Tán gẫu với chân dài

Thứ Hai, 06/04/2015, 08:27
Góc café sách ven sông lụa là những nắng, gió ở đâu hây hẩy thổi về, đu đưa đám dây leo trên giàn. Khuê ngồi thu chân bên cái bàn gỗ nâu con con, thi thoảng cất tiếng cười trong veo, nhung mượt. Tôi thích những mẩu chuyện không đầu không cuối của Khuê. Như thể, hai người lạ tình cờ gặp nhau tại nơi này, nhận ra vài điểm chung rồi tán với nhau đủ chuyện trên đời. Nhặt nhạnh vài nét, chấm phá thành một chân dung.

1. Khuê mặc chiếc đầm ren trắng, giản dị, điểm trang nhẹ nhàng, để lộ ánh mắt nhanh nhạy và nụ cười vô cùng rạng rỡ. Con đường hôm ấy nắng vàng như trải mật, sắc trắng trên áo Khuê phản chiếu qua ô cửa kính, khiến vẻ đẹp của em thêm bừng sáng, tinh khôi. Từ sàn diễn, những bức hình cho đến ngoài đời, tôi không thấy sự khác biệt mấy ở Khuê – cô gái qua tuổi hai mươi đôi chút, lúc nào cũng năng động, nhẹ nhàng và khỏe khoắn.

Tôi không biết, trong thân hình gầy gò như tôi ngày còn sinh viên ấy, Khuê lấy ở đâu ra nhiều năng lượng đến thế để mà vẫy vùng, mà bay nhảy, hết mục tiêu này sang mục tiêu khác. Ở đâu cũng thăng hoa, rực rỡ. Phải chăng, sức lực của tuổi trẻ, sự say mê nghề đã định hướng cho Khuê biết bản thân ở đâu, cần gì và sẽ làm gì để tiến về phía trước.

Thuở còn nhỏ, Khuê gầy, lại cao lêu nghêu, gương mặt sắc, thành ra luôn đứng ngoài những trò vui của lớp. Lớp tập nghi thức đội, Khuê mê lắm mà ghép vô đội hình, coi chỏi quá, nên thôi. Lớp diễn kịch, Khuê thích được đóng vai con thỏ thôi cũng được, tại cao quá, làm sao vô vai công chúa mà cũng gạt nước mắt ngó bạn diễn. Cô giáo thấy thương thương, cho đóng cái cây cho đỡ tủi. Nhiều lần lắm, Khuê về ôm gối, giấu mẹ khóc rấm rứt một mình. Nghĩ, sao mình lại quái, lại khác người đến thế. Hỏi Khuê sao không san sẻ với mẹ? Khuê bảo, mẹ nhạy cảm lắm, thấy mẹ lo lắng thương chịu không nổi. Mặc cảm ấy chỉ chấm dứt khi Khuê bắt đầu bước chân vô nghề mẫu.

Ngày ấy, một người bạn của mẹ Khuê đến nhà chơi, thấy Khuê nhổ giò, vóc dáng và gương mặt đặc biệt quá, bèn động viên mẹ cho Khuê theo nghề thử. Bạn nói lần thứ nhất, mẹ Khuê khước từ. Nhà Khuê gia giáo có tiếng, Khuê lại là đứa con duy nhất. Bạn nói lần thứ hai, mẹ Khuê vẫn lắc đầu. Bạn nói đến lần thứ ba, mẹ Khuê vì nể bạn mà đưa con gái đến công ty người mẫu của bạn. Giám đốc công ty thuyết phục mẹ của Khuê rằng, thôi để cho Khuê thử, như làm thêm, cho vui. Lúc nào không thích nữa, thì thôi vậy. Rồi nói thêm rằng, nghề này, thành bại, nên hay sa ngã tùy bản lĩnh và sự giáo dục của gia đình.

Nghe có lý, mẹ Khuê gật đầu cho con gái theo nghề. Lần đầu tiên, bước ra sàn diễn, trong thứ ánh sáng lấp lánh, trong tiếng nhạc thôi thúc tiếng bước chân, đồng điệu với con tim, Khuê thấy như đang bay đến một nơi nào đó, tận trên cao. Khuê về nói với mẹ: “Trong cuộc sống này, con sợ nhất là sự lãng quên”. Khi thốt ra lời ấy, Khuê biết rõ, đó chính là con đường em sẽ dấn thân.

Nghề mẫu thắp lên cho Khuê sự tự tin. “Mình không tin mình đẹp nữa thì ai tin?”. Như khi Khuê đến với cuộc thi “Hoa khôi áo dài”, có rất nhiều bàn tán. Thời điểm ấy, Lan Khuê đã có rất nhiều danh hiệu và là một siêu mẫu có tiếng. Khuê vẫn cứ bước về phía trước, có danh hiệu cũng được, không cũng chẳng sao. Thế nhưng phải thử và chơi hết sức.

