“Thị Mịch” ngày nay

Thứ Năm, 23/08/2012, 14:35
Gương mặt bầu bĩnh, nước da trắng hồng, đôi mắt một mí biết nói và nụ cười hồn nhiên như thuở nào vẫn chẳng hề thay đổi dù đã 20 năm có lẻ kể từ ngày Yến Chi hóa thân vào nàng Thị Mịch trong 2 tập phim truyện nhựa “Giông tố”. Dù trong quãng thời gian ấy, Yến Chi đã kịp rẽ cuộc đời mình sang một hướng đi khác, ít sóng gió hơn, ít cạm bẫy hơn, ít những va đập của đời sống nghệ sĩ với những nhiễu nhương ngoài tầm kiểm soát của chính mình.

Có người cho rằng, Yến Chi quá tỉnh táo, quá khôn ngoan, nhưng đối với chị, tình yêu đối với nghệ thuật có vô vàn nẻo lối. Và Yến Chi nhận ra mình đã chọn một con đường khác, để thấy nghệ thuật đã ngấm vào từng tế bào của cơ thể sống. Càng theo đuổi nó, chị càng cảm thấy con đường đến với nghệ thuật đích thực là đầy những chông gai, phải đánh đổi bằng nhiều đêm thức trắng cạn ý nghĩ và những nếp nhăn của tuổi tác, chứ không đơn giản chỉ bằng những scadal ầm ĩ, hay những danh tiếng nhất thời mà một vai diễn nào đó có thể mang lại…

Yến Chi vẫn thế, dịu dàng, đằm thắm, tự tin với cái duyên của người đàn bà không va vấp bởi những sóng gió mà số phận những người đẹp thường gặp phải. Dù đã có lúc, nhiều người ngỡ rằng, Thị Mịch của Giông tố, một vai diễn dài hơi đầy thân phận, có thể sẽ là một nỗi ám ảnh khủng khiếp rồi sẽ vận vào đời người diễn viên như một nghiệp chướng khó tránh. Bởi vì, không ít những nữ nghệ sĩ tài hoa, ở tuổi về chiều đều nhận ra rằng, không phải là đạo diễn, không phải là chính họ hay một ai đó cụ thể đã chọn nhân vật ấy cho mình, mà chính số phận đã chọn cho mình một nhân vật mà đôi khi nhìn lại, họ bỗng thấy số phận ấy như một thước phim quay chậm của cuộc đời mình mà không hề hay biết.

Nói về điều này, Yến Chi cười đầy ý nhị, chị là người sống duy vật với tư duy nhạy bén của một người vốn học xuất sắc các môn khoa học tự nhiên. Chị không nghi ngờ điều ấy và luôn tin vào bàn tay sắp xếp của số mệnh. Bởi vì, chính con tạo xoay vần đã xoay chuyển cuộc đời của chị, đưa chị đến với điện ảnh. Nếu không có sự run rủi của cuốn sách Cái chết của một người chào hàng (Athur Miller) trên giá sách của cha chị, nhà văn Trần Kim Thành, mà chị vô tình đọc được trước ngày thi Đại học Bách khoa 2 tháng, thì có lẽ, bây giờ Yến Chi có thể đã là một kỹ sư Bách khoa đâu đó trên đất nước Việt Nam này.

Chị không ngờ, sau gần 12 năm theo đuổi khoa học tự nhiên, chỉ hơn một trăm trang sách về số kiếp của một người chào hàng tận nước Mỹ xa xôi, mơ hồ lại gây một ngạc nhiên lớn cho chị đến vậy. Yến Chi nhận ra tâm hồn mình đầy đa mang, đầy nhạy cảm, đầy sự mê dụ và bị mê hoặc hoàn toàn bởi thế giới của hình tượng nghệ thuật, những số phận bi đát và cả những nỗi đau nhân thế. Tâm hồn cô gái 17 tuổi Yến Chi thời ấy, đã bị thế giới nghệ thuật hút hồn và trong chị nảy ra một ý định đầy bạo dạn: chị sẽ trở thành diễn viên để sống thêm những cuộc đời khác.

