Tản mạn về nhà văn Lại Văn Long

Thứ Bảy, 03/08/2013, 15:29
Nhà văn nào cũng vậy, mỗi khi có tác phẩm mới cũng nhận được cả những lời khen lẫn chê. Lại Văn Long cũng không nằm ngoài hiện tượng đó. Lúc báo Văn nghệ đăng Kẻ sát nhân lương thiện, trên báo chí xuất hiện cả những ý kiến nặng lời bảo rằng anh không nắm được chủ trương, chính sách về cải tạo và hóa giá nhà…

Còn ở hải ngoại thì gọi đó là truyện “bắn vào Việt kiều” hoặc “truyện ngắn đẫm máu”. Nhưng anh đã nhận được giải nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 1990-1991 được các nhà văn, dịch giả nước ngoài dịch ra tiếng Pháp, Nhật, Trung Quốc và đến bây giờ sau hơn 20 năm vẫn được nhắc lại trên báo, trên mạng.

1. Những lần tâm sự với nhà văn Lại Văn Long trong lúc trà dư, tửu hậu anh đã bộc bạch với tôi về cái duyên của mình đến với văn chương. Anh mê đọc sách từ khi chưa biết đọc chữ, lúc đó chỉ xem tranh trong sách. Ở tuổi thiếu niên anh bắt đầu mơ viết văn. Anh tâm sự rằng, cách đây 30 năm, khi đang học lớp 12 ở Trường Phổ thông trung học Đức Trọng, thầy giáo dạy văn của anh Nguyễn Văn Hương nay là giám đốc Sở Văn hóa Thể thao - Du lịch Lâm Đồng nói với cả lớp học của anh rằng: “Việt Nam chưa có tác phẩm phản ánh trọn vẹn hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ”.

Anh nghe xong nảy sinh khát vọng viết được cuốn sách đó. Anh bắt đầu tích lũy từ những năm đại học và đến năm cuối, thử viết truyện ngắn Màu mận chín được đăng trên báo Tuổi trẻ chủ nhật. Ra trường anh công tác ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng, rồi tình cờ được gặp Trần Ninh Hồ. Khi viết xong Kẻ sát nhân lương thiện anh gửi cho anh Hồ. Anh Hồ cùng một bạn văn là anh Phạm Khắc Lưu đọc xong viết thư cho anh khen hay.

Thế là, anh quyết nghỉ công tác ở Lâm Đồng về Sài Gòn thực hiện giấc mơ viết văn. Anh ở nhờ nhà bạn, hàng ngày đi giảng triết học, viết báo kiếm sống và viết được thêm ít truyện ngắn đăng trên báo Văn nghệ và một số báo khác. Đầu năm 1992, Long được anh Huỳnh Bá Thành nhận về làm việc tại báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho đến ngày nay. Khi làm báo mà đam mê văn chương vẫn như ngọn lửa âm ỉ nhưng anh phải ngưng viết văn, vì công việc làm báo bận rộn quá, chiếm hết thời gian, trí tuệ và cảm xúc của anh.

Đó là lý do 17 năm sau khi nhận được giải thưởng cuộc thi Truyện ngắn Báo Văn Nghệ 1990 - 1991, anh mới ra mắt được cuốn tiểu thuyết Thạch Đế (Nxb Văn học 2009) và 3 năm sau mới có tập truyện Thủy cơ (Nxb QĐND, 2012) và đến nay chuẩn bị ra cuốn sách thứ ba là tiểu thuyết Người khổng lồ đội mồ kể chuyện. Tuy nhiên, tôi phải thừa nhận, trong cả 3 cuốn sách đó, khát vọng, tài năng viết văn của anh tập trung vào truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện. Truyện Kẻ sát nhân lương thiện. Cái tứ truyện này bắt đầu và kết thúc rất nhanh, bất ngờ. Hiện thực cuộc sống trong xã hội chúng ta đang mở cửa, vì thế có nhiều thay đổi trong xã hội.


