Thi sĩ Phùng Cung: Một đời mê mải quê nhà

Thứ Sáu, 25/03/2016, 14:21
Phùng Cung có một cuộc đời cầm bút không suôn sẻ. Song, những uẩn khúc cuộc đời đã tạo đà cho ông phát lộ một vỉa thơ đồng quê tiềm ẩn ở chính mình.


Được chứng kiến tập thơ duy nhất "Xem đêm" in lần đầu năm 1995, chỉ hai năm sau Phùng Cung từ giã nhân gian ở tuổi 69. Nơi xa xôi nào đó, chắc chắn Phùng Cung cũng khẽ cười mãn nguyện vì biết "Xem đêm" vẫn được tái bản trong sự trọng vọng của công chúng!

Xem đêm là một bức tranh nông thôn Bắc Bộ, nghèo và buồn, chậm rãi và day dứt. Có bài được Phùng Cung viết trong những ngày tháng đầy tâm trạng, có bài được Phùng Cung viết khi đang làm đinh ở xưởng cơ khí nhỏ, và có bài được Phùng Cung viết khi phụ vợ bán bánh rán trên phố Mai Hắc Đế - Hà Nội. Thơ tìm Phùng Cung để an ủi, hay Phùng Cung tìm thơ để vỗ về? Rất khó đoán định rành mạch, mà vẫn thấy Xem đêm lấp lánh một vẻ đẹp riêng.

Phùng Cung sử dụng nhiều từ ngữ vốn lưu hành trong phạm vi hẹp sau lũy tre bụi chuối của đồng bằng chiêm trũng sông Hồng, nhưng không khiến bạn đọc các vùng miền khác bị ảnh hưởng khả năng tiếp nhận. Bởi lẽ, Phùng Cung dùng chữ để dựng cảnh, dựng tình chứ không chủ đích dùng chữ xác lập giá trị thẩm mỹ. Không ai có cảm giác ma mị vì chữ của Phùng Cung, mà lại bị thôi miên bởi những ý liêu xiêu, những ý lận đận, những ý ngậm ngùi của thi sĩ. Bản thân Phùng Cung cũng khảng khái tự thú một hướng thơ:

"Con chữ lầm than.
Bỏ qua tắm rửa.
Thói quen uộm thuộm.
Nôm na bỗ bã.
Tôi thả lã vài đàn.
Trên mặt giấy thô".

Vài đàn - chữ của Phùng Cung thả trên mặt giấy thô, nhằm mục đích gì? Rất đơn giản, để nâng niu cái đẹp mong manh bằng chính sức lực yếu đuối của một tâm hồn nhạy cảm, như sự May mắn mà số phận ban cho: "Sáng nay may mắn ra đường/ Đi một quãng/ Gặp toàn người đẹp/ Tôi sung sướng/ Trào nước mắt/ Muốn đưa lưng/ Làm thảm trải lối đi". Thơ khởi động từ ước mơ bé bỏng ấy, và Phùng Cung đi theo thơ, đi cùng thơ, đi với thơ qua thương khó gieo neo.

Hãy tưởng tượng một ông già cao gầy, đeo kính cận, bước từ tốn bên lề cuộc sống, thì sẽ nói câu chuyện ra sao với kẻ đồng hành bất chợt? Dĩ nhiên không thể huyên thuyên, dĩ nhiên không thể dông dài, dĩ nhiên không thể lớn giọng. Tạng người phải hợp với tạng thơ mới thành một phong cách. Phùng Cung khẽ khàng và nhẹ nhàng kể lại những điều mình quan sát và mình suy ngẫm một cách gọn gàng, từ cảnh vật biến đổi, từ ân tình dành dụm, từ được mất luân hồi.

Những đoản khúc chưng cất của Phùng Cung để hiểu Người làng tinh tế: "Bạc tóc trở về quê/ Bỡ ngỡ tìm đò bến mới/ Nhìn dáng lạt bó rau/ Nhận được người làng"; để hiểu một chuyến Đò khuya bần thần: "Đêm về khuya/ Trăng ngả màu thiên lý/ Tiếng gọi đò/ Căng chỉ sang sông"; để hiểu một cơn Say ẩn dụ: "Ai chuốc rượu/ Cánh buồm say lảo đảo/ Quanh quẩn quãng sông chiều/ Quên nẻo ra khơi"; để hiểu một Cây khế có niềm riêng: "Này em! Cây khế gãy rồi/ Nỗi chua vẫn hỏi thăm/ Người trồng cây"; để hiểu Mồ hôi xương của vợ hiền: "Em vất vả/ Tối ngày tất tả/ Lưng áo em/ Ngoang vôi trắng xóa/ Cái trắng này/ Vắt tận trong xương", và để hiểu chính mình Nghe đêm lầm lũi: "Đêm chợt nghe/ Trong gối vọng tiếng ru/ Lắng tai mới rõ/ Tiếng tóc mình chuyển bạc".

Phùng Cung có biệt tài tả cảnh. Nhiều hình ảnh chộn rộn được đưa vào một bài thơ ngắn, đặt cạnh nhau, soi vào nhau, hắt lên nhau, mà thành một không gian văn hóa đặc thù. 

