Thiếu tướng Lê Tẩu: Xứng danh người con quê hương đất nhãn

Thứ Bảy, 09/05/2015, 08:28
Suốt 50 năm theo cách mạng, Thiếu tướng Lê Tẩu, Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Hậu cần Công an nhân dân, người con ưu tú của quê hương đất nhãn đã trọn đời vì Đảng, vì dân, đóng góp những chiến công đặc biệt xuất sắc cho quê hương, cho lực lượng Công an nhân dân. Ông luôn giữ lối sống trong sạch, ngay thẳng, thủy chung, được đồng bào, đồng đội tôn trọng và thương yêu.

Hùm xám Đường 5

Cậu bé Lê Văn Tẩu chào đời vào mùa xuân năm 1929 tại thôn Đằng Xá, xã Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, một năm trước ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Lúc sinh ra, theo lời mẹ kể lại, cậu rất khỏe, khóc rất to, dường như báo trước một cuộc đời đầy bão táp đang chờ đón. Mới 13 tuổi cậu đã phải chịu tang bố. Ông Lê Dư, bố cậu, tham gia cách mạng trong vai Trương tuần bị nội gián chỉ điểm, bị bắt giam. Do bị tra tấn dã man, sau 6 tháng được thả thì ông mất. Thù nhà, nợ nước, 15 tuổi cậu đã theo các chú các bác làm liên lạc, rải truyền đơn.

Năm 1944, phong trào cách mạng tại huyện Kim Động bị đàn áp dã man, nhiều cán bộ cốt cán đã bị giặc Pháp bắt giam; để bảo toàn lực lượng, Huyện ủy Kim Động đã ra chủ trương phân tán lực lượng sang các huyện và tỉnh khác nên cậu phải tạm xa gia đình, lánh sang địa phương khác.

Năm 1945 xảy ra nạn đói khủng khiếp hoành hành khắp các tỉnh Bắc Bộ, mẹ cậu đã đưa hai em gái đi bộ lên Hà Nội tìm kế sinh nhai. Trên đường đi qua huyện Văn Giang, vì không có đủ tiền để nuôi con, mẹ đã buộc phải cho đi cô em gái út và sau này khi làm thuê tại Chợ Bưởi, Hà Nội thì bà lại phải cho đi nốt cô chị (mãi sau 1975 mới tìm thấy). Sau đó, mẹ cậu cũng mất vì chết đói tại làng Yên Phụ, Hà Nội (cho đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ). Khi tình hình tạm lắng, Lê Tẩu trở về quê nhà thì được biết tin mẹ đưa hai em lên Hà Nội xin ăn. Cậu đã xin phép tổ chức lên Hà Nội tìm gia đình.

Tại Hà Nội, cậu xin vào làm phu than tại nhà máy điện Yên Phụ để có tiền nuôi thân và tiếp tục tìm kiếm. Trong thời gian làm việc tại nhà máy điện, Lê Tẩu được tổ chức cách mạng  tiếp tục móc nối, giao nhiệm vụ rải truyền đơn, mò súng đạn do Pháp vứt xuống Hồ Tây, khi đầu hàng Nhật mang về nộp cho cách mạng. Năm 1946 khi giặc Pháp gây hấn ở Hà Nội, anh được giới thiệu tham gia tự vệ phố Hàng Bún và khi kháng chiến nổ ra, anh được tổ chức giới thiệu gia nhập Trung đoàn bảo vệ Thủ đô.

Sau một trận chiến đấu ác liệt tại Cửa Bắc, Lê Tẩu bị thương. Khi điều trị xong vết thương, ông được điều về tỉnh đội Hưng Yên, rồi Công an Hưng Yên, với cương vị Đội trưởng Công an xung phong Hưng Yên phụ trách công tác diệt ác trừ gian tại các một số huyện giáp ranh Hà Nội. Đây là địa bàn giặc Pháp đã xây dựng mạng lưới tề ngụy, tuyển dụng nhiều tên ác ôn, đánh phá ác liệt và gây nhiều thiệt hại cho phong trào cách mạng.