Bởi: “Nó mang đến cho em cơ hội thể hiện khả năng của bản thân mà em chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ làm được. Em nghĩ mỗi người đều có một khả năng riêng. Điều khác biệt là họ có cơ hội, có môi trường để thể hiện hay không. Trước hay sau khi có thêm danh hiệu này, em vẫn cứ là em thôi. Công việc em theo đuổi là làm mẫu. Còn hoa khôi, hoa hậu không phải là nghề. Đồng ý là danh hiệu bổ trợ cho nghề nghiệp, nhưng đi kèm với nó còn là trách nhiệm. Tiếng nói của em, hình ảnh của em sẽ vững chắc hơn khi thực hiện những công việc cộng đồng, xã hội. Tạo nên những thay đổi rõ ràng, nhất định từ việc mình làm chứ không phải diện thiệt đẹp, rồi tới trao quà đặng chụp hình đăng báo”.

2. Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ chính sử đến dã sử và cả hư cấu, dẫu thoáng qua hay chi tiết, đều phảng phất hình bóng giai nhân. Có giai nhân “khuynh thành đổ nước”, có giai nhân tài trí hơn người. Tất nhiên, theo quan điểm thẩm mỹ của từng thời, từng vùng, vẻ đẹp của giai nhân có những quy chuẩn khác nhau. Song, giai nhân, trước hết cứ là giai nhân đã. Bản thân nhan sắc đã là một món quà, huống hồ, nhan sắc lại có danh hiệu, không chỉ một lần.

Nghĩa là, nhan sắc đã được công nhận, được “điểm chỉ”. Có gì vô duyên bằng, ngồi với giai nhân mà đi luận bàn về nhan sắc. Lỡ cáu, giai nhân bưng ly trà đá trên bàn hắt thẳng vô người như mấy cô trong phim Hàn thì hết biết đường né.

Là tếu táo cho vui chứ mỗi giai nhân, tôi tin đều ít nhiều ý thức được vẻ đẹp của bản thân, và có cách hành xử phù hợp với kiến thức, quan niệm sống. Nên, khi nghe người ta bàn tán về vẻ đẹp “không truyền thống”, Khuê tự tin: “Em biết, mình không phải là thí sinh đẹp nhất, cũng không phải là thí sinh giỏi nhất trong cuộc thi đó. Nhưng em luôn đối mặt với thử thách đặt ra bằng thái độ điềm tĩnh, nhẹ nhàng nhất. Em là đứa quăng ở bất cứ môi trường nào, cũng sẽ sống tốt được.

Có thể, một hai giây đầu sẽ hơi ngỡ ngàng nhưng đến giây thứ 4, thứ 5 là em có thể nắm bắt và thích nghi với nó. Em nghĩ, ban giám khảo trao vương miện cho em vì họ luôn nhìn thấy ở em một sự sẵn sàng. Em biết có lời bàn ra tán vào khi em đăng quang nhưng tựu trung nhất, mọi người đều tin tưởng và thừa nhận những giá trị khác bên cạnh nhan sắc. Em nghĩ như vậy là đã thành công khi em đến với cuộc thi này rồi. Đẹp là sự cộng hưởng của vóc dáng bên ngoài, trí tuệ và bản lĩnh của mỗi cá nhân”.

Người ta hơn nhau ở thái độ sống, ở giá trị của bản thân chứ không phải danh hiệu. Lan Khuê thừa nhận, đó là điều thiết thực duy nhất theo mỗi cá nhân từ khi sinh ra cho đến ngày mất đi. Vậy nên, khi tôi giả sử, nếu người yêu Khuê là anh chàng từng mua giá chiếc iPhone tại Singapore rồi quỳ xuống van xin, Khuê có bỏ người yêu không?

Khuê khéo léo đáp từ: “Em không nhận xét, không bình phẩm vì mình có là người ta trong hoàn cảnh đó đâu mà biết người ta như thế nào. Nhưng em cho rằng, bất cứ việc gì cũng có cách giải quyết, phải mạnh mẽ, bình tĩnh hết sức có thể. Đừng bao giờ nóng vội mà làm ảnh hưởng đến người khác và cũng đừng bao giờ hạ thấp giá trị của bản thân”.

Cô bạn ngồi bên cạnh Khuê và tôi, nãy giờ vẫn im lặng, kiên nhẫn ngồi nghe. Đến đây thì cô ngẩng lên, mỉm cười. Tự dưng Khuê nói: “Em thích ngồi tán gẫu với bạn bè thời còn đi học lắm. Đó là những người bạn hồn nhiên nhất em từng có được nên em luôn cố gắng giữ. Bây giờ, tiếp xúc với mình, mọi thứ đều liên quan nhiều đến lợi ích. Do tính chất công việc, nên lúc nào em cũng phải dè chừng. Dần dà tiếp xúc mình mới tháo bỏ được”.

