Tân Tổng thư ký LHQ Ban Ki - Moon: Người thứ 8

Thứ Hai, 06/11/2006, 09:00
Trong Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Ban Ki - Moon là người có thâm niên cao nhất: ông trụ vững qua tất cả các chế độ quân sự ở Hàn Quốc. Và ông hầu như không có kẻ thù, cả ở trong nước lẫn trên trường quốc tế. Việc LHQ nhất trí cao trong việc bầu ông lên cương vị lãnh đạo cao nhất của tổ chức này là một minh chứng rõ ràng.

Tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh dưới cái tên Liên hợp quốc (LHQ) và với ngân quỹ hàng năm lên tới 5 tỉ USD và 92 nghìn quân gìn giữ hòa bình đồn trú rải rác khắp thế giới từ ngày 1/1 năm tới sẽ có thủ lĩnh mới. Đó là ông Ban Ki-moon, 62 tuổi, người đang giữ chức Ngoại trưởng Hàn Quốc. Các nhà quan sát đều cho rằng, vị Tổng thư ký ( TTK)  thứ 8 sẽ tiếp tục tiến trình cải cách LHQ mà đương kim TTK Kofi Annan đã bắt đầu để tổ chức này có thể đóng một vai trò tích cực hơn, "kỳ đức" xứng "y phục" trên trường quốc tế.

Thành công nhờ biết thỏa hiệp

Cho tới hôm nay, trong con mắt của công luận quốc tế, ông Ban Ki-moon vẫn được coi như một nhân vật chứa đựng những sự bí ẩn. Còn không ít chi tiết trong tiểu sử của ông vẫn nằm trong vòng bí mật. Người ta chỉ biết rằng, vị TTK thứ 8 của LHQ sinh ngày 13/6/1944. Ngoài ra không có thông tin gì thêm về các bậc phụ huynh cũng như về tuổi thơ hay thời thanh niên của ông...

Năm 1970, ông Ban tốt nghiệp khoa Quan hệ quốc tế Trường Đại học Tổng hợp Seoul, nơi theo thông lệ, thường chủ yếu dành cho "con ông cháu cha". Tiếp theo, chàng cử nhân trẻ đã sang bên kia đại dương tiếp tục trau dồi học vấn và tới năm 1985 đã có bằng thạc sĩ về quản lý nhà nước sau khi trải qua "lò đào luyện" mang tên John Kennedy về môn Khoa học xã hội trực thuộc Đại học Harvard. Bắt đầu từ đó, ông Ban bước vào con đường ngoại giao chuyên nghiệp.

Ông thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, theo đạo Thiên chúa, có những mối quan hệ tốt với Washington (mặc dù hiện nay ông đang là thành viên của một nội các Hàn Quốc bị đánh giá là mang tính dân tộc chủ nghĩa và chống Mỹ một cách công khai nhất). Người Mỹ đánh giá ông cao ở năng lực làm việc, tính ngoan cường, bền bỉ, không định kiến, không thành kiến... Trong đời tư, vị TTK thứ 8 của LHQ tỏ ra cực kỳ mẫu mực: ông chỉ lấy độc một đời vợ, có một con trai và hai con gái. Theo bình luận của tạp chí Nga "Itogi", do đặc thù nền văn hóa Hàn Quốc nên tính chung thuỷ của giới mày râu ở đây chỉ là một khái niệm tương đối, nếu xét theo tiêu chí Âu - Mỹ.

Quốc gia đầu tiên mà ông Ban xuất hiện với tư cách nhà ngoại giao Hàn Quốc là Ấn Độ. Ông đã làm việc ở đó hai năm. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành ngoại giao Hàn Quốc không quên những năm tháng mà ông Ban du học ở Hoa Kỳ và chính nơi đó đã trở thành địa bàn hoạt động chính của ông trong đoạn đời ngoại giao sau này. Ông từng là cán bộ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Washington hai nhiệm kỳ, từng là trưởng đoàn đại diện của Hàn Quốc tại LHQ... Giữa những chuyến công tác dài ngày ở Mỹ, trở về Hàn Quốc, ông được giữ những cương vị khác nhau ở Vụ Bắc Mỹ.

