Thái sư Trần Thủ Độ - Người tài đa diện

Thứ Ba, 03/10/2006, 09:00

Không thể gọi Thái sư Trần Thủ Độ (1194-1264) là bậc hiền nhân chỉ "lấy nhân đức mà thi hành chính trị" như Khổng Tử từng răn. Tuy nhiên, nếu xét về vai trò của ông trong sự hưng thịnh của nhà Trần giữa lúc đất nước lâm nguy trong thế "trứng để đầu đẳng" bởi nạn ngoại xâm, thì có lẽ Thái sư ắt là đại thần có công tích vào hàng lẫy lừng nhất thời đó.

Mẫn thế để ưu thời

Sách sử ghi lại rằng, năm Giáp Dần 1194 bỗng nhiên có mưa đá, có tảng to như đầu ngựa. Mùa thu năm đó, nguyên phi Đàm Thị của vua Lý Cao Tông sinh hoàng tử Sảm. Đây sẽ là người nối dõi với niên hiệu Lý Huệ Tông, người đàn ông cuối cùng làm vua của triều Lý... Cũng năm đó, tại thôn Lưu Gia ở Hải Ấp (nay là Lưu Xá, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) trong một gia đình ngư dân nhờ đánh cá trở thành cự phú họ Trần, cũng sinh ra một cậu bé trai tên là Thủ Độ.

Hai sự kiện tưởng như ngẫu nhiên nhưng xét theo góc nhìn lịch sử, lại có mối liên hệ cực kỳ bền chắc. Chính Trần Thủ Độ về sau đã sắp đặt một cách ngoạn mục cuộc chuyển ngôi của Lý Chiêu Hoàng (con gái Lý Huệ Tông) cho chồng là Trần Cảnh, để đất nước có được một triều đại giàu triển vọng hơn, đặng đối phó thành công với những thách thức hiểm nghèo trong tương lai (ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông, giữ yên bờ cõi).

Không ai rõ tuổi thơ của Trần Thủ Độ trôi qua như thế nào. Chỉ biết rằng, trong điều kiện ở xa kinh đô, trong một vùng quê lấy lam làm làm trọng, ông đã không có nhiều điều kiện để sôi kinh nấu sử. Cũng cần phải nhớ rằng, mặc dù Lý Cao Tông vì chơi bời vô độ nên bị buộc tội là người đã làm suy cơ nghiệp nhà Lý nhưng ông cũng ít nhiều quan tâm đến việc khuyến khích học hành và tổ chức các cuộc thi để chọn nguồn trí sĩ.

Dòng dõi chài lưới, Trần Thủ Độ không màng tới việc tiến thân thông qua thi cử. Vốn thiên phú hơn người về sức vóc và trí tuệ, lại tính tình cứng cỏi, quyết đoán, Trần Thủ Độ tự trau dồi võ nghệ và vốn hiểu biết cuộc đời ngay ở quê hương. Không chỉ anh em họ mạc mà các hào kiệt trong vùng đều nể trọng ông.

Tất nhiên, không phải chính Trần Thủ Độ là người đã tạo cơ hội đầu tiên cho nghiệp nhà Trần. Vai trò này thuộc về Thái tử Sảm, tức vua Lý Huệ Tông sau này. Số là, theo Toàn thư, năm 1209, có loạn, hoàng gia nhà Lý tan tác. Chạy giặc tới thôn Lưu Gia, Thái tử Sảm "nghe tiếng con gái của Trần Lý có nhan sắc, bèn lấy làm vợ... trao cho Lý tước minh tự, phong cho cậu của người con gái ấy là Tô Minh Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ".