Văn học dự báo được tính vượt trước của thời đại, mà một số người đã từng cảnh báo cho rằng chính tác phẩm Kẻ sát nhân lương thiện là tiếng chuông cảnh tỉnh, một lời dự báo, cần thiết của xã hội đang biến đổi liên quan đến đất đai là nguyên nhân của mọi xung đột xã hội. Nhưng bao trùm cả truyện ngắn của anh là tính nhân văn, nhân bản, ẩn sâu sau mỗi câu, mỗi chữ, đó là khát vọng được sống công bằng.

2. Lại Văn Long luôn đau đáu hướng về thân phận của con người, vì thế các nhân vật trong truyện của anh có tính cách số phận khác nhau. Ẩn dụ dưới trang văn ấy, người đọc có thể nhận ra chiều sâu tình cảm của nhà văn luôn khát khao cái đẹp, căm ghét cái xấu. Anh đã để cho cảm xúc của mình dồn nén, mạnh mẽ, sẻ chia, đồng cảm và anh đã yêu đến đắm say với số phận các nhân vật của mình, chính điều này đã giúp anh thăng hoa trong từng truyện.

Đọc truyện ngắn của Lại Văn Long, hiện thực cuộc sống đầy ắp, bộn bề, ngôn ngữ hiện đại, gân guốc, tiết tấu nhanh có tính ẩn dụ rất cao, kết cấu rõ ràng và mạch lạc, những vấn đề tác giả đề cập vẫn còn nguyên tính thời sự. Vào năm 1992, truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện được giải cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Tôi vốn dị ứng với đám đông, hễ cái gì đám đông đổ xô đi tìm đọc, tìm xem thì tôi tránh.

Mãi gần đây, khi về Sài Gòn công tác, tôi gặp anh, thấy anh gần gũi giản dị và chân thành. Đặc biệt, anh đã tặng tôi tập truyện ngắn Thủy cơ của mình và tiểu thuyết Thạch Đế. Tôi đã đọc một mạch hết tập truyện Thủy cơ và hiểu thêm cái lý của đám đông. Và đến tận bây giờ tôi vẫn cho rằng đây là một tập truyện hay nhất của anh, mặc dù anh vừa chuẩn bị cho ra đời thêm một tiểu thuyết nữa. Trong tập truyện ngắn này, có truyện Kẻ sát nhân lương thiện.

Thủy cơ… là những truyện hay, đã có một cái nhìn dự báo. Mạch truyện nhanh, giọng văn chắc và đặc biệt là sự lạnh lùng trong giọng kể đã mang lại hiệu ứng đầy ấn tượng trong xúc cảm người đọc. Hai mươi lăm tuổi đã có cái nhìn như thế về thời cuộc … cũng đáng nể (Lời của một nhà phê bình). Theo đuổi nghề báo, mà làm được một vài truyện ngắn như thế cũng đủ.

Nghĩa là đủ để lưu danh, đủ với người đời. Tôi thấy anh còn bao nhiêu ấp ủ, bao nhiêu trăn trở chưa tràn ra được vì bận bịu với công việc làm báo. Lúc báo Văn Nghệ đăng Kẻ sát nhân lương thiện, xuất hiện những ý kiến bảo rằng anh không nắm được chủ trương, chính sách về cải tạo và hóa giá nhà… Còn ở hải ngoại thì gọi đó là truyện “bắn vào Việt kiều” hoặc “truyện ngắn đẫm máu”.

Nhưng anh đã nhận được giải nhất, được các nhà văn, dịch giả nước ngoài dịch ra tiếng Pháp, Nhật, Trung Quốc và đến bây giờ sau hơn 20 năm vẫn được nhắc lại trên báo, trên mạng. Khi vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng - Hải Phòng vừa xảy ra, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường đã nói: “Từ lâu rồi giới văn nghệ đã cảnh báo về những thảm họa đất đai trong truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện (trích trang Web RFA ngày 27/1/2012). Hay luật gia Trần Đình Thu - chủ trang Web “Bình chọn thơ hay” đã viết: “20 năm trước Lại Văn Long đã cảnh báo về tranh chấp đất đai, nhà cửa dẫn đến đổ máu trong truyện Kẻ sát nhân lương thiện

Theo tôi, một tác phẩm “sống dai” là tác phẩm thành công… Đam mê văn chương tốn nhiều thời gian hơn và khi viết văn thu nhập từ viết báo giảm nhiều. Nhưng… tất cả chỉ là chuyện nhỏ nếu so với tháng 9/2010, anh vì lao tâm với việc đọc tài liệu, viết văn, ít ngủ nên huyết áp bất ngờ tăng cao rất nguy hiểm, may mà kịp vào bệnh viện. Từ đó đến nay anh vẫn phải dùng thuốc hàng ngày và không dám làm việc quá sức nữa! Có lúc anh phải thốt lên: “Tôi viết như đang sống trong một giấc mơ”.