Cũng chính vì ý nghĩ ấy, mà vào năm cuối cùng học tại Trường Đại học Sân khấu điện ảnh, vượt qua bao ứng viên đắt giá để trở thành Thị Mịch trong bộ phim Giông tố (đạo diễn Nguyễn Mạnh Lân chuyển thể từ tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng) đã là một sự may mắn ngoài mong đợi của Yến Chi. Nhớ lại thời điểm này, chị kể lại: “Nhân vật Thị Mịch ban đầu là một cô gái nông dân thuần phác của những năm 30 thế kỷ trước. Còn tôi là một sinh viên, từ bé đến lớn đó chỉ sống quanh quẩn bên bố mẹ, chị em và bạn bè ở Hà Nội. Vì vậy để nhập vai, để thể hiện được tâm lý của Thị Mịch qua những thay đổi trong đoạn đời tuy ngắn ngủi nhưng đầy biến cố của Mịch từ khi gặp Nghị Hách (NSND Trọng Khôi) quả thật có nhiều khó khăn, có nhiều “ngưỡng” phải nhận thức, phải vượt qua trong diễn xuất. Từ một cô gái chân quê, mộc mạc… đến một người đàn bà bất chấp mọi sự trên đời, thậm chí đến độ lì lợm, ngang ngạnh, trâng tráo, nhưng đâu đó vẫn còn lại, vẫn ánh lên sự hồn nhiên, trong trẻo của cô gái nông thôn thuần phác... Mọi việc đối với tôi lúc đó còn rất bỡ ngỡ. Tôi còn nhớ hôm đến thử vai tại nhà của Phó đạo diễn Phạm Lộc, tôi phải thoại một đoạn đối thoại của Thị Mịch trước mặt của các thành phần chủ yếu trong phim (đạo diễn, phó đạo diễn, quay phim, hóa trang, phục trang…). Nghe tiếng máy quay phim quay sè sè bật lên, tiếng lệnh của đạo diễn: “diễn”, tôi chợt như ngừng thở, mọi lời thoại đã nhập tâm biến đâu mất sạch. Tôi đứng lặng, thiếu chút nữa thì bật khóc òa. Lúc đó đạo diễn Nguyễn Mạnh Lân nói nhẹ nhàng: “Bình tĩnh, bình tĩnh… Hãy lặng im cho cô ấy tập trung!”. Và ngày lập tức tôi thấy mình cứng cáp trở lại, tin chắc một điều rằng mình phải là “Thị Mịch”.

Yến Chi trong vai Nam Phương Hoàng Hậu.

Trong phim truyện nhựa, mọi diễn xuất “thật”, “giả” của người diễn viên luôn bộc lộ đầy đủ trong từng chi tiết, không gì có thể che giấu được. Tôi âm thầm chuẩn bị cho vai diễn của mình hàng ngày. Vốn sống về xã hội cũ, nhất là xã hội nông thôn Việt Nam, chủ yếu tôi tìm trong kho sách của cha tôi. Hằng đêm, tôi “giả thử” mình vào hoàn cảnh, tình huống, giáp mặt với những nhân vật Nghị Hách, Long, Tú Anh trong phim. Tôi “thách đố” bản thân mình khi cảm thấy bất lực trong phương pháp “giả thử”… Tôi nhớ cảnh khi Long - người tình của Thị Mịch lúc này đã là vợ của Nghị Hách - tới để “hỏi tội phản bội” của  Mịch. Mịch ngồi trên giường với áo lụa màu xanh, quần trắng, tóc vấn tân thời. Mịch từ gượng gạo, xấu hổ với Long, rồi chuyển sang trách cứ, rồi chủ động lôi Long vào ân ái trong cơn hờn ghen, nuối tiếc, ăn năn và hận thù… Diễn xong, tôi thấy trí não loãng trống, thân thể rã rời vì ứ ngập ê chề, bế tắc. Đoàn phim chuyển sang chuẩn bị cảnh quay mới rồi mà tôi vẫn đứng một mình trong bóng tối, lặng lẽ khóc. Khóc mãi. Và cũng lúc đó tôi biết mình đã chạm được vào sợi tơ mong manh giữa diễn viên và nhân vật của mình”.

Giông tố ra đời, ngay lập tức chiếm được cảm tình của khán giả, và Yến Chi đã trở thành một trong những diễn viên đắt giá với một gương mặt hút hồn bởi sự lạnh lùng, kiêu sa và đầy quyến rũ. Chị tiếp tục nhận được nhiều lời mời đóng phim khác: Cam Ly trong Hai nửa thương yêu, Lan trong Hoàng hôn nhiệt đới, Duyên trong Mảnh đất tình đời nhưng có lẽ, Yến Chi chưa thể thoát khỏi cuộc đời của một Thị Mịch quê mùa, hiền lành, cam chịu và cũng đầy nổi loạn ấy nếu không được mời vào vai Nam Phương Hoàng hậu trong bộ phim truyền hình dài tập Ngọn nến Hoàng cung.

