Tân Tổng thống Indonesia, Joko Widodo: Đi lên từ nghèo khổ

Thứ Tư, 27/08/2014, 08:00
Cuộc bầu cử Tổng thống mới ở Indonesia đã diễn ra ngày 9/7 nhưng phải tới ngày 22/7 mới công bố kết quả chính thức. Và đó đã là một thời điểm căng thẳng trong đời sống chính trị của quốc gia nghìn đảo vì trước đó, cả hai ứng cử viên chính là  Thị trưởng Jakarka kiêm doanh nhân ngành nội thất Joko Widodo và ông Prabowo Subianto đều đã đưa ra những con số thống kê sơ bộ có lợi cho mình. Tuy nhiên, theo kết quả được Ủy ban Bầu cử quốc gia Indonesia công bố tối 22/7, chiến thắng đã thuộc về ông Widodo với 53,3% phiếu bầu, vượt lên trên đối thủ 6%.

Tuổi thơ nghèo khó

Tân Tổng thống Indonesia, thường được dân chúng gọi bằng cái tên Jokowi, sinh ngày 21/6/1961 tại thành phố Surakarta (Solo) trên đảo Java trong túp lều của một gia đình lao động cần lao. Cha ông là thợ tạc tượng gỗ. Thuở nhỏ, cậu bé Joko đã phải học trong trường dành cho các trẻ em thuộc tầng lớp nghèo nhất xã hội. Ngay từ năm 12 tuổi, Joko đã sớm phải học nghề tạc tượng gỗ của bố để giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập. Thậm chí cậu bé còn phải đi bán hàng rong và làm bốc vác ngoài phố...

Vừa học vừa làm nên vị tổng thống tương lai không có nhiều thời gian dành cho con chữ. Tuy nhiên, bản tính sáng dạ đã giúp cho Joko thi đậu vào khoa Lâm nghiệp của Trường Đại học Tổng hợp mang tên Tướng Voi, Gajah Mada, nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của đế quốc Majapahit ở giữa thế kỷ XIV. Đây là học đường lớn nhất quốc gia nghìn đảo tính theo số lượng sinh viên.

Năm 1985, Joko Widodo tốt nghiệp đại học và đi làm cho một hãng  công chế tạo đồ gỗ. Rồi khi cảm thấy đã đủ lông đủ cánh trong nghề, vị tổng thống tương lai ra ngoài lập công ty đồ gỗ riêng. Tài năng quản lý và kinh doanh đã giúp cho người kỹ sư mau chóng thành công. Công ty của ông dần dà không chỉ sản xuất hàng bán trên thị trường nội địa mà còn xuất khẩu ra khắp thế giới...

Doanh nhân làm chính trị

Joko Widodo vốn được coi là gương mặt mới lạ đối với chính trường Indonesia. Khác với nhiều chính trị gia đang đắc chí ở quốc gia nghìn đảo, ông xuất thân không phải từ tầng lớp trên.

Năm 2005, sau gần hai thập niên yên phận làm doanh nhân, Joko Widodo  đã bước vào chính trường và được bầu làm Thị trưởng ở Surakarta. Và ông đã tạo ra được những sự thay đổi lớn ở đây. Nhờ thế năm 2008, Jokowi đã được tạp chí Tempo đưa vào danh sách 10 thị trưởng tiêu biểu trong năm của quốc đảo...

Có hai sự việc nêu rõ hơn cả thái độ của thành phố quê hương đối với Jokowi. Năm 2010, ông lại tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa với hơn 90% số phiếu bầu. Thế nhưng, chỉ tới tháng 10/2012 (trước đó hai tháng, ông đã được giữ chức Thống đốc đặc khu  thủ đô Jakarta). Hai người dân ở thành phố đã kiện ông ra tòa, muốn ông phải bồi thường 343 tỉ rupi Indonesia (tương đương với 35,8 triệu USD) vì tội... đã không ở lại thực thi chức phận Thị trưởng Solo cho trọn vẹn nhiệm kỳ thứ hai như đã hứa. Lý lẽ của nguyên đơn là “chúng tôi không muốn mất một vị thị trưởng giỏi như Jokowi”...