Từ năm 1948 đến năm 1950, ông cùng các cán bộ đã dũng cảm, không quản gian khổ, mưu trí sáng tạo, tổ chức nhiều trận đánh tấn công trực diện vào hệ thống tề ngụy của địch. Hàng chục tên phản động gian ác ở các huyện Văn Giang, Văn Lâm, Mỹ Hào đã bị Đội Công an xung phong tiêu diệt. Điển hình là chiến công bắt 3 tên phòng Nhì trên đường từ Hà Nội về Bần Yên Nhân.

Sau khi bắt giữ số này, Đội Công an xung phong do ông chỉ đạo đã đóng giả chúng vào trụ sở của tên quận trưởng Cẩm tại phố Bần, khống chế và bắt Cẩm phải từ bỏ các hoạt động chống phá cách mạng và cộng tác bí mật với ta. Chiến công này đã làm nức lòng quần chúng, còn kẻ thù thì phải chùn tay, run sợ. Có thể kể thêm về chiến công như vụ phá án nội gián ở Trung đoàn 42.

Trong các năm 1948, 1949, do có nội gián chỉ điểm nên khi hành quân đến đâu, đơn vị cũng bị giặc Pháp ném bóm hoặc tổ chức phục kích, gây nhiều thiệt hại. Khi được tổ chức giao nhiệm vụ phải làm rõ việc có nội gián bên trong đội ngũ cán bộ không, đồng chí Lê Tẩu đã đóng vai làm cán bộ tuyên huấn để tiện tìm hiểu, điều tra. Bằng ý chí tiến công và nghiệp vụ sắc bén, sau 6 tháng đồng chí đã làm rõ được hàng chục đối tượng nội gián được địch cài cắm trong nội bộ trung đoàn và ngoài xã hội. Các chiến công của Đội Công an xung phong đã góp phần quan trọng vào việc phá tan bộ máy tề ngụy, chỉ điểm do giặc Pháp dày công xây dựng. Thực dân Pháp và bè lũ tay sai lúc đó khiếp sợ gọi Lê Tẩu là “Hùm xám đường 5”.

Chúng treo giá vài chục cây vàng cho ai lấy được đầu Lê Tẩu. Đồng chí Lê Giản - Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương lúc đó đã trực tiếp về Mỹ Hào trao cờ cho đội và bằng khen cho đồng chí Lê Tẩu.

Từ năm 1954, sau ngày hòa bình lập lại, với những chức trách được giao như Phó phòng, Trưởng phòng Bảo vệ Chính trị, Phó trưởng Ty Công an Hưng Yên phụ trách công tác bảo vệ chính trị và nội bộ. Đứng trước tình hình phức tạp do những hoạt động chống phá cách mạng của các đối tượng tề ngụy cũ và phản động đội lốt tôn giáo, đồng chí đã trực tiếp sử dụng khôn khéo các biện pháp nghiệp vụ với vận động quần chúng, cảm hóa phần tử địch nên đã đạt được một số thành tích nổi bật.

Điển hình là các vụ ông tham gia trực tiếp chỉ đạo phá tổ chức “Đại Việt Quốc Gia Liên Minh” do tên Lý Trư cầm đầu, “Đảng Trung Lập CHLB Đông Dương” do tên Bùi Ngọc cầm đầu. Các tổ chức này có địa bàn hoạt động tại 7 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Cao Bằng. Ngoài ra, còn có thể nói đến chiến công của ông và đồng đội vô hiệu hóa số đối tượng phản động lợi dụng tôn giáo tại Hưng Yên.

Thiếu tướng Lê Tẩu, Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần, Bộ Công an (1988 - 1992).

