Bà Bùi Hạc Đính, vợ nhà thơ Trần Huyền Trân:

Thăm thẳm kiếp người

Thứ Ba, 01/11/2011, 16:01
Bà lọ mọ chống gậy ra mở cửa. Cả một khoảng sân đầy dây leo và lan hạc đính, loài hoa nhỏ bé, khiêm nhường, nhưng thơm dịu dàng. Ngôi nhà này bà đã sống ở đây hơn nửa thế kỷ rồi. Và cũng hơn 20 năm, bà một mình lẻ bóng, khi nhà thơ Trần Huyền Trân, chồng bà mất. Bà bảo, cuộc đời thăm thẳm gần một thế kỷ của bà, nhưng có lẽ, chỉ từ khi ông mất, bà mới thấy buồn và lẻ loi đến thế. Bà là Bùi Hạc Đính, người vợ hiền của nhà thơ Trần Huyền Trân.

1. Bà Hạc Đính thở dài, vậy là một người bạn thân thiết của bà, NSƯT Thu An đã qua đời. Thêm một lá vàng rụng về cội. Năm nay bà Hạc Đính đã 92 tuổi, gần một thế kỷ sống trên cõi đời, chứng kiến những người bạn vong niên lần lượt rời xa cõi tạm.

Bạn sân khấu cùng thế hệ chẳng còn ai. Bà Lê Thanh mất năm kia. Vừa rồi là ông Trịnh Mai. Thế là gần hết, một thế hệ đầu tiên của sân khấu. “Hình như mọi người đều được phong nghệ sĩ ưu tú, chỉ mình tôi là chả có gì, dù tôi cũng không bao giờ nghĩ đến những danh vọng này nọ”. Bà thoáng thở dài.

Nhưng đâu phải bà Hạc Đính không có gì. Có thể không phải là những danh xưng, hay những hào quang sân khấu mà bà đã bỏ lại đằng sau khi theo chồng bỏ cuộc chơi. Nhưng cuộc đời người phụ nữ này, đã có nhiều thứ hơn thế. Tôi biết, ẩn đâu đó, trong đôi mắt minh mẫn của bà một nỗi buồn xa vắng. Nỗi buồn trải dài trong cuộc đời không có nhiều biến động của bà. Bà Đính thoáng chút ngậm ngùi nhớ về một thời quá vãng.

Những câu chuyện bà đã xếp nó đâu đó trong dòng ký ức của mình. Ngày đó, bà Hạc Đính đẹp nổi tiếng phố cổ Hà Nội. Bà là con gái yêu của nhà văn Nam Hương Bùi Huy Cường, chuyên viết thơ ngụ ngôn cho thiếu nhi (có tên trong Từ điển Văn học). Từ nhỏ, bà theo học Trường Lê Ngọc Hân ở phố Lò Đúc. Vốn tiếng Pháp học từ ngày đó đến giờ, mà bà Hạc Đính vẫn có thể nói chuyện với người Pháp và đọc sách Pháp làu làu. Cô gái bé nhỏ có gương mặt tròn như trăng rằm đó cũng đã làm xao lòng bao chàng trai Hà Nội.

Năm 1943, ngày Hạc Đính 20 tuổi, một nhóm tài tử Hà Nội định dựng vở kịch Nửa chừng xuân mà tìm mãi không ưng ý một ai. Bà được mời thử vai cô Mai, một nhân vật mà Hạc Đính rất mê. Chỉ trong một đêm, bà đã thuộc làu kịch bản. Lần đầu tiên đứng trên sân khấu trong một vở kịch dài 7 lớp, nhưng bà Hạc Đính đã khiến người xem khóc sướt mướt.  Vở kịch mà bà có sắm vai ấy còn được mang đi diễn khắp nơi, từ Phủ Lý, Nam Định, rồi Hà Nội với nhóm kịch tài tử Chí Hòa.