Trong bảy năm làm Thị trưởng Solo, hoạt động ấn tượng nhất của Jokowi là đã làm hồi sinh lại truyền thống Blusukan trên đảo Jawa - đó là những lần bất ngờ vi hành tới các nơi khác nhau trong thành phố để nghe những người dân tâm sự, kêu ca, phê phán về các công chuyện trong thành phố. Thị trưởng Jokowi cũng đưa ra được nhiều quyết định có hiệu quả tốt, như cấm người thân của mình tham gia đấu thầu các dự án công cộng, áp dụng chế độ bảo hiểm y tế đối với mọi công dân trong thành phố, cải tổ hệ thống giao thông với việc đưa vào sử dụng xe bus và tàu điện hai tầng... Jokowi đã thực hiện thành công với chính sách đường thông hè thoáng, không cho những người bán hàng rong bao vây khu vực xung quanh các trung tâm thương mại và xóa bỏ các khu ổ chuột, đưa các cư dân ở đó đến sống tại các tòa nhà tái định cư... Chính những nỗ lực của Jokowi, được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, đã giúp ông ngày 20/9/2012 được bầu làm Thống đốc đặc khu thủ đô Jakarta.

Cũng trong năm 2012, nhờ những hoạt động ở Solo mà Jokowi được xếp vào vị trí thứ ba của giải thưởng Thị trưởng tiêu biểu trên thế giới trong năm với thành tích đã “chuyển một thành phố mà tội phạm từng hoành hành thành một trung tâm khu vực về văn hóa nghệ thuật và một thành phố hấp dẫn đối với khách du lịch Anh”...

Tại Jakarta, hoạt động của vị Tổng thống tương lai lại diễn ra theo đúng hướng những gì mà ông đã làm tại thành phố quê hương. Ông tiếp tục các cuộc vi hành để hiểu rõ hơn thực trạng xã hội và giải quyết “nóng” những vấn đề cấp bách. Ông đưa ra các bản hợp đồng đấu thầu minh bạch với chi phí công, tổ chức đấu thầu điện tử và thanh toán tiền thuế online, tích cực triển khai các hoạt động phòng ngừa lũ lụt và giải quyết các vấn đề giao thông ở đô thị lớn bậc nhất đất nước nghìn đảo... Ông cũng cố gắng thực hiện chính sách giáo dục miễn phí và bảo hiểm y tế cho những người nghèo ở thủ đô.

Năm 2012, trong cuộc bầu cử Thống đốc Jakarta, Jokowi đã thử sức với vai trò ứng cử viên của đảng Dân chủ đấu tranh Indonesia (PDI-P) theo một mô thức tương đối mạo hiểm: ông liên danh với ứng cử viên Phó Thống đốc  thuộc đảng Gerinda (Phong trào vì Đại quốc Indonesia) là thương gia gốc Hoa, Basuki Tjahaja Purnama. Vấn đề không chỉ ở gốc gác dân tộc của ứng cử viên này, vốn không được ưa chuộng lắm đối với giới bình dân Indonesia, mà còn ở tín ngưỡng Thiên chúa giáo mà ông này theo (tại Indonesia, hơn 90% dân số theo Hồi giáo).

Khi đắc cử Thống đốc Jakarta, Jokowi vẫn tiếp tục thể hiện sự khoan dung về sắc tộc và tôn giáo của mình. Và ông đã đưa một nữ tín đồ Thiên chúa giáo lên làm trưởng một quận ở khu vực phía nam Jakarta...

