Thiện ở trong tâm

Thứ Tư, 19/03/2008, 08:00
Những người coi công việc từ thiện như một phần bắt buộc trong quỹ thời gian mỗi ngày của mình đang dần trở nên nhiều hơn trong xã hội hiện đại. Tự cuộc sống đã tạo nên trong lòng họ một nhu cầu. Họ - những người tự nói về mình qua những công việc thầm lặng.  

Có thể gặp bất cứ đâu trong đời sống này những khẩu hiệu làm việc thiện. Cũng không ít người coi làm việc thiện như một cách để đánh bóng bản thân mình. Nhưng, thời gian đã gột rửa mọi bụi bẩn của con người trong những tham, sân, si của đời sống. Những cái thiện đến từ trong tâm sẽ tự nó lan tỏa, tạo thành những làn sóng đền đáp tiếp nối trong đời sống.

1. Người đầu tiên tôi gặp trong một chuyến đi từ thiện tại miền Trung, đó là một cựu chiến binh. Chuyến đi ấy, chúng tôi đến để đồng hành cùng những người dân sau bão lũ. Cuộc sống của chúng ta thường phải đối mặt với những điều không báo trước. Và những thân phận nhỏ bé đôi khi không tự cứu được mình trước sự nghiệt ngã của… trời. Sự sẻ chia trong tâm thức mỗi con người đã bao hàm sự ấm áp.

Những món quà nhỏ nhưng thiết thực, tấm vở viết cho những ngôi trường vừa bị lũ càn quét, thùng mì tôm cho những khu dân cư bị thần nước cô lập lâu ngày hay tấm chăn ấm cho đồng bào trong những ngày rét mướt. Phải đến hết chuyến đi, tôi mới biết người thương binh này tên Kiểm. Ông đã có mặt cùng chúng tôi trong rất nhiều những chuyến đi. Làm từ thiện. Âm thầm nhường cơm sẻ áo cho những người dân nghèo hoạn nạn. Đối với những người dân này, ông như một ân nhân nhưng cũng là một người bạn ân cần.

Ông ít nói về mình. Một đồng nghiệp nói với chúng tôi về người cựu chiến binh này với những gì trìu mến nhất. Ông có một gia sản lớn. Không có một gia sản lớn nào lại không bắt đầu bằng mồ hôi, máu và nước mắt. Đến ngày hôm nay thì ông đã trở thành một doanh nhân thành đạt, nhưng công việc kinh doanh của ông không phải lúc nào cũng thuận lợi. Ông vốn là con nhà lính, một tuổi đã phải theo ba mẹ lên đơn vị, sống trong những vùng ác liệt. 5 tuổi, ba ông hy sinh và rồi, nối nghiệp cha, ông cũng là một người lính, là một trong những người của đoàn quân tiến về tiếp quản Sài Gòn.

Và đã biết bao lần, người đàn ông này ngồi lặng lẽ khóc khi đồng đội phải hy sinh tại một miền đất nào đó, hay sau ngày giải phóng Sài Gòn thì lại ở nước bạn Campuchia. Đối mặt nhiều lần với cái chết, có lẽ vì thế mà ông hiểu rõ hơn ai hết giá trị của sự sống. Rời chiến trường, ông đã bắt đầu sự nghiệp từ hai bàn tay trắng.

Ông đã làm mọi việc, đã sống những ngày gian khó nhất, bắt đầu gom góp từng đồng bạc lẻ. Và giờ thì công ty của ông, sân golf Long Thành được coi là sân golf tốt nhất Việt Nam, đồng thời cũng là địa chỉ nghiêm túc trong làm việc thiện. Giám đốc Lê Văn Kiểm là một người sẵn sàng vét sạch túi của mình để ủng hộ các quỹ từ thiện. Riêng ông và Công ty Golf Long Thành đã đóng góp hơn 10 tỷ đồng trong tổng số 62 tỷ của giải golf từ thiện "Doanh nhân Việt Nam vì người nghèo".

Tôi không nghĩ rằng, ông là một người làm việc thiện theo phong trào. Bởi mọi phong trào đều đến rầm rộ và qua đi rất nhanh. Làm việc thiện lại không thể là câu chuyện một sớm một chiều. Người ta có thể bỏ tiền để mua một thứ danh hiệu nào đó. Nhưng lại không dễ để mua được lòng tin của những người xa lạ. Cái thiện phải bắt đầu từ trong tâm sẽ đến được trái tim của người khác.

Hàng ngàn gia đình thương binh, liệt sỹ có công với cách mạng, những nạn nhân chất độc da cam đã được hỗ trợ; hàng ngàn người dân nghèo bị mù đã được mổ mắt để tìm về ánh sáng, hàng chục em nhỏ bị bệnh tim bẩm sinh đã được cứu sống từ số tiền từ thiện của người đàn ông này. Hơn 50 tỷ đồng từ thiện trong một thời gian không dài, đó là con số không nhỏ. Nhưng số tiền ấy không phải là cái để nói tới việc làm từ thiện. Có rất nhiều người có thể có số tiền nhiều hơn thế. Nhưng cái đáng nói chính là cách mà ông làm việc thiện.