Một cái Ao con đã hoạt náo: "Lá súng lát mặt ao đếm ngọc/ Con sộp phàm vồ hão bóng hoa lay/ Lá tre rụng/ Nhuộm hoàng hôn đỏ gạch/ Tiếng cuốc bèo da diết gọi ngày mai", nên một Mùa gieo mạ thật tưng bừng: "Thoảng mùi ruộng ải/ Thóc giống cựa mình/ Nắng vắt ngọn tre - đuôi én/ Đủng đỉnh điệu cu cườm/ Lay nhịp - gió may"

Một lần Chiều xuống rạo rực: "Đuôi nắng uể oải/ Vườn ổi chín đùa/ Bò rống vợi chiều/ Lũy tre xóa bóng" mà một lần Chiều mỏi cũng rộn ràng: "Gió - khỏa vườn xoan/ Hoa cải lạnh - màu - trăng khuyết/ Đôi cánh nhỏ mỏi dần/ Chiều vời vợi ráng son". Một lần Nắng dứ xôn xao: "Đầu mùa nắng dứ/ Hạt mồng tơi kênh đất nghé trời/ Chuối con gái vội hong búp lụa/ Cánh chuồn chuồn lia từng bóng râm con" mà một lần Nhà vắng cũng bày biện bao nhiêu trìu mến: "Mành rách gió lay/ Chim chích đu mình săn nhện/ Góc sân nắng hanh/ Lá mít rụng trở mình - nghé bếp/ Chó hàng xóm sủa cầm chừng vài tiếng/ Lối bước lên hè, guốc nằm chiếc ngửa chiếc nghiêng".

Không chỉ xuất hiện với tư cách một họa sĩ vung vẩy ngôn ngữ để vẽ tỉ mỉ những nét quê, phẩm chất thi sĩ của Phùng Cung bộc lộ rõ nhất khi gọi tên được nỗi xúc động nhân tính qua những hành vi lặng lẽ. Đó là chút mê đắm trong Buồng thơm bất chợt để ngọn đèn thay đôi mắt kẻ tình si: "Đêm vắng/ Buồng thơm/ Em soi gương trộm/ Ngọn đèn mượn gió nghé nghiêng". Đó là nỗi thèm khi Ốm dậy đầy ái ngại những mảnh đời hắt hiu: "Em vừa ốm dậy/ Cơm bắp dưa sung/ Thèm canh chuối/ Sẩy tay vỡ bát/ Em run rẩy nhìn ngơ ngác/ Ngoài sân mưa giăng nặng hạt/ Mùi tép rang hàng xóm thơm nghiêng".

Thơ Phùng Cung kiệm lời, mạnh về sự nghĩ ngợi. Ví dụ, bài Trà trăn trở đến mức sốt ruột:

"Quất mãi nước sôi.
Trà đau nát bã.
Không đổi giọng Tân Cương".

Thơ Phùng Cung như một món quà của thân phận. Giữa cơ hàn và túng bấn, thơ vụt đến chốc lát, ông nghĩ ngợi kỹ lưỡng thì bài thơ có ý tứ mà ông nghĩ ngợi mông lung thì bài thơ lừng khừng như phác thảo dở dang.

Trong sự nghiệp thi ca của Phùng Cung, khoảnh khắc viết nên thơ xen lẫn khoảnh khắc nghĩ ra thơ. Vì vậy, đôi lúc Phùng Cung phải vặn vẹo chữ nghĩa hòng vớt vát những chớp hiện từ tư duy mà không cần sự trợ giúp của trái tim, như "gà thí tiếng gáy, vào bình minh trọc phú" hoặc "mặt võ vàng, lầy nước mắt kỷ nguyên".

Định mệnh nhào nặn cho Phùng Cung một cá tính kín đáo. Ông hoàn toàn không phù hợp với bất kỳ sự phô diễn nào, kể cả sự phô diễn trong văn chương. Có thể lấy bài thơ Xem đêm được chọn làm tên chung cho tập thơ để chứng minh. 

Bài thơ có 9 câu, nhưng thành bại nằm trong 5 câu sau: "Trở giấc xem đêm/ Thiên hà ngọc vụn/ Gió thổi một mình/ Mặt đất tròng trành/ Ma hoa nhảy múa", còn 4 câu đầu: "Trở giấc xem đêm/ Cuối trời trăng - mỏi/ Trái gấc chín - ngập ngừng/ Tóc rụng trạt lối đi" chỉ tồn tại như phụ liệu trang điểm nhạt nhòa.

Hầu hết các bài thơ dài của Phùng Cung đều nằm ngoài phong cách thơ Phùng Cung. Kể cả những bài ông có vẻ rất tốn công tốn sức lập ý chuyển điệu như Ao hoang, Gõ rổ, Vấn vương, Biển cả, Sông thương - sao thương, Mưa, Quê hương...

Càng đẩy nhiều chữ vào một bài thơ, thì Phùng Cung càng tỏ ra lúng túng. Thế nhưng, lúc chỉ cho phép mình cầm trên tay khoảng ba chục chữ thì Phùng Cung dễ dàng có được một bài thơ đắc chí. Ở danh tác Truyện Kiều, Nguyễn Du từng viết: "Phận bèo bao quản nước sa/ Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh", thì Phùng Cung đã kế thừa để viết hai bài thơ ngắn không hề hổ danh hậu sinh. 

Cũng dựa trên nỗi ám ảnh lênh đênh, Phùng Cung viết bài thơ Hoa bèo như một sự than vãn: "Não lòng thay! Cũng kiếp hoa/ Những là trôi dạt/ Những là lênh đênh", và viết bài thơ Bèo như một sự chấp nhận: "Lênh đênh muôn dặm nước non/ Dạt vào ao cạn/ Vẫn còn lênh đênh".

Phùng Cung từng Tự họa thấp thỏm:

"Tôi nhúng ngón tay.
Vẽ mình trong đĩa nước.
Vẽ muôn ngàn lần.
Ngón đau - đĩa cạn.
Biết đến bao giờ.
Tôi mới vẽ nên tôi...".

Thì đây, với tập thơ Xem đêm, Phùng Cung đã có một chân dung thi sĩ của làng quê Bắc Bộ thâm trầm và nguôi yên!

Lê Thiếu Nhơn
.
.