Nói và làm

Chương trình hoạt động của Jokowi trong quá trình vận động bầu cử Tổng thống vừa qua không tập trung trong một văn kiện cụ thể nào. Các biện pháp mà ông thực hiện được đưa ra trong các bài phát biểu  của ông và những tuyên bố của các cố vấn. Khác với ứng cử viên Probowo, người đưa ra át chủ bài là việc trợ cấp giúp đỡ các tầng lớp bần cùng trong xã hội, Jokowi chủ trương nói về việc trực tiếp tăng mức lương tối thiểu (như ông đã từng làm sau khi giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Thống đốc Jakarta). Chính trị gia hay bị các đối thủ buộc tội “mị dân” này luôn biết cách phát biểu bằng thứ ngôn ngữ giản dị dễ hiểu đối với quần chúng: ông hứa nếu chiến thắng sẽ ngay trong 100 ngày đầu tiên làm Tổng thống ký bốn sắc lệnh làm đơn giản hóa các thủ tục hành chính quan liêu, bãi bỏ nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp...

Trong cuộc gặp gỡ với các doanh nhân hàng đầu đảo quốc hồi tháng 5 vừa qua, ứng cử viên Jokowi đã nói về dự định từ bỏ trợ giá của chính phủ đối với nhiên liệu và đưa nguồn tiền này (17,7 tỉ USD trong ngân sách năm 2014) để phát triển hạ tầng cơ sở. Theo nhận xét của công ty đầu tư hàng đầu ở Indonesia CLSA, đơn vị tổ chức cuộc gặp gỡ trên, “nền tảng chương trình tranh cử của ông Joko Widodo nhằm theo hướng thị trường, chú trọng phát triển các nguồn lao động bằng cách cải thiện tình hình giáo dục, cải cách hành chính, xây dựng hạ tầng cơ sở và khuyến khích  đầu tư vào ngành năng lượng”... Tuy nhiên, trong quá trình vận động tranh cử, càng ngày các lập luận của ứng cử viên Jokowi càng tiến lại gần với những gì mà đối thủ của ông cũng nói. Bởi lẽ cả hai đều chủ trương xem xét lại chính sách đối với các nguồn đầu tư từ bên ngoài, bởi lẽ các nhà đầu tư ngoại quốc chủ yếu tung tiền vào lĩnh vực khai thác tài nguyên, vốn không tạo ra nhiều việc làm và chỉ quan tâm hơn cả tới những món lợi nhuận cao nhất...

Để tranh thủ giới quân sự, Jokowi cũng đã hứa sẽ tăng chi phí quân sự của Indonesia lên tới mức 1,5%  GDP...

Theo Ủy ban Bầu cử Indonesia, trong cuộc bầu cử ngày 9/7, Jokowi đã giành thắng lợi ở 23 trên tổng số 33 tỉnh của đất nước nghìn đảo. Trong bài phát biểu chào mừng thắng lợi ở Jakarta vào tối 22/7, ông đã nhấn mạnh rằng, thắng lợi bầu cử của ông là chiến thắng của tất cả đất nước Indonesia: “Đây là chiến thắng cho mọi người dân Indonesia. Với ý nghĩa này, tôi kêu gọi người dân trở lại với một Indonesia thống nhất”...

Lễ nhậm chức chính thức Tổng thống của Joko Widodo sẽ chỉ diễn ra vào tháng 10 tới. Khi đó, vị Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Indonesia, đắc cử qua bầu cử trực tiếp, Susilo Bambang Yudhoyono, sẽ bàn giao lại chính thức thẩm quyền nguyên thủ quốc gia cho người kế nhiệm. Chính vì thế nên chỉ có thể sau vài tháng nữa người ta mới biết được đích xác những gì mà chính trị gia xuất thân bần cố nông, trong vòng chưa đầy một thập niên từ một doanh nhân bình thường trở thành Tổng thống đất nước đông dân thứ tư trên thế giới, sẽ làm...

Hoàng Anh Tuấn
.
.