Thi sĩ Phan Vũ: Như người Mohican cuối cùng
Được ông mời về nhà chơi, người viết lại bất ngờ "tập hai" trước sức làm việc kinh khủng của ông. Hàng trăm bức vẽ được ông chất la liệt trong một căn phòng chỉ rộng vài chục thước vuông ở quận 9. Đấy là thế giới riêng của Phan Vũ, "gã Mohican cuối cùng của bộ tộc tinh hoa".
"Có rất nhiều người đề nghị tôi viết hồi ký, nhưng tôi đều từ chối. Tôi đã từng làm thư ký cho Tổng Bí thư Lê Duẩn. Lịch sử sẽ khiến mọi thứ thay đổi, nhưng những nhân vật như thế từng là thầy tôi. Tôi kể về họ, dù trung thực đến đâu, cũng không khác gì một sự phản bội.
Có người nói vậy hãy kể về những chuyện tình, nhưng tôi cũng từ chối nốt. Vì những người phụ nữ tôi yêu hoặc yêu tôi giờ đã có gia đình cả. Tôi không muốn khuấy động cuộc sống cá nhân của ai cả", lời của Phan Vũ.
1. Phan Vũ là một người tài hoa, điều ấy ai cũng biết. Ông khởi đi là một đạo diễn phim điện ảnh, rồi lại nổi tiếng trên tư cách là một thi sĩ với bài thơ về Hà Nội được xưng tụng là hay nhất nước. Để rồi ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông mới tìm thấy niềm đam mê lớn nhất của đời mình là hội họa.
Bảy mươi ba tuổi mới dấn thân vào một ngành nghệ thuật mới, Phan Vũ mang vào nét cọ còn non trẻ của ông sự từng trải của một người đã băng qua những biến động lớn của thời cuộc.
Ông chỉ vào bức tranh vẽ một chiếc ghế, phía sau là những bức ảnh, rồi nói: “Ghế ấy là ghế Quốc hội đấy cậu. Để một người ngồi lên chiếc ghế ấy, sau lưng là bao nhiêu con người đã ngã xuống”.
Người viết không hỏi thêm, vì nghệ thuật vẫn luôn là vấn đề của cách nhìn. Bạn muốn nghĩ di ảnh ấy của tiền nhân cũng được, là những con người đã "chết" trong ván cờ chính trị cũng được. Chỉ biết Phan Vũ chưa bao giờ đứng ngoài thời cuộc. "Mấy tháng trước tôi có làm thơ về vụ chặt cây, cậu có thể tìm thấy trên Facebook của tôi", ông nói.
Vâng, Phan Vũ chơi Facebook. Ông thỉnh thoảng làm thơ và tải lên đó. Thời gian còn lại, ông vùi đầu vào xưởng vẽ. Đã hơn trăm bức, nhưng ông vẫn chưa bán, dù ông không thiếu những lời đề nghị mở triển lãm. "Bây giờ, bán tranh đi có cảm giác như bán đứa con của mình vậy” - Phan Vũ nói.
Tình yêu hội họa đến với Phan Vũ rất tự nhiên. Một ngày nọ, ông quyết định tập vẽ. Và ông không hề ngại ngần nhờ những sinh viên đáng tuổi cháu mình dạy lại cho mình từ những thao tác căn bản: căng tờ giấy dó thế nào, pha mực ra sao.
Sau khi khâu hình thức đã ổn, Phan Vũ bắt đầu vẽ, vẽ cho chính mình, vẽ không ngừng nghỉ cho đến một ngày, chính những sinh viên trẻ tuổi... xúi ông mở triển lãm. Ban đầu còn ngại ngần, nhưng rồi Phan Vũ cũng làm, rồi ngạc nhiên khi tranh mình được đón nhận nồng nhiệt. Hóa ra vẽ tranh mang lại thu nhập còn lớn hơn nhiều so với việc làm đạo diễn.
Một lý do khác khiến Phan Vũ yêu hội họa là vì nó không bị... kiểm duyệt. Phim cuối cùng ông làm, Như một huyền thoại (một tác phẩm về anh hùng Võ Thị Sáu - PV), bị hội đồng thẩm định yêu cầu phải cắt chỗ này chỗ kia, duyệt lên duyệt xuống. Ông tức mình bỏ nghề vì không chấp nhận thỏa hiệp.
Cùng thời với ông, những Phạm Duy, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Trần Dần, Lê Đạt, các thành viên trong "Tự lực văn đoàn" đều đã qua đời cả. Thế nên trong một lần đến phỏng vấn Phan Vũ, hãng BBC đã gọi ông là "người Mohican cuối cùng của một bộ tộc tinh hoa".
Nói đến những người bạn, Phan Vũ trở nên vui vẻ lạ thường. Ông kể về những kỷ niệm với họ, và ông vẫn nhớ như in Trần Dần tuy to con nhưng lại rất... nhát gan. Phan Vũ nói: "Đã có rất nhiều người đề nghị tôi viết về những văn nhân ngày ấy. Có người còn mang đến cả một xấp tiền rất dày, nhưng tôi không thể làm việc ấy. Những người ấy, không cần thêm những câu chuyện từ tôi, để được mọi người biết đến. Chính tôi cũng tự thấy những hào quang từng có là quá đủ, không có nhu cầu nổi tiếng thêm.