Có lẽ ông Ban đã luôn hoàn thành tốt những công việc được giao nên chỉ tới năm 1995, ông đã ngồi ở vị trí Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc. Tới năm 1996, ông trở thành cố vấn của Tổng thống trong lĩnh vực an ninh quốc gia.

Năm 1998, có một việc đột biến xảy ra, nếu xét theo con mắt nhìn từ bên ngoài: Ông Ban bất ngờ được cử đi làm Đại sứ Hàn Quốc ở Áo (cương vị này là thấp so với những chức vụ đã có của ông Ban. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cần cấp tốc nâng cao chất lượng mối quan hệ với châu Âu nên đã phải sử dụng những cán bộ "chất lượng cao" như thế vào ghế Đại sứ).

Ba năm sau đó, ông Ban lại ở thế thượng phong: khi Hàn Quốc năm 2001 giữ cương vị Chủ tịch Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ, ông được đặt vào vị trí Chánh văn phòng Chủ tịch ĐHĐ LHQ. Và gần như chỉ một ngày sau khi diễn ra tấn thảm kịch 11/9, ông Ban là một trong những tác giả của nghị quyết LHQ lên án chủ nghĩa khủng bố quốc tế một cách đanh thép. Việc này hiển nhiên đã làm rất đẹp lòng Washington và vì thế, ông Ban đã được chính phủ Hoa Kỳ tặng huy chương danh dự. Đây không phải là huy chương nước ngoài duy nhất của ông: vị Tổng thư ký thứ 8 của LHQ từng được chính phủ Áo, BrazilPeru tặng những huy chương khác nhau.

Chính phủ Hàn Quốc cũng không quên người cán bộ ngoại giao tận tụy của mình và đã hai lần tặng ông Huân chương Chiến công, vào các năm 1975 và 1986. Tới tháng 1/2004, ông Ban trở thành Ngoại trưởng Hàn Quốc. Và sắp tới, ông sẽ ngồi vào vị trí có lẽ là cao nhất trên hoạn lộ ngoại giao của mình: TTK LHQ!

Cũng theo tạp chí Nga "Itogi", hiện nay nhiều người đang tự hỏi: đâu là bí quyết thành công của ông Ban? Đàn ông Hàn Quốc vốn trực tính: xem phim Hàn Quốc, ta rất dễ thấy các nhân vật nam nổi nóng và lao vào ẩu đả nhau. Thế nhưng, từ lâu ông Ban đã nổi tiếng là một chuyên gia có hạng về nghệ thuật thỏa hiệp tại các cuộc dàn xếp hậu trường. Người Hàn Quốc đánh giá rất cao khả năng này của ông Ban. Ông rất biết cách tìm phương án tối ưu thoát khỏi những tình huống mâu thuẫn tưởng chừng như bế tắc.

Không phải ngẫu nhiên mà ông đã có biệt danh "Trơn như lươn". Trong Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Ban là người có thâm niên cao nhất: ông trụ vững qua tất cả các chế độ quân sự ở Hàn Quốc. Và ông hầu như không có kẻ thù, cả ở trong nước lẫn trên trường quốc tế. Việc LHQ nhất trí cao trong việc bầu ông lên cương vị lãnh đạo cao nhất của tổ chức này là một minh chứng rõ ràng.--PageBreak--

Nói vậy, không có nghĩa là vị TTK thứ 8 của LHQ không có điểm yếu. Bạn bè thân thiết của ông Ban kêu ca rằng, dường như ông thiếu một chút gì đó tươi tỉnh mà bất cứ một chính trị gia nào cũng cần tới khi tiếp xúc với công chúng. Ông Ban thường rất nghiêm nghị, nghiêm túc và nghiêm chỉnh. Người Hàn Quốc vẫn nói, khi cần thì phải có nụ cười thật niềm nở hiện lên trên gương mặt... Có lẽ trong tương lai gần những nụ cười như thế thật cần với ông TTK LHQ.

