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát muốn giữ được trong sạch thì phải rèn luyện tạo cho mình một phẩm chất, bản lĩnh giống như lớp thép không thể gỉ, không thể bị ăn mòn. Điều này là rất khó nhưng phải làm được.

- Nhiệm vụ của lực lượng CAND nói chung và lực lượng CSND nói riêng là để đi đến cái thiện và phải làm sao cho ngày thường của chúng ta được sáng lên, trong sáng lên. Và để làm được như vậy, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát rất nặng nề. Ở quốc gia nào cũng vậy, hoạt động của lực lượng Công an luôn liên đới mật thiết, hàng ngày hàng giờ tới tình hình an ninh - trật tự của xã hội. Và tác động tới xã hội theo cách rất đặc thù. Tôi có một liên tưởng thế này: công việc của người chiến sĩ Công an đôi khi cũng vô hình và cũng tối quan trọng như... không khí vậy. Khi có không khí thì mọi sự đều ổn, không ai “vân vi” gì về sự tồn tại của nó. Nhưng khi thiếu không khí thì, ta đã rõ là chuyện gì sẽ xảy ra. Với công việc của người chiến sĩ Công an cũng vậy, khi tình hình an ninh - trật tự tốt thì tất cả đều coi đó là một sự mặc nhiên, không mấy ai “lăn tăn” xem điều kiện sống và chiến đấu của người chiến sĩ Công an có còn thiếu thốn, còn cần phải cải thiện không. Nhưng một khi không may sự cố nào đó xảy ra thì, tất cả sẽ ồ lên ngay và không tránh khỏi tình trạng công việc và cuộc sống của người chiến sĩ Công an bị “soi” dưới những ống kính hiển vi nào đó. Thôi thì chúng ta cũng chấp nhận đặc thù công việc của mình là như thế. Nhìn vào thực tế xã hội, chúng ta có thể lạc quan hơn hay lo lắng hơn so với những thời trước, thí dụ như thời bao cấp?

- Tôi cho rằng, mỗi thời kỳ đều có khó khăn riêng. Thế hệ chúng tôi hay những thế hệ đàn anh đi trước cũng có nhiều khó khăn, các chú các bác cũng đã phải rất cố gắng mới vượt qua được tất cả những trở ngại, phức tạp. Lớp trẻ bây giờ có những thuận lợi nhưng có những khó khăn. Và người lãnh đạo cũng phải chia sẻ cùng họ những khó khăn đó..

- Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Quang Toàn - Thái Hoà (thực hiện)
.
.