Nhiều người biết đến bà, và cái tên Hạc Đính, tên một loài hoa lan bé nhỏ, khiêm nhường, thơm dịu dàng chỉ nở một mùa duy nhất vào tháng 1, tháng 2 bắt đầu xuất hiện (tên thật của bà là Bùi Thị Đính). Hình như cái tên cũng làm nên số phận. Loài lan hạc đính đẹp một cách sâu lắng, chứ không rực rỡ kiêu sa như những loài lan khác. Năm 1944, ông Chu Ngọc mời bà đóng vai Thị Lộ trong vở Lệ Chi Viên do nhà thơ Hoàng Cầm viết kịch bản.

Bà Hạc Đính và người bạn thân thiết của gia đình, nhà thơ Hoàng Cầm.

Cũng từ vai diễn này mà bà quen nhà thơ Hoàng Cầm, sau này ông trở thành người bạn tâm giao của gia đình bà. Hồi đó, Hoàng Cầm vào vai vua Lê Thánh Tông. Sớm gia nhập vào đời sống văn nghệ lúc bấy giờ, Hạc Đính có nhiều cơ hội để phát triển mối duyên với sân khấu. Và với nhan sắc của bà, với bản năng làm nghề, biết đâu bà sẽ đi xa hơn thế, để hôm nay có thể ngồi đong đếm lại những hào quang của mình.

Thế nhưng, năm 1945, khi gặp nhà thơ Trần Huyền Trân, đang tìm vai cho vở kịch 19 tháng Tám của ông, cuộc đời bà đã sang một ngã rẽ khác. Mối quan hệ đạo diễn và diễn viên dần dần lớn lên thành tình yêu. Và chỉ một năm sau, năm 1946, một đám cưới giản dị theo đời sống mới được tổ chức tại Hà Nội…

Hơn 60 năm, cuộc đời bà Hạc Đính gắn với số phận của nhà thơ tài hoa Trần Huyền Trân. Bà chưa một ngày hối tiếc. Bà bảo: “Ngày đó tôi cũng có rất nhiều người yêu. Giàu sang có, danh giá có, kể cả những tầng lớp trung lưu. Nhưng không hiểu sao, cũng chẳng mê ai”. Đến khi gặp ông, “tôi thấy ông là một nhà thơ nghèo, nên  thương”. Tình yêu nảy nở từ tình thương, từ sự đồng cảm.

Ngày đó, nhà thơ Trần Huyền Trân nghèo lắm. Ông mồ côi bố từ lúc lên 7 tuổi. Mẹ chỉ có một cái lều vó kiếm cá quãng đầm ao sau Cống Trắng, Khâm Thiên thuộc đất làng Văn Chương. Trần Kim (tên của nhà thơ Trần Huyền Trân) phải làm đủ nghề nuôi em, đỡ mẹ, cuộc sống long đong lận đận. Hạc Đính nhiều lúc tự hỏi, trên đời, sao có người tài hoa mà lại khổ đến vậy.

Nhà Hạc Đính cũng chỉ là một gia đình giáo chức nghèo mà thôi. Đến bây giờ, bà Hạc Đính vẫn nhớ con ngõ nhỏ đó, dù rất nhiều ngôi nhà cao tầng đã mọc lên, xóa vĩnh viễn một nơi ao tù nước đọng. Vậy mà, chính trong cảnh huống dưới đáy xã hội đó, lại là nơi tá túc của những tâm hồn thơ, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân. Bà yêu, và bà hiểu nỗi khổ cùng cực của một kiếp người như ông.

Thế nên, bà bỏ hết những đám hỏi rước sang trọng, kể cả con nhà danh giá để về làm dâu nhà ông, chỉ vì mê tài, và vì thương ông đơn độc, nghèo khổ. Có lẽ thấu hiểu được tấm chân tình đó, mà nhà thơ Trần Huyền Trân, tâm hồn của một thi sĩ hào hoa, đa tình, dù có phiêu bạt khắp chốn cùng nơi cũng luôn tìm về một bến đợi là bà.