Chính hương binh của dòng họ Trần đã có công dẹp loạn, rước Lý Cao Tông về kinh. Tiếp đó, năm 1211, khi Lý Cao Tông băng hà, Thái tử Sảm lên ngôi ở tuổi 16, đón người vợ họ Trần về cung lập làm nguyên phi. Tô Minh Từ cũng được phong làm Thái úy phụ chính, còn người anh của nguyên phi họ Trần tên là Trần Tự Khánh được phong làm Chương thành hầu. Từ thời điểm đó, họ Trần đã trở thành một trong những rường mối của triều đình nhà Lý trong giai đoạn đất nước bắt đầu ngày càng bị nhấn sâu vào li loạn không chỉ vì "thừa hưởng thái bình đã lâu ngày, rường mối bỏ dần, dân không biết việc binh, giặc cướp nổi lên không ngăn chặn được" như sách Toàn thư đã chép, mà còn vì Lý Huệ Tông quá ư nhu nhược, như lời nhận xét của sử gia Ngô Sĩ Liên.

Tới mùa đông năm 1216, nguyên phi họ Trần được phong làm Hoàng hậu. Trần Tự Khánh được lập làm Thái úy. Quyền lực trong nước dần dà lọt vào tay họ Trần, tuy nhiên, danh chính ngôn thuận vẫn là triều đại của họ Lý. Tháng 12/1223, Trần Tự Khánh qua đời; một người anh khác của Hoàng hậu là Trần Thừa được phong làm Phụ quốc Thái úy (chức vụ tương đương Tể tướng). Người em họ của Hoàng hậu là Trần Thủ Độ được phong làm Điện tiền chỉ huy sứ, coi giữ mọi việc trong ngoài thành thị. Một giai đoạn mới trong lịch sử Việt Nam đang dần dà manh nha.

Trong bối cảnh quốc phong nhiều phần trễ nải và mệt mỏi, việc xuất hiện một nhân vật đa mưu và quyết đoán như Trần Thủ Độ trong kinh đô nhà Lý đã gây được những hiệu ứng tích cực. Chính Trần Thủ Độ đã mau chóng tìm ra được cách giải quyết tối ưu cho dòng họ mình (và chung cuộc, cho cả quốc gia) tình huống tế nhị: Lý Chiêu Hoàng, khi đó chỉ là một cô bé nhưng đã phải thay cha làm vua, lại rất thích cậu bé Trần Cảnh 8 tuổi đang phải vào hầu, đến mức "lấy khăn trầu ném cho Cảnh" (Toàn thư).--PageBreak--

Trần Cảnh về kể lại chuyện này cho ông chú Trần Thủ Độ. Quan Điện tiền chỉ huy sứ sau khi thốt lên câu cảm thán: "Nếu thực như thế họ ta thành hoàng tộc hay diệt tộc đây?!", đã lập tức tạo ra thế cờ tinh tế "cưới chồng cho vua". Trong chiếu của Lý Chiêu Hoàng xuống khi "xuất giá tòng phu" có viết: "Từ xưa nước Nam Việt ta đã có đế vương trị thiên hạ. Duy triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, có cả bốn biển, các tiên thánh truyền nối hơn hai trăm năm, chỉ vì thượng hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước nghiêng nguy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi, từ xưa đến giờ chưa từng có việc ấy.

Khốn nỗi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi.

Kinh Thi có câu: "Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ khôn nguôi, lâu thay, lâu thay". Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được. Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình...". Một cô bé 8 tuổi đánh giá về một cậu bé đồng niên bằng những lời lẽ sang sảng như vậy, kể cũng hiếm có trong lịch sử cổ kim!

Người lo việc

Trần Cảnh lên ngôi, lấy hiệu là Trần Thái Tông. Trần Thủ Độ được phong làm Quốc thượng phụ, nắm giữ mọi việc cai trị trong nước nhưng ông từ chối vì như ông nói, "ta tuy là chú nhưng không biết chữ nghĩa gì, còn phải rong ruổi Đông Tây để chống giặc cướp" nên tốt nhất là mời Thượng hoàng Trần Thừa nhiếp chính, đợi một vài năm Trần Thái Tông thêm tuổi, cứng cáp hơn trong quốc gia đại sự thì sẽ nhận lại quyền bính. Và ông chỉ nhận chức Thái sư thống quốc hành quân vụ chinh thảo sự.