Suốt thời gian đó anh sống cùng các nhân vật của mình nên lúc nào cũng mơ màng, nói trước quên sau, nhiều khi chạy xe ngoài đường phải cố gắng trấn tĩnh để tránh tai nạn, ngồi uống cà phê tại Sài Gòn, đôi lúc tôi thấy anh còn lơ đãng như đang suy nghĩ một điều gì đó rất xa lạ và suy nghĩ cùng nhân vật của mình. Cái nghiệp văn chương đã chọn anh, đã thành số phận của anh rồi. Bỏ cây bút thì anh còn biết tựa vào đâu? Đối với một nhà văn, khi không còn sức sáng tạo nữa thì nhà văn ấy thực sự đã chết rồi.

3. Có người cho rằng anh mang triết học và sự thông thái của triết học thấm đẫm vào từng trang văn của mình. Đây cũng là một thế mạnh của anh  cùng với tài năng văn học đích thực đã giúp cho nhà văn Lại Văn Long khái quát, bay cao và thâm trầm có dấu ấn cá nhân riêng, rất riêng. Có lẽ vì thế mà khi đọc lại tập truyện ngắn Thủy cơ rất nhiều người khen hay và đều bị cuốn vào chất hiện đại của nó, số phận nhân vật cũng rất nghiệt ngã nhưng tính nhân văn sâu sắc.

Tác giả xứng đáng nhận giải nhất báo Văn nghệ Hội nhà văn Việt Nam. Anh đã có 23 giải thưởng báo chí (trong đó có nhiều lần giải nhất, giải nhì của giải Báo chí quốc gia và giải báo chí Thành phố Hồ Chí Minh), nhưng chỉ mới được một giải nhất văn chương. Nếu tính về số lượng, anh thấy mình có may mắn trong viết báo hơn là viết văn, nhưng nếu được thêm một giải văn chương sẽ làm anh vui mừng hơn nhiều giải báo chí, anh cũng từng tâm sự với tôi như vậy.

Có thể coi nhà văn Lại Văn Long có thâm niên sáng tác hơn 20 năm, công việc hàng ngày của anh là làm báo, cuộc sống đời thường của một công chức cũng có thăng trầm nhất định nhưng sự đam mê văn chương làm cho anh không thể dứt ra như một cái nghiệp, và anh đã định hình một chân dung văn chương rõ ràng, sắc nét. Thành công lớn nhất của Lại Văn Long là truyện của anh hấp dẫn, lôi cuốn, nhiều tình tiết sáng tạo, bất ngờ.

Tuy nhiên, đôi chỗ câu chữ sắc sảo đến cay nghiệt. Một số tiểu thuyết gần đây có hàm lượng tri thức triết học cao, ít độc giả cảm thụ được. Hiện thực cuộc sống lại ùa vào trang văn của anh. Bao nhiêu thân phận con người được anh chia sẻ, sống cùng số phận của họ như chính cuộc đời bề bộn, phức tạp mà vẫn hàm chứa giá trị tốt đẹp và niềm tin vào tương lai của loài người trong trang viết của anh. Hiện tại anh đang viết tiểu thuyết Thánh Thi (dự kiến viết 800 đến 1000 trang).

Anh bật mí tác phẩm mới này có đoạn “va chạm” với sex và anh cho rằng chỉ viết sex khi thật cần thiết, cố gắng mô tả bay bổng, nhưng “sạch” và thật nhiều ẩn dụ. Chúng ta đang chờ đợi những trang viết mới của anh

Phạm Xuân Trường
.
.