2. Bằng tình yêu đó, bà theo ông lên Việt Bắc, từ bỏ những ước mơ dang dở và một tương lai khác của một nhan sắc Hà Nội. Bà nuôi lợn trồng rau, và làm bổn phận của một người vợ. Đó là những năm khốn khó. Nhưng với tài khéo léo thu vén của bà, ông mới bình tâm làm việc. Sau Cách mạng, gia đình bà Đính lại về Hà Nội, phải ở nhờ nhà của bà dì ruột ở số 2 Nguyễn Du. Căn phòng chỉ vẻn vẹn 10m2, trở thành nơi tá túc của 4 con người.

Hồi đó bà nhận đan len cho mậu dịch và sống bằng đồng lương của ông ở nhà hát, thay ông chăm sóc các con. Rồi bà vào Nhà hát kịch Hà Nội. Nhưng khi đó, bà đã lớn tuổi, không có cơ hội cho những vai diễn dày dặn. Sân khấu cũng không còn là mối tình mê đắm của bà Hạc Đính nữa mà lúc này là gia đình. Ông mải mê với chèo, với thi ca, một mình bà tần tảo, nuôi nấng chăm sóc các con. Có đận, bà còn theo ông đi khắp các vùng Bắc Bộ sưu tầm chèo cổ.

Mãi đến năm 1964, ông bà mới có nhà riêng ở cuối con ngõ nhỏ phố Nguyễn Lương Bằng này. Bước vào đây, cảm giác thư thái và bình yên đến lạ. Như tách khỏi phố xá ồn ào, khỏi những bon chen của đời sống. Ngôi nhà xưa, là một mái nhà tranh liêu xiêu, phía sau là hồ nước thả bèo. Ông Trần Huyền Trân muốn giữ lại ao bèo này để nhớ về một thời đoạn khốn khó trong cuộc đời mình ở Cống Trắng, Khâm Thiên. Giờ thì những khổ cực và những buồn vui cũng đã đi qua. Bà nhìn về nó bằng một quan điểm sống thật giản đơn và sâu sắc, “người phụ nữ Việt Nam nào chả khổ hả con…”.

Tôi hỏi bà, đã đi qua gần một thế kỷ, có lúc nào bà chạnh lòng buồn. Bà bảo, có lẽ bà chỉ buồn khi ông mất, khi bà không còn người để tâm giao, để chăm sóc và trò chuyện. Nhưng cả cuộc đời làm vợ một người đàn ông tài hoa như Trần Huyền Trân, tôi nghĩ, bà đã không ít lần chạnh lòng. Nhưng bà đã hóa giải nó bằng sự chịu đựng, bao dung, và vị tha của một tâm hồn phụ nữ, biết yêu thương. Không biết bà đã phải chứng kiến bao mối tình của ông, những mối tình trong quá khứ và cả khi ông đã có gia đình. Bà Đính biết rõ về những người con gái đó. Nhưng bà không hờn ghen. “Ông có nhiều người yêu lắm, trước và cả sau khi lấy tôi. Tôi chỉ là người số 41 của ông thôi”.

Bà kể: “Có những câu chuyện tình của ông rất buồn. Đó là một cô gái con một nhà đốc tờ thú y ở phố Huế. Hai người yêu nhau tha thiết, nếu không vì bố cô gái chê ông Trân là một văn sĩ nghèo thì họ đã nên duyên. Sau này, cô Thục (tên cô gái) được gả cho một gia đình giàu có ở Hàng Bồ. Đám cưới của bà Hạc Đính, bà Thục đến chúc mừng và nói: “Bà là người hạnh phúc, còn tôi bạc phúc”.