Nhan sắc ý thức rõ về vẻ đẹp của mình, biết sử dụng vẻ đẹp để chinh phục con đường công danh, mà không sa chân phù phiếm, tuyệt không có nhiều. Nhan sắc thông minh và bình tĩnh trước lời bàn ra tán vào của dư luận, không xúng xính nay quần này áo kia, mốt kiểu tóc này nọ, mướn người chụp hình tung lên mạng chứng tỏ mình đẹp, càng hiếm vô cùng. Nói vui vui theo kiểu bọn trẻ bây giờ là: “Không phải dạng vừa đâu!”.

3. Khuê có những thói quen, những sở thích cực thú vị. Ví như, em thích màu trắng nên trang phục của em, sắc trắng rất nhiều. Song, phụ kiện như giày dép, túi xách, Khuê yêu màu đỏ. Và những vật dụng linh tinh như bao da bọc ipad, tai nghe Iphone lại phải màu hồng. “Bản thân em tồn tại những mâu thuẫn mà em cũng không hiểu nổi tại sao như vậy.

Ngày lễ tết, em vẫn thích ở nhà bày biện, cúng kiến dù suy nghĩ của em trong nhiều chuyện rất phóng khoáng. Hay có mỗi cái chuyện em thích uống matcha trà xanh kinh khủng. Chục lần vô quán, tự nhủ món đó uống hoài, thôi bữa nay mình đổi món khác mà rồi cũng như y vậy. Hay như cái số điện thoại em đang xài nè. Từ hồi sinh viên tới giờ đó chị. 3 lần em mất điện thoại rồi. Mọi người ai cũng kêu đổi, bảo cái số gì như sim khuyến mãi, em vẫn cứ dùng”.

Khuê đưa tay khuấy ly café, nhón lấy một viên đá cho vào miệng. Như đứa trẻ được quà. “Gia đình em nhiều điều mâu thuẫn ngộ lắm. Có những cái mẹ để em tự do song cũng có những cái mẹ bảo vệ em rất kỹ. Em nói em không biết đi xe đạp, chị có tin không?” – Khuê tròn xoe mắt nhìn tôi để đoán định sự ngạc nhiên rồi phá lên cười: “Trong bộ phim em đóng, tự dưng nảy sinh thêm phân đoạn chạy xe đạp. Đạo cụ đưa xe cho em. Em hỏi tỉnh rụi: “Làm gì với cái xe?”. Anh đạo diễn trợn mắt: “Chạy chứ làm gì!”. Em lí nhí: “Thôi cho em dắt đi anh ơi, em hổng có biết chạy…”.

Cũng có nhiều lần em muốn tập lắm chứ. Nhưng dắt cái xe ra tới sân, thấy đám con nít bu đen đỏ là thôi dắt vô luôn. Xe máy thì đương nhiên là em ngó luôn rồi, ôtô thì sơ sơ nhưng nói chung gia đình không có ý định cho em tiếp cận phương tiện. Bù lại, chính tư tưởng phóng khoáng, lối sống trách nhiệm và kỷ luật của gia đình tích lũy cho em rất nhiều kỹ năng và kiến thức. Giờ làm nghề, đi diễn vậy chứ mẹ em không bao giờ cho em ngủ quá 7 giờ hết. Rồi những va chạm, nho nhỏ trong nghề thôi nhưng mỗi khi vấp, em thấy mình trưởng thành hơn”.

Tán chuyện chân dài, đại gia, Khuê bày tỏ quan điểm: “Hồi xưa, ông bà mình có câu “Trai tài gái sắc”, nghĩa là, từ trước giờ, bất cứ vật gì đặt cạnh nhau đều cần có sự tương xứng, đồng đều. Nhiều người cũng hay hỏi em chứ cao vầy nhìn xuống như thế nào? Em nghĩ, nhìn xuống hay nhìn lên không quan trọng bằng việc mình cảm nhận được gì. Một người đàn ông thông minh, hài hước sẽ biết cách chinh phục cô gái mà họ thích. Với những gì mình đang có, em nghĩ ai cũng mong muốn nhận được những điều tương tự.

Quan trọng là cảm xúc tự nhiên, đừng nên gò ép rồi suốt ngày chúi mũi, chăm chăm đi tìm. Với lại, em nghĩ vầy nè, cái gì cũng có hạn sử dụng hết. Cảm xúc ban đầu sẽ giúp người ta đến với nhau nhưng để cùng nhau đi hết một đoạn đường dài cần rất nhiều yếu tố khác như: sự hòa hợp, yếu tố tài chính, sự trách nhiệm,… Đến một lúc nào đó, người ta sống với nhau bằng cái nghĩa”.

Hoàng Hoài Hương
.
.