Thầy “World Cup” đánh trận “ao làng”

Thứ Ba, 27/11/2018, 16:09
AFF Suzuki Cup 2018 (giải vô địch bóng đá Đông Nam Á) đang diễn ra, chứng kiến một câu chuyện vô tiền khoáng hậu, khi một HLV danh tiếng châu Âu, từng cầm quân tham dự VCK World Cup bỗng nhiên xuất hiện.


Ông ấy là Sven Goran Eriksson, cựu thuyền trưởng Đội tuyển Anh, đương kim thuyền trưởng Đội tuyển Philippines. Rất nhiều dấu hỏi đặt ra xung quanh câu chuyện này, mà nhức nhối nhất và đáng suy ngẫm nhất là vì sao một HLV từng ở đỉnh đầu của bóng đá thế giới lại có ngày chấp nhận về cầm quân ở một khu vực bóng đá mà suốt bao năm nay vẫn được mệnh danh là "cái ao làng"?

Cụ thể, năm 2002, Eriksson lần đầu tiên hào hùng dẫn tuyển Anh dự VCK World Cup tại Hàn Quốc, đối đầu với những đội bóng mạnh nhất hành tinh như Brazil. Và bây giờ, 16 năm sau, ông lặng lẽ dẫn Philippines đá ở "cái ao" Đông Nam Á, đối đầu với những đội như Timor Lester - trận đấu mà thậm chí đội bóng của ông suýt nữa bị gỡ hoà 3-3. 

Vẫn biết, sau khi chia tay tuyển Anh, sự nghiệp Eriksson trượt dần, trượt từ Bờ Biển Ngà đến Mexico (cấp Đội tuyển Quốc gia), trượt từ Man City đến Leicester Ciy, rồi cả đội hạng Nhì Notts County và gần nhất là một CLB gì đó của Trung Quốc (cấp CLB)...., nhưng trượt đến mức phải cập bến Philippines thì lạ thật! Và chúng ta, ở góc độ của những người quan sát, có thể tìm ra bao nhiêu nghiệm số cho cái phương trình lạ hoắc này?

1. Nghiệm số 1

Đơn giản là Eriksson chợt thấy thích thú đội Philippines, sau khi xem băng trận Philippines - Oman như những gì ông nói với báo giới Đông Nam Á. Và ông tin rằng tới hành nghề ở đây, mình thực sự có thể giúp bóng đá Philippines phát triển. Thích và tin thì nhận lời, vậy thôi.

Xem ra, nghiệm số này có vẻ khó tin.

2. Nghiệm số 2

Eriksson đã 70 tuổi, đã quá hiểu mình qua thời đỉnh cao từ rất lâu rồi. Bây giờ đơn giản là cần một công việc để duy trì niềm đam mê cá nhân.

Nghiệm này rõ ràng bớt khó tin hơn nghiệm 1, nhưng vẫn ảo. Bởi đam mê ở đâu, chứ đam mê theo kiểu cầm Philippines đấu với Timor Lester thì ôi thôi...

3. Nghiệm số 3

Tiền! Câu chuyện đơn giản là phải luôn duy trì một công việc giúp mình có được một khoản tiền ổn định. Nhiệm này thực tiễn hơn nghiệm 2, bởi mức lương của Eriksson ở Philippines là gần 80.000 USD/tháng (theo báo chí Philippines) - gấp khoảng 4 lần mức lương của ông Park Hang Seo ở Đội tuyển Việt Nam.

Nếu con số này là thật, nó đáng để một người đến từ châu Âu, với cách nghĩ và cách sống thực dụng châu Âu nhận lời lắm chứ!

4. Nghiệm số danh dự

Với nghề HLV hay bất cứ nghề gì khác, danh dự là một thứ nghiệm vô giá mà bất cứ người hành nghề chân chính nào cũng phải bảo vệ. Có lẽ chính vì nghĩ tới điều này mà khi bóng đá Trung Quốc liên tục đưa ra những mức giá trên trời để mang những HLV, những cầu thủ danh tiếng về nước mình thì Jose Mourinho mới nói đại ý rằng, với ông, được trả thế, chứ trả nữa cũng chẳng bao giờ chấp nhận về làm việc ở những nền bóng đá như Trung Quốc.

Những HLV theo mẫu Alex Fergusoon chắc có lẽ cũng chung quan điểm ấy, rằng có trả một núi tiền cũng không bao giờ chấp nhận hành nghề ở những nơi như Trung Quốc, Philippines hay Việt Nam. 

Sở dĩ phải thoáng nhắc đến Việt Nam vì theo thông tin chúng tôi từng biết thì một đại gia bóng đá Việt Nam cũng từng sẵn sàng trả Alex Fergusoon một khoản lương thuộc diện "trên trời của trên trời", nhưng "Hiệp sĩ" Alex nhất định nói KHÔNG! Trong trường hợp này, đừng nghĩ là "cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng... rất nhiều tiền".

Trở lại với trường hợp Eriksson, khi chấp nhận ngồi lên ghế thuyền trưởng Philippines, ông có loáng thoáng nghĩ gì về vấn đề danh dự hay không? Để tránh võ đoán, ở đây lại phải cẩn thận chia ra 3 trường hợp nhỏ.

* Trường hợp 4.1

Eriksson đương nhiên nghĩ đến danh dự, nhưng mức lương 80.000 USD/ tháng là quá tốt với mình, trong hoàn cảnh hiện tại. Nên có thể bước qua một chút rào cản danh dự để nhận lời. 