Như vậy, ngay từ đầu, Trần Thủ Độ đã xác định rõ vai trò của mình trong Hoàng gia: ông không ham danh vọng tột đỉnh cho cá nhân mà chỉ mong mang hết sức ra giúp vua Trần làm tròn bổn phận quốc gia. Có lẽ cùng vì có một ông Thái sư như thế nên triều Trần đã đưa ra lời minh thệ hàng năm khi họp nhau lại uống máu ăn thề tại đền thờ thần núi Đồng Cổ: "Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết" (theo sách Toàn thư).

Chính nhờ Trần Thủ Độ mà giai đoạn chuyển tiếp từ triều Lý sang triều Trần mới diễn ra xuôi chèo mát mái như thế. Có nhiều câu chuyện trong chính sử (vốn không quá "ưu ái" một nhân vật phức tạp như Trần Thủ Độ) ca ngợi sự liêm chính và tận trung, tận hiếu đối với triều đình và quốc gia của Trần Thủ Độ.

Tháng 12/1257, quân Nguyên xâm phạm bờ cõi, thế mạnh như chẻ tre. Vua phải lui về giữ sông Thiên Mạc, lòng đầy phân vân. Người bèn cho lái thuyền nhỏ đến thuyền Thái úy Nhật Hiệu hỏi kế sách nhưng ông đại quan cùng họ này vừa chỉ muốn xui vua chạy đi nước khác, vừa ngăn không cho vua sử dụng đội quân Tinh Cương mà ông ta nắm giữ. Thất vọng, vua tới chỗ Trần Thủ Độ. Và vị Thái sư trụ cột quốc gia đã thốt lên một câu cảm khái mà nghìn năm sau vẫn làm nức lòng con dân nước Việt: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo việc gì khác!".

Trần Thủ Độ là người công bằng, công minh. Ông đối xử tử tế với cả những ai có thể làm trái ý ông nhưng hợp với đạo trời đất. Khi có kẻ vào khóc với vua Trần Thái Tông rằng: "Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ thì quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?", trọng ông chú mình, Trần Thái Tông sai bắt người ấy mang tới dinh Trần Thủ Độ. Nghe kể chuyện xong, Thái sư cả cười: "Chuyện đúng như vậy, bắt tội anh ta làm gì!". Và lấy ngay tiền và lụa thưởng cho người ấy! Thực là cao thủ!..

Phu nhân Thái sư là Linh Từ quốc mẫu, một lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm bị quân hiệu ngăn lại, về nhà khóc với chồng: "Mụ này là vợ ông mà còn bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế!". Tìm hiểu rõ mọi việc, Thái sư không những không phạt mà còn thưởng cho đám quân hiệu đó vì "Người ở chức thấp mà còn giữ được luật pháp, ta còn trách gì được nữa!".

Tất nhiên, một người ở vị trí cao và đã làm được những kỳ tích trên chính trường quốc gia như Trần Thủ Độ không thể nào có cách hành xử đơn giản. Thời đại và dòng tộc của ông lại có những đặc thù rất dị biệt. Vậy nên bên cạnh những câu chuyện tốt cũng truyền tới đời sau không ít những gièm pha bia miệng thế gian. Tuy nhiên, nhìn tổng thể cuộc đời Thái sư Trần Thủ Độ, có thể khẳng định như lời nhận xét trong sách Toàn thư: "Thủ Độ tuy làm Tể tướng, nhưng không việc gì là không để ý đến. Vì thế đã giúp nên vương nghiệp và giữ được tiếng tốt cho đến lúc mất"... Thế cũng là quá nhiều chứ đâu phải là ít nữa!

Đặng Đình Nguyên
.
.