Đôi khi, tôi cũng muốn làm việc ấy, để nhớ lại những kỷ niệm với bạn mình. Nhưng thú thật tôi không còn nhiều thời gian nữa. Ở tuổi này, cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào. Tôi chơi với các bạn trẻ để thấy mình trẻ lại, nhưng kỳ thực tôi đã... rất già. Tôi nghe những câu chuyện từ họ, trong đầu có ý tưởng gì thì tôi về phải vẽ ngay, hoặc làm thơ ngay. Tôi không còn thời gian cho quá khứ".
2. Bên cạnh sự tài hoa, Phan Vũ còn nổi tiếng hào hoa. Có người bảo trường ca Hà Nội, phố được ông viết tặng cho... ba mươi sáu người con gái khác nhau, ứng với ba mươi sáu phố phường Hà Nội. Có người còn nói Phan Vũ cứ đi mấy bước là có một chuyện tình. Nhưng ông chối bỏ điều ấy. Ông bảo mình chưa bao giờ tán tỉnh một người con gái nào trong đời.
Kể cả khi ông thành hôn ở tuổi 73, với người bạn đời khi ấy mới có 37 tuổi thì đấy vẫn là một cơ duyên chứ không có một chút cưỡng cầu nào. Phan Vũ nói: "Tôi chưa bao giờ dụng công tán tỉnh một người con gái nào trong đời. Thậm chí bây giờ khi đã già, vẫn có người tỏ tình với tôi.
Có một cô bé mới hai mươi tuổi, rất thích thơ và tranh của tôi, hay đến chơi với tôi. Cô bé nói khi ông Pablo Picasso 90 tuổi thì Jacqueline, người yêu của ông, mới có 18 tuổi. Còn cô ấy thì lớn hơn Jacqueline... những hai tuổi.
Cách đây ít lâu tôi có ra Hà Nội để đọc thơ. Tôi đứng trên, nhìn xuống mấy hàng ghế đầu thì thấy toàn những bà già. Hóa ra đấy đều là những người đã yêu tôi khi còn trẻ, thuở mới mười bảy, mười tám tuổi. Những chuyện tình đến với tôi một cách rất tự nhiên, và nó cũng không hẳn là những chuyện tình trai gái, yêu đương đau khổ như mọi người nghĩ đâu.
Chẳng hạn như có một lần tôi đi xem đá banh, tôi mê Thể Công lắm, kế bên tôi là một cô gái trẻ cứ hò reo. Tôi thấy cô quậy quá nên nắm tay kéo cô ngồi xuống. Ai ngờ cô cứ để cho tôi nắm hoài đến khi gần hết trận đấu. Khi rời khỏi sân để về, cô đi theo hỏi: "Vậy giờ anh đi đâu". Thế là chúng tôi đi lang thang với nhau một vòng. Về sau này tôi chẳng còn gặp cô ấy nữa. Với tôi như thế đã là một chuyện tình rồi”.
3. Chia tay Phan Vũ, tôi có hẹn sẽ gặp lại ông. Nhưng mấy hôm sau, có gọi điện đến cháy máy thì ông cũng không bốc máy. Ra quán cà phê hay ngồi thì được biết mấy ngày rồi ông không ghé.
Những năm cuối đời, Phan Vũ ẩn dật và như con thần long thấy đầu không thấy đuôi như thế. Ông có thể hàng tháng trời không ra khỏi nhà, chỉ vì đang vùi mình vào những bức vẽ.
Phan Vũ nói: "Không làm việc thì tôi... sẽ bệnh. Còn nếu tôi buộc mình phải suy nghĩ thì cơ thể tôi cũng khỏe lại, giống như tôi đánh lừa bệnh tật vậy. Mỗi ngày tôi ngủ rất ít, 3 giờ sáng là đã thức dậy lụi cụi làm việc rồi. Khi đang ngủ, trong đầu có ý tưởng gì đó là tôi cũng bật dậy ngay. Con cái mua cho tôi căn hộ ở Vũng Tàu kêu tôi về đấy mà nghỉ dưỡng, nhưng tôi không đi. Thỉnh thoảng tôi cũng muốn nghỉ ngơi, nhưng nghỉ một hồi lại thấy tẻ nhạt. Bản thân tôi không phải là người thích ở không, nhậu nhẹt.
Ở tuổi 91, ngoài chuyện vẽ tranh và làm thơ, tôi chẳng còn muốn làm gì nữa. Với lại sống và làm việc đã quen rồi. Tôi cũng không có những ông bạn già, nói chuyện với những ông tiến sĩ, tôi có cảm giác như đang nói chuyện với... ông ngoại của mình vậy".
Và Phan Vũ vẫn đang sống, vẫn đang chiến đấu với thời gian, như một chứng nhân cuối cùng của một thời đại tuyệt đẹp của văn nghệ Việt Nam - một thời gian mà có lẽ không bao giờ có thể tìm lại được nữa. Và để kết lại bài này, người viết xin mượn lời của chính ông để nói lên chính lòng mình: Tôi ghét thời gian kinh khủng!
Phan Vũ bảo việc chuyển từ làm thơ sang vẽ tranh thực ra rất dễ dàng. Bởi vì ông bảo tranh của ông có thơ, cũng như thơ của ông có họa. Ông nói: "Người xưa cũng có câu "Thi trung hữu họa", tức là khi làm thơ, tôi cũng đã đồng thời vẽ lên một bức tranh rồi". Và ông chọn ra một đoạn thơ mà ông thích nhất trong Hà Nội, phố để minh họa cho điều này.
|