Năm 1964, mặc dù đang là Phó trưởng Ty Công an, sức khỏe yếu (ông là thương binh hạng 2/4 chống Pháp) nhưng ông vẫn xung phong đi chiến trường B. Trên đường vào Trung ương Cục, ông nhận chỉ thị quay trở lại địa bàn Kon Tum, một nơi đặc biệt khó khăn lúc đó. Với cương vị Phó ban thường trực kiêm Bí thư Đảng ủy Công an tỉnh Kon Tum, ông được đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy khu 5 trực tiếp giao nhiệm vụ xử lý vụ việc phức tạp liên quan đến đồng bào người dân tộc thiểu số ở đây. Chỉ trong 6 tháng ông đã cùng đồng đội phân loại giải quyết xong vụ việc một cách thuyết phục, tạo sự đoàn kết và bà con có đóng góp nhiều cho cách mạng lúc đó.

Năm 1971, do sức khỏe yếu vì bị xơ gan cổ chướng, ông được điều ra Bắc rồi đi Liên Xô chữa bệnh. Năm 1973, ông được Bộ điều động bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Cục Bảo vệ kinh tế I. Đây là thời kỳ đất nước sắp bước vào hòa bình, lĩnh vực bảo vệ kinh tế còn rất mới mẻ, đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết.

Vị tướng của thời đổi mới

Trước và sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đất nước có những thuận lợi, đồng thời có nhiều khó khăn mới nảy sinh, đặc biệt do Lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây áp đặt với Việt Nam.

Trước khi trở thành nhà kiến trúc cho những quyết sách trong công tác hậu cần của lực lượng Công an nhân dân, Thiếu tướng Lê Tẩu có những đóng góp quan trọng cho kinh tế của đất nước. Đó là khi ông làm Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại - Cục Bảo vệ kinh tế I. Đây là thời kỳ nền kinh tế của ta vẫn dựa vào sự giúp đỡ của các nước trong phe Xã hội chủ nghĩa.

Với cái nhìn tổng quát, vận dụng đúng đắn quan điểm về hợp tác hữu nghị và đối tác, đối tượng do Đảng và Nhà nước chỉ đạo, đồng chí đã mạnh dạn phối hợp các đơn vị nghiệp vụ tiến hành nhiều công tác với nhiều đối tượng để đánh giá, thu thập tài liệu trên lĩnh vực an ninh kinh tế của các nước khi hoạt động ở nước ta, đặc biệt là một số công trình trọng điểm, đề xuất với Nhà nước kiến nghị, khắc phục sai trái của một số nước khi xây dựng, vận hành các công trình này. Phòng Kinh tế đối ngoại đã thu thập được nhiều tài liệu về kỹ thuật phục vụ cho việc xây dựng và phát triển nhiều ngành công nghiệp của Đất nước.

Nhưng với Thiếu tướng Lê Tẩu, đó chỉ là những chiến công thầm lặng trong nhiệm vụ của người chiến sỹ Công an nhân dân.

Thời điểm được phân công đảm nhiệm trọng trách của Tổng cục Hậu cần cũng là thời kỳ cực kỳ khó khăn của đất nước nói chung và lực lượng Công an nhân dân nói riêng. Nguồn viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa cho công tác nghiệp vụ công an không còn.

Ngân sách không đáp ứng nhu cầu tối thiểu, đồng chí đã  tham mưu với Bộ đề xuất lên Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 180 cho phép Bộ Công an thành lập 4 công ty: Công ty Bạch Đằng có chức năng sản xuất và hợp tác lao động, Công ty Bình Minh làm dịch vụ điện tử, Công ty Đất Việt có chức năng xuất nhập khẩu và Công ty Thái Bình Dương kinh doanh vận tải biển. Từ năm 1981 đến năm 1991, các doanh nghiệp này ngoài việc phục vụ cho việc mua sắm các phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng Công an còn thu được 61 tỷ đồng bổ sung cho ngân sách của Bộ.