Trách nhiệm nặng nề

Nhìn chung, dư luận quốc tế đều ủng hộ ông Ban trở thành vị TTK thứ 8 của LHQ. Tạp chí Pháp "Le Point" cho rằng LHQ đã tìm được "con chim quý hiếm" trong gương mặt ông Ban.

Theo nhận xét của ông Park Soo-girl, một cựu quan chức ngoại giao Hàn Quốc, từng có thời gian không ngắn làm việc với ông Ban, nếu ai cho rằng vị TTK thứ 8 của LHQ "kém năng lực" chỉ vì bề ngoài hiền lành của ông thì người ấy đã sai lầm: "Trong văn hóa phương Đông, sự lãnh đạo được đánh giá theo cách khác. Một người có thể nhìn rất bình thường, song về ý chí, ông ta có sự tin tưởng mạnh mẽ... Diện mạo là một việc, niềm tin vững chắc và sự lanh lợi của ông ta để đưa ra những quyết định "gai góc" lại là một việc khác".

Ngay sau thắng lợi trong vòng bầu thử tại HĐBA LHQ, ông Ban đã tuyên bố: "Nhìn bên ngoài tôi có vẻ như mềm mỏng nhưng tôi có sự cứng rắn bên trong, khi nào cần phải như thế. Tôi đã luôn luôn là người quyết liệt". Tuy thế, ông cũng nhắc lại là ông sẽ không rời bỏ chính sách hiệp thương trong khuôn khổ LHQ. Liệu với phong cách làm việc như thế, ông TTK thứ 8 của LHQ có hoàn thành được sứ mệnh của mình trong công cuộc cải cách đầy phức tạp và rắc rối của tổ chức quốc tế hàng đầu trên hành tinh chúng ta hay không?

Người tiền nhiệm của ông, TTK Kofi Annan, dù đã rất cố gắng nhưng vẫn không chuyển được LHQ thành một cơ quan toàn cầu hoạt động có hiệu quả. Ông Annan cũng đã không làm thay đổi được trình tự bầu TTK hiện hữu, phương thức mà nhiều quốc gia thành viên cho là "tàn dư" của cơ chế cũ với vai trò phủ quyết kéo dài quá đáng của 5 ủy viên thường trực HĐBA LHQ.

Nhìn thẳng vào thực tế, có thể thấy rõ sự không hài lòng với hoạt động của bộ máy LHQ nói chung và của HĐBA nói riêng đang gia tăng trên trường quốc tế. Trong bài phát biểu gần đây nhất trên diễn đàn LHQ gọi HĐBA là cơ quan đe dọa và gây sức ép, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad hiểu rõ điều ông nói và người mà ông muốn nói. Cử tọa chính của ông Ahmadinejad là đại diện của những quốc gia mà gần đây thôi vẫn bị coi là "thế giới thứ ba", và của những nước cộng hòa trước đây thuộc thành phần Liên bang Xôviết hay khối Đông Âu, những nước hiện cảm thấy "khó ở" trong vai trò thành viên tiểu quốc của LHQ.

Đối với họ, có lý nhất vẫn là phải mở rộng thành phần HĐBA với sự góp mặt của những cường quốc mới cũng như thêm các đại diện của châu Á, châu Phi hay châu Mỹ La tinh. Và theo họ, những thành viên HĐBA mới này cũng được quyền phủ quyết như những thành viên "cựu trào". Làm sao để tiếng nói của những nước nhỏ đồng điệu được với những nước lớn một cách hữu lý nhất - đó là nhiệm vụ của vị TTK thứ 8 của LHQ.

Một nhiệm vụ nặng nề. TTK thứ 8 của LHQ sẽ phải chứng minh rằng, ông không chỉ là một người điều hành mạnh mà còn là một vị tướng giỏi trong bộ máy LHQ. Theo đánh giá của nhiều nhà ngoại giao, sau ngày 1-1-2007, vị TTK thứ 8 của LHQ sẽ "không có tuần trăng mật ngọt ngào" mà phải vào trận mới ngay lập tức

Lê Như Hùng
.
.