Khi ông Trân bị liệt, nằm ở Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, bà Thục cũng đến thăm. Vẫn thấy bà ấy ngậm ngùi vì tình xưa nghĩa cũ. Nhưng tôi im lặng, không nói gì. Sau này, vợ chồng bà ấy cũng bị liệt và mất, giống ông Trân”. Bà còn nhớ, có người con gái mê thơ, đến mê ông thi sĩ, đến độ, thêu cả thơ lên khăn tay gửi tặng. Hồi đó, rất nhiều thi sĩ nổi tiếng, nhưng không ai được thêu thơ tặng như Huyền Trân.

Mái tóc bà Hạc Đính đã bạc như cước. Đi gần hết một cuộc đời dài dặc như vậy, mà trông bà vẫn thư thái, nhẹ nhõm đến lạ. Bấy lâu nay, bà bị bệnh khớp, đi đâu cũng phải chống gậy. Căn phòng nhỏ bề bộn sách vở, thuốc men. Nhưng có một góc nhỏ rất đặc biệt, là những album ảnh của gia đình, của bạn bè, bà gìn giữ cẩn thận. Như một góc ký ức riêng của mình.

Có lẽ sẽ chẳng còn ai nhớ về một cô Mai, một Thị Lộ lộng lẫy trên sân khấu cách đây hơn nửa thế kỷ. Mà người ta chỉ còn nhớ, bà Trân, vợ một nhà thơ lớn. Bà không buồn vì điều đó. Bởi như loài hoa lan hạc đính, khiêm nhường đấy, nhỏ bé đấy, nhưng vẫn có một vẻ đẹp riêng. Cái đẹp ẩn mình, bền lâu và có ý nghĩa hơn chứ. Thế mới biết sự hy sinh thầm lặng của bà Hạc Đính khi bà coi mối duyên vợ chồng với nhà thơ Trần Huyền Trân là một may mắn trong cuộc đời.

Qua đi những giai đoạn gian khó của chiến tranh, của thời bao cấp, bà Đính lại phải gánh chịu những nỗi phiền muộn trong cuộc sống khi cô con gái thứ 2 bị mất ở Hunggari. Cô con gái thông minh của bà ra đi với bao dự định. Vậy mà, mang được con về, chỉ còn là một nắm tro. Bà Hạc Đính đau đớn…

Nỗi buồn chưa kịp nguôi ngoai, thì đến năm 1986, ông bị bạo bệnh. Căn bệnh ác nghiệt hủy diệt cơ thể ông từng ngày. Bà bất lực nhìn mà đau xót. Ba năm ròng rã, bà Hạc Đính hết theo ông vào bệnh viện lại theo ông về nhà, mang theo lỉnh kỉnh những lọ nước chuyền và hàng tá thuốc men… Ông ốm khổ lắm. Nước mắt chảy dài trên khóe mắt nhăn nheo của bà. Một con người say mê công việc như ông mà phải bất lực nằm đó nhìn thời gian trôi.

Bà hiểu ông, nên thương lắm. Năm 1986, ông bị liệt vì tắc động mạch. Năm 1987, ông phải cắt đi một chân. Năm 1988, cắt một chân nữa. Nằm bệnh viện, chờ cho vết cắt khô da, bà lại đưa ông về nhà. Cứ thế, triền miên 3 năm ròng rã. Bà và con cháu, chạy vạy đủ thuốc tây, thuốc ta. Cho đến khi căn bệnh chạy vào phổi, thì vô phương cứu chữa.

Chưa bao giờ bà thấy mình cô đơn và lẻ loi đến thế. Bởi cuộc đời bà đã quen có ông bên cạnh. Phải mất một thời gian rất dài bà Hạc Đính mới lấy lại được cân bằng. 22 năm nay, hàng ngày bà vẫn mở cửa phòng lưu niệm trò chuyện với ông, để nơi suối vàng, ông bớt cô đơn. Và cũng để cho tâm hồn của bà đỡ cô quạnh trong những ngày còn lại trên cõi nhân gian…

Khánh Linh
.
.