Nắm giữ vị trí Tổng Cục trưởng Tổng cục Hậu cần, quán triệt chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, đồng chí Lê Tẩu đã có bước đột phá mới trong công tác hậu cần của Công an nhân dân; đó là việc đề ra nội dung chỉ đạo công tác hậu cần phải tiến hành đồng bộ trên cả ba mặt: sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn kinh phí vật tư do Nhà nước cấp, đẩy mạnh phát triển sản xuất tạo nguồn, lấy thu bù chi, góp phần bù đắp ngân sách thiếu hụt, bổ sung cho mua sắm, góp phần ổn định từng bước cải thiện đời sống cán bộ chiến sĩ, tăng cường quản lý thực hiện tiết kiệm, tận thu ngân sách và tranh thủ sự giúp đỡ của các ngành, các địa phương và hợp tác quốc tế.

Nói đi đôi với làm, đứng trước tình hình khó khăn, thiếu thốn về nơi làm việc và ăn ở cho cán bộ chiến sĩ, đồng chí Lê Tẩu đã chỉ đạo quyết liệt việc cải thiện nhu cầu cấp bách về trụ sở làm việc và nhà ở. Kết quả đã xây mới gần 400 nghìn mét vuông trụ sở làm việc mới tại cơ quan Bộ và Công an 41 tỉnh thành; 100 trụ sở công an quận, huyện; nâng cấp Bệnh viện 198 và Bệnh viện 30/4 cả về nhà ở và trang thiết bị hiện đại; xây dựng hệ thống nhà nghỉ dưỡng quy mô cho cán bộ chiến sĩ từ Bắc vào Nam: Hải Yến (Hải Phòng), Kinh Đô (Huế), Minh Tâm (Đà Lạt), Phương Đông (Vũng Tàu).

Cảnh nằm bàn của cán bộ chiến sĩ trong cơ quan Bộ được chấm dứt. Có 1.600 hộ gia đình được cấp nhà. Dưới sự phối hợp của Tổng cục Hậu cần do đồng chí Lê Tẩu chỉ đạo, các trại giam được thực hiện đổi mới với nhiều chính sách phù hợp. 100% các trại có nơi giam giữ mới vừa bảo đảm tính an toàn cao vừa thể hiện chính sách nhân đạo. Hầu hết các trại đã tự túc được lương thực. Nhiều trại trở thành hình mẫu cho các tổ chức nhân quyền quốc tế tới tham quan như Trại Thủ Đức, Phú Sơn 4… Bên cạnh đó, công tác hậu cần sản xuất phương tiện nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ được đầu tư với chất lượng cao.

Đóng góp nổi bật nhất mà đồng chí Lê Tẩu mang đến cho công tác hậu cần Công an nhân dân chính là cuộc cách mạng trong tham gia kinh doanh vận tải phục vụ nghiệp vụ và tạo nguồn kinh phí. Trước tình hình phương tiện vận tải công cộng của Nhà nước và tư nhân, cũng như của lực lượng Công an còn rất thiếu thốn và khó khăn, ngoài việc đầu tư mua sắm hàng nghìn xe ôtô và các phương tiện khác trang bị cho các đơn vị của Bộ và địa phương, đồng chí đã đề xuất và được Bộ đồng ý thành lập Đoàn Vận tải với mạng lưới từ Bắc vào Nam. Đoàn vừa vận chuyển trang thiết bị phục vụ công tác chiến đấu của lực lượng, vừa phục vụ cán bộ chiến sĩ và nhân dân đi lại công tác, nghỉ dưỡng và tham gia các nhiệm vụ đột xuất khác như chống Fulro, đổi tiền, giúp nước bạn Lào, Campuchia…

Ghi nhận những cống hiến đặc biệt xuất sắc của Thiếu tướng Lê Tẩu, Đảng và Nhà nước ta cũng như Nhà nước Liên Xô và Nhà nước Cu Ba đã trao tặng ông nhiều phần thưởng cao quý.

Những ngày tháng tư lịch sử này viết mấy dòng về Thiếu tướng Lê Tẩu, chúng tôi xin được tri ân về những đóng góp của ông với công cuộc giải phóng dân tộc và sự trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân.

Nguyễn Gia Bào
.
.