Ông đến kịp thời và giúp đỡ kịp thời những người dân đang trong cơn bĩ cực của đời họ, góp phần khai sáng cho không ít số phận hẩm hiu. Khi tôi viết bài này, ông Kiểm cùng Công ty Golf Long Thành vẫn đang trên hành trình đi làm từ thiện. Ông đã gửi tới tòa soạn chúng tôi số tiền không nhỏ cho chương trình mua 1.000 con trâu giúp đồng bào các tỉnh phía Bắc sau đợt rét. Và tôi biết, đó chỉ là những việc ông đang làm. Còn những việc sẽ làm, đó là việc của ngày mai…

2. Tôi biết đến tiến sỹ Hoàng Quang Thuận không phải từ việc ông làm từ thiện. Tuyển thơ "Thi vân Yên Tử" của ông được NXB Giáo dục in năm 2006 với 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp đã được nhiều người nhắc đến như một hiện tượng đặc biệt. Ông có một chủ đề thơ duy nhất và xuyên suốt, đó là cảnh, người và những dấu tích của non thiêng Yên Tử. 143 bài thơ của Hoàng Quang Thuận in trong "Thi vân Yên Tử", có những câu còn chưa thực sự nhuần nhị, nhưng cũng có không ít câu thơ lấp lánh.

Trong lời giới thiệu cuốn sách, tác giả Đăng Lan viết: "Trong cuộc sống, chúng ta thường tìm hạnh phúc trong vật chất, trong quan hệ tình cảm với người, trong vinh quang của danh vọng. Chúng ta chưa bao giờ ngờ rằng có một thứ hạnh phúc chân thật, cao cả, thanh khiết vĩ đại hơn mọi hạnh phúc kia: đó là sự an định tâm hồn, lắng sâu trong thiền định. Và đó cũng chính là chân lý của đời sống. Hạnh phúc và chân lý vốn không thuộc hai phạm trù  vận hành riêng biệt. Sự tìm kiếm hạnh phúc tách rời khỏi chân lý là sự tìm kiếm vô vọng…

Thiên nhiên chính là miền cảm ứng của Hoàng Quang Thuận mà khi đọc thơ anh, người ta có thể nhận ra mối tương quan giữa mình với toàn thể, người ta thấy rằng họ với toàn thể là một. Người ta nhận ra thực tại cuộc sống: "Đời giống mây trôi trên đỉnh núi/ Phù vân tán tụ một kiếp người/ Vinh hoa phú quí vòng tục lụy/ Bể khổ trần gian kẻ đầy vơi". Thật vậy, trong cõi vô minh, thế giới vật lý và con người đều vô thường. Ham muốn danh lợi chỉ tăng thêm đắm mến thế gian làm cản bước chân người hướng đến giải thoát. Thật ra, chúng ta không sở hữu bất cứ thứ gì. Chúng ta chỉ là chứng nhân để nhìn mọi thứ trên cuộc đời này đi qua"…

Thật vậy, Hoàng Quang Thuận là một tiến sỹ vật lý. Ông không phải là nhà thơ chuyên nghiệp. Hiện ông đang đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Công nghệ - Viễn thông (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Và công việc của một nhà vật lý thường thấy không liên quan đến thơ, cũng không liên quan tới thiền. Nhưng ông lại làm thơ và những câu thơ đậm chất thiền. Những bài thơ đến với người đọc như những vầng mây, nhẹ nhàng, thanh tao. Đôi khi tôi cứ hỏi, tại sao lại có một con người chính xác tuyệt đối như vật lý và con người đam mê mây núi lãng đãng và thơ trong cùng một con người?

Nhưng, có một điều làm tôi lý giải được, đó chính là mọi thứ ông làm đều xuất phát từ trong tâm. Cái tâm con người bộc lộ dần theo ngày tháng, đôi khi chỉ là một thói quen, một sở thích, nhưng đôi khi nó lại bộc lộ bằng cả một sự nghiệp, một hành trình sống được tổng kết như một đời người. Thế nên, tôi không ngạc nhiên khi thấy ông xuất hiện trong những chương trình làm từ thiện. Ông xuất hiện trong những chương trình từ thiện của Báo Công an nhân dân khá thầm lặng.

Ông trao tặng cho một số đơn vị Công an phần mềm về quản lý viễn thông. Ông góp sức xây dựng những trường học cho trẻ em nghèo, góp sức vào việc trùng tu lại khu di tích đền Hùng, Phú Thọ… Những nơi ông đến, những việc ông làm hoàn toàn không nhằm để xuất hiện như một hình ảnh nhà khoa học làm việc nghĩa, mà hoàn toàn là những chuyến đi, đến và chia sẻ. Rất ít người gặp ông biết được công việc ông đang làm. Cũng không mấy ai biết đây là một tiến sỹ, một nhà thơ.

Chỉ đơn giản là những nơi ấy cần sự giúp đỡ và ông đến, như một sự chung tay với cộng đồng. Chính vì thế, liều lượng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Hoàng Quang Thuận có thể nói là rất hạn chế. Và đó cũng có thể coi là cách sống mà ông chọn.

Và như cách nói của ai đó, người đàn ông này hiểu rõ được mình, rõ được cái vô thường trong đời người. Trong tiếng thơ của ông, người ta có thể nhận được nguồn cảm của ông trước thiên nhiên để ngộ ra lẽ vô thường. "Cái luật vô thường và khắc nghiệt/ Có ai tránh được tuổi thời gian/ Bụi trần sót lại trên thông cổ/ Nền cũ bia xưa gió phũ phàng"…

3. Còn không ít những người làm việc thiện khác. Họ làm việc thiện như một nhu cầu nội tại. Và có lẽ đó chính là những người hiểu hơn ai hết luật đời, sẽ có một mạch ngầm chảy trong đời sống từ những việc làm ấy, để tạo thành một làn sóng đền đáp tiếp nối. Mỗi số phận ngặt khó được giải thoát, mỗi cảnh đời được đổi thay, ấy là khi những tiếng lòng được nói, âm thầm nhưng sâu lắng…

Thiên Khải
.
.