* Trường hợp 4.2

Eriksson đặt danh dự bên cạnh tính chuyên nghiệp, và cho rằng: Đã là HLV chuyên nghiệp, thì phải luôn cố gắng làm nghề cho tới khi nào không làm được nữa mới thôi. Phải làm nghề đến cùng, làm ở bất kỳ đâu. Bởi "hành nghề chuyên nghiệp" quan trọng hơn "danh dự hão huyền".

* Trường hợp 4.3

Ông có một quan điểm về danh dự hoàn toàn khác quan điểm mà chúng ta đang nghĩ. Theo ông, danh dự không phải là thứ mà để bảo vệ nó người ta buộc phải từ chối một công việc với một mức lương khá, dù đó là một công việc bị nhiều người đánh giá là không xứng với ngay cả một chút tên tuổi còn sót lại của mình. Trái lại, danh dự được biểu hiện ở việc phải biết mình, biết người, biết thời và biết chấp nhận cái thực tế đã đi qua thời đỉnh cao mà mình đang đối diện.

Rõ ràng, cái phương trình "Eriksson - Philippines" buộc chúng ta phải cẩn thận chia trường hợp và nghĩ đến hàng loạt các nghiệm số khác nhau. 

Phải cẩn thận như thế cho nó lý tính, dù còn có một thứ lý tính khác về Eriksson luôn thường trực trong đầu óc những fan hâm mộ, đó là cái ngày ông còn làm đương kim HLV trưởng Đội tuyển Anh, một đại gia Ảrập nọ đã bí mật mời ông lên một du thuyền và hứa hẹn sẽ trả một mức lương kỷ lục để ông sớm rời tuyển Anh về dẫn dắt một CLB Anh mà đại gia này sắp mua. 

Không chút nghi nghờ, không chút chần chừ, Eriksson gật đầu cái rụi. Ai dè, "đại gia" đó là do một nhà báo đóng giả, và Eriksson giống như một con mồi sập bẫy. Sau vụ đó, Eriksson ê chề trên mặt báo chí Anh, và đánh mất uy tín của mình trong mắt các cổ động viên Anh.

Có thể chính từ những vết tích quá khứ này mà nhiều người sẽ nhìn câu chuyện Eriksson về cầm quân ở Philippines từ góc độ tài chính thuần tuý, và nếu đúng như thế thì cũng khó mà trách những cách nhìn như vậy. Nhưng ở một góc nhìn khác, lại phải thấy rằng với một khu vực bóng đá hẻo lánh như Đông Nam Á thì sự xuất hiện của một HLV cỡ Eriksson là rất có lợi.

5. Và một góc nhìn khác

Trước đấy, các đội bóng Đông Nam Á, đặc biệt là "anh cả" Thái Lan đã từng hút được một vài HLV có tiếng trên thế giới như Peter Reid,  Bryan Robson, hay Winfried Schafer, nhưng những HLV tên tuổi cỡ Eriksson thì đây mới là lần đầu tiên. 

Vậy thì biết đâu đấy, sau "lần đầu tiên" đáng nhớ này, sẽ lại có những HLV cỡ đó tiếp tục đến với bóng đá Đông Nam Á, dù ai cũng hiểu một khi đã chấp nhận tới đây cũng có nghĩa họ đã đi qua thời đỉnh cao của mình từ rất lâu rồi?

Bất luận như thế nào thì bóng đá Đông Nam Á cũng có một luồng gió khác lạ khi những người như Eriksson bỗng nhiên xuất hiện!

Trong cơn mưa thầy ngoại

Kể từ khi thay đổi diện mạo Đội tuyển Quốc gia bằng cách kêu gọi hàng loạt các cầu thủ Phi kiều đang chơi bóng ở châu Âu trở về, bóng đá Philippines lập tức sử dụng những ông thầy châu Âu. AFF Suzuki Cup năm 2010, họ từng sử dụng ông thầy trẻ người Anh McMenemy, và chính ông thầy này đã giúp Philippines đánh bại Việt Nam 2-0 ngay trên sân Mỹ Đình để giành quyền vào bán kết. 

Đến AFF Cup năm 2012 thì thầy Đức Michael Weiss lại giúp Philippines đánh bại Việt Nam 1-0, để tiếp tục vào bán kết. AFF Cup 2014, họ lại chuyển sang thầy Mỹ Tom Dooley, và điều mà thầy Mỹ làm được cũng giống y như thầy Anh và thầy Đức trước đó: đưa Philippines vào bán kết rồi... bại trận. Hơn bao giờ hết, Liên đoàn bóng đá Philippines muốn đội tuyển nước mình vượt qua "cái ngưỡng" bán kết, và đấy là lý do khiến họ chi mạnh tay để mời một HLV tầm cỡ như Eriksson.  

Theo đánh giá của báo giới Philippines, nếu Eriksson không thể giúp Đội tuyển đi xa hơn những gì mà MC Menemy, Michael Weiss và Tom Dooley làm được, khả năng ông phải ra đi là cực lớn. Như thế có nghĩa, "giải pháp Eriksson" rất có thể chỉ là giải pháp ngắn hạn, mang nặng tính mùa vụ, chứ không phải là một giải pháp đường dài. Và nếu đúng vậy, cơn mưa thầy ngoại mà bóng đá Philippines đã và đang tạo ra rất có thể sẽ khiến bóng đá Đông Nam Á có thêm nhiều bất ngờ phía trước.

Diệp Xưa
.
.