Yến Chi kể lại: “Khi còn bé, tôi cứ ao ước mình sẽ được làm công chúa, bà hoàng, hoặc được đóng những vai đó trên sân khấu kịch, bởi nghĩ đó là những vai sung sướng nhất, hạnh phúc nhất và sáng chói nhất giữa tất cả những gì diễn ra xung quanh. Khi đọc kịch bản phim Ngọn nến Hoàng cung, tôi hiểu được sự khác biệt đằng sau những chói sáng ngày xưa tôi đã tưởng tượng. Khi nhập vai Nam Phương Hoàng hậu, tôi cảm nhận tới từng tế bào của da thịt, của trí não… cái bi kịch của một con người “bị” đẩy tới đỉnh cao mà không được trở về thành người bình thường nữa. Tôi bị ám ảnh trong hơn một năm trời suốt thời gian làm phim: Ý nghĩ đầu tiên khi bắt đầu tỉnh giấc và ý nghĩ cuối cùng trước khi chìm vào cơn ngủ mệt nhoài của một ngày là “bà (Nam Phương) đã như thế nào khi đó? Tôi đã lột tả được tâm lý của bà chưa?”. Và khi bộ phim được trình chiếu, tôi nhận được nhiều lời khen của các nhà chuyên môn và khán giả. Thế là một lần nữa tôi chạm được tay vào sợi tơ mỏng manh giữa cái tôi nhân vật và cái tôi diễn viên. Khác với khi đóng vai Thị Mịch, bây giờ với Nam Phương Hoàng hậu là cảm nhận thật đầy đủ trên từng “giác na” cơ thể, trí não chứ không chỉ bằng tưởng tượng nhờ văn học như trước đây nữa”.

Nhiều người cho rằng, Yến Chi là một diễn viên thông minh, sự thông minh cộng với chút nhạy cảm và đa cảm của một cô gái Hà Nội sống trong một gia đình êm ấm đã tạo cho chị một sự tỉnh táo cần thiết để có một đời sống an bình sau những danh vọng đã đạt được của nghề nghiệp. Những thành công của nghề diễn không khiến chị chạy theo cái bóng danh vọng phù du và những ảo ảnh đẹp như trong phim mà những người diễn viên có chút tài năng thường gặp phải. Họ sống theo bản năng cái tôi của nghệ sĩ và dấn thân vào đời chấp nhận mọi may rủi của số phận. Yến Chi chọn một con đường khác là làm giảng viên tại Trường Sâu khấu Điện ảnh, làm Tiến sĩ nghiên cứu về chính tác giả Athur Miller, người đã có công gián tiếp đưa chị đến với điện ảnh.

Sau luận án tiến sỹ, chị đã viết và xuất bản một chuyên luận sâu khấu dài hơi, nghiêm túc Nghệ thuật biên kịch Arthur Miller (NXB Sân khấu, 2010). Và theo như nhận xét của NSND Đình Quang: “Ở đây, chị đã phải vận dụng đến một khả năng khác, đó là tư duy lý luận, tư duy khái niệm nhiều hơn là sự bay bổng của trí tưởng tượng, hư cấu của người nghệ sĩ. Cuốn sách không chỉ bổ ích riêng cho giới sân khấu mà còn có ích cho giới nghiên cứu văn học, người yêu kịch nói, nhất là trong bối cảnh các tác giả đến từ nước Mỹ chúng ta còn ít có điều kiện tiếp cận”.

Hiện nay, Yến Chi đang là Trưởng phòng đào tạo thuộc Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh với những thành công trong con đường nghiên cứu khoa học, đào tạo, giảng dạy những thế hệ học sinh kế tiếp. Chị đã học được ở các thế hệ thầy giáo của mình sự trân trọng nghề nghiệp. Bởi vì: “Ai vào nghệ thuật bằng con đường nào thì tất yếu sẽ đi ra khỏi nghệ thuật bằng con đường ấy”. Và đó cũng là những điều chị thường khuyên bảo các thế hệ học sinh của mình. Rằng, tài năng thiên bẩm là món quà ưu ái của số phận dành cho mỗi con người nhưng mức độ thành công của mỗi nghệ sĩ trong nghệ thuật là sự kết hợp của nhiều yếu tố, phẩm chất. Bởi vậy hãy sống tốt đẹp, hãy làm một “người tử tế” để không bao giờ phải hối tiếc về những tháng ngày qua.

Yến Chi chia sẻ rằng, cùng với thời gian, chị đã có những đổi thay trong nhận thức, trong tâm niệm, chị dừng bước trên con đường tìm kiếm cho mình một vai diễn để đời, thực ra là để chọn một con đường, một chân trời và một niềm đam mê khác trước mà thôi. Còn Thị Mịch của ngày nào vẫn hồn nhiên sôi nổi, cả đôi chút dại khờ, tò mò trong sáng tạo, học thuật và đặc biệt, luôn tin vào những điều trong cổ tích…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.